Hãy dành cho bệnh nhân 30 giây để trao họ một cái nắm tay thật chặt, tiếp thêm cho họ chút niềm tin. Hãy hỏi thăm một câu trước khi gây mê để nhịp tim bệnh nhân được dịu lại. Hãy lắng mình vài phút để thấu cảm rằng bệnh nhân đang ở tận đáy của nỗi buồn và bất hạnh. “Bác sĩ ai cũng bận”, nhưng một phút có đáng là bao, nhất là khi nó có thể thay đổi được cả một số phận?
Bác sĩ Trần Quốc Khánh, phẫu thuật viên khoa Phẫu thuật cột sống, bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã dành cho Đẹp những lời chia sẻ từ tận đáy lòng về câu chuyện bác sĩ và bệnh nhân.
Mỗi ngày tiếp xúc với hàng trăm bệnh nhân, hàng chục vụ tai nạn thương tâm, những nụ cười và rất nhiều giọt nước mắt, những tiếng khóc nấc trong đêm… tưởng rằng trái tim người thầy thuốc sẽ nguội lạnh xúc cảm. Nhưng ẩn sâu bên trong lại không phải như vậy. Với cá nhân tôi, luôn có những câu chuyện khiến tôi phải suy nghĩ thật nhiều.
Có bệnh nhân đã đi khám ở một bệnh viện lớn trước khi qua gặp tôi để khám thêm về tình trạng cột sống. Chị đưa đơn thuốc ở viện kia ra và hỏi tôi rất nhiều từ tác dụng đến tác dụng phụ, nếu uống có vấn đề gì thì xử lý thế nào… Tôi hỏi: “Sao lúc nhận đơn chị không hỏi luôn và xin số điện thoại bác sĩ để tiện liên lạc nếu có gì đó bất thường?”, chị bảo chị đã xin nhưng bác sĩ ở đó trả lời: “Từ khi hành nghề y đến giờ, tôi chưa cho bất kỳ bệnh nhân nào số điện thoại”.
Mỗi người có một cách nhìn và những lý do riêng. Nhưng với cá nhân tôi, tôi luôn cố gắng để lại cho bệnh nhân một hoặc nhiều đầu mối (số điện thoại, email, website, địa chỉ, facebook…) để họ có thể liên lạc được, vì sao ?
Xin kể cho các bạn một vài câu chuyện.
Một lần tôi đang khám bệnh, gần đến giờ trưa, có bệnh nhân từ Sơn La tất tả bước vào hỏi tôi về hiện tượng cứ uống đơn thuốc bệnh viên kê thì đi tiểu ra máu, gia đình rất hoang mang. Tìm hiểu kỹ, tôi biết trong đơn đó có loại thuốc khi uống vào khiến khoảng 30% bệnh nhân có nước tiểu sẫm màu do thành phần thuốc thải ra. Bệnh nhân đã phải đi hơn 300km đường núi về Hà Nội chỉ để hỏi tôi câu đó. Kể từ ấy, với hầu hết bệnh nhân và đặc biệt là bệnh nhân ở xa đến khám, tôi luôn chủ động cho số điện thoại kèm lời dặn: “Có gì bất thường cũng gọi điện báo bác sĩ ngay, nếu không được thì nhắn tin, bác sĩ sẽ hồi âm. Chỉ khi nào bác sĩ nói cần xuống khám thì mới xuống, nếu không có thể theo dõi thêm hoặc vào bệnh viện địa phương để kiểm tra lại”.
Một lần khác, có bệnh nhân đau nhức xương khớp rất nhiều vào khám. Sàng lọc, xét nghiệm, chụp chiếu chưa tìm ra nguyên nhân, tôi chuyển bệnh nhân đi khám hội chẩn ở các bệnh viện khác và không quên dặn bệnh nhân báo lại khi có thông tin. Kết quả, bệnh nhân bị một loài sán có thời kỳ ấu trùng chu chuyển trong các cơ gây đau nhức.
