Hồi bé cứ hễ ai hỏi bố học trường gì? Mình luôn trả lời một cách tràn trề tự hào: Bố tớ học trường Tổng hợp (trong khi đó thực tế bố mình tốt nghiệp trường cảnh sát). Lúc đó mình làm sao biết được. Chẳng qua suốt ngày nếu mình hỏi mẹ về việc gì thì mẹ sẽ bảo ngay con cứ hỏi bố, bố con học Tổng hợp ra đấy.
Mà đúng thật, bố mình cái gì cũng biết. Bố biết nhiều về cơ khí: suốt ngày thấy bố tay chân nhễ nhãi dầu mỡ, cà lê mỏ lết với cái xe máy 67, bố thường dạy thằng em mình nghêu ngao: “Một là hỏng cái bugi, Hai là hỏng cái gì gì bên trong”. Khi thì mình thấy bố mình như bác sỹ biết tất tật tật bệnh tình của chị em mình và cần phải uống thuốc gì mà không cần đến bệnh viện… Bố mình còn là “nhà ngoại cảm” tài ba, chỉ cần nghe giọng điện thoại của mình thôi mà bố biết được tâm trạng của mình như thế nào. Mỗi lần nghe bố hỏi: “Có chuyện gì vậy con?” là mình cứ ngỡ như bố mình là một nhà tâm lý có khả năng làm cho mình có thể dốc hết bầu tâm sự sâu kín trong lòng.
Có lẽ trong đời bố mình, chưa có việc gì làm bố mình phải chùn bước. Đối với bố đại sự thành tiểu sự, tiểu sự thành vô sự.
Bun và Beo trong vòng tay yêu thương của ông bà và gia đình
Mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống, mình luôn tâm niệm một điều rằng, bên cạnh luôn có một “ông bố tổng hợp” thì chẳng có gì có thể làm khó mình được. Hai thằng cháu ngoại Bun, Beo cười khóc, phun mưa, nôn ọe… ông bảo mụ bà đang dạy dỗ cách làm người đấy. Bun, Beo ốm lên ốm xuống, ông bảo trời sinh voi sinh cỏ, bọn chúng phải thế để tự thích nghi với môi trường… Mình nể phục “tinh thần AQ” của bố.
Đơn giản vì cuộc đời của bố gánh nặng bao nhiêu cái ngày xưa nhọc nhằn.
Ngày xưa, bố mồ côi ông nội khi còn trong bụng mẹ. Sinh ra được 7 tháng thì bà nội đi bước nữa để lại bố cho ông bà cố nội. Ngày nào bà cố nội cũng bế cháu đi khắp làng xin sữa, còn đêm đến cháu khóc lóc thảm thiết vì đói quá và bà đành phải cho cháu dùng tạm cái bầu vú nhăn nheo tuổi già. Cháu bú bà rát ruột đến nỗi bà cố 54 tuổi rồi mà sữa vẫn còn chảy ra được vài giọt.
Ngày xưa dưới lời kể châm biếm của mẹ, bố đưa các cô “yêu tha dép” về nhà ra mắt họ hàng thì bao giờ cũng có kết cục buồn chảy nước mắt là các cô “bỏ chạy mất dép”, đơn giản vì bố nghèo quá.
Rồi một ngày, bố chính thức trở thành bờ vai tin cậy của mẹ, của mình. Đó là là bờ vai gầy gò khắc khổ của bố, bờ vai đã gánh nặng bao cái ngày xưa nhọc nhằn.
Bây giờ đủ trưởng thành để hiểu rằng không phải việc gì bố mẹ cũng có thể làm được nhưng mình hoàn toàn tin tưởng bố mẹ sẽ bằng mọi giá làm mọi việc tốt đẹp nhất cho con cái. Và mỗi khi ai hỏi mình “Bố cậu học trường gì?” mình vẫn tự hào trả lời như ngày bé: “Bố tớ học trường Tổng hợp“.
Hai vợ chồng mình đang tiếp bước hành trình “nghề làm cha mẹ” tại trường tổng hợp, theo khoa bệnh tật học nghiên cứu hết bệnh sởi đến bệnh thủy đậu rồi khuẩn tả rota là gì…. hay theo khoa tài chính nghiên cứu tỷ giá Yên-Việt vì ảnh hưởng đến giá sữa Megi của Bun, Beo, giá bỉm hàng xách tay từ Nhật Bản… Và còn nhiều thứ phải học lắm để có thể tốt nghiệp được như bố mẹ mình.
Bạn sẽ hạnh phúc biết bao khi thấy hai bàn tay bé xíu nắm chặt bàn tay gầy guộc của mẹ, nước mắt nước mũi dàn dụa khi thấy một con chó chạy ngoài đường, hay tiếng còi xe inh ỏi, hay con gián gớm ghiếc bò ngoài hành lang, nhưng khi mẹ hỏi “Có sợ không?” thì những chàng trai 2 tuổi vẫn trả lời dõng dạc: “Không sợ, có mẹ rồi!”
Và hạnh phúc lớn lao nhất của cuộc đời mình là một ngày nào đó, có ai hỏi Bun, Beo, các bạn ấy có thể sang sảng trả lời: “Bố mẹ bọn tớ học trường Tổng hợp nhé“.
Bài và ảnh: Thu Huyền
“Luật bất thành văn” của mẹ Moon