Chẳng có kết thúc nào mà tốt đẹp
– Những ứng xử được truyền thông khen ngợi vừa qua giữa chị với chồng cũ, thật ra là vì cái sự “cực chẳng đã”, một khi đã trót làm người của công chúng, hay đó cũng chính là một quan điểm sống của chị: “Lành làm gáo, vỡ làm muôi”?
– Đơn giản hơn thế, tôi đặt mình vào địa vị của người ta, rồi suy từ mình, để lựa xem nên làm gì. Làm gì cảm thấy hợp tình hợp lý thì làm, để làm sao tránh tổn thương cho cả hai, và còn bao người liên quan nữa. Đừng nghĩ làm người khác tổn thương thì mình sẽ tránh được tổn thương. Trái lại, mọi sự sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn nếu như mình chịu từ bỏ cái tôi của mình đi để đừng gây thêm một tổn thương nào nữa. Một ngày nên nghĩa, đâu phải xong rồi là phủi tay ngay được đâu! Chẳng gì mình cũng đã từng được nhà người ta cưới hỏi đàng hoàng, nên cố mà cư xử với nhau cho “người lớn”…
– Một người phụ nữ nổi tiếng xinh đẹp, giỏi giang, lại ăn ở khôn khéo, dám hy sinh cái tôi của mình khi cần thiết… – vậy vì sao lại không giữ được tổ ấm của mình?
– Thì thế nó mới là cuộc sống, đâu phải lúc nào một cộng một cũng bằng hai đâu! Không cứ một người phụ nữ như thế thì sẽ phải được hưởng tất cả những gì họ xứng đáng được hưởng. Tôi có một chị bạn thân, còn sống tốt hơn tôi gấp nhiều lần, mà cuộc đời chị ấy thì thôi rồi là khổ, đâu ai trách được ông trời. Lại có những người, chẳng có gì xuất sắc, mà đời họ lại cứ như trải thảm. Thôi thì mình ở trong hoàn cảnh nào thì lựa cách mà xử lý vậy, chứ biết làm sao!
– Thật ra, chị có phải là một người phụ nữ chiều chồng không?
– Chắc tôi chiều… con hơn. Dĩ nhiên chỉ chiều những cái đúng, nếu không muốn làm hư con. Và chiều chồng chắc cũng thế nhỉ? Đàn ông luôn là một ẩn số khó đoán mà! (cười)
– Biết đâu Trương Ngọc Ánh cũng là một ẩn số?
– Ừ, đôi khi tôi cũng là một người phức tạp vậy! Đúng hơn, là một người không dễ hiểu.
– Có lúc nào chị không biết rõ điều mình muốn trong cuộc sống?
– Hiếm lắm. Tôi trái lại thường biết rất rõ mình muốn gì.
– Nhìn đời bằng đôi mắt mở to như thế, chắc gì đã tốt hơn? Đàn bà, biết đâu đôi lúc cần ảo tưởng?
– Không. Tôi không cần ảo tưởng. Vì đơn giản, tôi là người rất thực tế. Trong cuộc sống phải thực tế. Đàn ông hay đàn bà cũng phải luôn biết mình muốn gì và có thể làm gì. Và gái Bắc kỳ thì thường rất nặng tình với gia đình. Luôn canh cánh bên lòng mình còn cha còn mẹ, còn anh còn em… Để sống có trách nhiệm, không thể nào ảo tưởng.
– Nhưng biết đâu, khi tự khoác lên mình quá nhiều trách nhiệm, cũng có thể khiến người đàn ông của chị cảm thấy họ có thể không quá cần cho chị, không quá quan trọng với chị?
– Lẽ thường thì đàn bà hay nghĩ: Đàn ông mới là người phải lo cho mình. Giờ tự dưng có người không bắt buộc họ phải lo, thì họ mừng quá chứ sao (cười)! Nhiều lúc tôi cũng tự hỏi: Giá kể mà đổi được cho ai cái số của mình… Nhưng đã gọi là số rồi thì chịu vậy.
– Nhưng kể mà đổi được, chị có chịu đổi?
– Mỗi lựa chọn đều có cái dở cái hay, cái được cái mất riêng của nó. Đàn bà yếu đuối, dễ tổn thương thì thường được đàn ông che chở, bảo bọc, nhưng ngộ nhỡ có lúc cái giá đỡ ấy không còn thì sao, mình dựa vào ai đây? Trái lại, người phụ nữ có tính độc lập cao tuy không mấy khi được đàn ông che chở, nhưng bù lại, họ là “thể loại” thả vào đâu cũng vẫn sống được, sống tốt. Ăn thua là mình chọn cách nào thôi, cách nào hợp với mình, chứ đừng lúc nào cũng lăm lăm đổ thừa cho hoàn cảnh và người sống cạnh mình.
