Con & Tình cảm học trò: “Mẹ ơi, con đã thích một bạn!” - Tạp chí Đẹp

Con & Tình cảm học trò: “Mẹ ơi, con đã thích một bạn!”

ĐẸP KIDS

Đừng để con biết mình… đã sốc

“Đêm đó tôi không ngủ được, 10 giờ đêm vẫn mở cửa bước ra đường. Tôi cần giải tỏa tâm lý để có thể bình thản trước mặt con bé. Tôi không muốn con thấy mình đang bị sốc. Nó vừa nói gì nhỉ? ‘Con thích anh trai của một bạn cùng lớp. Con thấy tim con đập nhanh mỗi khi nhìn thấy anh ấy. Thế có phải là yêu không hả mẹ?’ Lẽ ra tôi phải vui vì con gái đã chọn mẹ để thổ lộ về người con trai đầu tiên trong đời nó thích. Nhưng tôi chưa chuẩn bị tâm lý cho điều này. Tôi muốn con mình vẫn cứ bé bỏng” – đó là lời tâm sự của không ít bà mẹ có con bước vào tuổi cập kê.

“ Nứt mắt ra đã yêu đương, không biết xấu hổ à?”

“Thật không ngờ con lại đổ đốn, hư hỏng thế?”

Tịch thu điện thoại, phong tỏa các mối quan hệ của con, cấm con ra đường ngoài giờ học, đích thân chở con đến tận cổng trường, nhờ cô giáo giám sát, lùng sục thô bạo vào Facebook của con để “chặn đứng” chuyện yêu đương là phản ứng tiêu cực của một số bậc cha mẹ khi phát hiện con yêu sớm. Và điều các ông bố, bà mẹ nhận lại được sẽ như thế nào?

“Tôi rất ngạc nhiên khi đêm đêm nghe cô giúp việc và con gái nói chuyện rất khuya. Tôi hỏi thì hai người vòng vo giấu giếm. Tôi đành nghe trộm và tá hỏa khi con gái tôi tìm đến cô giúp việc để thổ lộ về mối tình đầu của nó”, một bà mẹ kể lại. Đuổi cô giúp việc về quê, tìm cách đe nẹt, ngăn ngừa con gái tiếp tục gặp cậu trai kia… là chuỗi hành động vội vàng của bà mẹ này, kết quả là cô con gái đã bỏ đi không về nhà. Có hàng trăm câu hỏi, nghi ngờ nảy sinh trong đầu khi con gái biến mất sau giờ học? Mọi nguyên nhân đều đổ hết cho cậu trai kia, và kết luận cuối cùng mà các phụ huynh thường nghĩ đến là “con mình đã hư hỏng”.

Bố mẹ vô tình trở thành đối thủ của con, đẩy con vào sự đau khổ, tuyệt vọng. Bởi càng cấm cản, con sẽ càng ức chế, tìm cách “vùng vẫy” đáp trả trong sự ngang bướng: yêu mãnh liệt hơn, cô lập với gia đình, tự hành hạ bản thân hoặc tệ hơn là nghĩ đến điều dại dột.

Những đứa trẻ bước sang tuổi 13-14 đa phần cảm thấy hoang mang trước những thay đổi có tính bước ngoặt với chúng, lúc này nhu cầu chia sẻ của con vô cùng lớn. Một người bạn tin cậy để chia sẻ, không chế giễu, không gây tổn thương bằng những nhận xét thiếu tinh tế, thô thiển – là ao ước của hầu hết những đứa trẻ mới lớn. Lý tưởng nhất là được làm bạn với cha mẹ, song không phải cô bé, cậu bé nào cũng được may mắn như vậy.

Cuộc đời giống như một bức tranh đầy màu sắc. Màu xám xịt giống như người mẹ ở trên hay lấp lánh những sắc màu khác, tùy thuộc vào cách ứng xử của từng bậc phụ huynh. Con yêu sớm, thì đã sao? Chẳng phải rung động trong sáng đó hay hơn nhiều những suy nghĩ vô cảm, ích kỉ?

Những rung động không có lỗi

“Mẹ từng cũng có những rung động ở thời đi học với một bạn cùng lớp. Mẹ thấy xấu hổ nên xa lánh người bạn đó. Thậm chí khi bạn ấy ngỏ lời, mẹ đã mắng bạn ấy thậm tệ. Mẹ rất ân hận vì không bao giờ có thể sửa chữa được sai lầm đó. Giá như mẹ cũng có một người bạn lớn để thổ lộ và có những lời khuyên sáng suốt…”

Lời nói chân thành này ngay lập tức sẽ cởi bỏ những e ngại của con, khiến bố mẹ trở thành người “cùng phe” với con, vì chúng hiểu cha mẹ cũng có lúc “mong manh” như mình. Và giờ đây, chính những trải nghiệm quý báu của cha mẹ là điều các con muốn nghe.

Khi đã có chìa khóa bước vào thế giới của con, bố mẹ cần chia sẻ với con những kinh nghiệm, hiểu biết của mình để giúp con nhận ra bản chất của tình cảm lứa tuổi học trò. Hãy mạnh dạn hỏi con yêu bạn vì điều gì? Tình cảm có còn khi điều ấy mất đi? Nên và không nên có những biểu hiện gì với đối phương? Quan trọng hơn là những kiến thức cần thiết về giới tính và tình dục an toàn để con tự bảo vệ trước những sai lầm có thể xảy ra.

Đây là lúc con cần bố mẹ hơn cả. Không ai có thể ngăn được sức mạnh của con sông, nhưng có thể nắn dòng chảy theo hướng khác êm đềm hơn. Vì thế, hãy nâng niu và cùng con đi qua những rung động đầu đời.

Chìa khóa bước vào thế giới của con

– Kể với con rằng mình cũng từng trải qua những rung động đầu đời

– Tôn trọng tình cảm của con và người bạn con đang thích

– Không ngăn cấm con chơi với bạn, chỉ nhắc con giữ chừng mực

– Nhắc con không quên những trách nhiệm phải thực hiện hàng ngày

– Để con hiểu lúc nào mình cũng ở bên cạnh con, sẵn sàng chia sẻ và giúp đỡ mỗi khi con cần.

Thực hiện: depweb

18/11/2016, 17:08