Liveshow Thanh Lam - người đàn bà hát, người đàn bà yêu - Tạp chí Đẹp

Liveshow Thanh Lam – người đàn bà hát, người đàn bà yêu

Review

Live show “Người đàn bà yêu” diễn ra khá im ắng so với thông lệ. Cứ ngỡ Thanh Lam làm “cho vui” sau khi đã có hạnh phúc riêng, làm vì có đơn vị tổ chức, hoặc làm như một “hội nghị khách hàng” cho công ty của những người bạn tài trợ. Cuối cùng, với những gì đã diễn ra, không ít khán giả đã bất ngờ vì chất lượng của đêm nhạc!

Chương trình diễn ra một cách tự nhiên, không câu nệ hình thức, kịch bản. Không có ca sĩ khách mời, không có phông nền chụp ảnh và gần như không đầu tư cho PR, quảng bá. Chỉ có âm nhạc, những câu chuyện nhỏ và tiếng hát Thanh Lam.

thanh lam

Lâu nay Thanh Lam bận lo cuộc sống riêng, ít làm nghề, vậy mà vẫn làm show thì lấy đâu ra cái mới để giới thiệu? Vậy mà gần như toàn bộ các tác phẩm trình diễn được làm mới. Mỗi bài có những thành phần chơi nhạc riêng, được hòa âm riêng nên không có tiết mục nào một màu, nhàm chán. Khó có thể kể ra bài nào, phần trình diễn nào hay nhất, vì có rất nhiều!

Tuy vậy, có thể thuật lại ở đây những mảng màu để lại ấn tượng sâu đậm nhất từ “Người đàn bà yêu” – Thanh Lam.

Khán giả mong ngóng và phấn khích nhất với sự xuất hiện của NSND Trung Kiên, bố của nhạc sĩ Quốc Trung, ông nội của các con Thanh Lam. Song ca với Thanh Lam ca khúc “Gọi anh” (Dương Thụ) trong phong cách âm nhạc bán cổ điển, giọng ca 75 tuổi khiến khán giả choáng ngợp. “Người ông” (như cách Thanh Lam gọi) và cô con dâu đã hoà giọng ăn ý, truyền cảm trong sự hào sảng và da diết.

NSND Trung Kiên và Thanh Lam

Trước sự hưởng ứng của khán giả, Thanh Lam mới tiết lộ, cô đã từng mời bố tham gia góp mặt trong các chương trình của mình nhiều lần; nhưng bao giờ câu trả lời cũng là: “Tao không tham gia!”. Chỉ đến lần này, “vừa ngỏ ý, ông đã nhận lời luôn. Không hiểu sao, tự dưng ông lại dễ tính thế!”, Thanh Lam hóm hỉnh bảo.

Tưởng NSND Trung Kiên phải hát thêm vài bài theo đề xuất của con dâu, nhưng ông chỉ dồn lực cho bài tủ “Tình ca” (Hoàng Việt). “Khi hát lên tiếng ca gửi về người yêu phương xa…”, ông khiến cả khán phòng lặng phắc rồi vỡ oà trong những tiếng vỗ tay. Ông dừng ở đây, bảo con gái “ông hát thế thôi!”; nhưng với khán giả, điều đó đã đủ làm nên bất ngờ thú vị.

Nếu “sức trẻ” của NSND Trung Kiên được thể hiện qua giọng hát, với thanh quản được rèn luyện bền bỉ không kể tuổi tác; thì với mẹ đẻ của Thanh Lam, NSƯT Thanh Hương, “phong cách xì tin” được thể hiện qua câu chuyện kể vô cùng hài hước.

thanh lam

NSUT Thanh Hương và Thanh Lam

Chương trình không có MC, bà xuất hiện để ngâm thơ bài “Quê hương” của Giang Nam cùng con gái và dẫn chuyện cho ca khúc “Chia tay hoàng hôn” do chồng là nhạc sĩ Thuận Yến sáng tác.

Bà nói như…khoe: “Tôi cũng như bao người mẹ khác. Được đứng ở đây, tôi tự hào lắm. Ấy là nhờ có con gái tôi thôi”. Ngừng một chút, bà tiếp: “Nhà tôi có bốn người thì ba người là ông Thuận Yến, ca sĩ Thanh Lam và nhạc sĩ Trí Minh có thương hiệu; có mỗi tôi chẳng có thương hiệu gì hoặc chỉ là thương hiệu bình thường!”.

Cách nói không kiểu cách, thậm chí có lúc vừa nói xong, lại “hồn nhiên” nói lại của NSƯT Thanh Hương khiến khán giả không nhịn được cười. Nhưng những tràng cười chỉ thực sự nổ ra khi bà tíu tít kể bí mật chuyện tình yêu của mình với nhạc sĩ Thuận Yến, liên quan đến những ca khúc mà ông sáng tác.

Vì nhạc sĩ Thuận Yến sức khoẻ yếu, không có mặt nên nghệ sĩ đàn dân tộc Thanh Hương thoải mái “tố” ông đã “chăn dắt” bà ngay khi bà mới 15, 16 tuổi. Khi học ở Nhạc viện, ông canh những gã trai khác tiếp cận bà bằng cách hễ ai hỏi về bà thì bảo “Hương đi vắng rồi!”. Ông cũng âm mưu thưa lên bác Hồ, bác Giáp về việc lập một dàn nhạc, kéo về sáu nữ, trong đó có bà. Thế là bà cứ từ từ bà “sa” vào bẫy tán tỉnh của ông, tận đến khi ông ra chiến trường.

