Chuyên đề: Nước mắt danh hài
Chúng ta thường mặc định danh hài gắn liền với tiếng cười. Nhưng đời người, hỉ – nộ – ái – ố luôn song hành như một định luật bất biến. Vậy nên, nếu chỉ gắn danh hài với tiếng cười, vẻ như chúng ta đang nhìn cuộc sống ở một chiều đơn giản.
Khi chương trình dành riêng cho các nghệ sĩ hài Ơn giời, cậu đây rồi! khởi động trên VTV3 vào mỗi tối cuối tuần, chúng tôi biết, nhiều người có một nơi để giải tỏa những căng thẳng sau một tuần bộn bề. Nhưng, để có những tiếng cười, mang đến cho khán giả, những nghệ sĩ hài đã sống một cuộc đời phía sau ra sao? Khi đặt câu hỏi đó, Đẹp Online rất muốn lý giải, muốn tìm một lời đáp về cuộc đời của những người “bán tiếng cười”.
Samuel Beckett từng nói: “Nước mắt của thế gian này luôn bất biến. Với mỗi người bắt đầu khóc, ở nơi nào đó khác một người ngừng rơi lệ. Với tiếng cười cũng vậy”. Và chúng tôi tin vào điều đó khi lắng nghe chia sẻ của các nghệ sĩ hài trong chuyên đề lần này!
Đẹp Online xin lần lượt giới thiệu các bài viết!
Trấn Thành: Đừng ví cảm xúc như một… nồi canh
Thúy Nga: Đời tôi nước mắt nhiều hơn nụ cười
Tổ chức & thực hiện: Hải Khôi – Lê Hạnh
Sợ nhất show diễn không tiếng cười
Danh hài Việt Hương
– Người ta thường nói về chị thế này: việc gì khó, có Việt Hương. Vì sao thế ?
– Vì mỗi lần Việt Hương lên sân khấu, mọi người thường nói Việt Hương có “máu điên”, “máu khùng”, khi đó Việt Hương không còn là Việt Hương nữa, có bao nhiêu máu là “chơi” hết. Cho nên trong nghề Hương may mắn được anh em thương quý, vì trước nhất khi giao vai cho Hương, Hương sẽ học thuộc kịch bản, vì Hương nghĩ, một người diễn viên muốn giỏi và tôn trọng người khác trước tiên phải đọc thuộc kịch bản đã. Và từ kịch bản đó Hương sẽ chế thêm ra.
Ai kêu Hương làm gì Hương cũng làm, không từ chối. Trong một vai diễn, nếu phải mướn cascadeur thì Hương làm luôn, trừ những cú nguy hiểm quá. Còn những cú đánh võ bình thường, hay treo ngược Hương cỡ nào, treo bao lâu Hương cũng chịu được. Vì thế mọi người thường gọi Hương bằng từ “quái đản”.
– Nhưng chị có bao giờ gặp việc khó mà chỉ biết “kêu trời” chưa? Đối với chị, “bay” show nào là khó nhất: show không catse, show không khán giả hay show không tiếng cười?
“Hương không sợ show không caste, cũng không sợ show không khán giả mà Hương chỉ sợ show không tiếng cười”
– Cũng có đấy, nhưng thường gặp việc khó Việt Hương làm luôn chứ không từ chối. Từ thời còn chưa nổi tiếng khi đóng vở kịch “8 người đàn bà”, có một cảnh khi phát hiện ra chủ nhà chết, Việt Hương phải té lộn ngược từ bục cao 2 mét xuống. Trước khi diễn đạo diễn Quốc Thảo hỏi Hương có làm được không. Hương nói là mình làm được nhưng phải tập trước để biết tư thế té thế nào để… an toàn cho vai diễn, chứ không phải để khán giả sợ hết hồn. Đó là những cái Hương sợ, nhưng nếu tập làm thì vẫn làm được. Người ta bảo “có công mài sắt có ngày nên kim”, có lẽ do Hương mài riết nên hồi đó cao 1,8m mà giờ còn 1,5m à (cười).
