Hồi ký NSƯT Thành Lộc - Lòng son trong tôi đôi lúc cũng mỏi - Tạp chí Đẹp

Hồi ký NSƯT Thành Lộc – Lòng son trong tôi đôi lúc cũng mỏi

Review
Vào ngày 6/1/2015, NSƯT Thành Lộc đã ra mắt tự truyện “Tâm Thành và Lộc Đời” với sự chấp bút của nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc. Đây là quyển sách đầu tiên mà Thành Lộc kể về cuộc đời mình. Sách thu hút được sự quan tâm của đông đảo nghệ sĩ, giới truyền thông và người hâm mộ.

Được sự đồng ý của NSƯT Thành Lộc, Đẹp Online xin được trích đăng hai chương trong quyển hồi kí này.

Đọc chương 8 của tự truyện tại đây.

Chương 9: Tỏa
Gần đây khi nhận lời tham gia những game show với tư cách giám khảo, có ít nhiều khán giả cực đoan cho biết họ không muốn tôi chường mặt ra nhiều, như là muốn giữ sự bí ẩn của tôi chỉ dành riêng cho sân khấu. Nếu không tìm được một giá trị tích cực nơi việc đó, tôi đã không dám nhận lời. Ví dụ, cuộc thi Việt Nam Got Talent với tôi đã mang giá trị tích cực và tính nhân văn cao khi khơi dậy khả năng tiềm ẩn của nhiều tài năng chưa phải là chuyên nghiệp. Khi tự tin phô diễn, bất chấp sự khiếm khuyết của họ như thiếu tay, vẹo chân, chưa được đào tạo bài bản, gần như thí sinh nào cũng có khả năng đem lại niềm vui cho người khác. Chưa đặt vấn đề bình phẩm khen chê, hay dở, nhưng thật sự những thí sinh và những chương trình loại nầy đã động viên rất nhiều những người có tiềm năng mà chưa đủ tự tin vào mình.

Hiện tại, tôi ít khi suy nghĩ dài dòng. Chỉ mong còn được là ta. Việc hằng đêm cứ làm. Xưa, cứ thích làm diễn viên. Các đạo diễn mời tôi tham gia thường có lợi, Nhiều diễn viên có tật thích lấn sân của đạo diễn, hay ỷ tài diễn của mình rồi hù đạo diễn. Hồi mới cộng tác với nhau, nhiều đạo diễn trong đó có đạo diễn Trần Minh Ngọc cứ ngại tôi sẽ gây khó khăn nhưng thực tế cho thấy tôi chỉ dùng tư duy và kinh nghiệm diễn viên của mình để giúp đạo diễn thể hiện đúng ý tưởng mà người đó muốn làm. Vở Chuyện Văn Chương, trước khi mang về sân khấu IDECAF, đã có một nhóm diễn viên bên trường Sân khấu làm với thầy Trần Minh Ngọc, nhưng hình như chưa diễn được xuất nào. Phải nói nhờ Chuyện Văn Chương trên sân khấu Idecaf đã góp phần giúp tôi nhận được giải Cù Nèo Vàng. 

