Tách từng cái tên ra, hẳn ai cũng biết, họ là ai. Vì cả hai đều là những cái tên số 1 trong mỗi lĩnh vực mà mình theo đuổi. Nhưng không nhiều người biết, họ là anh em ruột, bởi rất hiếm khi họ mang điều đó khoe trên mặt báo.
Vậy mà lần này, họ lại đồng ý “dắt tay” nhau lên Đẹp để chia sẻ những suy nghĩ về nhau, mà trong đời thường, hai con người ít nói ấy thậm chí còn không mấy khi có cớ và có dịp. Dù trong đó, đôi khi có cả những lời “mắng yêu”: anh giễu em “ham hố”, em trêu anh “khùng”…
Đọc thêm:
– Kiện tướng dancesport Khánh Thi – “Tôi thấy tội anh Huy lắm!”
– Bà Phạm Thị Đông – Mẹ nghệ sĩ violon Xuân Huy và kiện tướng dancesport Khánh Thi: “Không mong các con bớt gai góc”
Nghệ sĩ violon Xuân Huy
Huy chương nhiều quá có khi nặng ngực
– Khánh Thi kể, ngày nhỏ khi cô ấy được chơi búp bê thì anh lúc nào cũng bị bố quản thúc việc tập đàn. Anh có từng ấm ức vì điều đó?
– Hầu như chẳng đứa trẻ nào có ý thức về chuyện học, trẻ con thì chỉ thích chơi thôi. Tôi lớn lên với sự giám sát tương đối khắc nghiệt của bố. Nhưng con người phải rơi vào hoàn cảnh thế nào thì mới “thành nhân” được. Tôi nhớ mỗi sáng thức dậy, sau khi vệ sinh cá nhân, phải tập đàn ít nhất 15 phút khởi động tay chân. Rồi đi học. Hai giờ chiều lại tập tiếp. Cứ tập 45 phút lại được thả cho ra ngoài sân chơi 15 phút. Còn bố ngồi bấm đồng hồ. Tập tiếp đến 5h30 được nghỉ. 8h tối lại tập đến 10 giờ. Mỗi ngày phải đảm bảo đủ 4-5 tiếng tập đàn. Cũng từ đó đến giờ, mấy chục năm đã trôi qua, tôi vẫn giữ thói quen việc đầu tiên mỗi buổi sáng là khởi động đàn. Hàng ngày, sau những sinh hoạt cá nhân, tôi cũng chỉ có đàn. Tôi không chơi nhiều như trước, nhưng vì có nhiều đàn, nên cứ thử chiếc này lại khởi động chiếc kia để thưởng thức âm thanh của nó. Thưởng thức âm thanh những cây đàn đã trở thành một đam mê.
– Khi anh về nước, ập vào anh là cuộc sống đầy rẫy sự bon chen, và anh đã thích nghi không kịp!
– Với người chỉ sống một mình nhiều năm, khi về nước, đúng là tôi thấy choáng. Choáng đầu tiên vì thấy xe cộ đi như mắc cửi, nhưng chuyện này cũng quen dần. Rồi tôi thấy sự bon chen, vốn là người không quen “bè phái”, nên tôi bỏ dần. Tôi bỏ hết, bởi nếu chấp nhận những thói quen đó, có nghĩa là chấp nhận bỏ phí những năm tháng mình đã học được. Tôi dành thời gian làm việc khác, tốt hơn.
– Chắc anh khó mà quên được những năm tháng chơi cho dàn nhạc của công nương Diana?
– Nhớ chứ! Ngày đó, tôi đi diễn song hành với lúc đang học. Đi diễn vừa để kiếm tiền, vừa tìm thấy nhựa sống cho mình. Dàn nhạc của chúng tôi, một năm mặc định diễn ở Anh hai lần, thường diễn trong những nhà thờ lớn ở London, còn lại đi diễn vòng quanh thế giới. Đó là giai đoạn rực rỡ và đáng nhớ của cuộc đời làm nghề. Nếu những chiến sĩ đếm thành tích đời mình bằng từng chiếc huân chương, nhà kinh doanh say mê đếm những con số không của đồng tiền, thì nghệ sĩ chúng tôi đếm từng trang visa, từng sân khấu đã đứng diễn, từng nhà hát đã sáng đèn. Có lần, tới một nơi, anh bạn trong đoàn bảo: “Cậu ơi, đến đây là ta đi được 4 biển rồi đấy!”. Sự trải nghiệm đó đôi khi chẳng biết chia sẻ với ai, dần dần cô đặc thành cái lõi bên trong một con người, như một cái hố đen trong mình.
