Liều, nhưng mà… chắc!
– Có lần trên facebook, thấy chị gọi Bằng Kiều là “người bạn cuộc đời”. Sao chị không dùng từ “bạn đời” cho… gọn?
– Khi mới gặp, thì cũng có gọi là anh/em đấy, nhưng chắc chỉ trong một tháng. Còn giờ thì tôi lại gọi anh Kiều bằng… “bố” kia. Tại khi sang Mỹ, mấy đứa con của anh cứ suốt ngày gọi “bố, bố”, nên tôi cũng… gọi theo lúc nào không biết (cười). Tất nhiên cách xưng hô chỉ là vỏ ngôn từ, quan trọng là chúng tôi cảm thấy ở nhau điều người kia cần.
Tôi và anh Kiều, nếu tính thời gian của một cuộc tình thì chưa thể gọi là dài. Nhưng với những gì chúng tôi đã trải qua, cũng đủ để cho cả hai sớm nhận ra khoảnh khắc chạm vào nhau là biết người kia quan trọng với mình. Cuộc gặp gỡ Bằng Kiều đối với tôi rất thiêng liêng. Tôi cảm thấy như có sự sắp đặt nào đấy, để chúng tôi cảm thấy mình gặp nhau từ bên trong, và rồi “bắt lửa” rất nhanh, giúp chúng tôi “đốt cháy giai đoạn” kha khá. Chúng tôi không có khái niệm sớm hay muộn, chúng tôi chỉ quan trọng là có hay không có thôi. Bởi có người sống nhiều năm trên đời vẫn không tìm được cảm giác ấy.
– Khoảnh khắc đặc biệt ấy hiện ra trong chị lúc nào?
– Cuộc gặp đầu tiên, tôi không ấn tượng với anh Kiều ngay. Nhưng khi tiếp xúc với anh, tôi có một cảm giác khác lạ rất nhiều so với những người tôi đã gặp trước đây, và càng ngày càng bị hút vào. Còn anh thì kể, ngay lần đầu gặp là thấy cảm giác “Ôi chết rồi!”. Và chúng tôi dần chạm vào nhau, chia sẻ với nhau mọi thứ một cách đơn giản và dễ dàng.
– Chị thật biết cách liều?!
Bằng Kiều xuất hiện, và tôi thấy mọi thứ ở đây rồi
– Chuyện chị đến với Bằng Kiều có làm ai bị tổn thương không?
– Tổn thương rất nhiều, nhưng người đó chính là tôi và anh Kiều. Ngày đầu chúng tôi đến với nhau, một cơn bão dư luận ập đến. Mỗi ngày tôi nhận được hàng trăm tin nhắn lăng mạ của người tôi không quen, chưa quen gửi vào facebook cá nhân, và điện thoại… Tôi nín lặng, vì nghĩ đối thoại với những người không hiểu chuyện chẳng giải quyết được gì. Có rất nhiều người có hôn nhân gãy đổ và áp đặt cuộc sống của họ lên hoàn cảnh của chúng tôi. Có nhiều người không hạnh phúc sau chia tay chất vấn và lăng mạ tôi. Thú thực, tôi đọc và thấy thương cho những người phụ nữ đó.
Tôi vốn là người cứng rắn và mạnh mẽ. Nhưng thời điểm đó tôi cũng đã khóc rất nhiều và tủi thân rất lớn. Tôi không dám nói với anh Kiều, vì tôi chắc chắn bản thân anh ấy cũng đang chịu đựng điều tương tự, thậm chí nặng nề hơn. Tôi chưa từng có scandal và tôi vẫn muốn giữ lại những chuyện riêng tư của cuộc đời mình. Nhưng lần này tôi lên tiếng, và tôi chỉ muốn nói rằng, sự khắc nghiệt của dư luận có thể giết chết một con người. Tôi ngạc nhiên cực kỳ là có người nhắn tin lăng mạ tôi suốt một thời gian dài. Tôi không hiểu tại sao có người dai dẳng và cay nghiệt đến vậy. Sau này thì tôi nghĩ, những người đó cần một nơi trút những cơn giận của mình. Đó cũng là lý do tôi im lặng lần nữa.
