Hoa hậu Ngọc Khánh: “Chồng tôi từng... gửi quà cưới cho tôi” - Tạp chí Đẹp

Hoa hậu Ngọc Khánh: “Chồng tôi từng… gửi quà cưới cho tôi”

Giải Trí

Tôi phải là một cái “móng vuốt bọc nhung”

– Vậy là cuối cùng chị cũng đã tìm được hạnh phúc mới cho mình ở trời Tây. Anh ấy… ở đâu ra vậy? 

– Chúng tôi biết nhau từ năm 1999, cả trước khi tôi lấy chồng lần đầu, khi anh ấy làm cho một công ty chuyên về PR và tổ chức sự kiện tại Việt Nam, trong một lần tôi được mời dẫn chương trình, đồng thời là gương mặt đại diện. Anh ta đến và nói chung là bị “sét đánh” ngang tai, xui vậy đó! (cười). Qua hôm sau tôi nhận được điện hoa, và tên người tặng được ghi là: “Người hâm mộ bí mật”. Thú thật là thời điểm đó tôi có nhiều người hâm mộ lắm nên chẳng mấy quan tâm. Chưa kể, trong đầu tôi lúc đó chưa từng có ý nghĩ sẽ lấy một người ngoại quốc, mà ưu tiên số một bao giờ cũng là đàn ông Việt, vì tôi nghĩ cùng ngôn ngữ, cùng văn hóa…, chắc sẽ dễ đồng cảm hơn…

Cuộc đời hai đứa cứ thế trôi qua nhau như hai đường thẳng song song, cả anh và tôi đều có người yêu, chỉ năm thì mười họa mới liên lạc một lần, rồi sau đó tôi lên xe hoa. Cùng thời điểm, anh về lại Mỹ, trước khi rời đi, anh hẹn tôi ăn một bữa cơm chia tay, như giữa những người bạn, và không quên… gửi quà cưới cho tôi.

Đến năm 2010, khi nghe tin tôi qua Mỹ học, anh ghé thăm và hỏi về biến cố mà tôi vừa gặp phải. Thật ra lúc ấy anh đang tính định cư lâu dài ở Tây Ban Nha cùng mẹ, và chỉ định ghé về Mỹ có việc, nhưng rồi sau cuộc gặp đó, anh lập tức xách va li trở lại Mỹ và quyết không để lạc tôi thêm lần nữa…

– Tán một hoa hậu mà chỉ bằng một bức điện hoa thì… “lỡ đò” là chắc!

– Ừ, tôi cũng từng thấy buồn cười vì điều đó, và không khỏi tự hỏi: Ơ sao anh này lạ nhỉ, với bạn bè chơi chung thì luôn bắn tin là rất quý và thích cô này, nhưng lại chẳng thấy tấn công gì cả! Về sau truy vấn thì anh ta khai rằng: “Anh nghĩ đấy chưa phải là thời điểm vàng, chưa phải lúc…”. Quyết định xách va li sang Việt Nam vào năm 1995, khi vừa tốt nghiệp chuyên ngành Việt Nam học ở trường Đại học Boston, đến thời điểm gặp tôi vào 4 năm sau đó, Attilla mới chỉ là người bắt đầu, nên anh chưa có đủ tự tin…

– Từng “ưu tiên trai Việt”, vì hy vọng có được sự đồng cảm dễ dàng hơn, vậy với “trai Tây”, chị có gặp khó khăn trong việc “bắt sóng”?

– Tiếng là Tây nhưng Attilla có khi còn “Việt” hơn cả người Việt vì nói tiếng Việt rất tốt và đặc biệt là rất am tường văn hóa Việt. Để tìm hiểu về Việt Nam, Attilla đã thực hiện hơn 200 chuyến du lịch dọc theo dải đất hình chữ S, từ vùng cao cho đến đảo xa, bằng đủ loại phương tiện, trong đó có những vùng hẻo lánh đến nỗi chính tôi cũng chưa từng đặt chân đến. Anh ấy từng đến Côn Đảo khi chưa có khách du lịch nước ngoài nào có dự định đặt chân đến, từng đi câu mực và uống rượu đêm với dân chài… Thực sự tôi rất ấn tượng về cách anh bày tỏ tình yêu với mảnh đất đã sinh ra tôi…

– Vậy điều anh ấy biết về cô hoa hậu Ngọc Khánh là gì, trước khi được làm chồng cô ấy?