Anh thử hình dung lúc về già mình sẽ thế nào?
– Lùn hơn bây giờ thêm một chút, đầu hói, anh vẫn mặc lịch sự đúng mốt dành cho người già, tính tình vẫn ương bướng nhưng vui vẻ cởi mở hơn và đặc biệt hát, diễn xuất vẫn còn hay như ngày nào.
Thành Lộc – người “tâm Phật khẩu xà”
(Theo Thế Giới Nghệ Sĩ)
Nói chung, tôi chưa làm cho đạo diễn nào thất vọng – mà chỉ có ngược lại. nhiều đạo diễn làm chứng cho điều nầy. Ngay từ lúc học trong trường, việc có tôi tham gia thường bảo đảm chất lượng cho bài thi (dù cũng có dư luận là tôi nhào ra làm hết). Dần dà, nghề dạy nghề, càng cọ xát với nghề, càng biết mình có cái đầu của một đạo diễn. Khi cùng với anh Việt Anh dựng và làm luôn vở Con Vịt Mồi để tốt nghiệp đạo diễn cho anh, tôi cũng lãnh dựng vở Lôi Vũ cho các em (có nhiều em đã thành danh như Hoàng Trinh, Hương Giang, Mai Hoa, Minh Trí, Anh Vũ…). Tưởng việc dàn dựng khó lắm. Khi làm xong, nhiều người công nhận khả năng làm đạo diễn của tôi. Sau nầy, về sân khấu của mình, khi có điều kiện, tôi đã dựng vài vở, trong đó thì Bí Mật Vườn Lệ Chi và Ngàn Năm Tình Sử là hai vở mà tôi đặc biệt yêu thích. Và tôi tin khán giả cũng vậy.
Đã từng là người gặp trắc trở thời vào đời, tôi chủ trương nâng đỡ tối đa những người có thực tài. Có những diễn viên, không nổi bật ở sân khấu khác, nhưng khi về với sân khấu Idecaf chúng tôi, mới có cơ hội đánh bóng tên tuổi. Có người còn được trở thành công chúa. Tiếc là khi có chỗ đứng rồi, lại quên nhanh thời khó khăn của mình để “gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra”. Nhiều người cứ kêu sao nghề nầy bạc bẽo quá. Sao không thử ngó lại xem có thật là chính mình có góp tay vào việc gây nên phận bạc ấy không?
Dù lòng son trong tôi đôi lúc cũng mỏi, nhưng trong tôi dường như vẫn còn đầy nhiệt huyết để theo nghề. Có lẽ nhờ những thông tin tích cực vẫn liên tục gửi đến từ những khán giả vô danh đã giúp tôi thắp lửa yêu nghiệp, yêu đời.
Trong tương lai, tôi vẫn mong mình có hạnh phúc được thưởng thức món ăn tinh thần như mình muốn. Cứ đi diễn cho đời coi, rồi ai diễn cho mình coi đây? Thèm biết bao được xem những tác phẩm hoàn toàn thoát khỏi yếu tố giải trí, dạng như các tác phẩm của Ea Sola. Lý tưởng biết bao nếu vừa làm nghệ thuật, vừa thoả được tính giải trí để kéo dài tuổi thọ cho tác phẩm, đưa điều mình thích đến được nhiều người mình yêu hơn. Với tư cách nhà sản xuất, để việc nầy xảy ra mới khó, làm được những tác phẩm như mơ để mình – với tư cách là khán giả – được xem càng là chuyện khó bội phần. Khi đi xem những tiết mục múa đương đại của Tấn Lộc và bạn bè, những vở diễn như Sương Sớm, Chuyện Kể Những Chiếc Giày, À Ố Show, Làng Tôi… về mặt khán giả, tôi rất cảm ơn những thành viên giúp cho tác phẩm ra đời, về mặt đồng nghiệp, tôi trân trọng sự hy sinh của những người can đảm. 