– Chị có nghĩ, trong sự đổ vỡ vừa qua một phần có nguyên do ấy: không nhiệt tình cứu vãn mối quan hệ, vì biết rằng mình có thể đứng một mình?
– Có thể thế mà cũng không hẳn thế. Nhưng đúng là những người phụ nữ độc lập thường hay đòi hỏi cao hơn ở người đàn ông, trong cách đối nhân xử thế của họ. Chỉ thế thôi cũng đã đủ để tự làm khó mình rồi!
– Ngoài ra, hai con người bận rộn có bao giờ phủ bóng lên chính cuộc hôn nhân của họ?
– Không, tôi không nghĩ vậy. Dù đúng là những người bận rộn thì quả là khó mà không mang việc về nhà và ít nhiều “tiêu lạm” vào quỹ thời gian đáng lẽ nên dành cho nhau. Nhưng để đi đến quyết định này, cả hai chúng tôi đều đã cân nhắc rất kỹ và biết rõ nguyên nhân thực chất của nó là xác đáng hơn nhiều so với những giả thiết mà chị vừa đưa ra. Và một khi chuyện đã đi qua, tôi cũng sẽ không bao giờ nói giá thế này, giá thế nọ… Không thể “giá như” vì có những điều phải đi qua thì mới biết được. Dĩ nhiên chẳng có kết thúc nào mà tốt đẹp cả, đã tốt đẹp thì làm sao mà phải kết thúc. Chỉ là làm sao để cho nó bớt nặng nề hơn thôi. Đến giờ này, chúng tôi vẫn còn gặp mặt nhau (không thể nói là không gượng gạo, lúc đầu), để cùng xúm vào lo lắng cho con và có trách nhiệm đến cùng với tương lai của cháu, thay vì dằn hắt nhau – chỉ riêng nỗ lực đó thôi theo tôi cũng đã là một may mắn rồi, cho đoạn kết của một mối quan hệ.
– Những người làm nghề thẩm phán thường hay chuyền tai nhau kinh nghiệm này: Thường những cặp ra tòa mà còn tranh thủ “dìm hàng” nhau, có khi lại còn có cơ hội hàn gắn, nhưng những cặp ra tòa đến nơi mà còn nói với nhau những lời “có cánh” thì nghe chừng là không ăn thua. Chị có thấy thế?
– À, là vì mấy cặp ra tòa rồi còn có hứng chửi nhau thì có thể chẳng qua chỉ là những giây phút bốc đồng của họ mà thôi! Còn những cặp điềm tĩnh hơn là bởi trước khi đến tòa, họ đã suy nghĩ kín kẽ, để biết rằng chia tay chắc chắn tốt hơn hàn gắn…
Thoáng mà còn thế!
– Có đồn đoán rằng: Nguyên nhân đổ vỡ là vì người đàn ông của chị thực ra không hẳn đóng vai trò trụ cột trong gia đình? Và dần khiến người phụ nữ cảm thấy mệt mỏi?
– Nói thế cũng không đúng đâu! Hay có thể người ngoài họ nhìn vào một khía cạnh nào đấy mà Ánh không biết. Và dư luận thì đủ kiểu. Thực tế là cả hai đứa tụi Ánh đều là những người độc lập từ trước khi gặp nhau, tự làm mà có… Mà thôi, tôi nghĩ không nên nói sâu về chuyện này vì nó quá nhạy cảm, nhất là đối với một người đàn ông. Huống hồ, còn là một giả thiết thiếu chính xác.
– Vậy còn có đồn đoán rằng, bất luận chị giỏi giang, xinh đẹp, người đàn ông của chị vẫn bị một mùi hương khác quyến rũ. Và rồi, giọt nước tràn ly?
– Tôi biết chồng mình và đủ để tin anh ấy. Dĩ nhiên, tôi cũng biết đàn ông có thể có những cuộc chơi, miễn họ biết điểm dừng. Đàn ông nói chung có vẻ sướng hơn phụ nữ nhỉ? Thế nên, thôi thì, đừng quá cầu toàn mà khổ! Riêng chuyện này thì Ánh lại khá thoáng. Thoáng mà còn vậy! (cười).