Một thời gian sau anh Kiều về nước làm phim “Sơn đẹp trai”, chúng tôi mới thẳng thắn chia sẻ với nhau về áp lực đó. Bây giờ nghĩ lại, nếu tình cảm của chúng tôi không đủ mạnh, chúng tôi đã không thể nào tiếp tục đồng hành cùng nhau. Và ở phương diện nào đó, sự vô lý của đám đông đã giúp chúng tôi khẳng định quan hệ bền chặt bên nhau.
Ngoài hai đứa chúng tôi, những ngày tôi chưa nói với mẹ, mẹ tôi ở quê cũng đã bị tổn thương rất nhiều vì điều tiếng thiên hạ. Sau này gặp anh Kiều, mẹ hiểu và thương chúng tôi hơn.
– Thế là dư luận tạo điều kiện để hai người thêm khăng khít?
– Qua sóng gió ấy, tôi nhận ra anh Kiều là người tử tế, trong công việc đến cách đối xử với người thân. Anh ấy là người suy nghĩ rất sâu và rất nhiều, điều này trái ngược với tính cách mạnh mẽ, dứt khoát của tôi. Đôi lúc tôi nói với anh ấy, phải chi anh bớt tỉ mỉ và nhạy cảm hơn. Cũng qua trải nghiệm đó, mỗi đứa nhìn thấu trong bản thân mình câu trả lời cho: Cái mình đang cần là gì. Hai đứa tính cách trái ngược hoàn toàn, anh Kiều trầm tính, trong khi tôi là cô gái tương đối mạnh mẽ, nên bây giờ hàng ngày chúng tôi vẫn học cách dung hòa nhau. Và ít nhiều tôi dần bị anh ấy ảnh hưởng.
– Đàn ông sau đổ vỡ thường rơi vào một giai đoạn chống chếnh, cần một bàn tay chăm sóc. Nhưng biết đâu sau thời điểm đó, gương mặt của người đàn ông tỉnh táo có thể khác?
– Tôi từng thử đặt bản thân vào một cuộc hôn nhân với người khác. Nhưng luôn cảm thấy trong mối quan hệ ấy có gì đó chưa ổn thỏa, chưa đủ. Và anh Bằng Kiều xuất hiện, tôi thấy mọi thứ ở đây rồi. Nhiều người nghĩ, sau gãy đổ, anh Kiều lẽ ra phải cần thời gian để bình phục chứ, tại sao anh ấy lại đi nhanh vậy? Nhưng tôi gặp anh ấy và tôi cảm thấy rất sâu sắc, anh ấy muốn có một gia đình thực sự.
– Và người đó chỉ có thể là chị?
– Tôi nghĩ là anh Kiều đã may mắn tìm được người mình mong muốn. Anh đang có được một người phụ nữ như vậy. Cô gái hiểu được và chia sẻ được những mong muốn của anh ấy. Chúng tôi gặp nhau đúng thời điểm, bởi thời gian trước, chưa chắc tôi đã sẵn sàng cho điều này.
– Ba con riêng của anh ấy có bao giờ khiến chị thoái chí?
– Chị từng có một tuổi thơ không vẹn tròn vì bố bỏ mẹ ra đi từ rất sớm. Đó hẳn là chất keo đã gắn kết chị dễ dàng hơn với ba đứa trẻ?
