Hết thời “Alô” Việt? - Tạp chí Đẹp

Hết thời “Alô” Việt?

Tin Tức

Khảo sát của TT Thông tin Công nghiệp & Thương mại:   

Sức tiêu thụ điện thoại di động tại Việt Nam những tháng đầu năm 2012 đang ở mức yếu nhất trong 3 năm trở lại đây.

Ông lớn của làng di động Việt Q-mobile vừa phát đi thông báo chính thức ngừng hoạt động kho ứng dụng Q-store kể từ ngày 31/8/2012. Thông tin này được phát ra không lâu sau khi thương hiệu này công bố chiến lược kinh doanh mới mang tên “Hành trình Q-smart” với mục tiêu tập trung phát triển những sản phẩm smartphone. Nếu xét theo xu hướng công nghệ và sự chuyển dịch mạnh mẽ của ngành công nghiệp này thì chợ ứng dụng sẽ là sự lựa chọn cho nhu cầu trải nghiệm tất yếu của người dùng smartphone. Chính vì lẽ đó mà động thái đóng cửa Q-Store của Q-mobile thời điểm này khiến nhiều người không khỏi hoài nghi về một tương lai không mấy sáng sủa của điện thoại di động thương hiệu Việt.

Khi “ông Kẹ” đuối sức

Từng vươn lên vị trí thứ 2 về thị phần điện thoại di động tại Việt Nam, nhưng trong báo cáo mới đây nhất của hãng nghiên cứu thị trường IDC, Q-mobile đã trượt ra khỏi Top 3, nhường chỗ cho các thương hiệu nước ngoài. Nhưng xét ở quy mô thị trường và thị phần điện thoại thương hiệu Việt thì Q-mobile vẫn là cái tên không thể không nhắc đến.

Trở lại thời điểm cách đây hơn 1 năm, Q-mobile đã bắt tay với VTC để xây dựng chợ nội dung số thuần Việt dành cho điện thoại của hãng này. Ngoài mục đích giúp cho người sử dụng tiếp cận với chợ nội dung số thuần Việt, ABTel (nhà sản xuất điện thoại thương hiệu Q-mobile) còn nuôi tham vọng thu hút, thúc đẩy các nhà phát triển ứng dụng và các nhà cung cấp dịch vụ kinh doanh theo mô hình chợ nội dung trực tuyến của thế giới. Sản phẩm sau khi ra mắt đã được tích hợp trên các thiết bị nền tảng Java Qwerty, Java Touch, Android và trở thành niềm tự hào, điểm khác biệt của Q-mobile so với các đối thủ khác trong làng di động Việt. Giới chuyên môn đánh giá, nếu Q-mobile thành công trong việc phát triển Q-Store thì khả năng tiến xa của thương hiệu này có thể sẽ được đảm bảo.

Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Sau 6 tháng kể từ ngày chính thức đưa vào hoạt động, một đại diện của Q-mobile đã phải thừa nhận, Q-Store đã không đạt được những kì vọng đặt ra ban đầu. Đây là lý do chính để kết thúc sứ mệnh của nó. Ông Võ Tự Đức, đại diện Ban quản trị dự án Q-Store từ VTC Mobile cũng cho rằng, việc đầu tư vào các dự án dịch vụ di động phải lấy trọng tâm là lợi ích của người dùng, nhưng đồng thời phải đảm bảo tính khả thi về kinh doanh. “Trong thời buổi kinh tế khó khăn này, việc tập trung nguồn lực vào những dự án khả thi là cần thiết để đạt hiệu quả kinh doanh tốt”, ông Đức cho hay. Và Q-mobile đang phải tính đến chuyện tái cơ cấu nguồn lực để phát triển các dịch vụ tiện ích thiết thực hơn, phù hợp với xu thế hiện nay.