Trong suốt quá trình thăm khám, điều trị và mổ xẻ, có nhiều bệnh nhân đã hồi âm và mang đến cho tôi những kiến thức giá trị: có người bị ám ảnh với máy chụp cộng hưởng từ và mất ngủ đến vài năm kể từ sau lần chụp đầu tiên; có người dùng thuốc không đỡ còn bị sốc nặng với Nexium (một loại thuốc tương đối phổ biến); có bệnh nhân mệt mỏi chán ăn suốt một thời gian dài, đã dùng nhiều thuốc không đỡ, tôi kê thuốc tẩy giun và bệnh nhân thấy khoẻ hơn; có bệnh nhân ho kinh niên cả mấy năm trời, đi không biết bao bệnh viện, nội soi khí phế quản – cắt lớp và cả điều trị theo hướng hen phế quản cũng chẳng đỡ, rồi một ngày bệnh nhân ho ra miếng xương cá tầm 2cm, kể từ đó sức khoẻ trở lại bình thường… Nếu không giữ liên lạc và quan tâm đến bệnh nhân, làm sao tôi có được những kinh nghiệm này?
Kiến thức là biển cả mênh mông, trong khi những gì ta biết chỉ là hạt cát bé nhỏ. Thêm nữa, mỗi bệnh nhân mang trong mình một bệnh cảnh hoàn toàn khác nhau, đáp ứng với điều trị cũng khác nhau, nếu không giữ liên lạc, không hội chẩn các chuyên khoa, không quan tâm và đặc biệt là cho bệnh nhân có cơ hội bộc bạch, hồi âm, thì làm sao biết được liệu ta đã chẩn đoán đúng, kết quả điều trị thế nào, có tương tác thuốc hay tác dụng phụ gì không?
Bệnh nhân vào phòng mổ, 4-5 người nhà đưa tiễn đến cửa, khuôn mặt có cả lo lắng và hy vọng, mong chờ. Bệnh nhân được đẩy nhanh vào khu cách ly, cửa phòng mổ đóng lại, người nhà “mất liên lạc” từ đó. Bác sĩ mổ xong, hoặc sẽ tiếp tục mổ ca khác, hoặc sẽ về theo một lối riêng mà người nhà hầu như ít có cơ hội gặp được để hỏi han tình hình. May mắn với những ca mổ nhẹ thì sau một vài tiếng bệnh nhân được chuyển về khoa phòng, còn với những ca mổ nặng, phải truyền máu – theo dõi – hồi sức, bệnh nhân có thể phải nằm ở phòng cách ly vài ba ngày hoặc lâu hơn. Và cũng chừng ấy thời gian người nhà sống trong lo âu thấp thỏm, chẳng biết hỏi ai để cập nhật tình trạng bệnh nhân thế nào, gia đình có cần hỗ trợ gì thêm hay không. Sao bác sĩ phẫu thuật không gặp gỡ hoặc ít nhất cũng gọi điện, nhắn tin báo cho người nhà, dù chỉ một câu thôi, sơ qua về ca mổ và dự kiến liệu trình điều trị tiếp theo để họ hình dùng được tình trạng và trù liệu, thu xếp mọi việc?
Người nhà bệnh nhân mang đến một tấm phim chụp, bác sĩ giơ lên xem chưa đầy một phút rồi kết luận: “Bệnh nhân phải mổ nhé!”. Tiếp theo đó, bác sĩ làm hồ sơ, chỉ định xét nghiệm hoặc chuyển sang khám cho bệnh nhân khác, bảo người nhà về chuẩn bị tinh thần, thủ tục để đi mổ, rồi bác sĩ “biến mất” rất nhanh. Người nhà bệnh nhân ngơ ngác, chưa kịp hỏi lại một câu (dù trong đầu có đến không dưới chục câu hỏi). Thời gian để bác sĩ giải thích cho bệnh nhân hay người nhà tình trạng bệnh, nguy cơ khi mổ xẻ, thời kỳ hậu phẫu, khả năng bình phục, kinh phí… là rất ít, thậm chí không có, chưa nói đến việc bác sĩ hầu như không cảm nhận được nỗi lo, mong muốn, nguyện cầu của bệnh nhân và gia đình trước ca mổ. Câu chuyện này sẽ mãi chỉ có một chiều, những câu hỏi vẫn mãi không có hồi âm.
