Danh hài Việt Hương: Khoanh tay cúi đầu mà sống! - Tạp chí Đẹp

Danh hài Việt Hương: Khoanh tay cúi đầu mà sống!

Review

Thanh Thủy – Việt Hương: Thấy cũng tội mà thôi cũng kệ
Gương mặt nữ đắt sô số 1 của sân khấu hài trên song truyền hình thực tế, không ngờ lại than thờ: “Sân khấu mất rồi, còn đâu mà mững!’’. Người mới đây đã quyết lui về “ở ẩn”, rời bỏ sân khấu với những vai chính kịch từng là hành trang “để đời’’ của chị, cũng lại thở dài: ‘’Giờ còn vui được đã là mừng!’’. Hay nói vui như người Sài Gòn bây giờ là: ‘’Thấy cũng tội mà thôi cũng kệ!’’. Đời sống sân khẩu Tp.HCM – Những giọt buồn sau vai diễn, qua những “Kép Tư Bền” của hôm nay…

Xem thêm:

Nghệ sĩ Thanh Thủy: Còn vui đã là mừng

Từng vỗ nát cả tay khi xem Thanh Thủy diễn

– Dạo này thấy chị liên tục biến hình trên “ghế nóng” với nhiều trang phục khác biệt. Sao bỗng nhiên chị đổi khác?

– Tôi là vậy đó, sẵn sàng… “điên” và “đốt” vì công việc. Tôi không bao giờ mua chiếc giỏ xách vài ngàn đô, cũng không đầu tư quần quần áo áo chỉ để làm dáng, nhưng sẵn sàng chi vài ngàn đô cho một bộ trang phục khi lên sân khấu.
Điều đó chứng tỏ mức cát sê chị nhận được từ truyền hình thực tế cũng đáng đồng tiền bát gạo?

– Chuyện cát sê thì khó nói. Nhưng là một diễn viên đi ra từ sân khấu kịch, thật ra tôi lại thấy buồn khi thấy truyền hình thực tế nở rộ như hiện giờ. Bởi sân khấu kịch chết hẳn rồi, nó đang biến tấu sang truyền hình thực tế, diễn viên sân khấu đua nhau lên sóng. Đành rằng, đó là mảnh đất nuôi sống diễn viên, nhưng tôi thấy rõ, với cách làm truyền hình thực tế đầy “biến tấu” hiện nay, thì sớm muộn rồi nó cũng sẽ đi vào ngõ cụt. 

Nên dù cát sê diễn kịch chẳng đáng bao nhiêu, tôi vẫn nhận lời nếu có vai. Trợ lý của tôi kêu trời, người quen cũng kêu tôi kỳ cục, tôi chỉ trả lời: “Nghề của tôi mà! Sao lại hỏi tôi vì sao diễn? Vì tôi muốn diễn, tôi nhớ sân khấu…”. 

– Thế mà tôi lại cứ tưởng, chị đang phấn khích lắm với truyền hình thực tế?

– Sân khấu mất rồi, còn đâu mà mừng vui. Từng chứng kiến cách một nghệ sĩ phải khó khăn thế nào mới có thể vào vai chính, rồi chứng kiến cả giai đoạn một người trên trời rơi xuống trở thành đào chính luôn… – Đó là lúc tôi thấy sân khấu tắc tử. Giờ một vở diễn được giới thiệu có hàng chục danh hài, tôi cũng chẳng phân biệt được đâu là danh hài thực sự nữa.

– Khi nhìn thấy những đào chính chạy đi diễn hài, như Thanh Thủy – người từng làm Thần phi trong “Bí mật vườn Lệ Chi” hay cung nữ Thuận Khanh trong “Ngàn năm tình sử”, chị nghĩ gì?

– Thanh Thủy là một nghệ sĩ mà khi xem chị ấy diễn, tôi đã phải đứng lên, vỗ đến nát cả tay (vở “Hãy khóc đi em”). Chị diễn hay đến độ vậy đó! Đối với tôi, Thanh Thủy là một trong những diễn viên sân khấu kịch xuất sắc, nếu nói về nữ. Nên dù chị ấy diễn hài hay bi thì vẫn là một Thanh Thủy cực kỳ giỏi nghề. Mà một diễn viên chính kịch diễn được hài là giỏi lắm, bởi nghệ sĩ hài có thể diễn bi, nhưng không phải nghệ sĩ diễn bi nào cũng có thể diễn hài.

Khi tôi vào nghề, Thanh Thủy đã là một cái tên sáng chói. Lúc đó, trên truyền hình đang có series “Trong nhà ngoài phố”, truyền hình cũng có giờ vàng dành cho sân khấu và Thanh Thủy là một trong những gương mặt “khủng”, khiến tôi phải nghiêng mình bái phục.

– Vậy nhưng cái tên Việt Hương lúc này rõ ràng là đắt sô hơn hẳn?

