Hôm 01/12, một chiều nắng hanh đầu đông, chương trình ấy lại khai diễn, bước vào mùa thứ năm. Vẫn là địa điểm quen thuộc trên góc phố Lý Thái Tổ, ước có đến hơn 1.000 lượt khán giả lại tề tựu để nghe giao hưởng thính… đường.
Chẳng có phân biệt “số ít” – “số đông”, không có khoảng cách ngôi sao – khách VIP, nghệ sĩ – khán giả, mỗi người đến đều có thể lựa chọn cho mình một chỗ riêng để thưởng thức hoặc ngó nghiêng.
Đúng 15 giờ, chương trình mở đầu với các tác phẩm mới, lần đầu tiên được trình diễn tại Luala Concert như “Frühlingsstimmen” (Voices of Spring – J. Strauss), “In the Hall of the Mountain King” (E.Grieg), “Sicilienne” (G.Fauré)…
Sau giờ nghỉ giải lao 15 phút, khán giả có thể thoải mái “tám” chuyện, những ông bố bà mẹ dắt bế con đi xem có thể tìm cho mình một chỗ ngồi, chỗ đứng dễ “nhòm” hơn; phần hai của chương trình được bắt đầu. Không còn “kén tai” như phần trước, các nghệ sĩ của Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam, dưới vai trò đạo diễn âm nhạc của nghệ sĩ Xuân Huy, mang đến những tác phẩm thật thân thuộc.
Đó là những bản hoà tấu dịu dàng, trầm bổng như “The Beautiful Blue Danube” (J.Strauss), “Jazz Pizzicato” (L.Anderson)… Hàng chục nghệ sĩ đứng, ngồi trên vỉa hè kéo nhạc, thổi kèn, nhịp phím say sưa; còn khán giả thật lạ, ở đường ở phố mà chẳng ồn ào.
Chẳng có sự phiền toái về âm thanh nào có thể thấy ở đây. Hãy xem, chẳng như trong nhà hát, rất nhiều chiếc điện thoại ghi hình được giơ lên. Ông chủ của sân chơi Minh Đỗ chẳng ngồi im một chỗ, nhoẻn cười hiền lành với khắp lượt khách mời, mắt ánh lên vẻ hạnh phúc, ít nhất cũng bởi thời tiết tuyệt đẹp đã chiều lòng những khúc nhạc chiều.
Nghệ sĩ violon Xuân Huy, chỉ đạo bảy suất diễn vào bốn buổi chiều thứ bảy, chủ nhật liên tiếp, vẫn chẳng tỏ ra kiểu cách. Chiều hôm trước anh đã cùng các nghệ sĩ của mình duyệt chương trình ở “thánh đường nghệ thuật” này một cách nhuần nhuyễn. Chiều nay, anh có thể thư thái chứng kiến người dân khắp nơi đổ về đong đưa, gật gù theo tiếng nhạc.
Có thế này rồi mới mong Hà Nội nói riêng và đô thị Việt Nam nói chung dần hình thành một thứ văn hoá dễ chịu là trình diễn nghệ thuật đường phố, với không gian công cộng thêm mở rộng hơn. Và cũng từ đó có thêm những lớp nghệ sĩ “ưu tú”, thực sự hướng đến nhân dân, ở khắp nơi ngoài cuộc sống.
Tùng Dương tại Luala Concert
Trong buổi khai mạc hòa nhạc Luala, phần cuối của chương trình, khán giả còn đã có dịp chứng kiến phần biểu diễn của ca sỹ
Tùng Dương với ba tác phẩm “Trường ca sông Lô” (Văn Cao), “E Lucevan le Stelle” (Puccini) và “Bài ca hi vọng” (Văn Ký).
Ca sĩ cúi chào khán giả và “hát giữa mọi người không ngại ngần” và… không đòi cát xê cao, điều ấy đã thực sự khiến nghệ sĩ và những công chúng nghệ thuật tiềm năng có mặt như được xích lại gần nhau hơn và chìm đắm trong những xúc cảm âm nhạc tuyệt vời của chiều đông Hà Nội.
Theo đơn vị tổ chức, tuần sau, Luala Concert sẽ được tiếp tục với các tiết mục đơn tấu, song tấu, tứ tấu vào ngày thứ bảy (7/12) và phần trình diễn của dàn nhạc vào ngày chủ nhật (8/12).
Chiều chủ nhật, chương trình từng hai lần được đề cử giải thưởng âm nhạc Cống hiến sẽ đón chào nghệ sỹ piano Trang Trịnh. Đây hứa hẹn sẽ là một buổi diễn đầy hấp dẫn khán giả nhỏ tuổi khi Trang Trịnh sẽ trình bày tác phẩm “Lễ hội muông thú”, bao gồm cả phần giao lưu với các em.
Bài: Danh Anh
Ảnh: Q.A
>>> Có thể bạn quan tâm: Từ “người đàn bà hát”, ca sĩ Thanh Lam đã chuyển thành “người đàn bà yêu” bên gia đình trong live show cùng tên diễn ra vào tối 30/12 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!