Chuyên đề Văn hoá giễu nhại: Ở độ thứ 2 - Tạp chí Đẹp

Chuyên đề Văn hoá giễu nhại: Ở độ thứ 2

DELETED

Nhại (pastiche) và giễu bằng nhại (parody) là hai thủ pháp đặc biệt của việc sử dụng chất liệu của quá khứ, và nó không hề liên quan đến ăn cắp, đạo (plagiat). Đây là một “mỏ vàng” cho những người sáng tạo. Các nghệ sĩ lớn, đặc biệt các nghệ sĩ hài, vô cùng thích sử dụng những cách thức này. Nhưng nhại không nhất thiết có mục đích chế giễu. Những cuộc thi tìm người giống Elvis Presley chẳng hạn, tiếng cười mà chúng mang tới có sự hào hứng, sôi nổi, chứ không phải là tính chất mỉa mai, châm chích.

Nhại còn có thể là để học. Ca sĩ nào từng chẳng có thời cầm đàn cố chơi và hát sao cho thật giống một thần tượng âm nhạc nào đó. Xem một bộ phim, người giàu kiến thức điện ảnh có thể nhận ra cảnh này, cảnh kia là dùng để “vinh danh” (homage, cũng là một hình thức nhại) một đạo diễn hay một diễn viên tài ba nào đó trong lịch sử.

Ở Việt Nam, giễu nhại là thủ pháp đã được sử dụng lâu dài trong các hình thức nghệ thuật dân gian. Ví dụ trong nghệ thuật chèo, người ta thường phân ra các vai hài theo nhóm “hề áo ngắn” (là cách người dân tự trào về bản thân qua các nhân vật thằng hầu, anh lính, v.v.. với những câu nói ngây thơ, ngờ nghệch); và “hề áo dài” (là hình tượng mỉa mai châm biếm giới quan lại tham lam ngu dốt).

Dài dòng như vậy, để thấy rằng nhại và giễu nhại thực chất là những hình thức rất quen thuộc trong đời sống, nhưng tiếc rằng hiện nay rất nhiều người đánh đồng các tác phẩm nhại/giễu nhại với rẻ tiền hoặc ngây ngô.

2010-red-queen_copy
Tạo hình nhân vật Nữ hoàng Đỏ trong phim “Alice ở xứ sở kỳ diệu” năm 2010 nhại lại phong cách thời trang điển hình của Nữ hoàng Elizabeth I.

Các nhà văn (và cả các chuyên gia tâm linh) nằng nặc bắt chúng ta tin rằng thế giới nơi chúng ta đang sống không hoàn toàn là “cái thế giới ấy”, tức là biết về thế giới xung quanh mình là chưa hoàn toàn đủ cho nhận thức.

Trong tiểu thuyết “Kafka bên bờ biển”, nhà văn Haruki Murakami danh tiếng của nước Nhật quả quyết miêu tả một cánh cửa mở ra thế giới khác, nối dài danh mục tác phẩm văn học khẳng định tồn tại một thế giới song song với thế giới của chúng ta, còn các nhà phân tâm học thì không tin con người hiểu được gì nếu chỉ biết đến phần hữu thức mà bỏ bẵng đi những tầng sâu của vô thức, và các biểu hiện bên ngoài thực chất là được (hoặc bị) thúc đẩy từ mãi bên trong, từ mãi nơi nào đó không thuộc về trí óc, suy nghĩ. Hay nói một cách khác, cuộc đời chúng ta nằm ở một “độ thứ hai” nào đó, chứ không phải “nguyên gốc”, chỉ là một phản chiếu của những gì vô hình nằm đâu đó, có một nguyên mẫu cho tất cả những gì đang tồn tại, và thật ra mọi thứ đều là “tái hiện” cái có sẵn.

Để hình dung một cách đơn giản ý tưởng có vẻ rối rắm này, ta hãy xem xét một ví dụ rất “pop” (nhưng thật ra lại là “rap”): bài hát nhạc rap mang tên “Rắc rối” gần đây rất “hot” và gây tranh cãi lớn ở nhiều nơi, rồi giành thứ hạng cao ở MVMC (giải thưởng Âm nhạc Việt Nam).

Nói một cách ngắn gọn, bài hát của rapper Karik, tạm bỏ qua phần lời, chỉ tồn tại được vì trước đó đã có các “chất liệu” về mặt hình ảnh để Karik sử dụng với mục đích châm biếm. Người xem clip “Rắc rối”, nếu có hiểu biết về nhạc pop Việt Nam thời gian vừa qua, sẽ hiểu là Karik châm biếm một số hiện tượng trong giới biểu diễn ca nhạc; các động tác, hình ảnh, vũ đạo… thể hiện trong clip của Karik là “bắt chước”, là “nhái” những gì mà rapper muốn chỉ trích.

image-from-dep157feb2012-124-crop
Tạo hình của danh hài Charlie Chaplin giễu nhại Hitler.