Đến chặng đường hôm nay, từ một người mê nghề vì kịch Bắc, giờ có dịp ra Bắc hay nhìn dòng kịch Bắc mờ nhạt vào Nam, tôi lại thấy bị xúc phạm lớn khi có ai chê kịch miền Nam của chúng tôi không được trí tuệ lắm. Dĩ nhiên, trong môi trường trăm hoa đua nở, cũng có những vở kịch không được gọi là tác phẩm. Nhưng không thể vì vậy mà coi thường những vở diễn nói về số phận của những con sâu, cái kiến để rút ra từ đó những bài học nhân sinh. Tôi thà trút năng lực mình vào những vở diễn dung dị đó, còn hơn là bỏ dở đi xem những vở rao giảng lý thuyết như muốn la làng nước ơi, chúng tôi là trí tuệ đấy nhá, đến mà nghe những ý thông thái để tập sống noi theo.
Thời gian bị cấm diễn ở trung tâm, phải dạt ra ngoại ô đi tấu hài kiếm sống với anh Duy Phương, mặt tôi cứ dàu dàu khiến anh theo hỏi riêng, anh có làm gì khiến em giận không mà ngó buồn quá vậy. Tiền thì anh luôn trả đủ. Thậm chí tôi rất quý đồng tiền đó vì nhờ nó mà trong thời gian mình thất nghiệp, tôi vẫn có thể làm việc và đóng góp cho gia đình bình thường như trước kia.Tôi ý thức rất rõ rằng, tuy khả năng của mình dư sức làm, nhưng vô cùng khó khăn khi không có cảm hứng nghệ thuật. Tôi nhủ mình: chỗ của mình không là nơi đó. Tới hôm nay, ghi chép những dòng nầy, chợt nhận thức hoá đã từ lâu, mình có một mối tình lớn đến độ đôi khi lỗi đạo với cả gia đình và bản thân. Nàng ấy mang tên Nghệ Thuật. Nói như chị Kim Cương, Nàng là người tình cả ghen.
Lịch làm việc một ngày của tôi hiện có lúc đều đặn như công chức, cũng có lúc tôi thưởng mình đôi chút rong chơi sau khi nói không với vài dự án mà tôi không thấy thú vị lắm. Xưa, vì muốn thử đi diễn ở nước ngoài để biết sân khấu nước ngoài tiến đến đâu, kẻo bị lạc hậu so với mặt bằng thế giới chung quanh, tôi đã phải diễn ở Âu Châu những nơi mà khán giả cũng là thực khách, vừa ăn vừa coi. Sau nầy tôi từ chối hết những chuyến đi loại đó. Dĩ nhiên, đi diễn ngoài Việt Nam không chỉ tuyền bị như vậy. Chuyến mang vở Ông Jourdan ở Sài Gòn đi sang Pháp lưu diễn cùng Kim Tử Long, Ngọc Huyền, Hồng Dung và đạo diễn Trần Minh Ngọc là một trong những chuyến đi để làm nghề và cũng là để giao lưu văn hoá đúng nghĩa. Đó là lần đầu tiên tôi cộng tác với sân khấu nước ngoài, diễn ở nhà hát Cergyse Pontoise. Vở diễn chính thức công diễn vào năm 1994. Nhưng từ giữa năm 1992 đã bắt tay vào tập luyện. Riêng vé chương trình biểu diễn của nhà hát từ năm 1993 đã được công bố. Áp phích, panô… áo pull có in tên vở diễn đã được bán đầy ở Paris từ trước cả năm. Đó là một dây chuyền kinh doanh quảng cáo khép kín mà chưa một nhà hát nào ở Việt Nam làm được. Một điểm đáng chú ý, các vở diễn ở Pháp không bao giờ phải phúc khảo. Mỗi nhà hát tự chịu trách nhiệm hoàn toàn về kịch mục của mình. Ở vở nầy, tôi học thuộc lòng lời thoại rồi… nói tiếng Pháp nhuyễn tới độ một khán giả Pháp đến hỏi chuyện chúng tôi. Dĩ nhiên là tôi ngọng, vì chỉ thuộc bao nhiêu đó.