– Tại sao lại so sánh một nghệ sĩ hát opera với một ca sĩ nhạc dance? Chị có thấy nghệ sĩ opera nào nhận show đi diễn tối ngày không? Còn tôi là người hát nhạc dance, nên tôi hát tối ngày không là chuyện lạ. So sánh vậy khác nào so Hoài Linh với Thành Lộc, kẻ dân dã, người cao sang làm vậy!
Mỗi nghệ sĩ có một con đường và tôi tin họ hạnh phúc với sự lựa chọn của mình. Nhìn vào những Thanh Thủy, Ái Như, tôi như thấy mình đang ngắm một bức tranh. Nhắc đến những cái tên đó, mình chỉ biết ồ lên: “Thủy hả, đừng nhắc tới bả, bả diễn thần  kỳ lắm!”. Thanh Thủy là một bảo chứng cho sân khấu và quan trọng là tôi thấy chị vẫn vui vẻ với công việc diễn xuất của mình. Những người như chị giúp cho người ta biết sân khấu vẫn còn đấy, và dù thoi thóp thì nó vẫn đang thở…

Đố ai thấy tôi ban đêm ngoài đường

– Khán giả yêu chị nhiều, nhưng họ biết về chị thì dường như quá ít. Chị vẽ thêm vài nét nữa đi!

– Việt Hương hả? Đó là một người chỉ biết làm việc, không cờ bạc, không rượu chè, không trai gái, không tụ tập, không shopping, chỉ mua những gì mình cần chứ không mua những gì mình muốn. Đi làm từ sáng, 9 giờ tối đi ngủ, 6 giờ sáng dậy, chăm cây cảnh, tập thể dục, ăn sáng, đi làm đến 6 giờ chiều về nhà ăn cơm, chơi với cậu bé hotboy 3 tuổi, nịnh bợ nó rồi đi ngủ. Chẳng ai thấy tôi lảng vảng ngoài đường ban đêm bao giờ.

– Tại sao chị lại có một đời sống công sở đến vậy?

– Tôi cũng không biết nữa. Có thể tôi không có nhu cầu. Nhưng hiện tại còn thêm lý do là tôi cứ liên tục bị “trái múi giờ”. Từ Mỹ bay về Việt Nam, cứ 4 giờ sáng là tôi tỉnh giấc, khi tôi bắt đầu quen quen được việc ngủ đến 6 giờ thì lại phải bay về Mỹ, lại ngược múi giờ.
Ở Việt Nam, tôi chỉ thỉnh thoảng nhắn cho anh Hoài Linh: “Bố ơi, bố đang làm gì vậy, em mới về, bố giữ sức khỏe nha!”. Hay nhắn cho chị Phương Dung: “Chị ơi, chị có khỏe không?”, chứ tôi không có thói quen đi ăn uống tụ tập cùng mọi người.
Đắt sô và hẳn tiền làm ra không ít, lại chẳng buồn “ăn chơi nhảy múa”, vậy chị dùng nó vào việc gì?

– Ai cũng hỏi tôi câu y chang vậy. Tôi có nhà hàng, làm kinh doanh và tôi nhớ mình chưa bao giờ than nghèo, cũng vậy, chưa bao giờ khoe mình giàu có. Cuộc sống của tôi rất thoải mái vì tôi chỉ ăn cơm nhà và rất ít ăn cơm tiệm. Tôi không ăn thịt heo, thịt bò, chỉ ăn cơm cá, đậu hũ. Ngoài đời tôi chỉ thích mặc áo bà ba, quần đen. Áo bà ba cổ tròn, tay dài có thể đi mọi nơi rất tiện, đi chùa đủ kín đáo, gặp người thượng lưu đủ lịch sự mà gặp người bình dân họ cũng không có cảm giác xa cách. Còn chiếc quần đen thì rộng rãi, mát mẻ. Tôi đi diễn không phải cực khổ để kiếm tiền, đơn giản vì tôi muốn đứng trên sân khấu.
 


– Chị có giống mẹ không?

– Có khi tôi chẳng giống ai. Vì mẹ tôi là người không bao giờ nói chuyện, bà chỉ mỗi việc gõ mõ tụng kinh. Mẹ tôi quá hiền, chỉ cười. Ai đến nhà mẹ cũng hỏi: “Con muốn uống gì, uống trái cây bác xay cho con uống” – hết. Xong bà vô phòng ngồi đan, thêu miệt mài. Sau này, bà mất một cách đột ngột. Còn tôi từ nhỏ đã không sống với ba; khi ba 81 tuổi, tôi mới về sống chung với ông được đôi tuần.

– Một người Việt đã ít nhiều “Mỹ hóa”, tại sao chị vẫn giữ được nếp sống cơ bản như vậy?