– Rồi khi trở về để sống một đời sống không còn tiếng vỗ tay, anh thấy thế nào?
– Thực ra, người Mỹ, người Pháp cũng vậy, họ đi mãi rồi cũng quay về. Nhưng khác biệt là, sự co giãn của họ lớn hơn, trở về họ vẫn có thể chơi nhạc. Còn mình thì khác. Nhưng dù khoảng cách sự ra đi và trở về của mình lớn thế nào, con người ta làm gì cũng nhất định không được “thối chí”.
Tôi thấy mình vẫn đang đi về phía trước chứ không lùi lại. Bạn cứ nghĩ xem, đi trên một đoàn tàu tốc hành để đạt đến một cái đích nào đấy, tốt thì cũng tốt, nhưng như vậy, anh sẽ không có thời gian chiêm ngưỡng cảnh vật, không được trải nghiệm đời sống. Nếu có ai bịt mắt và quẳng anh sang một đoàn tàu khác, có thể anh sẽ lạc đường. Chúng ta không nên để mình biến thành người bị bịt mắt, để ai đó ném mình lên những chuyến tàu theo ý họ. Nếu bạn chỉ nghĩ cái đích là quan trọng và bằng mọi giá phải đạt đến cái đích đó nhanh nhất, thì thật đáng thương. Đời một người cũng như con tàu, nó cần những bến đỗ, để sau những chuyến đi, nó biết mình được gì.
– Phía gia đình anh cho rằng, quyết định để anh về nước là một điều khiến họ hối hận. Anh có biết?
– Tôi đi 10 năm (1988 – 1998), học sơ cấp, trung cấp rồi lên đại học. Khi gia đình báo tin bố bị bệnh, tôi suy nghĩ, thấy mình đi thế cũng đủ rồi. Thời gian đó, chỉ còn Châu Phi là tôi chưa đi. Tôi thấy, như cuốn visa, đếm mãi cũng không còn hứng thú, giống như huy chương, có 5, 10 cái thì thấy sướng, nhiều quá có khi lại nặng ngực. Tôi trở về. Tất nhiên, nhiều người sẽ bảo, nếu tôi mà nhảy lên được chuyến tàu cao tốc, tôi sẽ đi luôn. Nhưng họ không hiểu, người tài, cái nhẫn của họ rất cao. Sự kiên nhẫn với nghề nghiệp đã tôi luyện người ta rồi. Nếu không từng trải qua sự tôi luyện ở mức cao, anh hẳn không bao giờ hiểu được tại sao cần dừng lại. Và việc có người cứ ước muốn đi mãi trên chuyến tàu cao tốc cũng là lẽ thường. Tôi từ tư duy đó mới hiểu được người khác.
– Về nước 16 năm, làm thế nào để anh quen với cuộc sống ít những tiếng vỗ tay?
– Trong căn nhà tôi ở, trong cuộc sống của tôi, tiếng đàn chưa bao giờ tắt. Còn chuyện khác, tất nhiên tôi đã xác định phải sống chung. Hiện trong nước, chỉ có vài dàn nhạc hoạt động cầm chừng. Dàn nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia, hai năm nay không hoạt động. Bạn thấy đấy, trường mới xây khang trang, phòng hòa nhạc vừa được xây thêm, nhưng không có tiếng đàn. Nhìn cảnh đấy, tôi đau lòng. “Luala concert” (chương trình chơi nhạc giao hưởng trên đường phố do nghệ sĩ Xuân Huy khởi xướng – PV), về mặt chuyên môn rất tốt, là thứ tôi muốn làm cho xã hội, phần nào đáp ứng mong mỏi của tôi bấy lâu.
– Nhưng em gái anh bảo, có 3 năm anh Xuân Huy từng không đụng đến cây đàn? Anh đã thoát khỏi sự “bất đắc chí” ấy thế nào?
– Tôi không bất đắc chí, tôi vẫn vui phơi phới. Nhưng đúng là có thời gian tôi không chơi đàn. Tôi đã đi khắp nơi, ngó nghiêng dân tình sống ra sao. Tôi nghĩ đó là một cái thú. Cũng có thời gian tôi ở nhà suốt cả năm, không ra ngoài, nhưng lúc ấy đầu tôi lại chảy theo một dòng suy nghĩ khác. Âm nhạc vẫn là công việc duy nhất tôi lựa chọn, và đi trọn vẹn với đam mê ấy. Tôi chơi đàn, làm đàn, và dạy đàn.