Missing Woman tức Người Đàn Bà Thất Lạc (tác giả và đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc) được diễn 12 xuất, bằng hai thứ tiếng Việt và Anh ở sân khấu Off-off Broadway tại New York cũng thuộc loại đó. Ở vở nầy thì tôi không phải nói tiếng Anh. Ở một lớp diễn, tôi đề nghị đạo diễn cho tôi đổi, để chị Ngọc Đáng đóng Tiết Giao còn tôi đóng vai Hồ Nguyệt Cô. Khi ông chồng đi kiếm vợ, miệng hỏi, ai khiến em bỏ đi, Hồ Nguyệt Cô nhập hồn vào ông chồng, tự chỉ mặt chính mình, nói: “Chính anh!”. Một đạo diễn Mỹ gốc Á, người chỉ đạo nghệ thuật của nhà hát Pan Asian, sau khi xem tôi diễn đã thốt lên: Không gì hạnh phúc bằng được xem một nghệ sĩ “điên” hơn mình. Có những khán giả tri kỷ cùng cả nhà từ tiểu bang khác, bay bao nhiêu dặm chỉ để được xem vở đó. Họ khiến tôi mang cảm giác mình được sinh ra để làm chuyện nầy, và nếu như tôi có thế nào, chính họ chớ không ai khác đã truyền sang cho chúng tôi nhiệt huyết để có thể tái sanh nhiều lần và dành trọn đời phụng hiến cho người tình mang tên Sân Khấu.
Đó là loại tác phẩm chúng tôi có thể mang ra nước ngoài để giới thiệu văn hóa Việt. Nhưng khi khách nước ngoài tới Việt Nam, cần xem sân khấu, chúng tôi biết giới thiệu cái gì cho họ xem đây. Có những vở chúng tôi đầu tư tâm huyết như Bí Mật Vườn lệ Chi hay Ngàn Năm Tình Sử thì không dễ được công nhận, và không phải lúc nào cũng có thể sáng đèn, đến với tri âm. 
Mà nói đến tri âm, thì đây là chuyện vô cùng và gần như không cắt nghĩa được bằng lý trí. Tất cả còn tuỳ thuộc vào một không gian, một thời gian nào đó để được cho ra một tâm cảnh thích hợp, một tần số trùng nhau. Trong chương cuối cùng của những ghi chép này, để gần gũi hơn với bạn, với các bạn, tôi sẽ ghi chép lại suy nghĩ của tôi về vài người mà tôi từng ngưỡng mộ, vài người tôi đã làm việc chung rồi phải chia tay.
Trước 1975, tôi đã từng sợ vì chưa cảm được tiếng hát của một danh ca được mệnh danh là tiếng hát vượt thời gian. Chẳng hiểu sao mà sau đó, tôi chợt khóc rưng rưng khi được nghe tiếng hát của cô. Tới độ tôi chỉ muốn kêu lên má ơi, ở đâu mà ra được cái giọng hát như lấy hết gan ruột của người ca nhét vào lòng dạ người nghe. Có lẽ do vào lúc bấy giờ, tôi bị nghe tiếng hú hét nhiều hơn là tiếng hát. Và nữa, trong giai đoạn đó, để sưu tầm được loại âm nhạc của Con Người kiểu nầy, là một việc làm vô cùng gian nan.
Nhìn lại, những người tôi ngưỡng mộ đa phần là phụ nữ. Tôi vừa kể cho các bạn nghe về tiếng hát vượt thời gian của ca sĩ Thái Thanh. Các nghệ sĩ bên điện ảnh tôi cũng rất quý là Kiều Chinh, Trà Giang. Chị Như Quỳnh thì trong phim Lời Nguyền Huyết Ngải thường lặng lẽ ngồi đợi một góc, chờ đến phiên mình xuất hiện loáng thoáng ở phía sau các nhân vật chánh, đôi khi để chỉ nói một, hai câu. Vậy mà lúc nào chị cũng đúng boong từ sáu giờ sáng đến sáu giờ tối, không một tiếng kêu ca. Thỉnh thoảng nghe tiếng than của các diễn viên trẻ, trời ơi, mệt quá, chết rồi, là chị chỉnh ngay, ơ hay, đi làm việc mà than mệt là thế nào? Thái độ làm việc rất tự trong ấy đã truyền sự tự tin lớn cho những người làm việc chung. Nếu ai cũng thấm được ít nhiều tác phong của những nghệ sĩ thuộc thế hệ vàng như chị thì coi như phước lớn cho nghề.

