Calligrapher Đào Huy Hoàng: Đi qua vô vàn ngày không có tiền & chẳng có gì vui - Tạp chí Đẹp

Calligrapher Đào Huy Hoàng: Đi qua vô vàn ngày không có tiền & chẳng có gì vui

Sống

Sinh năm 1993, Đào Huy Hoàng được giới calligraphy thế giới và báo chí quốc tế đánh giá là một nhà thư pháp thực thụ. Không chỉ là một calligrapher, Hoàng đồng thời là nghệ nhân làm bút. Anh cũng từng có những khóa giảng dạy về calligraphy trên khắp thế giới. Nhưng để đi tới hiện tại, Hoàng từng trải qua nhiều ngày phải tính: ăn mì gói cùng 3 quả trứng chim cút hay với 1 quả trứng gà.

Từ cuộc sống chẳng có gì vui

Như bao chàng thanh niên tỉnh lẻ, Đào Huy Hoàng (sinh ra ở Ân Thi – Hưng Yên) phải trải qua đủ nghề: quản lý họa sĩ, viết review mỹ phẩm, bán đàn, làm thêm ở quán café, gia sư… để kiếm tiền khi mới lên Hà Nội học. Là sinh viên Đại học Ngoại thương Hà Nội, Hoàng cũng từng đầu tư chứng khoán, bitcoin, tỷ giá hối đoái. Nhưng làm đủ việc, anh vẫn thấy chẳng có gì vui.

Đào Huy Hoàng (1993)
Calligrapher, Pen maker
Tốt nghiệp khoa Kinh tế – Quốc tế, Đại học Ngoại thương
Từng giảng dạy chữ Calligraphy tại Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ… và cộng tác với Gucci, Barnes & Noble…

Cuộc sống “chẳng có gì vui” của Hoàng đã như vậy từ bé. Anh sinh ra trong một gia đình có bố là bộ đội, mẹ là giáo viên. Ông nội của Hoàng từng làm thầy giáo kiêm thầy thuốc, kiêm thợ kim hoàn. Sinh thời, ông nổi tiếng viết chữ đẹp và thường cho chữ người dân khắp vùng. Còn Hoàng, từ nhỏ chỉ thích nghịch. Anh thường lấy thuốc Bắc của ông trộn lại làm món “thuốc độc phù thủy”, dùng acid tưới cây… Những chiếc tráp sơn mài, sổ tay trong nhà đều bị Hoàng lôi ra vẽ nhăng vẽ cuội vì buồn.

Tới cấp ba, khi chúng bạn thích rong chơi, Hoàng bắt đầu để ý đến các cuốn sổ chép tay “Truyện Kiều”, “Lục Vân Tiên” hay sổ tay ghi các bài thuốc ông để lại – “Chúng trở thành thú vui giúp tôi trú ẩn và đi qua những ngày buồn bã”, Hoàng kể. Anh bắt đầu tập viết.

Trở thành nghệ sĩ calliraphy quốc tế sau 20 ngày học

Vào Đại học Ngoại Thương vì nghĩ rằng phải học một nghề nào đó có thể kiếm tiền dễ dàng, rồi Hoàng nuôi giấc mộng du học, nuôi cả ước mơ học làm graphic designer, nhưng không giấc mơ nào thành thực tế, vì “không có đủ tiền”.

Để “trú ẩn khỏi nỗi buồn” vì những ao ước không thành, Hoàng lại lôi sổ tay ra viết. “Tôi viết như cách để tìm vui. Tôi tập viết ở mọi nơi: trong buổi giảng của thầy cô, trên chiếc bàn xập xệ ở xóm trọ tồi tàn”. Anh hay bị người trong khu trọ trêu: “Ra đường mà cho chữ” hay “lên Văn Miếu bán chữ đi”.

Lúc đầu, cứ thấy cái gì đẹp trên mạng, Hoàng làm theo. Anh hăm hở gửi email cho bất cứ ai viết chữ đẹp trên thế giới mà mình tìm thấy contact để hỏi kinh nghiệm, nhưng chỉ một lần duy nhất nhận được hồi âm.

Không nản chí, Hoàng tự tập tành vẽ chữ. Song chẳng mấy ai để ý đến những bài đăng của cậu trên cộng đồng người chơi calligraphy. Mãi cũng nản, Hoàng nghĩ: thôi, viết cho mình, để vui cũng được.