Ngoài ra khi “bay” show, Hương cũng gặp nhiều “ca” khó. Khi gặp “ca” khó, Hương nghĩ: thôi kệ, đã tới rồi thì cứ làm đi. Nếu mình kệ hoài bầu show sẽ lờn như lờn thuốc. Mình cứ cho qua hoài không được, nên có lúc phải đứng lên, dù biết động đến quyền lợi là sẽ không có ai đứng cạnh mình. Nhưng Việt Hương nghĩ, việc gì làm đúng lương tâm của mình thì sẽ làm. Hương không sợ show không caste, cũng không sợ show không khán giả mà Hương chỉ sợ show không tiếng cười. Bởi người ta mời mình tới để mang tiếng cười, vậy mà diễn khán giả không cười nổi thì mình đã làm sai. Cũng may chưa bao giờ xảy ra chuyện khán giả không cười và chưa có show nào là không có khản giả, chỉ có ít hay nhiều mà thôi.
Còn nếu không may gặp show không caste, thì vì họ mời mình đến mang tiếng cười cho khán giả, nên việc trước tiên Việt Hương phải làm là tạo tiếng cười cho khán giả đã.
– Nhưng hạnh phúc chạy show chắc chắn là cũng không ít, nó thường ở những hoàn cảnh nào, thưa chị?
– Những show diễn xa xứ mang đến cho Việt Hương nhiều tình cảm, nhiều dấu ấn nhất. Đó là những show diễn ở Úc. Khi đến nơi, Việt Hương ra phố chào khán giả, khán giả tặng rất nhiều đồ ăn vặt. Nhìn thấy nghệ sĩ, họ mừng lắm, họ nói:
“Tối tôi đến coi nhe, giờ tặng đồ ăn đã”. Khán giả yêu thương coi nghệ sĩ như người trong nhà. Cảm thấy rất ấm áp giống như được về quê ngoại của Hương ở miền Tây, vì người miền Tây hay tặng nhau đồ ăn vặt y như vậy.
“Nghề này không tính bằng nụ cười và nước mắt mà phải đo bằng cái tâm. Làm nghệ thuật, cần nhất là cái tâm, phải nhiệt huyết, bởi đây là nghề phải trả giá rất là đắt”
Hay những lần “bay” show ở châu Âu trời rất lạnh. Nghệ sĩ vừa tới nơi, khán giả đã chật cứng phòng, khi đó anh chị em nghệ sĩ ai cũng bị lạnh, chân tay cứng đờ đi không nổi nhưng vào đến phòng cảm thấy vô cùng ấm áp.
Có nhiều bầu sô, khán giả yêu mến nghệ sĩ đến mức, khi nghệ sĩ về, họ đến tiễn tận xe và vẫy tay khóc khiến các nghệ sĩ xúc động chẳng muốn về như khi diễn ở Đức. Rồi khi trên xe đi lưu diễn từ tiểu bang này đến tiểu bang khác ở châu Âu, từ Pháp qua Bỉ, từ Bỉ qua Đức, từ Đức qua Anh… trời lạnh run, anh chị em nghệ sĩ mang cá kho, thịt gà theo và nấu cơm ăn trên xe. Lúc đó không còn là ngôi sao, hay không ngôi sao, đứa nào cũng phải nấu hết. Những khoảnh khắc ấm cúng hạnh phúc đó chỉ khi “bay” show mới có được.
– Là một nghệ sĩ “bay” show nhiều nhất nhì showbiz Việt. Trên những chuyến bay dài ấy, chị thường hay nghĩ về những điều gì?
– Lên máy bay có hai việc mà Việt Hương làm là đọc kịch bản và đọc sách. Vì Hương rất thích đọc sách mà không có thời gian, chỉ có lên máy bay mới được rảnh. Nhưng điều Việt Hương thích nhất trên máy bay là ngủ. Ngủ một giấc là tới nơi rồi. Còn trường hợp stress vì việc gia đình như thời gian mẹ mất mà Hương vẫn phải bay vì không thể từ chối được thì Hương phải dùng thuốc ngủ.
– Chuyển sang sống ở Mỹ, rồi trở lại Việt Nam biểu diễn liên tục. Cuộc sống ở “hai đầu nỗi nhớ” ấy có gây phiền toái gì trong cuộc sống riêng của chị?