16 năm qua, ước muốn của tôi vẫn đơn giản là tạo dựng được cái gì đó cho âm nhạc cổ điển, làm thế nào để đồng nghiệp của mình được biểu diễn nhiều hơn. Giờ tôi có một dàn nhạc khoảng 30 người, họ có kinh phí để tập, có sân khấu để chơi. Dù không giúp được họ giàu, nhưng ít nhất, giúp họ được biểu diễn thực sự chứ không phải là những đêm đệm đàn thuê cho các ca sĩ. Mọi việc, nếu cứ kiên tâm thì sẽ có ngày trở thành hiện thực.
– Bố anh – người đàn ông từng dành một phần đời ngồi bấm đồng hồ để vẫy con tập đàn, khi nhìn thấy con quay về sống một cuộc sống không thỏa đáng, có từng xót anh không?
– Khi còn sống, bố tôi từng nghĩ con mình phải nổi tiếng, con mình phải sướng, nhưng tôi nói với ông, không, con thấy thế là đủ. Con không thấy cần phải hơn nữa. Có những công việc tôi chưa từng làm, làm lần đầu tiên, tôi cũng cần khám phá nó. Mà là con người thì cần nhiều khám phá và trải nghiệm. Bố từng hỏi tôi: “Con có gì lấn cấn không?”. Tôi trả lời ông: “Con không lấn cấn gì cả, đơn giản là con không thích nữa”. Chuyện lấy vợ, sinh con cũng là lẽ tự nhiên. Là con người phải sống đúng quy luật đã.
Đã là phụ nữ, bao giờ cũng có sự phù phiếm
– Nếu nói về chuyện quy luật, thì anh có thấy Khánh Thi – em gái anh – có đang vì “ham hố” mà cứ lao mãi về phía trước?
– Thi được lớn lên trong sung sướng, nhưng Thi không phải là công chúa. Vì chẳng có công chúa nào sẵn sàng chịu chai chân, chai tay như Thi cả. Ở lĩnh vực của mình, Thi dành tất cả tuổi xuân cho nó, đó là điều đáng kính nể. Thi là người khởi xướng và phổ cập hóa dancesport vào Việt Nam một cách bài bản. 16 tuổi, Thi mới bắt đầu biết đến bộ môn này, nên tôi cứ tự hỏi, nếu Thi biết về nó sớm hơn, thì không biết Thi sẽ thành ai. Tôi nghĩ Thi xứng đáng được đúc tượng đồng. Đúng là tôi hay nói Thi ham hố, nhưng tôi hiểu, con gái có thì, nên muốn làm gì, cần phải tranh thủ thời điểm. Chưa kể, bộ môn Thi theo đuổi là bộ môn của tuổi trẻ và sắc đẹp…
– Thi bảo anh “khùng”, nhưng thực ra, anh có lúc nào thấy Thi cũng “điên” không kém? Hạnh phúc, với những người như anh và Khánh Thi, là gì?
– Trong quãng đường đời của Thi, khi Thi ra khỏi cơ quan nhà nước, mọi người (chứ không phải tôi) nghĩ Thi là một người điên, đi tạo dựng một bộ môn vớ vẩn, phục vụ cho một bộ phận vớ vẩn. Thi cũng vừa rời Sở VHTT&DL Tp.HCM, nhưng có gì đáng buồn đâu, tôi đã bảo, cuộc đời là con tàu mà! Trước, khi tôi theo học violon, người ta cũng từng cho rằng tôi đang làm những việc vớ vẩn. Hạnh phúc là thứ mình ấp ủ và tạo dựng, chắc gì nó đã là cái gì cụ thể. Hiện Thi vẫn tham gia thi đấu, như thế đủ biết nhiệt huyết từ trái tim Thi thế nào. Còn nhiệt huyết là hạnh phúc!
Nghệ sĩ Xuân Huy cho rằng, tiếng đàn là sợi dây níu anh lại với cuộc đời
– Xem ra, anh khá hiểu em gái mình. Vậy mà Thi bảo, hai anh em chẳng mấy khi nói chuyện dài…
– Chao ôi, hiểu Thi thì khó gì. Hiểu vợ mới khổ! (cười lớn). Chúng tôi cũng không phải là kiểu anh em hay ủy mị, mủi lòng, để gặp nhau, sà vào nhau kể lể. Chúng tôi thỉnh thoảng gặp nhau, thông báo tình hình và lặng lẽ dõi theo nhau.
