Điểm danh 5 phim giành Cành Cọ Vàng từng gây tranh cãi - Tạp chí Đẹp

Điểm danh 5 phim giành Cành Cọ Vàng từng gây tranh cãi

DELETED

Lần đầu tiên trong lịch sử, LHP Cannes lần thứ 66 ghi dấu mốc một bộ phim đồng tính nữ giành chiến thắng ở hạng mục Cành Cọ Vàng. Được đánh giá xứng đáng với giải thưởng, “Blue is the Warmest Colour” là câu chuyện tình nóng bỏng của hai cô gái với nhiều cảnh quay nhục dục gây sốc.

Nhân dịp giải thưởng Cành Cọ Vàng của LHP Cannes 2013 đã được trao cho một bộ phim có chủ đề đồng tính nữ gây sốc, cùng nhìn lại 5 bộ phim từng chiến thắng đã phải nhận vô số ý kiến trái chiều hoặc thắc mắc sau đêm trao giải.

1975: “Chronicle Of The Burning Years” (Tạm dịch: Biên niên sử những năm khói lửa)


Bộ phim được ban giám khảo, dẫn đầu bởi Jeanne Moreau (một đạo diễn, diễn viên, ca sĩ, biên kịch nổi tiếng), chọn để trao giải Cành Cọ Vàng năm 1975. Được giới chuyên môn đánh giá cao vể chất lượng, nhưng điều vô lý là bộ phim gần như không được chiếu ở đâu khác ngoài nước Pháp vào thời điểm đó. “Chronicle of the Burning Years” trở thành một trong số bộ phim đoạt giải có vị trí trong lịch sử rạp chiếu mờ nhạt đến không ngờ.

1994: “Pulp Fiction” (Chuyện tào lao)

“Pulp Fiction” chắc chắn là một bộ phim có vị trí nổi bật trong lịch sử rạp chiếu. Trong gần hai thập kỷ kể từ ngày ra mắt, vé xem phim vẫn được bán đều đặn tại khắp các rạp ở Mỹ và một số nước khác. Tuy nhiên, chiến thắng của bộ phim tại LHP Cannes 1994 đã phải nhận rất nhiều chỉ trích, phản đối.

Bởi lẽ, “Pulp Fiction” có rất nhiều đối thủ được đánh giá xuất sắc hơn tại kỳ liên hoan này, như “La Heine Magot” (Hoàng hậu Magot), “Exotica” (Vẻ đẹp hiếm), “Burnt by the sun” (Cháy dưới ánh mặt trời) và đặc biệt được kỳ vọng là “Three Colors: Red” (Ba màu: Đỏ) – tập phim nằm trong bộ ba tác phẩm lấy cảm hứng từ màu quốc kỳ Pháp của đạo diễn Krzysztof Kieslowski. Nhưng ban giám khảo, dẫn đầu bởi Clint Eastwood cùng đồng nghiệp, đã bị hấp dẫn bởi một bộ phim tội phạm kiểu Mỹ.

Tờ Guadian sau này khẳng định rằng chỉ có 2 giám khảo năm đó từng xem “Three Colors: Red” và thậm chí, nhà sản xuất Martin Karmitz đã xúc phạm ai đó trong ban giám khảo.

1997:  “Taste Of Cherry” (Vị dâu) và “The Eel” (Con lươn)

 

Năm 1997 là dấu mốc đặc biệt của Liên hoan phim Cannes, đánh dấu lần sinh nhật thứ 50 của giải thưởng danh giá này. Ban giám khảo với người đứng đầu là diễn viên gạo cội Isabelle Adjani đã quyết định chia sẻ giải thưởng danh giá nhất cho hai phim: “Vị dâu” của đạo diễn Abbas Kiarostami và “Con lươn” của Shohei Imamura. Tuy nhiên, “Vị dâu” không thực sự chinh phục được công chúng ở chất lượng nghệ thuật. Nhiều ý kiến cho rằng, chiến thắng của bộ phim là nhờ có yếu tố chính trị, khi nội dung phim đề cập tới việc đánh bom tự sát.

2006 – “The Wind That Shakes The Barley” (Gió rung cây lúa mạch)

Ken Loach là một đạo diễn từng có 9 phim tham gia Liên hoan phim Cannes, nhưng hiếm khi được đánh giá hàng đầu tại các hạng mục tranh giải Cành cọ vàng, cho đến năm 2006. Việc phim “The Wind That Shakes The Barley” của ông đoạt giải là một bất ngờ lớn. Bộ phim kể về cuộc nội chiến Ailen này được Ken chăm bẵm kỹ lưỡng và nhận được những lời nhận xét tốt hơn hẳn các phim trước. Nhưng cùng năm này, rất nhiều đối thủ nặng ký khác có tên trong cuộc đua, phần lớn các chuyên gia và người hâm mộ cho rằng đạo diễn Loach vẫn chỉ là một kẻ ngoài cuộc. Nhưng cuối cùng, Vương Gia Vệ, Samuel L. Jackson, Patrice Leconte và Monica Bellucci cùng một vài cái tên khác trong ban giám khảo đã đứng về phía Ken Loach. Đây không phải là quyết định dở nhất trong lịch sử của liên hoan phim này, nhưng vào thời điểm đó, nó đã làm mất lòng không ít người.

2007 – “4 Months, 3 Weeks And 2 Days” (4 tháng, 3 tuần và 2 ngày)

2007 là một năm tuyệt vời trong lịch sử ngành điện ảnh khi có vô số tác phẩm phim hay được thực hiện. Ban giám khảo của LHP Cannes năm 2007 được “chiêu đãi” với rất nhiều lựa chọn cho hạng mục phim xuất sắc, như: “The Edge of Heaven” (Phía bên kia thiên đàng), “The Diving Bell And The Butterfly” (Chuông lặng và cánh bướm), “The Man From London” (Người đến từ London), “Import/ Export” (Nhập và Xuất), “Silent Light” (Đêm Giáng sinh), “Persepolis”, “No country for old man” (Không chốn dung thân)…

Cuối cùng, vinh quang đã thuộc về “4 Months, 3 Weeks And 2 Days”, một bộ phim sầu thảm, trần trụi về đề tài nạo phá thai của đạo diễn người Romani – Cristian Mungiu, một gương mặt hoàn toàn mới tại Cannes. Quyết định này gây phẫn nộ với không ít người, trong đó có đạo diễn Julian Schnabel (phim “The Diving Bell And The Butterfly”). Vị đạo diễn này quả quyết rằng quyết định của ban giám khảo đã bị thay đổi tại phút chót, đáng ra phim của ông đã đoạt giải. Dẫu vậy, Julian Schnabel cũng có thể tạm hài lòng khi mang về một Cành Cọ Vàng cho đạo diễn suất sắc nhất.

 Hồng Hạnh

Biên dịch từ indiewire.com

Thực hiện: depweb

27/05/2013, 10:52