– Chẳng biết gì cả, chỉ có hai chữ: “Ôi xinh!”. Giờ về một nhà rồi thì chỉ còn nước kêu trời: “Ôi giời ơi, xem này, giờ thì mới lộ nguyên hình!”. Vì trước đó tôi đâu dại gì lộ ra. Tôi phải là một cái “móng vuốt bọc nhung” chứ! (cười)

Nơi tôi sống rất hợp để “dưỡng thương”

– Nghe nói lúc này chị sống ở trang trại? Rời bỏ showbiz Việt và môi trường làm báo sôi động, chị có từng bị sốc?

– Điểm đến đầu tiên của tôi là thành phố San Francisco xinh đẹp và nhộn nhịp, nơi tôi hoàn tất khoá học Kinh doanh thời trang (Fashion merchandising). Đùng một cái, bố chồng tôi quyết định chuyển giao doanh nghiệp sản xuất rượu vang tại trang trại Virginia cho các con. Đây  là doanh nghiệp được thành lập từ 35 năm trước, bắt  nguồn từ niềm say mê rượu vang của ông nội. Thế là cuộc sống của chúng tôi chuyển sang một hướng mớí, một công việc mà tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Thế nên lúc đầu thì đúng là nhớ thành phố, nhớ nghề cũ quay quắt.

Tôi đã mất gần 2 năm khổ sở khi chưa khám phá ra sự hấp dẫn của vùng đất mới. Đã cảm thấy mình đang phải mặc một cái áo quá chật, khi những việc tôi làm chỉ chiếm khoảng 1/10 năng lượng mà tôi có. Tôi thấy tiếc nhớ đời sống thành thị, thèm cái không khí cạnh tranh của nó, muốn được chứng tỏ này kia…

Luôn nghĩ mình là “khách”, tôi cảm thấy mình không có liên hệ gì với vùng đất này, cho đến khi tôi bình tâm trở lại và xác định từ nay mình sẽ sống ở đây, sẽ phải làm chủ không gian sống ấy của mình. Từ đó, tôi bắt đầu chịu khó mở rộng tầm mắt hơn. Sống cạnh thiên nhiên rồi từ từ, thiên nhiên có một sức mạnh kỳ lạ giúp mình tìm thấy ý nghĩa sống. Giờ thi thoảng tôi vẫn thấy nhớ thành phố, nhưng chỉ cần đi đâu đó chừng vài tuần là đã thấy sao nó ồn ào quá, ngột ngạt quá, chỉ muốn được về nhà.

– Ở nhà có những gì chờ chị?

– Ở nhà có những niềm vui giản dị là không gian khoáng đãng, là cảm giác tự do, vườn tược và muông thú… Nơi tôi sống là một thị trấn thuộc tiểu bang Virginia – bang đóng góp cho nước Mỹ nhiều đời tổng thống nhất, và điều thú vị là trang trại của gia đình tôi giáp ranh ngay trang trại của hai vị cựu tổng thống Thomas Jefferson và James Monroe – di tích đã được UNESCO xếp hạng và là một trong những địa chỉ hành hương được yêu thích của dân Mỹ. Thế đấy, oách không: Hai vị tổng thống ở hai bên, còn ở giữa là một chị thị dân tập làm nông dân! (cười). Với một người say mê lịch sử như tôi thì đó quả thật là sự tình cờ thú vị!

Rồi mỗi sáng, hít vào bầu không khí trong lành, mát ngọt, tôi cảm thấy như từng tế bào phổi của mình đang giãn ra, và có thể phóng tầm mắt ra xa mà không bị vướng một chướng ngại vật nào. Chim chóc, muông thú ở đây cũng buồn cười lắm! Chẳng hạn như hôm qua, khi tôi đang ngồi uống cà phê và ăn bánh ở hàng hiên thì bất chợt có một chú sóc lượm được ở đâu một hạt dẻ bèn đảo qua ngay trước mặt tôi, lườm một cái, ý như muốn bảo: “Ơ đây là đất của tớ, sao cậu lại ngồi đây…” (cười).

Xưa không được nếm trải những khoảnh khắc đó, không thấy hay, giờ được nếm rồi, chắc không thể bỏ nơi này mà đi đâu nữa…

– Cần bao nhiêu ôxy thì đủ cho chị thở?

– Trang trại rất trong lành nhưng dĩ nhiên là không đủ. Cũng may là vớ được một ông chồng rất mê đi chơi, ngồi đâu lâu một chỗ là kiểu gì cũng ngứa ngáy nên tụi này đi chơi nhiều lắm! Nước Mỹ thì rộng. Thêm nữa, hai bà mẹ của hai đứa thì đều sống một mình, người ở Tây Ban Nha, người ở Việt Nam, nên một năm kiểu gì cũng phải đi thăm hai cụ ít nhất một lần. Rồi thì tranh thủ “đắm đò giặt mẹt”, ghé luôn mấy nước lân cận… Thành thử, tụi này tuy không giàu nhưng đi nhiều, chẳng nợ nần gì ai, chừng nào có tiền thì lại đi chơi… Lại chưa vướng víu trẻ con nên cũng tiện!