– Ở Mỹ tôi có chồng và con gái; chồng tôi làm nhạc, anh cũng sinh ra trong một gia đình nhà nòi ở Hà Nội. Anh làm công việc phòng thu và thỉnh thoảng đi hát. Chúng tôi không có người thân bên cạnh nên ai cũng phải vừa làm việc của mình vừa chăm con.

 Nước mắt danh hài

Chúng ta thường mặc định danh hài gắn liền với tiếng cười. Nhưng đời người, hỉ – nộ – ái – ố luôn song hành như một định luật bất biến. Vậy nên, nếu chỉ gắn danh hài với tiếng cười, vẻ như chúng ta đang nhìn cuộc sống ở một chiều đơn giản.

Samuel Beckett từng nói: “Nước mắt của thế gian này luôn bất biến. Với mỗi người bắt đầu khóc, ở nơi nào đó khác một người ngừng rơi lệ. Với tiếng cười cũng vậy”. Và chúng tôi tin vào điều đó khi lắng nghe chia sẻ của các nghệ sĩ hài.

Trấn Thành: Đừng ví cảm xúc như một… nồi canh
Thúy Nga: Đời tôi nước mắt nhiều hơn nụ cười

Việt Hương: Tôi chỉ khóc với anh Hoài Linh

Tôi nấu ăn cực kỳ ngon, thích cuộc sống ngăn nắp. Khi ra Hà Nội, về thăm gia đình chồng, nhạc sĩ Phú Quang từng ngợi khen tôi: “Làm dâu xứ Bắc như vậy là tuyệt vời rồi!”.

Khi về Mỹ, tôi vẫn nấu món Bắc cho chồng; tự tay chăm sóc, tắm, cắt tóc, sửa móng cho con… Tôi ngoài đi diễn thì chỉ làm một người phụ nữ của gia đình.

– Chưa từng nghe chị kể về chồng, có lý do gì mà chị “giấu biệt” anh nhà đến vậy?

– Tôi tin là nếu ai đó gặp chồng tôi thì sẽ thích anh ấy hơn tôi. Anh ấy nhiều tài vặt lắm, còn dạy cả con đơm khuy áo. Chồng tôi rặt người Bắc, còn tôi rặt người Nam, nhưng chúng tôi yêu nhau và vẫn giữ được tình yêu ấy sau hơn 10 năm chung sống.
Khi Trấn Thành sang Mỹ, tôi đưa Thành đi mua sắm cả một ngày, về lết bết, bù xù như con ma chạy chợ, thế mà mở cửa ra, chồng vẫn chạy ra ôm: “Trời ơi, vợ tôi, hoa hậu của tôi về rồi! Em đi từ sáng, anh nhớ quá, anh vắt nước cam sẵn cho em rồi”.
Chúng tôi không bao giờ gây lộn với nhau trước mặt con cái. Gia đình anh vốn gia giáo, và tôi từ bé cũng được mẹ dạy: khoanh tay cúi đầu. Một trong những điều khiến thầy Công Ninh cho tôi đi diễn cũng vì ấn tượng với hành động khoanh tay cúi đầu chào thầy của tôi.

– Có một người đàn ông như thế mà chị cứ đi diễn xa suốt, sao vẫn giữ được mọi điều trọn vẹn?

– Chỉ vì tôi làm gì cũng hết tâm thôi. Nếu lên sân khấu diễn, thì chẳng ai bưng tôi xuống được, tôi diễn đến ngã quỵ thì thôi. Và tôi sống với chồng cũng vậy, rất chung thủy. Chồng tôi biết rõ tôi làm việc xong sẽ về nhà, ăn cơm nhà nấu, xong việc là xách giỏ thẳng tưng về Mỹ.
Có rất nhiều người “cua” chồng tôi, anh ấy đưa tin nhắn cho tôi xem và nhờ tôi tư vấn trả lời sao để họ khỏi làm phiền. Giờ đây tôi đang nằm ở một chiếc giường 1,8m và bên kia chồng tôi cũng nằm một mình trên cái giường 1,8m để nghe tôi nói chuyện.

– Thế nước mắt của danh hài Việt Hương nếu chảy, thì nó chảy vì điều gì?

– Vì hai cái. Thứ nhất là khi bước vào nghề, tôi bị chà đạp đến mức không nghĩ một ngày mình có thể làm nghề được. Có thể do tôi không đẹp và không biết xu thời. Nên tôi từng đau lắm. Tôi hiểu rõ từ “sau tấm màn nhung là nước mắt” – bởi nước mắt thực ra đã thấm ướt các vai diễn đầu đời của tôi. Tôi đã trải qua 7 năm như thế, 7 năm đó có lẽ tôi chẳng bao giờ có thể quên.
Nỗi đau thứ hai là mẹ tôi ra đi quá đột ngột. Khi tôi có thể phụng dưỡng mẹ thì mẹ không còn… 
Bài: Thục Khôi
Ảnh: Thái Phạm
logo

Thực hiện: depweb

29/04/2016, 14:58