Là người con được sinh ra trên mảnh đất trung du Tuyên Quang, tuổi thơ của tôi có cơ hội gắn liền với những sản vật dân dã của miền rừng núi. Ngay cả ngọn mâm xôi, quả mâm xôi, quả muối, quả sim, ngọn mua…đều là những “món ngon” khó tả của tôi.
Tầm tháng 7 cũng là lúc những trái trám bắt đầu chín, rám vỏ, đó cũng là lúc mỗi buổi mẹ đi chợ về trong làn hiếm khi quên một túi trám, lúc thì là trám trắng (quê tôi gọi là trám xanh), lúc là trám tím (quê tôi thường gọi là trám đen). Hai chị em tôi sà vào lục làn đồ ăn của mẹ, rồi bàn tán nhau xem hôm nay mẹ sẽ nấu món gì để cả nhà cùng ăn. Tôi thì thích trám đen “ỏm” dầm tương bần, em tôi thì thích món trám xanh kho thịt hoặc kho cá. Cái vị chan chát của trám hòa quyện vào miếng thịt ba chỉ tươm mỡ…cho đến tận bây giờ tôi vẫn không sao quên được.
Nhưng có lẽ, thích thú với hai chị em tôi và đám trẻ con hàng xóm hơn cả là giành nhau nhặt hạt trám sau mỗi bữa cơm, đem rửa sạch rồi chặt ngang làm đôi, mỗi đứa một chiếc tăm và ngồi “nhể” nhân hạt trám. Khác với cái chan chát của quả trám, nhân trám có vị ngọt, bùi gần giống như nhân của hạt quả bàng – đó cũng là một “món quà vặt” đắt giá với chị em chúng tôi thủa đó. Vì thế mà những quả trám nhỏ bé, thô ráp, ít bắt mắt ấy, cùng với vị chua chan chát, bùi bùi lại là một phần không thể lãng quên trong ký ức của tôi.
Nếu quả trám đen chỉ đơn giản là chọn quả to đều, mỡ màng, màu tím sậm là trám đã già về rửa sạch với nước lã, sau đó đun nước cho sôi lăn tăn rồi đổ trám vào đậy vung, bắc xuống, cứ để thế cho tới khi nước âm ấm hoặc nguội thì lấy trám ra để ráo nước, cách này người dân quê tôi gọi là “ỏm” trám, nhiều nơi gọi là om trám. Sau đó tách bỏ hạt, đem thịt trám chấm nước mắm, hoặc dầm cùng với tương bần để tận hưởng cái sự beo béo, bùi bùi thô mộc ấy.
Cũng như trám đen, trám xanh chọn quả to đều, màu xanh ngả trắng là loại trám đã già, trám xanh về cơ bản nhiều nhựa chát hơn trám đen, nên cần phải ngâm nước lã với chút muối khoảng 20 phút cho bớt chát, rồi cũng “ỏm” như đối với trám đen để dành kho thịt, kho cá hay đơn giản chỉ là món trám ngâm nước mắm. Nhiều hôm mẹ tôi cầu kỳ, còn đem những quả trám xanh ra đập dập, lấy dao gọt lấy phần thịt trám đem bằm nhỏ, thêm chút thịt nạc băm, chút lạc rang đập dập, một chút mắm tôm cho dậy mùi rồi đem chưng với hành khô bằm nhuyễn, thế là nhà tôi có món trám trưng mắm tôm, đưa đẩy cùng rau muống luộc cũng hết veo cả nồi cơm. Nói chung, dưới sự khéo léo của các mẹ, các chị, trám có thể chế biến được thành nhiều món ăn đưa cơm vô cùng.
Trám đen đang được bán với mức giá khoảng 80.000VND/kg, trám xanh giá “mềm” hơn một chút là 60.000VND/kg. Tranh thủ đang mùa trám, các bạn mua trám tươi về chế biến cho ngon, hoặc giả như muốn có trám ăn quanh năm thì cách bảo quản là mua trám về rửa sạch, để ráo rồi bỏ túi nilong cất ngăn đá tủ lạnh. Nhờ mẹo đó của mẹ truyền cho mà bất cứ lúc nào thèm tôi đều có trám để ăn mà không cần chờ đến mùa trám năm sau. Làm dâu xa xứ rồi, một năm tôi chỉ về với mẹ được một vài lần, nhưng mỗi độ hè về, mẹ vẫn không quên gọi điện hỏi han “Con gái có còn trám để ăn chưa?”...
Bài: Pepsy
Ảnh: Hà Ly
Xem thêm: Trứng vịt muối cho mùa trăng tròn