– Chị không ước mong “một ngôi nhà và những đứa trẻ” sao?

– Lúc nào cũng mong chứ! Và cũng đã từng thử nhiều cách, tự nhiên có, y học có, mà chưa được. Có thể duyên chưa tới, hoặc không tới. Kể ra mà cố làm theo bác sỹ, thêm vài lần nữa khéo cũng đậu. Nhưng chị nghĩ đi, phụ nữ tầm tuổi này, tống bao hormone vào người, liệu có ổn? Trong khi đó, trên đời này có biết bao đứa trẻ cần được che chở yêu thương, và mình hoàn toàn có thể đưa đến cho chúng một cuộc sống mới.

Được cái, anh xã cũng thoáng. Cái gì qua miệng anh ấy cũng thành hài hước hết. Có lần mẹ tôi cố thuyết phục: “Chúng mày có con đi!”, thì anh ấy dùng luôn chiếc khăn lau bếp làm cờ trắng, ý bảo đầu hàng…

– Một ngày của chị giờ thế nào?

– Rất ngẫu hứng. Tôi làm việc cho Clothing boutique 3 buổi/ tuần. làm phiên dịch tiếng Việt cho tổ chức IRC (International Rescure Committee) theo lịch hẹn, lên kế hoạch du lịch cùng anh xã, nấu cơm và cố xơi những thứ mình nấu.

Thời gian không đợi một người đàn bà…

– Quyết định ra đi sau cú sốc lớn của cuộc hôn nhân đầu, chị có mất nhiều thời gian để cân nhắc và “dưỡng thương”? 

– Tôi thật lòng chẳng muốn nhắc nhiều về chuyện cũ vì nó đã thuộc về quá khứ, mà quá khứ thì chẳng thay đổi được. Hơn nữa, hiện tại, người cũ cũng đã ổn định với gia đình mới  và hai cậu con trai. Chỉ có thể nói rằng, quyết định ra đi không hề đơn giản. Nhưng trước cánh cửa bị đóng ấy, tôi hiểu rằng không thể ngồi khóc mãi. Thời gian không đợi một người đàn bà. Tôi quan niệm hôn nhân không là chỉ là tình yêu mà còn là sự hiểu biết và tôn trọng, là sự cân nhắc trong hành động để không gây tổn hại cho những người thân của mình.

Khi lập gia đình, tôi luôn coi gia đình là trên hết, và tin tưởng chồng tôi tuyệt đối, bạn bè tôi thậm chí còn bảo tôi ngốc khi không biết chồng có bao nhiêu tiền, không bao giờ kiểm tra điện thoại chồng… Thế nhưng, khi hiểu được rằng tôi và gia đình không phải là mục đích cao nhất trong đời sống của anh ấy thì tôi đành chọn phương án ra đi. Một khi niềm tin về gia đình đã rạn vỡ thì cũng chẳng nên níu kéo về mặt hình thức, chỉ bởi e sợ miệng đời.

Vậy nên, sau khi thu xếp ổn thỏa bao rắc rối cùng lúc đổ lên đầu: chồng đi tù, vợ mất việc, bao dự án dở dang, mình nợ người ta thì người ta đòi, mà người ta nợ mình thì người ta chạy… Trong đó, căng nhất là nợ ngân hàng (đầu tư, mua nhà…), vì lúc hai đứa đến với nhau gần như là từ hai bàn tay trắng… Lo liệu xong mọi việc, tôi mới thở hắt và tự nhủ: “Giờ là lúc phải sống cho mình…”.

– Nghe có vẻ lạnh lùng và lý trí nhỉ?

– Đành thôi. Đôi khi trong một số hoàn cảnh, mình buộc phải sống với một trái tim nóng và một cái đầu lạnh vậy! Đây là một quyết định rất đau đớn cho cả hai, nhưng tôi buộc phải làm thế.

– Thật lòng thì chị có áy náy không, vì dù gì, người đó đã cùng lúc mất đi tất cả: gia đình, sự nghiệp…? 

– Họ biết trước kết cục đó và vẫn chọn lựa. Đó là điểm khác biệt rất rõ, so với sự việc xảy ra ngoài ý muốn.

– Xem ra, hoa hậu thì rất khó làm “nàng Tô Thị”, từ Hà Kiều Anh đến Ngọc Khánh…? 