– Có câu: Vợ có là hoa hậu thì cũng còn lâu mới bằng người đàn bà… chưa biết?
– À, vậy thì người tiếp theo lại sẽ là người đàn bà… đã biết thôi! Cứ thế thôi à!
– Trong trường hợp nào thì chị chấp nhận hy sinh cái tôi của mình? Thường nó có mang lại hiệu quả gì không?
– Trong một số trường hợp nhất định. Nhưng trong hôn nhân, cái tôi ấy đâu chỉ đơn giản là những thói quen, sở thích… mà quan trọng hơn, còn là quan niệm sống, chí hướng sống nữa. Khi những điều quan trọng đó không gặp được nhau, thì một trong hai cái tôi sẽ trở nên quá lớn và hôn nhân lúc đó sẽ là một bài toán khó khăn.
– Vào thời điểm hôn nhân rạn nứt, vì sao chị vẫn từ chối thừa nhận nó? Vì muốn dối mình hay vì vẫn hy vọng có thể “còn nước còn tát”?
– Tôi nghĩ mình cần phải tôn trọng anh Sơn. Dù sao tôi cũng vẫn phải chọn sự bình yên của gia đình hơn là sự đồng cảm của khán giả trong câu chuyện riêng này.
– Có một cuốn sách vừa ra, tôi nghĩ chị nên đọc: “Xuyên Việt” của Phan Việt. Một câu chuyện về ly hôn, trong đó nhân vật nữ nghĩ rằng: “Tôi muốn Sơn (cũng Sơn nhé!) hạnh phúc, với ai cũng được, nhưng phải hạnh phúc. Tôi muốn mình cũng được hạnh phúc, một mình cũng được, nhưng phải hạnh phúc”. “Với ai cũng được”, “một mình cũng được” – ý nghĩ đó có khó khăn với chị không?
– Thì chính xác là tôi đang “một mình” đây, chống chếnh rồi cũng dần quen dù chẳng dễ dàng. Vậy tại sao tôi lại không mong bố của con tôi được hạnh phúc nhỉ? Bằng chứng là cho đến giờ, tôi vẫn dặn những cộng sự thân thiết của mình là hãy hỗ trợ Sơn hết sức, nếu như anh ấy cần đến.
– Ôi, thề với chị là hơn bất kỳ ai, tôi lúc nào cũng chỉ mong mấy tay người yêu cũ của mình… ế sưng và suốt ngày ngồi tiếc nhớ tôi mà thôi, bất luận anh ta từng đối xử tốt với tôi thế nào trong quá khứ!
– (Cười phá lên) Này, tôi nghĩ không chừng chị cũng là một mẫu phụ nữ đáng yêu đấy nhé, khi luôn dám bộc lộ những “tính xấu” của mình một cách hồn nhiên đến thế! Ích kỷ trong tình yêu, tôi nghĩ cũng có cái hay của nó, và có thể thế thì mới là phụ nữ, và mới là yêu, miễn đừng làm hại đến ai là được.
– Vậy tại sao chị không “tự thưởng” cho mình những phút giây “vô hại” như thế, thay vì cứ phải cắn răng nói những lời chúc phúc? Chỉ vì là một người của công chúng sao?
– Do tùy tính người thôi chị! Có người ghét được ai đấy, họ thấy rất “đã”. Nhưng tôi thì lại thấy mệt. Thà không nghĩ đến còn đỡ mệt đầu hơn. Để tự thưởng, sao không thay bằng ngồi xem một bộ phim trước khi đi ngủ, mà lâu rồi mình chẳng có dịp để xem, thế chẳng thích hơn à? Hoặc ngồi ôm con, gãi ngứa cho con, hơn là mất công đi ngồi ghét một ai đó chẳng còn liên quan đến mình…
Tôi cần thêm thời gian để lại có thể mở lòng
– Nghe “Tây đồn”, trò tiêu khiển (gần như duy nhất) của chị là… mát-xa chân?
– À đúng, đúng đấy, tôi cực mê món đó! Là vì cái cảm giác được ai đó chạm đúng huyệt đạo, nó rất “phê”!
– Vậy ra, người đàn ông vừa đi là do chưa chạm đúng “huyệt đạo” của chị đấy nhỉ?
– Vậy hay là mình kiếm một anh làm nghề mát–xa chân nhỉ? (cười)
– Nghiêm túc hơn chút đi, người đàn ông lúc này chị chờ đợi là gì?