Sân khấu và điện ảnh là hai nghệ thuật tổng hợp rất cần tính kỷ luật cao thì mới vận hành tốt được. Tôi rất quý những bạn thu xếp cho chu toàn cả hai, và mạnh dạn từ chối bớt một nếu nhắm không kham nổi. Các bạn trẻ như Đình Toàn, Lê Khánh, Đại Nghĩa, Hoàng Trinh, Hương Giang… đã làm được chuyện đó. Chúng tôi rất chống kiểu làm việc chụp giựt, chưa đủ quá trình ngấm nhân vật vì mải miết chạy show, làm việc qua quýt vài bữa, rồi nhảy đại vào vai diễn. Biết rằng nhiều diễn viên bây giờ không hành nghề vẫn sống, biết rằng rất khó tìm lại không khí nghệ thuật ngày xưa, nhưng tôi vẫn cố hết sức gìn giữ trong sức của mình với những ai còn tha thiết với nghề. Vì Bạn, các khán giả tri âm, và vì chính chúng tôi nữa.

Là người, ai cũng có khát vọng vươn lên những điều cao đẹp. Nhiều người trách tôi sao không dạy học trò. Tôi lại nghĩ mình có cách truyền đạt riêng, cũng như có cách chỉ đạo nghệ thuật tế nhị, tránh sự thô bạo để không làm tổn thương đến sự độc lập của cac nghệ sĩ cộng tác, dù đó là người lớn hay nhỏ hơn mình. Cạnh tranh nhau là quy luật để thúc đẩy chất lượng. Đó là điều cần để đưa mọi thứ tốt hơn. Với loại hình nghệ thuật cần sự đồng hành của một nhóm đồng tâm đồng lực rất dễ mang tiếng vây bè kết cánh. Tôi đã từng là nạn nhân của sự bè cánh, luôn ý thức tệ nạn nầy đã gieo khổ ra sao, nhưng làm sao tránh khỏi những điều tiếng, trong đó có ít nhiều vu khống. Khi bất bình nóng giận, dễ buông ra những lời không đẹp về nhau. Từ ba tôi, tôi nhận ra, để sống cái đời của một nghệ sĩ, một trong những đức tính quan trọng mà người nghệ sĩ cần có và cần học hỏi là Bao Dung.