“Bác sĩ ai cũng bận”, có thể đó là lý do cơ bản nhất giải thích cho điều này?
Mỗi ngành nghề có những đặc thù riêng, nhưng có lẽ với nghề y, sự thấu cảm và sẻ chia mới là liều thuốc điều trị hữu hiệu nhất, giúp bệnh nhân có niềm tin và chỗ dựa để vượt qua cơn bạo bệnh. Hãy nán lại gặp bệnh nhân một chút. Hãy xem thần sắc họ ra sao. Hãy gặp và nở một nụ cười thay cho ngàn lời động viên để bệnh nhân thấy an tâm, thấy có chỗ dựa. Hãy dành cho bệnh nhân 30 giây để trao họ một cái nắm tay thật chặt, tiếp thêm cho họ chút niềm tin. Hãy hỏi thăm một câu trước khi gây mê để nhịp tim bệnh nhân được dịu lại. Hãy lắng mình vài phút để thấu cảm rằng bệnh nhân đang ở tận đáy của nỗi buồn và bất hạnh.
“Bác sĩ ai cũng bận”, nhưng một phút có đáng là bao, nhất là khi nó có thể thay đổi được cả một số phận?
Trần Quốc Khánh
ANH HÙNG KHOÁC ÁO BLOUSE
Từ y học – “medicine” trong tiếng Anh có nguồn gốc từ “ars medicina”, nghĩa là nghệ thuật chữa bệnh. Vì sao là nghệ thuật? Bởi kĩ thuật thôi chưa đủ, công việc của các thầy thuốc đòi hỏi cả sự kết hợp nhuần nhuyễn của đạo đức, tính minh bạch, khả năng phán đoán, sự dũng cảm, sức chịu đựng bền bỉ, tài lắng nghe – thuyết phục, và sự góp mặt tối quan trọng của lương tri luôn tự vấn trước khả năng hữu hạn của con người, luôn xúc động trước những sinh lão bệnh tử vốn đã là lẽ đương nhiên.
Ở một khía cạnh nào đó, thầy thuốc cũng như những bậc thánh thần, đó là nơi chúng ta trao toàn bộ niềm tin và hi vọng còn sót lại trên hành trình chiến đấu với bệnh tật. Trong khi ta được quyền phó mặc cho ngành y và số phận, họ – trong bất kể trường hợp nào – cũng không được phép buông xuôi.
Sự vất vả của những “anh hùng khoác áo blouse” nhiều hơn 100 giờ làm việc mỗi tuần. Sau nhiều ngày nỗ lực đeo đuổi các bác sĩ bằng cách tìm cho mình một vài giây phút hiếm hoi lách vào 24 giờ đã bị lèn chặt của họ, chúng tôi rút ra điều đó. Thời gian biểu kín đặc có thể rút cạn sức lực của một người thầy thuốc, nhưng nó chưa đáng sợ bằng áp lực tâm lý đè nặng lên lòng trắc ẩn – thứ mà bác sĩ Nguyễn Đức Toản của Bệnh viện Đa khoa Long Khánh đã nói: đôi khi, nó nhấn chìm cả một trái tim thầy thuốc hoặc lấy đi cả một cuộc đời.
Tổ chức chuyên đề: Hương Thủy
Tổ chức hình ảnh: Hellos.
Đọc thêm
– Anh hùng khoác áo blouse: Thời gian của bác sĩ
– Tiến sĩ – Bác sĩ Ngô Mạnh Hùng: “Tôi là người họa sĩ không được quyền sáng tác”
– Bác sĩ pháp y Nguyễn Hồng Long: Nghề nói thay người đã khuất
– Bác sỹ nhi khoa Nguyễn Thanh Sang: Khi bác sĩ tham gia “bút chiến”