– Chị nghĩ là tôi đang ngồi chờ sao? Không đâu, đây mới chính là lúc người phụ nữ khép lòng nhất, hơn là sẵn sàng cho một cái gì đấy nghiêm túc. Tràn ngập tâm trí họ là ý nghĩ phải làm sao bù đắp cho con mình vì những gì người lớn đã không giữ được và khiến con bị thiếu hụt. Chẳng phải người phụ nữ luôn được cảnh báo rằng đây là thời điểm họ dễ phạm sai lầm nhất sao, nếu như để mình rơi tự do? Thế nên, tôi nghĩ mình cần thêm thời gian để lại có thể mở lòng. Tới lúc nào cảm thấy con tim hấp hối thực sự thì đó mới là lúc “cho tay vào còng”!
– Hấp hối hay là… hấp háy?
– Nếu chỉ cần hấp háy thì giờ này (12 giờ đêm – PV) tôi đã tung tăng đi bar cặp kè với ai đó rồi chứ có đâu ngồi gãi lưng cho con và tiếp chuyện chị thế này? Mà con người ta kể cũng lạ thật: Khi thì gồng mình chống lại cám dỗ, tới lúc có cả một trời tự do thì lại chỉ muốn ngồi yên…
– Trời đùa đấy mà: Khi đói thì không được ăn, khi được ăn thì lại không đói!
– Không phải không đói, mà là… chưa đói (cười).
– Thường, chị thấy đàn ông hay bị chị “hớp hồn” bởi điểm gì? Và ngược lại, điều gì khiến họ nghi ngại nhất?
– Thường đàn ông hay thích mấy cô ngọt ngào, vồn vã, tôi lại không thuộc tuýp đấy. Nên không mấy người thích tôi ngay lần gặp đầu tiên mà thường là càng tiếp xúc, họ càng bị cuốn hút bởi cách sống của tôi. Cách sống ấy, tôi nghĩ có thể gói gọn trong ba chữ: có trách nhiệm.
– Ngược lại, một người đàn ông thế nào thì thường thu phục chị? Và điều gì là không thể bỏ qua?
– Ích kỷ là điều rất khó bỏ qua. Lịch thiệp (không chỉ với gái đẹp) là điểm đầu tiên thu hút.
– Vậy, nếu xem câu chuyện đã qua là một cuộn phim, với vai nam chính là một người đàn ông lịch thiệp thì khuôn hình đẹp nhất đọng lại là gì?
– (Im lặng khá lâu) Là những bó hoa, có lẽ thế… Chị có tin là tận đến giờ, anh Sơn vẫn còn tặng hoa cho tôi không? Chỉ là không viết chữ “vợ yêu” nữa mà thôi. Anh ấy chưa bao giờ quên tặng hoa cho vợ, cho dù đó là những ngày kỷ niệm nhỏ nhất, những ngày mà tôi gần như không thể nhớ được. Nhưng anh ấy thì nhớ hết. Hay thật!…
Bài: Thư Quỳnh
Concept: Hà Đỗ
Nhiếp ảnh: Milor Trần
Sản xuất: Hellos
Trang phục: Hot Miu Miu
Trang điểm: Huyền HP
Làm tóc: Bale Hữu Tường
Trợ lý: Hoàng Oanh
Người mẫu: bé Minh Khôi
Những hình ảnh mới nhất của Trương Ngọc Ánh trên Tạp chí Đẹp số 186 đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Có ý kiến cho rằng nữ diễn viên của “Hương ga” rất nóng bỏng trong bộ đồ quyến rũ, lại có quan điểm nhận xét người đẹp ăn mặc thiếu vải và tạo dáng đầy khiêu khích, thậm chí còn có người đặt câu hỏi rằng những hình ảnh này có xóa mờ một Trương Ngọc Ánh kín tiếng trước kia?
>>> Có thể bạn quan tâm: Trần Bảo Sơn là một hình mẫu quý ông khá hiếm trong làng giải trí Việt Nam, vừa là một doanh nhân lịch lãm đúng chất “businessman”, vừa là một diễn viên thuộc hàng “leading man” trong điện ảnh với 5 bộ phim đã và sắp trình chiếu. Nhưng có lẽ với nhiều người, hình ảnh Trần Bảo Sơn “family man” lại gây ấn tượng hơn cả, nhất là với cô con gái yêu Bảo Tiên.