Trong một thế giới mà mọi thứ đều có thể xảy ra trên màn hình điện thoại, từ gọi đồ ăn, học ngoại ngữ đến tìm người yêu — thì việc trút bầu tâm sự với một chatbot AI nghe ra cũng không còn quá xa lạ. Trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng hiện diện trong những ngóc ngách sâu nhất của đời sống con người, kể cả trong lĩnh vực từng được xem là rất “người” như sức khỏe tinh thần. Không chỉ là công cụ hỗ trợ công việc, nhiều người giờ đây đang dần cho rằng AI còn có thể đóng vai trò như một người bạn đồng hành, một “trạm dừng cảm xúc” cho những ai đang mệt mỏi, lo âu hay cô đơn. Khi khó tìm đến chuyên gia tâm lý vì chi phí, thời gian hoặc định kiến xã hội, nhiều người lựa chọn mở điện thoại và tìm đến các chatbot như ChatGPT, ChAim hay Woebot để được lắng nghe, dù chỉ trong vài phút.
Có thể bạn vừa trải qua một ngày dài đầy stress, hay đang lo lắng trước một sự kiện quan trọng – và chỉ với vài cú chạm, bạn đã có thể kể hết mọi chuyện với một chatbot luôn sẵn sàng 24/7, không phán xét, không hối thúc. Đây chính là một trong những điểm cộng lớn nhất của AI trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tinh thần: dễ tiếp cận, tiện lợi và gần như miễn phí.

Hiện nay, nhiều chatbot được phát triển nhằm mang đến trải nghiệm tương tác gần gũi và tự nhiên hơn với con người. Điển hình là ChatGPT-4o, được thiết kế để tạo ra những cuộc hội thoại chân thực, thay vì chỉ đơn thuần trả lời câu hỏi như các phiên bản trước. Bên cạnh đó, AI như Woebot và Wysa còn được lập trình đặc biệt dựa trên các phương pháp trị liệu khoa học như Liệu pháp Hành vi Nhận thức (CBT) hoặc thực hành chánh niệm. Những công cụ này có thể cung cấp các chiến lược hỗ trợ tâm lý, lời khẳng định tích cực và hướng dẫn điều chỉnh cảm xúc, giúp người dùng cải thiện tư duy một cách hiệu quả hơn.

Sự tiện lợi mà chatbot mang lại cũng góp phần làm giảm những lo lắng về định kiến xã hội đối với các vấn đề tâm lý. Nhiều người vẫn còn e dè khi tìm đến chuyên gia tâm lý vì lo sợ bị phán xét hoặc không yên tâm về tính bảo mật. Trong khi đó, chatbot cho phép người dùng trò chuyện một cách thoải mái, ẩn danh, một nơi mà có thể nói ra những chuyện khó nói với kể cả người thân hay bạn bè. Chính tính ẩn danh này tạo ra một không gian an toàn, giúp người dùng dễ dàng thành thật với cảm xúc của mình, và với nhiều người, đó là bước đầu tiên để bắt đầu quá trình healing (chữa lành).
Nếu đã từng xem bộ phim “Her” (2013), bạn chắc hẳn vẫn nhớ Theodore, một người đàn ông cô đơn, tìm thấy tình yêu trong một hệ điều hành có tên Samantha. Dù chỉ là giọng nói vô hình, Samantha hiểu Theodore theo cách mà không ai khác làm được. Tình yêu của họ lãng mạn, sâu sắc và cũng rất… kỳ lạ. Nhưng điều khiến bộ phim trở nên ám ảnh là cách nó phản chiếu thực tế: chúng ta có thể dễ dàng gắn bó với một trí tuệ nhân tạo hơn là đối mặt với sự phức tạp và đôi khi đau đớn của các mối quan hệ thực tế.

Ngày nay, điều này không còn là viễn tưởng. Character AI, một nền tảng tạo nhân vật ảo tương tác theo ý người dùng đang chứng kiến sự gia tăng số lượng người tìm đến để trò chuyện, chia sẻ cảm xúc, thậm chí hình thành “mối quan hệ”. Với những ai đang trải qua cô đơn, tổn thương hay cảm giác bị từ chối, một chatbot không phán xét, không bao giờ biến mất có thể trở thành nơi nương tựa quen thuộc – dù chỉ là ảo.
Tuy nhiên, giống như trong “Her”, mối quan hệ với AI cũng có thể dẫn đến những hệ quả không ngờ. Dù tạo cảm giác gần gũi, AI vẫn là một cỗ máy, không có sự đồng cảm thật sự, không thể cảm nhận nỗi đau hay tình yêu. Khi AI được dùng thay thế hoàn toàn cho tương tác con người, người dùng có nguy cơ rơi vào trạng thái cô lập, khó khăn trong việc duy trì các kết nối xã hội thực tế. Họ có thể trở nên quá phụ thuộc vào chatbot để tìm kiếm cảm xúc tích cực, bỏ quên việc xây dựng mối quan hệ thật sự, dù phức tạp, nhưng đầy ý nghĩa.
Thậm chí, trong những trường hợp nghiêm trọng như rối loạn tâm lý, một lời khuyên không phù hợp từ chatbot có thể làm vấn đề trầm trọng hơn. Dù thông minh đến đâu, AI cũng chỉ phản hồi dựa trên dữ liệu lập trình sẵn, không thể “cảm” được hoàn cảnh cụ thể hay sắc thái tinh tế trong cảm xúc người dùng.
Dù tồn tại nhiều thách thức, không thể phủ nhận rằng trị liệu AI đang trở thành một thành phần hỗ trợ trong cuộc sống tâm lý của nhiều người. Trong thời kỳ đại dịch, các ứng dụng chăm sóc sức khỏe tinh thần chứng kiến mức sử dụng tăng vọt khi mọi người phải tìm đến sự gắn kết qua không gian số. Đặc biệt là giới trẻ, những người đã lớn lên và thành thạo công nghệ, đã đón nhận các công cụ này như một cách khởi đầu để quản lý cảm xúc trong thời kỳ đó.

Để công nghệ này phát huy hiệu quả đúng mức, chúng ta cần nhận thức rõ giới hạn của nó. Chatbot không phải là bác sĩ tâm lý, và không nên được sử dụng thay cho trị liệu chuyên sâu khi cần thiết. Thay vào đó, AI có thể làm cầu nối tạm thời trong lúc người dùng chờ được gặp chuyên gia. AI không phải là giải pháp vạn năng, càng không nên trở thành nơi duy nhất người dùng gửi gắm cảm xúc. Tương lai của trị liệu tinh thần cần sự kết hợp giữa công nghệ và con người, giữa dữ liệu và sự thấu cảm, để vừa tận dụng được sức mạnh của AI, vừa duy trì sự kết nối xã hội và chữa lành thật sự.