Khủng hoảng từ việc kêu gọi thiện nguyện, Hoài Linh có thể xử lý theo cách nào? - Tạp chí Đẹp

Khủng hoảng từ việc kêu gọi thiện nguyện, Hoài Linh có thể xử lý theo cách nào?

Sao

Gần đây, Hoài Linh phải đối mặt với tai tiếng được xem là lớn nhất trong sự nghiệp của mình. Những ồn ào xoay quanh số tiền quyên góp hơn 13 tỷ đã làm tổn thất hình tượng, châm ngòi làn sóng tẩy chay, thậm chí đám đông khán giả còn đề nghị gạch tên Hoài Linh ra khỏi dàn cast một chương trình giải trí. Trước phản ứng giận dữ đến từ dư luận, liệu có còn cơ hội nào cho Hoài Linh xoa dịu khán giả?

Vào tháng 11 năm 2020, Hoài Linh đã đứng ra kêu gọi khán giả quyên góp, nhằm ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt. Số tiền quyên góp đã lên tới hơn 13 tỷ đồng, nhưng sau 6 tháng, Hoài Linh vẫn chưa có động thái giải ngân. Sự việc này đã xáo động dư luận, khán giả lên tiếng đề nghị Hoài Linh minh bạch về khoản tiền quyên góp này. Việc đăng video trần tình là một phương án xử lý truyền thông của nam nghệ sĩ. Tuy nhiên, phương án này trong trường hợp của Hoài Linh lại gây ra hiệu ứng ngược, khiến đám đông khán giả càng thêm giận dữ. Sở dĩ video trần tình không nhận lại kết quả như mong muốn, là vì nam nghệ sĩ đã không hiểu rõ cơn giận của dư luận bắt đầu từ đâu.

Cách đối mặt với “bão” scandal của các nghệ sĩ Việt

Trước nam nghệ sĩ, Thủy Tiên cũng từng vấp phải phản ứng trái chiều do không minh bạch trong việc dùng tiền quyên góp. Vì vậy, cô đã công khai trên facebook cá nhân các bảng sao kê ngân hàng, gồm một triệu lượt chuyển khoản với tổng tiền quyên góp là hơn 177 tỷ đồng, cùng các biên bản xác nhận có dấu mộc đỏ của chính quyền tại bảy địa phương nơi cô tới hỗ trợ. Với bất kì thắc mắc nào, chẳng hạn tại sao số tiền ghi lại thấp hơn số tiền rút ra, taị sao Thủy Tiên phải bỏ hơn 3 tỷ tiền túi vào quỹ, cô đều giải thích rõ ràng cho công chúng. Công bố tình trạng số tiền quyên góp là điều Hoài Linh đã có thể làm sớm hơn. Chính sự minh bạch quá trễ, mà bằng chứng là video trần tình chỉ xuất hiện sau khi khán giả bắt đầu nghi ngờ, đã khiến mọi chuyện tệ hơn.

Trong hoạt động nghệ thuật, không ít nghệ sĩ vướng phải vào scandal. Đơn cử như vụ tẩy chay hoa hậu chuyển giới Hương Giang vào năm 2020. Vụ ồn ào chính là bài học để đời cho nàng hoa hậu, vì cô đã có cách giải quyết truyền thông “sai một li đi một dặm”. Vì những phát ngôn “nhỡ miệng”, hàng loạt group anti Hương Giang lần lượt mọc lên. Cô dấy lên một cuộc chiến với anti-fan, mời công an “hờ” vào cuộc. Động thái xin lỗi quá trễ và chưa thành thật, hậu quả là kể cả những người trung lập cũng quay sang ghét bỏ Hương Giang. Nữ diễn viên cuối cùng tạm rút khỏi các hoạt động giải trí. Một bên là lùm xùm xoay quanh chuyện giải ngân trễ tiền quyên góp đồng bào bị nạn. Một bên là cuộc chiến không đáng có với anti-fan. Trường hợp của Hoài Linh và Hương Giang giống nhau ở chỗ lời xin lỗi. Cả hai lời xin lỗi đều không đúng cách, không đúng lúc, trút dầu vào lửa và đẩy câu chuyện đi xa hơn.