– Đúng vậy. Tôi không sống với bố ngày nào, lần gặp ông gần nhất chắc cũng trên 10 năm, nên giờ cũng không nhớ rõ khuôn mặt bố thế nào. Trong khi đó, tình cảm của anh Kiều dành cho ba đứa trẻ rất đặc biệt. Tình cảm và trách nhiệm của anh ấy dành cho các con khiến tôi thực sự bị lay động. Vốn dĩ đã trải qua sự thiếu thốn tình cảm của ba, nên giờ đây nhìn thấy một người bố chăm sóc con, tôi thấy thiêng liêng vô cùng. Tôi nghĩ, một người đàn ông như vậy, chắc là tử tế chứ, chắc là không đến nỗi xấu đâu. Và tôi tin anh vì những điều như vậy. Tôi yêu hình ảnh anh ấy chăm sóc các con lắm. Yêu cực kỳ! Tôi nghĩ đó là chất xúc tác rất mạnh giúp tôi tin vào cảm giác và quyết định của mình.
– Biết đâu cách chị gọi Bằng Kiều bằng “bố” không hẳn là bắt chước bọn trẻ?
– Thỉnh thoảng trong tôi cũng len lỏi một cảm giác lạ lẫm nào đó. Tôi cảm nhận được mà!!!
Anh ấy đã đưa tôi ra khỏi cuộc sống xô bồ
– Ngoài hình ảnh Bằng Kiều làm bố, còn điều gì nữa ở “kẻ đào hoa” khiến chị bị lôi cuốn?
– Tôi thích và ủng hộ những thú chơi của anh Kiều. Chẳng hạn anh ấy rất thích chơi cây kiểng và nuôi cá cảnh. Người đàn ông thích những điều ấy nghĩa là anh ấy sống thiên về nốt trầm nhiều hơn. Tôi cũng rất cảm ơn anh ấy vì đã đưa tôi ra khỏi cuộc sống xô bồ, giúp tôi cân bằng hơn, thay vì cứ phải tính toán so đo để sống.
– Đâu là phép bù trừ giữa một cô gái miền Tây và một anh con giai Hà Nội?
– 19 tuổi tôi lên Sài Gòn, nhưng từ 12 tuổi tôi hầu như sống xa mẹ, vì mẹ tôi làm buôn bán, xa nhà quanh năm. Thành ra, từ 12 tuổi tôi đã biết buôn bán nhỏ ở chợ kiếm tiền. Nhà tôi gần chợ, buổi sáng sớm, người ta bán rau ngon, tôi ra lựa, mua cất rồi góp chợ với người bán rau lẻ, sau đó cuối ngày chia lãi. Tới mùa bắp, tôi mua bắp về nướng bán. Qua thời điểm đó, mẹ tôi mở tạp hóa bán ở nhà, tôi phụ mẹ sốt sắng như một thằng con trai, cho đến khi lên Sài Gòn. Nhưng tôi lúc nào cũng thích chăm sóc cho mọi người, thích những điều nhỏ nhặt như nấu ăn, dọn đồ. Và tôi yêu những điều ấy.
Suốt những năm tháng ở Sài Gòn tôi sống rất tự do. Nếu đi quá xa, tôi chỉ cần gọi về báo với mẹ, con đi công tác một tuần. Thế rồi khi quyết định sống với anh Kiều, cuộc sống của tôi thay đổi. Tôi sống với nhiều người, và ý thức rõ là mình có một gia đình với nhiều bận rộn hơn. Chưa kể ở Mỹ, nhiều việc gia đình mình phải tự làm, chứ không thuê người giúp việc. Nhiều người bạn của tôi hỏi, cuộc sống mới có mệt, có gò bó không, và mọi người động viên tôi cố gắng. Nhưng tôi nghĩ nếu phải sử dụng sự cố gắng thì đâu còn niềm vui, tôi đang làm mọi việc và thấy hạnh phúc mà! Tôi phụ mọi người việc nhà, chăm cây kiểng cho “bố”. Mà chị biết đấy, cây kiểng của anh ấy mỗi ngày phải tưới một tiếng rưỡi đồng hồ. Tôi làm mọi việc với niềm yêu thích chứ không hề áp lực. Khi sang đó, tôi mới nhận ra, chất miền Tây của mình còn nhiều lắm. Và tôi cũng ngạc nhiên về chính mình, tôi nhận ra đây mới là điều gần gũi với con người mình nhất. Và hình như anh Kiều cũng cảm nhận được điều đó.