Cơ may tới với Hoàng khi đang là sinh viên năm thứ 2 (2013), anh tham gia một khóa học miễn phí với cô giáo calligraphy người Mỹ. Đây là lần đầu tiên Hoàng được tiếp cận với calligraphy chính tắc, dù đã tập viết 3 năm. Sự kiện mở ra cho Hoàng con đường tìm hiểu về thư pháp chữ Latin một cách bài bản. Chỉ nhờ khóa học 10 ngày, cộng thêm quá trình tự học, đến cuối năm 2014, Hoàng đã được các nhãn hàng nổi tiếng như Hermès, Gucci đặt hàng viết bưu thiếp, được mời tham gia giảng dạy các khóa học về calligraphy ở một số nước Đông Nam Á và gia nhập chính thức vào IAMPETH, một tổ chức về calligraphy tại Mỹ.

Năm 2016, Hoàng tham gia tiếp khóa học 5 ngày với một giáo sư người Na Uy.

Năm 2018, anh có 5 ngày học với một cây đại thụ về calligraphy ở Mỹ.

Như vậy, người được báo chí nước ngoài (tạp chí Pen World của Mỹ, tạp chí Văn hóa và Đời sống Thái Lan) ngợi khen như một họa sĩ calligraphy thực thụ mới chỉ được học nghề đúng 20 ngày.

Chữ “peace” của một calligrapher

Anh nghĩ, con người có tự thấy khuôn mặt của mình không?

Nếu không có gương thì chắc hẳn là không! Con người đi trong thế giới này cũng vậy, cứ đi dù chẳng biết tương lai, như con người không hề nhìn thấy khuôn mặt của mình.

Từ lúc nào anh bắt đầu định hình rõ khuôn mặt của mình trong thế giới calligraphy?

Cuối năm 2014, tôi bắt đầu được mời đi dạy về calligraphy ở một số nước châu Á như Indonesia, Singapore. Khi ấy tôi vẫn lưỡng lự vì không biết nên đi theo hướng kinh tế đã học ở trường đại học hay sẽ làm thứ mình đang giỏi nhất. Tôi nghĩ bên trong mình đã có câu trả lời, nhưng sau khi đi dạy về tôi mới quyết định được: mình sẽ làm calligraphy.

Tôi dừng các công việc thời vụ, tập trung làm bút, sáng tác… Tôi quyết tâm phải thạo tất cả những thứ thuộc về calligraphy. Tới cuối năm 2016, sau khi đi Mỹ, tôi mới dám quả quyết với bản thân rằng sẽ làm công việc này đến lúc chết.

Viết chữ không chỉ cần luyện cho đẹp mà còn phải nghiên cứu rất kỹ về lịch sử của nó. Công việc ấy có gì thú vị?

Khi một triều đại mới xuất hiện, sẽ có một loại chữ ra đời để ghi chép lại lịch sử. Chẳng hạn triều đại Rome có chữ Roman. Ngoài nhiệm vụ sinh ra để chép sử, chữ viết còn có sự tiếp nối (chữ Roman có sự kế thừa rất lớn từ chữ viết của người Ai Cập cổ).

Anh thích loại chữ nào nhất?

Luôn là Roman – bảng chữ cái Latin đầu tiên, có tuổi đời hơn 2000 năm, ảnh hưởng lên mọi loại chữ cái hiện thời. Người ta đến nay còn không biết tại sao nó được tạo ra. Chữ viết đầy tính bí ẩn, nghiên cứu về nó không bao giờ hết.

Anh thích dùng từ nào để phác thảo về bản thân?

PEACE. Đó là từ được dịch ra rất nhiều nghĩa trong tiếng Việt: hòa bình, thanh bình, tĩnh, an… Riêng về mặt hình học, cấu tạo của chữ PEACE rất đẹp. Tôi thích viết chữ E vì cảm thấy đường nét của nó thanh thoát. Tuy vậy, trong chữ PEACE, tôi thích chữ cái A hơn cả, nó có nghĩa là đầu đàn, có sức mạnh. A nằm ở giữa chữ PEACE, mang tính triết lý rất cao: sức mạnh luôn nằm ở trung tâm, mọi thứ đều phải quay quanh một cái tâm cố định vững chãi.

Chữ C dạy tôi về khiếm khuyết. Trong đời, nếu cái gì cũng tròn đầy, rất khó tạo ra sự hoàn chỉnh. Đôi khi sự khiếm khuyết của một thứ lại làm tròn đầy cho tất cả. Tôi thỉnh thoảng nghĩ, nếu ngày xưa có tiền, biết đâu mình đã bỏ qua đam mê.