Bên cạnh những danh hiệu đời gắn vào tôi như Phù Thuỷ, Danh Hài, tôi chỉ rất muốn được mọi người nghĩ về mình đơn giản thôi: Tôi Là Một Nghệ Sĩ. Khi gắn chữ Sĩ vào mình, có những điều không thể thiếu, theo tôi đó là đức độ, tài năng, tri thức. Mà tri thức kiểu như thế nào là chuyện vô bờ bến, nhất là trong thời đại toàn cầu hoá, gõ một chữ vào Google là có biết bao điều để bạn có thể gạn lọc ra những gì cần và đủ để tự trang bị cho mình. Thời thế nầy cũng xuất hiện nhiều loại nghệ sĩ con buôn cũng như nghệ sĩ lưu manh. Họ xuất hiện tràn lan như thời dân cá đá lăn dưa tràn đầy chốn chợ, sẵn sàng đâm vào lưng đồng nghiệp, thậm chí lứa đi trước mình, như trong vở Trương Chi của soạn giả Hoa Phượng. Theo ông, Trương Chi trước đây rất đẹp trai. Muốn ngăn mối tình khác giai cấp giữa Trương Chi và con gái mình, Quan thuê dân giang hồ thanh toán Trương Chi. Yêu tiếng sáo của chàng, giang hồ từ chối. Chỉ một tay thiến heo nhận lời của Quan. Tài thổi sáo của hắn chưa đạt chất nghệ, chỉ đủ phục vụ việc thiến heo. Hắn xin làm đệ tử Trương Chi rồi nhân khi thầy sơ ý, hắn rút con dao lá liễu giấu trong ống sáo ra rạch nát mặt thầy.