– Cô gái tảo tần, đăng quang hoa hậu rồi trở thành người phụ nữ của Bằng Kiều, và sắp tới là làm mẹ. Những bước ngoặt đáng giá đấy chứ?
– Hẳn là phải có bước ngoặt đầu tiên rồi mới có bước ngoặt thứ hai, dù tôi đến với anh ấy không phải với tư cách của một hoa hậu. Nhưng chị biết đấy, ông trời luôn sắp đặt, phải đi qua bước một mới tới bước hai. Tôi bây giờ chỉ mong chờ bước ngoặt thứ ba, được làm mẹ. Tôi nghĩ đó sẽ là bước ngoặt nhiều ý nghĩa nhất. Tôi cũng cảm ơn cuộc đời, vì mọi con đường tôi đi đều là đường quang, và tôi có thể đường đường chính chính mà đi chứ không phải qua một nẻo vòng nào cả. Lúc trước tôi từng hứa với mẹ: “Mẹ chỉ có mình con, nên con sẽ không bao giờ làm mẹ thất vọng hết”. Tâm niệm đó cũng là hành trang duy nhất tôi mang lên Sài Gòn. Để mẹ không thất vọng, tôi cố gắng không trở thành cô gái hư, chứ không phải nỗ lực trở thành ai đó. Vì điều đó, tôi bắt buộc bản thân mình sống trong nhiều nguyên tắc suốt một thời gian dài mà không hề phá vỡ. Cách sống ấy đã giúp tôi có được ngày hôm nay.
Khi bị dư luận chỉ trích, tôi chỉ chọn giải thích với gia đình, vì mẹ tôi cần được yên lòng. Mẹ và các cậu, dì ở quê đọc báo thấy con, cháu mình bị gán tội “giật chồng”. Mẹ đã hỏi tôi: “Có phải cậu ấy đang có vợ hay không?”. Tôi nói với mẹ: “Con không bao giờ làm gì gây tai tiếng hết. Từ xưa đến giờ mẹ tin con, vậy bây giờ mẹ hãy tiếp tục tin con đi…”.
– Một phần đời chị đã sống cho lời hứa với mẹ. Vậy từ lúc nào chị nhận ra phải sống cho chính mình?
– Thì chính vì nghĩ phải sống cho mình nên tôi mới quyết định lấy anh Kiều. Bao năm nay tôi sống căn đo đong đếm, giờ là thời điểm phù hợp tôi lựa chọn để trút bỏ những nguyên tắc, để sống là chính mình. Nói thế không có nghĩa tôi nuối tiếc, vì nếu sống cho mình sớm hơn, chắc gì tôi có cơ duyên gặp gỡ anh Kiều, biết đâu cuộc sống của tôi đã trôi đến nơi nào đó. Nghĩ vậy, tôi càng thấy mọi sự trong cuộc sống đều như có sắp đặt. Biết đâu, anh Kiều cũng từng có giai đoạn nào đó chưa chắc đã sống vì mình. Tôi cảm thấy điều ấy rất rõ từ bên trong mình, nhưng không thể giải thích với ai.
Giờ đây, tôi đã không còn quá nhiều nguyên tắc, anh Kiều cũng vậy. Cả hai đều phá bỏ những nguyên tắc trong mình. Chẳng hạn, hồi giờ tôi không thích ai đụng vào điện thoại của mình, kể cả mẹ, hay bạn trai. Anh Kiều cũng vậy. Nhưng gặp nhau, chúng tôi lại thấy, ồ chuyện đó có quan trọng gì đâu và cả hai có những thời điểm dùng chung một chiếc điện thoại (cười).
– Và chị sắp trở thành mẹ? Còn đám cưới thì sao?
– Trở thành mẹ thì chưa, nhưng chúng tôi đã đăng ký kết hôn. Còn đám cưới, dĩ nhiên là đã có kế hoạch, nhưng chúng tôi sẽ thông tin đến người thân đúng thời điểm.