Đặt trong trường hợp của Sơn Tùng, nam ca sĩ đã phải đối mặt với vô số scandal trong sự nghiệp. Điểm đặc biệt ở cách xử lý khủng hoảng của Sơn Tùng nằm ở chỗ, anh chưa bao giờ thực sự lên tiếng về bất kì scandal nào. Trước những ồn ào dư luận, Sơn Tùng đã chọn giải pháp “im lặng là vàng”. Anh không tham gia nhiều gameshow, hạn chế phát ngôn trên mạng xã hội. Dù không đưa ra một lời xin lỗi nào, nam ca sĩ vẫn hoạt động nghệ thuật không ngừng nghỉ. Nói như vậy để thấy, đối diện với khủng hoảng, nam ca sĩ đã chọn im lặng và hành động thay vì lên tiếng trần tình.

Ngược lại trường hợp của Hoài Linh, rõ ràng xin lỗi và trần tình là cần thiết. Tuy nhiên, đáng buồn là nam nghệ sĩ đã không xin lỗi đúng cách, và cũng không có một hành động nào đi kèm.

Từ phản ứng của khán giả, đâu là phương cách khả dĩ nhất cho nghệ sĩ Hoài Linh?  

Nói về cách xử lý truyền thông của Hoài Linh, nhà báo Lê Minh Hạ viết: “Hoài Linh đã có cách lựa chọn khôn ngoan là không họp báo, không trả lời riêng cho một phỏng vấn riêng nào cả, tất cả được gói gọn trong video clip trả lời chung cho truyền thông để gửi tới công chúng. Điều này giúp Hoài Linh bảo đảm rằng các lời nói của mình với truyền thông được nguyên bản, dễ đối chiếu nếu bị sử dụng trích dẫn sai khác đi”, anh viết.

Tuy nhiên, rõ ràng video trần tình đó lại trút dầu vào lửa. Vì Hoài Linh đã không thực sự làm đúng bản chất của một video xin lỗi. “Lẽ ra, khi đã đầu tư quay clip như vậy, Hoài Linh nên lưu ý ở vai trò công chúng, họ cần nghe và thấy gì ở anh. Hoài Linh thỉnh thoảng cười, chứng tỏ như sự việc này vẫn rất bình thường, mình đang trò chuyện với công chúng thông qua video, một cách bình thường, thản nhiên chứ không phải đúng tính chất của một video xin lỗi. Chân dung Hoài Linh trong clip không hoàn toàn có cái vẻ của người xin lỗi”.

Trong tình huống hiện tại, Hoài Linh không thể khôi phục lại hình tượng như ban đầu. Nếu muốn xoa dịu khán giả, Hoài Linh cần phải xem xét lại những điểm sai của mình, và xin lỗi một cách thật lòng. Với số tiền hơn 13 tỷ đồng, Hoài Linh cần công khai cụ thể, đưa ra kế hoạch giải ngân rõ ràng, minh bạch. “Đó là một hành trình chuộc lại lỗi lầm cần thiết mà nếu không, nó sẽ khiến Hoài Linh sẽ khó mà có một đời sống bình yên mãi về sau được. Sự nghiệp, danh tiếng hơn nửa đời người không thể mất sạch chỉ vì hai tiếng nhận lỗi không dùng đúng lúc”, Lê Minh Hạ viết.

Tâm lý khán giả Việt Nam có hai đặc điểm chính: dễ giận dễ quên, và “không đánh kẻ chạy lại”. Vì vậy, Hoài Linh cần chuộc lỗi bằng hành động thiệt thực, thái độ phù hợp để lấy lại niềm tin nơi khán giả. Mặc dù có rất nhiều phương án khác, nhưng dựa vào hai đặc trưng này của khán giả Việt Nam, đây có là cách xử lý khủng hoảng hiệu quả nhất mà Hoài Linh có thể chọn lúc này.

Tác giả: Hằng Trần

29/05/2021, 07:00