Tại sao Q-Store không thể đạt được doanh thu như kỳ vọng? Câu trả lời là nó không đủ sức để cạnh tranh với chợ ứng dụng Google Play Store trên thiết bị Android. Theo ông Vũ Tiến Hưng – thành viên ban quản trị Q-Store, hiện tại chợ nội dung Google Play Store đã tương đối đủ cho mô hình chợ ứng dụng, đáp ứng nhu cầu người dùng. Chính vì vậy, chiến lược của Q-mobile được xác định lại là thay vì đầu tư dàn trải, họ sẽ tận dụng thế mạnh dịch vụ và kênh phân phối tại Việt Nam để tập trung phát triển ứng dụng mang tính chuyên biệt và đem lại tiện ích trực tiếp cho người dùng di động. “Một hệ sinh thái mới và cộng đồng sẽ hình thành từ đây và được trải nghiệm ứng dụng trực tiếp trên các thiết bị phù hợp, có sự phát triển và tương tác qua lại lẫn nhau”, ông Hưng nhấn mạnh.

Tất cả những dự định đó của Q-mobile có thành công hay không còn phải chờ thêm một thời gian nữa, nhưng điều đã rõ là sức ép từ những đại gia quốc tế đã khiến cho điện thoại thương hiệu Việt số 1 phải tính toán kỹ lưỡng hơn đường đi nước bước!

Sẽ chỉ còn ông lớn ngoại?

Nhìn vào câu chuyện Q-Store có thể thấy, nỗ lực của các nhà sản xuất điện thoại Việt là rất lớn, nhưng thật không dễ để có được một chỗ đứng vững chắc trong thị trường đầy tính cạnh tranh này. Trong báo cáo về tình hình thị trường điện thoại di động tại Việt Nam gần đây, ông Võ Lê Tâm Thanh, chuyên viên phân tích thị trường thuộc nhóm nghiên cứu thiết bị người dùng của IDC Việt Nam cho biết, hiện một số hãng sản xuất điện thoại của Việt Nam và Trung Quốc đã rút khỏi thị trường và trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, sẽ còn nhiều hãng từ bỏ cuộc chơi vào cuối năm nay.

Hiện nay điện thoại thương hiệu Việt còn tồn tại trên thị trường chủ yếu là Q-mobile, FPT, Viettel, Mobistar. Hầu hết các thương hiệu này đều đã tham gia vào sân chơi smartphone sử dụng hệ điều hành Android. Tuy nhiên, theo nhận xét của một số chủ cửa hàng điện thoại di động, doanh số bán ra của các thương hiệu điện thoại Việt đã giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm 2011. Những tên tuổi như: Thuận Phát, HiPT, CMC… từng tuyên bố tham gia thị trường điện thoại di động, đến nay gần như biệt tích. Điện thoại Avio của VNPT với slogan khá “hot”: “Alo Việt Nam ơi” cũng đã dần trở thành cái tên của quá khứ.

Liệu điện thoại thương hiệu Việt có đứng được trên thị trường trong thời gian tới? Câu hỏi này không dễ trả lời, nhưng hầu hết các chuyên gia được hỏi đều cho biết đây là một việc rất khó. Tính đến thời điểm này, ưu điểm lớn nhất của điện thoại thương hiệu Việt vẫn là giá rẻ, đặc biệt là các mẫu 2 sim 2 sóng. Q-mobile khẳng định mặc dù đã đưa ra “Hành trình Q-Smart” nhưng vẫn tiếp tục theo đuổi dòng điện thoại cơ bản. Tuy nhiên, theo IDC: ở phân khúc này Nokia vẫn là nhà cung cấp hàng đầu, chiếm hơn nửa tổng số điện thoại di động tại Việt Nam. Việc đại gia này tấn công vào phân khúc điện thoại 2 sim 2 sóng có chi phí thấp với các sản phẩm được ưa chuộng như: 101, C2-00, X1-01, 1280 đã gây khó khăn cho các nhà cung cấp nhỏ hơn muốn cạnh tranh trên thị trường này.

Những sản phẩm smartphone Việt có mức giá từ 1,5-4 triệu đồng có hình ảnh và tính năng gần như tương đương với các mẫu điện thoại cùng dòng của các ông lớn ngoại. Tuy nhiên, tên tuổi lớn vẫn có sức hút lớn hơn. Nếu không tìm ra được hướng đi đột phá trong thời điểm này thì rất có thể dự đoán buồn về việc có thêm nhiều doanh nghiệp điện thoại Việt Nam đóng cửa vào cuối năm 2012 sẽ trở thành sự thật.

Bài: Bích Ngọc

Thực hiện: depweb

13/09/2012, 13:04