– Mỗi người một hoàn cảnh, một tính cách, không thể đánh đồng thế được. Sao không đặt câu hỏi ngược lại: Vậy cuộc sống của những người phụ nữ như chúng tôi sẽ ra sao, khi phải hứng chịu những bão táp đời sống mà chẳng phải do lỗi của mình? Tôi biết rằng sẽ có người chê trách quyết định của tôi. Nhưng mình sống cuộc sống của mình nên nếu có phải xấu hổ, tôi sẽ tự vấn mình trước. Người ngoài nếu hiểu và thông cảm, tôi cảm ơn. Nếu không hiểu, tôi cũng không trách và phân bua làm gì. Tôi coi sự thanh thản trong tâm mình quan trọng hơn những lời dị nghị. Sống theo thói đời mặc định, theo tôi, là sự bất hạnh.

– Chồng chị hiện nay có bao giờ nhắc gì chuyện cũ của chị không? Anh ấy có đến với chị bằng lòng trắc ẩn?

– Attilla rất thông cảm, và bảo tôi đừng vì giận mà quá khắt khe với chồng cũ, dẫu sao anh ấy cũng đáng tội nghiệp theo một khía cạnh nào đấy. “Người đó đã không may đánh mất em nên vì thế anh mới có cơ hội có được em…”, anh ấy nói vậy.

Stylist & trang phục: Lam – Trợ lý: Matbet

– Anh ấy có bảo chị giống Julia Roberts không?

– Không, vợ là vợ thôi – “hàng độc”! (cười)

Càng về chiều, xe càng ít…

– Xin lỗi vì nhắc lại chuyện này: Năm 13 tuổi, chị đã cùng mẹ rời Hà Nội, sau một cú sốc lớn, phải không?

– Phải… Sau khi bố tôi chia tay cuộc đời bằng phương pháp cực đoan và quyết liệt…

– Đó có phải là điều khủng khiếp nhất trong cuộc đời chị không? Để không cú sốc nào sau đó là quá lớn nữa?

– Nó cho tôi một quyết tâm từ rất nhỏ là cho dù cuộc đời vùi dập mình đến đâu thì cũng không được phép buông xuôi, cánh cửa này đóng lại, mình sẽ tìm cách mở ra một cánh cửa khác. Cú sốc nào cũng đau đớn cả, có những tổn thất về tinh thần không thể bù đắp, nhưng không có cú sốc nào hạ gục được mình nữa.

– Có phải chị học điều đó từ mẹ mình, người phụ nữ tên Thắng?

– Vâng, mẹ tên Thắng mà đời toàn thua (cười buồn)… Được cái, thay vì than khóc, mẹ hành động. Điều quan tâm đầu tiên là tương lai của con. Mẹ muốn tôi lớn lên trong môi trường mới để không bị ảnh hưởng bởi quá khứ đau buồn. Bố mất tháng 6 thì tháng 8 mẹ gửi tôi vào Sài Gòn ở tạm với dì để kịp năm học mới, còn mẹ ở lại thu xếp nhà cửa và tiễn chị tôi đi xuất khẩu lao động ở Đức. 13 tuổi, con bé tự rong ruổi tàu Thống Nhất Bắc Nam một mình. Kiên cường hình như có sẵn trong máu của gia đình tôi.

– “Luống khoai xanh, bức tranh để lại/ Nông nỗi này, không phải tại tôi” – Chị còn nhớ câu này? 

– Tên những tác phẩm của bố tôi (cố đạo diễn phim truyện Nguyễn Đỗ Ngọc – PV) – con người có rất nhiều sáng tạo và hoài bão nhưng không vượt qua được thời thế và định mệnh.

– Có câu nói nào của bố mẹ là cẩm nang sống cho chị?

– Bố từng nói: “Tình yêu là những chuyến xe buýt trong đời, đừng quá bi lụy khi lỡ một chuyến. Nhưng nên nhớ, càng về chiều, xe càng ít…”. Mẹ cũng bảo: “Không nên để mất năng lượng, thời gian vào những điều không xứng đáng”. 

– Vậy mà tôi nghe nói, chị từng yêu mù quáng? 

– Chính xác là tôi rất dại dột trong tình yêu và rất kém trong “kinh doanh nhan sắc”.

– Cách rượu vang được chưng ủ có giống cách chị được tôi luyện?  

– Rượu vang không năm nào giống năm nào, không loại nào giống loại nào. Có loại để càng lâu càng dậy mùi, lại có loại để lâu thành giấm. Rượu vang cũng giống như cuộc đời, có tương tác có va đập, cần thời gian để lắng đọng và hy vọng không thành giấm…

– Chị nghĩ mình giống vang trắng hay vang đỏ?

– Vang đỏ, đậm đà và nhiều sắc thái. Mà cũng không chừng, vì cũng có người chê tôi nhạt đấy!…

Hoa hậu Ngọc Khánh và chồng

Thực hiện: depweb

12/11/2016, 16:48