Có một diễn viên trẻ, mới có vài vai coi được đã nghênh ngang tuyên bố đếch biết Trà Giang là ai. Theo đà nầy, chắc rồi sẽ có một lớp diễn viên mới nữa, không biết bác Ba Vân, má Bảy Phùng Há là ai. Nhưng tôi tin là những nghệ sĩ đích thực có lòng tự trọng sẽ không khỏi chạnh lòng trước loại diễn viên nầy. Đó là một hiện tượng cần gióng lên tiếng chuông báo động. Phải chăng Nghệ Sĩ đã như một vật trang sức cho đời và nay đang bị đề mốt, lỗi thời? Phần tôi, tôi chỉ muốn tìm một định nghĩa về mình. Có lẽ đơn giản, tôi chỉ là Thành Lộc, một nghệ sĩ như tên mình, đến trong đời nầy với Tâm Thành, mong mang chút tài năng của mình đến với khán giả như để tặng Lộc cho đời. Rồi có được đời nhớ, hay sẽ bị người phũ phàng quên, thì cũng là hên xui của số mệnh.
Năm 2014, cạo tới cạo lui mái tóc để đóng vai ông Kẹ, thấy rõ kiểu gì đi nữa, Phù Thuỷ cũng không thể nào thành Phật, dù trong truyện xưa, có những tướng cướp buông dao là đủ thành Phật rồi. Khi dùng chữ Phù Thuỷ cho tôi, đúng là các bạn đã hào phóng lời khen. Tôi cho là mình đã may mắn khi cơ thể nầy đã hoá thân được thành nhiều loại vai, lứa tuổi khác nhau. Có phải bắt buộc làm kép chánh đâu, cứ vầy là cũng đã lý tưởng cho tôi lắm rồi. Tôi biết có vài người cùng thời với mình, được lợi điểm ngoại hình hơn, đàn ông hơn, hiện đã và đang sống trong lãng quên, không còn toả sáng. Biết đâu khi cao thêm nửa tấc, Thành Lộc sẽ đẹp trai hơn, rồi bị phụ nữ theo rần rần, rồi sống rất tệ chớ đâu được như bây giờ.
Biết được điều đó, và biết cái tình của khán giả trao cho mình quá nhiều, càng ngày, tôi càng thấy sứ mạng của mình nặng lắm. Nhất là khi có vài vai diễn của tôi khiến khán giả sống tốt hơn. Thôi thì cũng vui vì trên vai mình cũng còn sứ mạng để sống và làm. Bạn nên biết là Thành Lộc cũng thích ăn nói tục tằn, thích được chửi thề để xả phần nào những áp lực công việc không chia được với ai, cũng rất mê làm những việc rất Con Người, cũng thích yêu đương, dù lăng nhăng hay nghiêm chỉnh, thích hưởng thụ, sân si. Sẽ có bạn hỏi tôi, trời, nghệ sĩ chớ có phải thầy tu đâu mà né mấy chuyện trên. Đó cũng là cảm giác của tôi khi nhìn xuống  khán phòng thấy có những chú tiểu hay thầy tu bận quần jeans, đội tóc giả, đi xem kịch và cười lớn, thậm chí khóc thầm. Vậy đó, thầy tu có thể còn để lục dục thất tình xâm chiếm, nhưng tôi không phải thầy tu cớ sao khổ hạnh còn hơn. Cuộc sống còn mở ra, rộng đến vô biên, trên đường đi, nếu như tình cờ gặp nhau, xem nhau, có yêu tôi cách mấy xin cũng đừng đòi hỏi tôi nhiều về đời riêng. Bạn chỉ nhớ giùm, con người thường không hoàn hảo, chỉ là cố vươn tới mức độ hoàn hảo nào mà mình có thể, về mặt nhân cách cũng như tài năng. Hãy nhớ là tôi luôn ý thức mình là người của công chúng. Và luôn tự hứa, dù có thế nào cũng không được đánh mất mình.
Giờ thì tôi tạm an tâm về mình. Hiểu được rằng nếu mình không điên, chưa chắc khán giả còn thích mình đứng trên sân khấu. Nhưng tôi cũng chuẩn bị một tâm thế an nhiên thoải mái của một  ngày hết làm nghề diễn, mình cũng có thể kiếm một nghề lương thiện để đi làm như đi bưng cà phê. À, mà mình cũng có thể vừa bưng cà phê vừa diễn. Các vở kịch hiện đang được diễn ở vài quán cà phê nơi đây, tôi biết nhưng chưa được xem. Bạn có biết là tôi từng có một giấc mơ, cùng với năm hay sáu diễn viên thiện chiến, như một gánh hát rong, tháng thì hợp đồng với quán cà phê nầy, tháng nhảy sang nơi khác, khán giả có yêu thì đi theo. Ý tưởng đó hình thành đã lâu, khi chúng tôi ngồi ở khoảng sân tại quán cà phê sân vườn im vắng mang tên Serenata – Khúc Ban Chiều. Bàn với chủ quán, sao mình không tổ chức kể một câu chuyện, một điều ngẫu hứng nào đó, hoặc tụ tập chỉ một khắc giờ, nhảy múa hát ca, hay như kiểu ca múa trong kịch Noh, rồi giải tán. Nhưng ý tưởng nầy bị can ngăn ngay với thắc mắc rằng sẽ khó mà phúc khảo. Chàng chủ quán lãng mạn nay cũng phải trả quán lại cho người khác.
Tôi thì vẫn đang mai phục vài cơn điên khác. Sẽ có cơn điên được ra đời. Cũng sẽ có không ít những cơn điên bị chết non trong ý tưởng. Những ghi chép nầy cũng là một cơn điên mà không biết khi đến tay các bạn sẽ rơi rụng còn được bao nhiêu. Bên cạnh những người thích chắc cũng sẽ có vô số những người không thích. Biết sao giờ khi khái niệm BẠN – khán giả và độc giả của tôi – vô cùng đa dạng, phong phú, bát ngát, bao la. Tôi sẽ bực lắm, nếu vì lý do an toàn, nhiều đoạn trong cuốn này sẽ phải cắt đi; bằng để nguyên, thì cảm giác bực bội chắc sẽ là của ai đó.
Nhiều người sẽ dùng những dòng cuối này để cảm ơn cuộc đời, cám ơn tổ nghiệp, cám ơn gia đình và ân nhân, thân hữu gần xa. Tôi nghĩ mình cám ơn nhiều bằng cách diễn và điên hằng đêm, trong các phân đoạn phim, trong các tác phẩm sân khấu của mình và đồng nghiệp.
Rồi cơn điên của một gã có tên là Thành Lộc, trong vở kịch đời trường thiên đại ảo mộng nầy sẽ còn kéo dài thêm được bao lâu? Loại câu hỏi nầy, tôi và bạn, chẳng ai trả lời được. Chúng ta hãy tiếp tục sống, điên, nuôi mộng, và chờ.

NSƯT Thành Lộc sẽ có năm buổi ra mắt sách tại năm thành phố:

– 14 giờ ngày 20/1 tại Bookcafe Phương Nam Vincom Tp.HCM (TTTM Vincom, 72 Lê Thánh Tôn, Q.1).
-14 giờ ngày 24/1, tại Bookcafe Phương Nam Cần Thơ (6 Hòa Bình, P. An Cư, Q. Ninh Kiều).

-14 giờ ngày 31/1, tại Bookcafe Phương Nam Nha Trang (17 Thái Nguyên, P. Phước Tân).. 

– 14 giờ ngày 7/2, tại Bookcafe Phương Nam Phú Xuân (131 – 133 Trần Hưng Đạo)

– 14 giờ ngày 14/3 tại Bookcafe Phương Nam, Đà Lạt (18-20 Khu Hòa Bình) vào ngày 14/3.

 Trích Tự truyện của NSƯT Thành Lộc – “Tâm Thành và Lộc Đời”

logo

Thực hiện: depweb

20/01/2015, 23:23