Tôi treo ở ngoài cửa (chỉ ra cửa văn phòng mình – PV) chữ Tần Triện (một kiểu chữ Hán) có nghĩa là tĩnh (đồng nghĩa với PEACE) và nó là danh chương của tôi. Khi dạy học trò tiện bút, tôi sẽ treo chữ này lên như lời nhắc nhở: nếu bạn không tĩnh lại, sẽ rất khó để bắt đầu làm bất cứ việc gì.

Chữ PEACE đó liệu đã diễn tả trọn vẹn anh lúc này?

Tôi nghĩ mình được một phần rồi, nhưng vẫn chưa tìm ra điều bản thân đang thiếu hụt là gì nên sẽ tiếp tục đi tìm câu trả lời. Tôi tin vào đạo giáo, rằng con người luôn là trung tâm nên phải sửa đổi bản thân trước tiên nếu muốn thay đổi những điều khác. Bản thân một người phải có trí lực mạnh mới có thể vượt sóng.

Nguyên tắc quan trọng nhất của người viết calligraphy là gì?

Ở mức cơ bản, người viết phải nắm được cấu trúc, cấu hình của chữ. Khi lên cao hơn, phải biết lược bỏ sự máy móc để đưa tinh thần của chữ viết tay vào. Cuối cùng, họ phải tạo được tinh thần giải phóng cho con chữ.

Chữ viết được cấu tạo từ hình học cơ bản nên tính khoa học của nó rất cao. Khi hiểu, họ sẽ có cách viết đúng. Chẳng hạn, chữ Roman khi viết thảo khác với khi viết chuẩn tắc. Những chi tiết nhỏ khi thêm vào sẽ làm thay đổi không gian của một chữ thế nào, cái nào phù hợp viết trên giấy, cái nào phù hợp khắc lên đá…. Đó là những điều cơ bản.

Với anh, điều gì về calligraphy mà một người nếu không hiểu được sẽ thấy rất thiệt thòi?

Tôi nghĩ đó là cái đẹp. Hiểu về calligraphy, bạn có thể áp dụng nó để xem tranh và thưởng lãm các môn nghệ thuật khác như kiến trúc và điêu khắc. Cấu trúc của chữ A là tòa tháp, chữ U là cái vòm… Khi biết nhìn bố cục một chữ viết, người ta có thể biết đặt cửa sổ ở đâu trong ngôi nhà, bình hoa để chỗ nào… Ở phương Tây, đa số người dân có kiến thức cơ bản về hội họa và kiến trúc tốt hơn, bởi họ được học về cấu trúc chữ viết từ sớm. Con người thường cho rằng con chữ sinh ra chỉ để ghi chép một điều gì đó, nhưng ý nghĩa của nó sâu sắc hơn nhiều.

Trong một thế giới ưu tiên việc gõ chữ nhanh, anh lại chọn việc nắn nót từng chữ cái. Sự ngược dòng này mang tới cảm giác gì cho anh?
Tôi cảm thấy yên tâm vì tin rằng mình có công việc tốt và ngày một tốt hơn trong tương lai.

Cảm ơn những chia sẻ của anh!

Nhiếp ảnh: Trần Trung Dũng (282 Production), NVCC


DARE

Đẹp số 257 mời bạn cùng gặp gỡ những con người có trái tim dũng cảm.
Họ dám vùng chạy khỏi cao ốc, học cách du hành, khám phá thế giới để có được cả sự nghiệp và hành tinh trong tay.
Họ dám chơi với đủ thứ, từ cây bút đến ca từ, với cả những chất liệu truyền thống để làm nên các sáng tạo đẹp đẽ mang hơi thở “made in Vietnam” đầy kiêu hãnh.
Họ dám sáng tạo đến tận cùng, bởi luôn “bị” nỗi sợ hãi sự tụt hậu đẩy về phía trước.
Cuối cùng và không thể thiếu, họ dám yêu, dám sống qua bão lửa để viết nên những bản tình ca tuyệt đẹp giữa cả thời chiến lẫn thời bình.
Nghệ sĩ ưu tú Thanh Hương, người bạn đời của cố nhạc sĩ Thuận Yến đã gói chữ “Dám” lại thế này: “Cứ được sống đúng là mình, đó mới là ‘dám’ nhất!”.
Còn bạn thì sao?

Tác giả: Thục Khôi

22/10/2020, 11:30