"Đoạt hồn" - phim kinh dị Việt "chuẩn và chất" - Tạp chí Đẹp

“Đoạt hồn” – phim kinh dị Việt “chuẩn và chất”

Review

Bối cảnh của “Đoạt hồn” diễn ra ở miền Tây Nam Bộ, với những con đò dập dìu trên sông nước, người dân làm nghề đánh bắt cá, đền thờ tứ thánh, tục mẫu hệ, đồng thời được đạo diễn Hàm Trần hòa trộn trong đó một số nét đặc trưng văn hóa miền Bắc như tục hầu đồng, cúng cậu thờ cô. Ái, con út của đại gia họ Vương vì sẩy chân nên chết đuối, để lại nỗi đau cho mẹ và Chi, chị gái cùng mẹ khác cha.

Một tuần sau đó, cậu của Ái là một cảnh sát tìm được xác cháu mình trôi nổi tại Châu Đốc. Những tưởng đã không còn hi vọng, nhưng khi đến nhận thi thể, Ái lại bất ngờ tỉnh dậy. Sau khi đón Ái về nhà, gia đình ông Vương Huy liên tục gặp những chuyện lạ, từ đó, Chi bắt đầu lần tìm nguyên nhân của mọi chuyện và phát hiện ra những sự thật kinh hoàng.

 

Đạo diễn Hàm Trần vốn chuyên về quay phim và dựng phim, đã từng hợp tác cùng các đạo diễn khác trong những bộ phim bom tấn Việt Nam như “Bẫy rồng”, “Thiên mệnh anh hùng”… Chính vì vậy, phần hình ảnh và góc máy trong phim của Hàm Trần có thể nói có vẻ đẹp rất “chuẩn và chất”.

Cả bộ phim được phủ màu sắc âm trầm, với tông đỏ, vàng và xám đặc trưng cho dòng phim kinh dị tâm linh. Nước phim trong, ánh sáng đặc trưng đủ sáng trong những phân đoạn cần sáng và tối những lúc cần tối, đưa người coi vào được đúng không gian. Những góc máy xoay, đảo chiều cũng là một điểm nhấn đáng chú ý của phim, thể hiện được sự đầu tư nghiêm túc, chỉn chu cho từng khung hình. Đây là điểm cộng lớn nhất của phim.

Về phần diễn xuất, Hàm Trần được đánh giá là mạo hiểm khi chọn những tên tuổi không phải “ngôi sao phòng vé”, nhưng nhìn chung, các diễn viên của “Đoạt Hồn” đều thể hiện tốt vai diễn được giao.

Trần Bảo Sơn vào vai đại gia Huy. Anh diễn tròn vai (lúc hiền có hiền, lúc ác thấy ác), nhưng nếu nói ở Bảo Sơn có sự phá cách hay tiến bộ trong nghiệp diễn thì… hơi khó, bởi những cái nhăn mặt, nhíu mày căng thẳng kiểu này, ai coi “Ngôi nhà trong hẻm” rồi sẽ nhận ra nó rất quen thuộc. Có một đoạn diễn, khi Bảo Sơn ân cần ôm ấp, nưng nịu con gái mình, mọi người thấy được anh diễn rất nhập vai. Điều này không khó hiểu, vì ngoài đời Bảo Sơn cũng đã làm cha, cảm xúc trong phim có lẽ chính là cảm xúc thật của anh khi ôm con.

 

Vai diễn mẹ Diệp của Ái và Chi do diễn viên Ngọc Hiệp thủ diễn sau nhiều năm xa sân khấu. Với bề dày kinh nghiệm diễn thì kiểu vai người mẹ hiền thảo trong phim không làm khó được Ngọc Hiệp, xét về độ an toàn của vài diễn này thì gần như… tuyệt đối, nên cũng không có gì để bàn. Những vai diễn khác của Thương Tín, Suboi, Nhung Kate, hay diễn viên Kiều Chinh cũng đều vào vai trọn vẹn, dù rằng một số chỗ do thu thoại trực tiếp nên đài từ của diễn viên còn thô cứng.

Đáng chú ý nhất trong phim là Thanh Mỹ trong vai Ái (Chi nhỏ). Với một đứa bé 8 tuổi thì diễn xuất của Mỹ được đánh giá là “tốt ngoài mong đợi”, nhiều người coi xong bị ám ảnh bởi ánh mắt vô hồn của Mỹ khi diễn vai bị vong nhập – thành công mà nhiều anh chị diễn viên đi trước phải thèm thuồng. (Hi vọng em theo đuổi nghiệp diễn và sẽ có thể tỏa sáng, không đánh mất bản thân như nhiều trường hợp “nhỏ đẹp lớn xấu” trước đây).

Do đạo diễn Hàm Trần đảm nhận cùng lúc nhiều vai trò trong phim, vừa là đạo diễn, quay phim, dựng phim và viết kịch bản, nên có thể thấy đường dây câu chuyện của “Đoạt hồn” có sự tính toán rất kỹ để hạn chế tới mức tối đa các phân cảnh thừa thãi. Dù vậy, nếu với một người coi phim khó tính, “Đoạt hồn” vẫn thể hiện rõ một số điểm hạn chế nhất định.

 

Câu chuyện ban đầu của “Đoạt hồn” khá ổn, nhưng đoạn giữa lê thê, hơi dài dòng theo kiểu cố gắng diễn đạt hết cho người coi hiểu đang coi chuyện gì xảy ra làm mạch truyện đuối dần. Nói dễ nghe một chút thì kiểu như đạo diễn chừa những khoảng lặng để khán giả có lúc ngồi bàn tán với nhau về diễn biến sắp tới.

Một điểm đáng lưu ý khác, chính là việc đạo diễn quá tham lam trong việc ôm đồm nhiều yếu tố vào một bộ phim. Có đủ thứ để nói – nạn buôn người, mại dâm trẻ em, bùa ngải…, nhưng mỗi thứ chỉ lại nói qua loa, khiến người coi có chút hoang mang. Giá như đạo diễn bỏ bớt một số thứ để đẩy mạnh và đào sâu hơn vào những thứ còn lại thì chắc chắn bộ phim sẽ ám ảnh hơn.

Cuối cùng, cái kết của phim rất gây tranh cãi.

Phim dài 97 phút, nhưng nhiều ý kiến cho rằng 7 phút cuối phá hỏng 90 phút đầu phim, bởi cái kết mơ hồ, không rõ ràng, gây hoang mang cao độ cho người coi. Để giải thích cho việc này, có ý kiến nói rằng bắt buộc phải có một cái kết kiểu như vậy thì “Đoạt hồn” mới qua được vòng kiểm duyệt gắt gao, không bị cấm chiếu như “Bẫy cấp 3” hay “Bụi đời chợ Lớn” trước đó.

Còn cái kết đó như thế nào để gây tranh cãi, hãy mua vé xem phim!

Bài: Bỉ Ngạn
Ảnh: Doathonmovie


logo

>>> Có thể bạn quan tâm: Trần Bảo Sơn là một hình mẫu quý ông khá hiếm trong làng giải trí Việt Nam, vừa là một doanh nhân lịch lãm đúng chất “businessman”, vừa là một diễn viên thuộc hàng “leading man” trong điện ảnh với 5 bộ phim đã và sắp trình chiếu. Nhưng có lẽ với nhiều người, hình ảnh Trần Bảo Sơn “family man” lại gây ấn tượng hơn cả, nhất là với cô con gái yêu Bảo Tiên.

 

Thực hiện: depweb

20/07/2014, 15:09