Và ở đây chúng ta bước vào thế giới của sự nhại (pastiche và parody), hoặc nói cách khác, theo đúng lý thuyết văn học về vấn đề “liên văn bản”, chúng ta bước vào một “độ thứ hai”. Ta sẽ ở độ thứ hai này khi mà trong một hiện tượng có sự hiện diện của một hiện tượng khác trước đó, theo nhiều cách thức khác nhau. Rất đơn giản, khi viết mà trích dẫn từ một tác phẩm trước đó, thì có nghĩa là tác phẩm trước đó đang cùng hiện diện ở văn bản đang được tạo ra. Trích dẫn là một cách hiện diện (rất dễ thấy, vì thường xuyên có dấu ngoặc kép), còn nhại là một cách khác: ở nhại có sự “bắt chước” một phần hoặc toàn bộ một cái gì đó, vì nhiều mục đích, đồng thời lại có một sự chuyển hóa nhất định cái có sẵn.

Điều quan trọng nằm ở chỗ, theo quan điểm của các lý thuyết gia chuyên về văn bản học hiện đại, một văn bản không thể tồn tại độc lập, mà phải nằm trong một hệ thống “liên văn bản”, và nghệ thuật nói chung có thể được hình dung như một mạng lưới gồm hằng hà sa số điểm nút có quan hệ chằng chịt với nhau. Với chủ nghĩa hậu hiện đại thời nay, văn chương nghệ thuật có đặc trưng là sử dụng cách thức kể chuyện liên văn bản. Một ví dụ nổi tiếng là loạt phim “Star wars” của George Lucas có thể được xem như là cách nhại những phim truyền hình dài tập truyền thống theo phong cách khoa học giả tưởng. Một khi đặt một văn bản hoặc tác phẩm nghệ thuật vào một mạng lưới vô tận các quan hệ, tức thì cách nhìn của chúng ta sẽ đổi khác, mà thường là cởi mở hơn.

Nhại (pastiche) và giễu bằng nhại (parody) là hai thủ pháp đặc biệt của việc sử dụng chất liệu của quá khứ, và nó không hề liên quan đến ăn cắp, đạo (plagiat). Đây là một “mỏ vàng” cho những người sáng tạo. Các nghệ sĩ lớn, đặc biệt các nghệ sĩ hài, vô cùng thích sử dụng những cách thức này. Trong điện ảnh, Charlie Chaplin và Ernst Lubitsch đã rất thành công trong việc nhại, bắt chước nhằm chế giễu sâu cay lãnh tụ Đức Quốc xã, Adolf Hitler. Nhại và giễu có thể hướng vào các chi tiết, cử chỉ, hành động, hoặc ở mức độ chung hơn, vào phong cách một ai đó. Nhóm hài kịch danh tiếng nước Anh Monty Python có rất nhiều “parody” vang bóng, họ từng chạm đến cả những đề tài rất thiêng như Chúa Jesus hoặc Vua Arthur.

monty-python-monty-python-7988889-1778-1263_copy
Nhóm hài kịch danh tiếng nước Anh Monty Python.

Trong lĩnh vực liên quan rất nhiều đến tiếng cười này, “pastiche” và “parody” cũng cận kề với nhiều hiện tượng khác như “satire”, “burlesque”… và văn chương nghệ thuật của quá khứ có phong phú được như vậy một phần cũng là nhờ những đầu óc ưa nhại và giễu, thích nhìn về phía sau để lấy chất liệu cho hiện tại. Bài rap “Rắc rối” là một nỗ lực theo hướng đó; việc nó vừa được khen ngợi vừa bị chê bai thậm tệ như vậy chỉ cho thấy rằng công chúng ở Việt Nam đã phân hóa rất mạnh mẽ, và cũng cho thấy rằng tác phẩm của giới trẻ đã thực sự gây “phiền nhiễu” cho đời sống nghệ thuật, mà một đời sống nghệ thuật chỉ thực sự lành mạnh khi có cả những phiền nhiễu như vậy.

Lẽ dĩ nhiên, ở đây cũng như nhiều địa hạt khác của nghệ thuật, các lằn ranh hết sức nhỏ nhoi. Đã không ít lần nhại và giễu gây hậu quả khó lường, thậm chí còn dính đến tòa án: vào năm 2001, vụ việc tác phẩm “The wind done gone” nhại “Gone with the wind” (Cuốn theo chiều gió), kể lại cùng câu chuyện ấy nhưng dưới cái nhìn của các nô lệ của Scarlett O’Hara, đã phải ra tòa để giải quyết.

Xét về từ nguyên, “parody” bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp, theo đó nó có nghĩa ban đầu là “hát sai nhạc”. Nhại và giễu có thể coi là một sự “lệch tông” gây sửng sốt, gây cười, có thể gây cả khó chịu, của một thế giới chấp nhận là có tồn tại một “độ thứ hai”.

69775380_copy
“The wind done gone”

 

Thực hiện: depweb

16/02/2012, 18:02