– Lặng lẽ đến mức dư luận đâm thắc mắc vì sao hai anh em nhà họ rất ít khi nói về nhau…
– Chúng tôi không hỗ trợ nhau trong sự nghiệp, càng không PR nhau trên mặt báo, bởi mỗi người đều có cái lõi riêng, giống như dòng điện cùng dấu, bao giờ cũng đẩy nhau ra. Tôi thấy Thi đủ khả năng để tự phát triển trong lĩnh vực của mình và có lẽ Thi cũng thấy anh mình như vậy. Chúng tôi thấy một người là con rồng, con phượng, thì người kia cũng là con hổ. Chẳng lẽ, con hổ lại tự nhiên đeo bộ lông của con phượng để thành con “kuneho” (tức chẳng là con gì cả) à? Chúng tôi độc lập và chỉ làm những việc cho nhau, mỗi lúc bản thân mình thấy cần. Chúng tôi không dựa vào nhau không phải vì không yêu thương nhau mà vì chúng tôi rất tôn trọng nhau.
– Và Khánh Thi kể, bao giờ cô ấy ra Hà Nội, anh cũng là người trực tiếp nấu ăn? Một cách thể hiện tình cảm đặc biệt đấy chứ!
– Tôi là người thích nấu ăn, thích ẩm thực. Khi nấu ăn, tôi thấy mình được thư giãn. Hàng ngày ở nhà tôi đều đứng bếp nấu ăn một bữa. Có thể Thi hiểu lầm tôi chiều em, nhưng cũng không đến nỗi chỉ là chuyện chiều em (cười). Thi không biết nấu ăn, không biết giặt giũ, nhưng cũng chẳng sao cả. Mỗi người một tạng, một đam mê.
– Cũng như việc, khi anh chê em gái mình hát dở, cô ấy vẫn tung MV, còn anh, tiếng đàn được ngợi ca nhưng lại chẳng ra mắt một sản phẩm âm nhạc riêng nào?
– Đã là phụ nữ, bao giờ cũng có sự phù phiếm, nên chuyện đó cũng bình thường.
– Tôi từng nghĩ anh và Khánh Thi ở hai thái cực: ồn ào và yên tĩnh. Nhưng gặp anh xong, tôi lại nghĩ về chiều ngược lại.
– Không, tôi không phải là người yên tĩnh, tôi là người sôi động, nhưng tôi sôi động ở trong cái đầu của mình. Còn Thi, làm việc ở môi trường ồn ào, chứ Thi cũng là người ít chia sẻ.
– Vậy điểm chung giữa hai người?
– Cả tôi và Thi đều hay nghĩ cho người khác. Chúng tôi luôn lấy cái sở học của mình, tạo dựng sự nghiệp và tạo dựng cho người khác.
– Chứ không phải là những truân chuyên trong đời sống riêng mà cả anh và Khánh Thi đều gặp phải sao?
– Tiếng đàn, với anh, có ý nghĩa thế nào?
– Và anh có hướng cho con chơi đàn giống mình?
Bàn tay của nghệ sĩ tài hoa Xuân Huy
Nghệ sĩ violon Xuân Huy sinh năm 1972, được biết đến là một thần đồng âm nhạc. Anh sinh ra trong gia đình có bố là nghệ sĩ violon, mẹ là ca sĩ. Anh học đàn từ năm lên 3. 7 tuổi, anh trở thành thủ khoa đầu vào Khoa Violon – Nhạc viện Hà Nội.
1985
13 tuổi, Xuân Huy đứng trong top 16 Thần đồng âm nhạc thế giới, tổ chức ở Venhepsky (Ba Lan).
1988
16 tuổi, Xuân Huy học hệ trung cấp âm nhạc ở Gnhexinsky, Moscow. Sau đó học tiếp hệ đại học ở Học viện Tchaikovsky. Anh là người Việt Nam duy nhất chơi trong Dàn nhạc Giao hưởng Century của công nương Diana 8 năm liền.
1998
26 tuổi, Xuân Huy về nước, đầu quân cho Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, nhưng mỗi nơi đều làm một thời gian ngắn.
2000
Từ năm 2000, Xuân Huy dần dần im ắng ở trong nước. Thời gian này, theo chia sẻ của người thân, anh sống ẩn dật, làm và bán đàn kiếm sống.
2008
Xuân Huy trở lại chơi nhạc với một nhóm bạn nước ngoài.
2009
Xuân Huy xuất hiện trong chương trình hòa nhạc “Điều còn mãi” và tham gia thường niên từ đó đến nay.
2011
Xuân Huy khởi xướng chơi nhạc giao hưởng trên đường phố bằng một chương trình dài hơi mang tên “Luala concert”, đến nay đã là mùa thứ 4, gây hiệu ứng tốt. Anh cũng là một người làm đàn violon có tiếng.
Tổ chức và thực hiện: Thục Khôi
Nhiếp ảnh: Thai Pham