Ở chiến trường, nhưng Thanh Hương biết tỏng Thuận Yến rất “sợ chết”, bởi vì “chết là mất tôi”. Có hai kỷ niệm bà nhắc tới, đó là lần hai người gặp nhau. Đang ngồi tình tự, “nắm tay nắm chân”, thì có may bay phản lực xoẹt qua. Cả hai nháo nhào, bà thất thanh gọi ông, nhìn quanh chẳng thấy đâu, cuối cùng hóa ra ông đã leo tót lên đỉnh núi để trốn, kệ bà dưới này! Rồi lần bà nhận được thư ông, sau nhiều ngày mất liên lạc. Lạ một điều là thư rơi vào tay Mỹ, rồi lại vào tay “Ngụy”, cuối cùng lại trở lại tay quân giải phóng và đến tay bà. Bà mở ra đọc, có vẻn vẹn một câu: “Hương em, anh vẫn còn sống!”.

Đến lúc này, ca sĩ Thanh Lam phải ra “nhắc khéo” bà là: “Con đã bảo mẹ ra kể về chuyện với bố gắn với ca khúc ‘Chia tay hoàng hôn’ mà mẹ kể nhiều bí mật quá!”. Thế nhưng, rõ ràng là chuyện tình yêu của bố mẹ Thanh Lam hiển hiện rõ trong những nhiều câu ca mà Thuận Yến hướng đến Thanh Hương, chẳng hạn như câu ca mà ông phỏng thơ Hoài Vũ: “Hoa khế rụng tím ngần lối nhỏ, để mãi lòng ta xao xuyến bồi hồi…”

Như có động lực từ sự hỗ trợ của gia đình, có Quốc Trung, Trí Minh sát cánh lo cho phần nhạc mà Thanh Lam đã thực sự thăng hoa cho liveshow của mình.

Các ca khúc cũ đã quá quen với khán giả từ album “Mây trắng bay về” được hòa phối mới mang phong cách nhạc nhẹ. Các ca khúc nhạc xưa như “Hoài cảm” (Cung Tiến), “Cô đơn” (Nguyễn Ánh 9), “Nửa hồn thương đau” (Phạm Đình Chương)… trong album “Yêu” hát cùng Tùng Dương, vừa ra mắt, cũng được thể hiện với màu sắc âm nhạc thính phòng cùng dàn dây.

Đến “Em tôi”, “Khát vọng”, đều là những sáng tác của Thuận Yến, được Trí Minh – nhạc sĩ theo đuổi con đường âm nhạc thể nghiệm – thổi hồn đương đại với phần đệm piano, trống cổ điển, kèn tuba đã mang đến ấn tượng đặc biệt với khán giả.

Phần nhạc đáng nói nữa là những ca khúc hoàn toàn mới của Thanh Lam sẽ có mặt trong album phát hành vào ngày 8/3 năm 2014. Bốn bài được hé lộ là “Này chân đất”, “Ru hời ru”, “Tò vò” đều của Lưu Hà An và “Bụi trời” của Lưu Thiên Hương đều được hòa âm khá hiện đại. Riêng “Tò vò”, ca khúc là tiếng lòng về nghiệp cầm ca, được Thanh Lam trình diễn cùng nghệ sĩ chèo Thanh Ngoan.

Cùng trong album sắp có, bài “Tre xanh ru” sẽ được Thanh Lam thể hiện lại. Riêng trên sân khấu, ca khúc này được dàn dựng khá đặc biệt khi Thanh Lam hòa giọng với một dàn đồng ca thiếu nhi mặc áo nâu. Giữa phần trình diễn còn có sự xuất hiện của một nhà sư là thầy Tâm Không, cùng hoà thanh với một số đoạn vocal. Khi bài hát đầy cảm xúc này kết thúc, còn có những em nhỏ sắp được hỗ trợ mổ tim, điều trị ung thư xuất hiện – một phần tiền bán vé của liveshow được dành cho công việc này.

Gạt qua những yếu tố bên lề thì chương trình hay bất ngờ của Thanh Lam ghi điểm là bởi phần âm nhạc được chuẩn bị kỹ càng, hay và hoà quyện cùng ca khúc, giọng hát.

Riêng Thanh Lam, có lẽ đây là lần rõ ràng nhất “người đàn bà hát” đã hát với tâm thế của “người đàn bà yêu” một cách đam mê, say đắm, dịu dàng, dạt dào cảm xúc. Sự tiết chế, không còn “hú hét”, bung phá từ ca sĩ khiến chương trình khi khép lại với cả ê kíp đã ra chào mà khán giả vẫn muốn ngồi nán lại…

Bài: Danh Anh

Ảnh: Nghĩa Ngu Ngơ

 

>>> Có thể bạn quan tâm: Không quá lời khi nói “Độc đạo”, chương trình vào tối 24/11/2013 tại Cung Văn hoá Hữu nghị Hà Nội, là một bữa tiệc âm thanh thịnh soạn. Khán giả có mặt không ngớt bày tỏ sự hưng phấn và dành nhiều lời khen tặng cho phần âm nhạc mà các nghệ sĩ mang lại.


Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

01/12/2013, 19:03