– Rất may là gia đình bên chồng Hương vẫn còn nhiều người ở Việt Nam và gia đình Hương vẫn còn chị gái ở Sài Gòn, nên không cảm thấy trống trải khi về nước. Còn nếu Hương về nước lâu thì ông xã bồng con về cùng. Nhà hàng của Hương bên Mỹ có Hoài Tâm là bạn diễn và cũng là bạn thân lo giùm. Việt Hương bay đi, bay về thường xuyên nên cuộc sống riêng cũng không bị ảnh hưởng.
Nước mắt sẻ chia vẫn là nhiều nhất
– Giới nghệ sĩ như một xã hội thu nhỏ, với chị, đó là căn nhà, hay một bãi hoang? Và với người làm nghề nước mắt hay nụ cười là thứ họ có ở nơi đó nhiều nhất?
– Hương nghĩ, đó là một khu phố, bởi căn nhà chỉ có vài người thôi. Khu phố nghệ sĩ có phố này làm ca sĩ, phố nọ làm cải lương, phố kia sẽ là kịch chính thống, phố kia làm hài… Mỗi khu phố làm mỗi ngành khác nhau. Khu phố đó ồn ào cỡ nào nhưng Hương tin không ai sống tình nghĩa bằng anh chị em nghệ sĩ. Bạn thấy đấy, mỗi khi ai bệnh, ai gặp họa, các nghệ sĩ đều chung tay góp sức để giúp. Vì thế, nếu nước mắt rơi, cũng là nước mắt sẻ chia.
Nghề này không tính bằng nụ cười và nước mắt mà phải đo bằng cái tâm. Làm nghệ thuật, cần nhất là cái tâm, phải nhiệt huyết, bởi đây là nghề phải trả giá rất là đắt. Phải hy sinh gia đình, thời gian, hy sinh tuổi thanh xuân. Ví dụ, nếu thời thanh xuân bạn học đại học thì bạn có thể mang bài về nhà học một mình. Còn làm diễn viên là đóng kịch, đóng phim nên không thể ở nhà một mình mà làm được, mà phải đến một nơi để tập với nhau. Nên thời gian dành cho cuộc sống riêng của nghệ sĩ không nhiều như người làm nghề khác.
Làm nghề này ai cũng muốn nổi tiếng, nếu không muốn nổi tiếng thì đã không chọn nghệ thuật. Nói là vậy, nhưng có nhiều người xung quanh Việt Hương, ở vị trí ít người biết đến là thiết kế, đánh ánh sáng, phục vụ hiện trường… họ cũng là làm nghệ thuật đấy nhưng họ đâu được tôn vinh. Đâu phải ai làm nghệ thuật cũng là nghệ sĩ? Hương thấy có nhiều em đi quay phim chỉ làm nhiệm vụ giữ máy, phụ máy nhưng mà đam mê lắm. Nên nghề này cái tâm là quan trọng nhất.
– Như là có đáp án chung, nghệ sĩ Thúy Nga cho rằng, đa phần cuộc đời của các danh hài không hạnh phúc. Còn theo chị, có phải khi trao đi quá nhiều tiếng cười, nên thứ còn lại với họ đa phần là nước mắt?
– Một lần ra đường, một chị bán gánh, nhìn thấy Việt Hương, chị ngừng lại nói: “Mừng quá, gặp chị Hương rồi!”. Việt Hương bèn giỡn: “Mệt thế sao chào được chị? Chị gánh đi, lo bán đi, nặng thấy mồ còn ngắm em làm chi, em có xinh đẹp gì đâu”; chị bán gánh ấy cười sốc ruột gánh không nổi. Việt Hương giỡn giỡn cho chị ấy vui để đi đường chị nghĩ rằng gặp cô Việt Hương, cô ấy nói chuyện vui ghê, biết đâu đôi gánh trên vai chị ấy nhẹ đi phần nào, và chị ấy bước đi cũng đỡ mệt.
Nhưng nỗi buồn đời ai chẳng có, nghệ sĩ hài cũng chỉ là một người bình thường. Tôi không có thói quen phô trương nỗi buồn của mình, khi buồn, tôi chỉ chia sẻ với người mình thân nhất, người cho mình lời khuyên chín chắn nhất là anh Hoài Linh.
Bài: Lê Hạnh
Ảnh: Duy Nhất