Tôi cho rằng, người ta chỉ lãng mạn được khi thuộc về một nơi chốn. Sở hữu một nơi chốn cố định, hay được nơi chốn ấy cho dung thân, là điều kiện tiên quyết để sống lãng mạn. Sự lãng mạn bao giờ cũng đi từ cảm giác an tâm, bình yên; bởi thế khó mà suy nghĩ hay hành xử lãng mạn nổi nếu tâm hồn không bình yên, nếu nơi ăn chốn ở và nỗi sầu xa xứ làm cho người ta lo nghĩ. Ở Saigon, trên đất nhà, tôi lãng mạn đôi chút. Ở những nơi chốn khác, sự lãng mạn rơi rớt mất. Đó là sự thực, bạn thử ngẫm mà xem. Phải chăng an cư lạc nghiệp rồi, người ta mới có thể lãng mạn, và phải chăng cái sự bay bổng vốn rất cần một chiếc neo thực tế?
Tôi cho rằng người ta chỉ lãng mạn được với một số người, và phản-lãng-mạn với những người còn lại. Vì sao? Tâm lý con người lạ lắm, cái gì càng thừa thì càng thiếu. Một người sến chảy nước không bao giờ có người tình lãng mạn. Một người thô lậu lại được người tình nhẹ nhàng chiều chuộng. Một người khoa học rạch ròi đến mức máy móc thì người yêu lại sầu buồn nhạy cảm đặc biệt. Tại sao một gã đàn ông lọc lõi khi si tình vẫn nhỏ bé như đứa trẻ, mà một cô gái ngây thơ nhiều lúc lòng dạ sắt đá đáng sợ? Phải chăng là quy luật bù trừ?
Lãng mạn chẳng phải là những thói quen, hành vi xã hội được lập trình. Lãng mạn phải từ trong ruột gan lãng mạn ra. Niềm vui sống được cho là có nhiều ảnh hưởng đến tính lãng mạn: sống thiếu niềm vui, ta khô cằn đi. Hy vọng, tin tưởng vào cuộc đời, vào con người cũng là điều thiết yếu để suy nghĩ lãng mạn. Tin tưởng người mình yêu mới có thể lãng mạn. Có một thời xa rồi người ta chê trách sự lãng mạn đó thôi: hồi đó, lãng mạn đồng nghĩa với tư tưởng tiểu tư sản, tiêu cực, phó thác cho vận mệnh, hoặc sướt mướt rên rỉ buồn thương. Giờ thì không ai trách người khác “Lãng mạn quá!” nữa đâu, chỉ trách “Sao thiếu lãng mạn vậy?”. Thế thì lãng mạn là đức tính hay là khuyết điểm?
Lãng mạn là khuyết điểm nếu thương vay khóc mướn, sầu buồn vẩn vơ. Lãng mạn là khuyết điểm nếu ta nhìn mọi thứ qua một màn sương mộng mị, thiếu thực tế. Lãng mạn là khuyết điểm nếu ta u uẩn héo hắt, ốm tương tư vì tình không trọn. Lãng mạn là khuyết điểm nếu nó làm mất thì giờ, khiến ta thiếu tập trung, hai chân lúc nào cũng lơ lửng cách mặt đất. Còn nếu không như vậy, nếu mọi thứ rất ổn, nếu ta hoan hỉ với từng ngày từng giờ của đời sống, thì lãng mạn là ưu thế, là đức tính, là mục tiêu phấn đấu của một nhân cách.
Tôi nói với em rằng, nếu em muốn chúng ta nắm tay nhau chạy dưới mưa, chiếc ô ngăn đôi bảy màu, xe đạp đôi vòng bờ hồ, kem que chảy ướt ngón tay, nơ hồng trên tóc và hoa tươi cài đầu thì tôi thua. Trời mưa thì lãng mạn hiển nhiên, nhưng mà tôi muốn cùng em ngồi quán ngắm mưa và thì thầm những chuyện vui buồn, hát nho nhỏ cho nhau nghe hoặc không nói gì cả; nếu vẫn còn mưa thì chúng tôi sẽ chui vào taxi; và áo mưa đôi cũng lãng mạn vậy, cần chi ô bảy màu. Tôi nói với em rằng không hoa nào đẹp được bằng em, nhưng tôi vẫn tặng hoa cho em vào ngày sinh nhật, ngày Tám tháng Ba hay ngày Tình nhân, chỉ xin em đừng ngắt hoa cài lên vành tai. Lãng mạn nằm ở bờ vực mong manh của sự sến, bất kỳ lúc nào người ta cũng sẵn sàng để rơi.
Sống đủ đầy những khoảnh khắc tình yêu là thái độ sống lãng mạn nhất. Tận hưởng điều đang diễn ra, cùng với mọi cung bậc nó đem lại – buồn, giận, thất vọng, hy vọng, yêu, ghét, ghen tuông, tha thứ – là lối sống lãng mạn nhất. Vì lãng mạn là gì, nếu không phải là thưởng thức đời sống một cách tận cùng, dâng hiến tình yêu một cách trọn vẹn?
Tôi nói với em rằng nếu em cần một tình yêu cháy bỏng, đam mê ngút trời, chưa xa đã nhớ và đêm nằm thút thít trên gối thì tôi không tìm đâu ra để cho em. Tôi không biết dỗ dành, không biết năn nỉ, và vụng về hay quên – những điểm yếu ấy tôi mong em bỏ qua, đừng chấp. Còn nếu điều em cần, thực sự cần, cần tận trong sâu thẳm, là sự tin cậy, sự thấu hiểu, thì tôi dành hết không giữ lại chút gì.
Vậy thì có đủ lãng mạn không? Hay là tôi thực tế quá?
Bài: Quốc Bảo
Xem thêm: “Độc chiêu” dụ chồng lười làm việc nhà