Bài viết của MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng – người có nhiều hạnh ngộ với nhạc sỹ
Nguyễn Ánh 9 trên sân khấu ca nhạc “như một lời chia tay” tới ông – Người nhạc sỹ đã đưa “cô đơn” đến với mọi người…
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 (Ảnh: Gia đình cung cấp)
Tôi đã nghe về ông quá nhiều trước khi hạnh ngộ cùng ông trên các sân khấu ca nhạc, mà chuyện nào cũng như huyền thoại.
Ông nổi tiếng với ngón đàn dương cầm thần sầu. Vậy mà người nhạc sỹ ấy bắt đầu con đường của mình trên những phím đàn câm lặng, những phím đàn đen trắng được vẽ trên bìa carton. “Hồi đó nghèo, tiền đâu mua đàn, con” – Ông lại cười, hiền thế thôi.
Nhớ nhất kỷ niệm, trong live show của nữ ca sỹ Ánh Tuyết tại Sài Gòn, ông đàn say mê. Tới lượt ra sân khấu, tôi nói vui với ông: “Tụi con gọi bố là Khủng bố, bố chịu không?” Tội nghiệp, ông ngớ ra không hiểu gì. Đoạn tôi nói: “À, bố thì vẫn là bố, nhưng tiếng đàn của bố hay khủng khiếp, nên tụi con gọi tắt là Khủng bố ạ!” Ông cười hiền như không thể hiền hơn.
Bài
“Không” trứ danh của ông lan tỏa khắp nơi, thậm chí ra tận bên ngoài cõi Việt nhưng ít ai biết bài hát được ra đời cứ như đùa.
Nguyễn Ánh 9 ngoài tài sáng tác còn nổi tiếng bởi ngón đàn dương cầm đẳng cấp. (Ảnh: Gia đình cung cấp)
Giới nhạc chẳng ai không biết giai thoại, Teresa Teng – Đặng Lệ Quân giọng hát huyền thoại Đài Loan được mệnh danh là “Đệ nhất danh ca châu Á” khi qua Sài Gòn hát “Không” rồi mang qua Nhật Bản thu thanh khiến khán giả xứ Phù Tang nghiễm nhiên coi đó là nhạc Nhật.
Rồi một hôm, có người khách Nhật tới Sài Gòn, tại một quán nhạc có yêu cầu người nhạc công luống tuổi chơi bản
“Không” ấy. Người khách hết sức ngạc nhiên bởi chính người nhạc công Việt Nam ấy cũng chính tác giả vừa đàn lại “đứa con tinh thần” của mình. Sau đó, hãng thu thanh phải gửi thư xin lỗi và trả tác quyền cho người nhạc công, nhạc sỹ. Ấy thế nhưng, tác giả ấy cũng không màng tới tiền bạc. Người nhạc công trong gia thoại ấy chính là
Nguyễn Ánh 9.
Nguyễn Ánh 9 là nét nhạc tài hoa, nhưng cốt cách khiêm nhường, hiền nhất nước mà tôi biết.
Rất nhiều ca khúc do ông sáng tác nhưng khi được thu thanh, biểu diễn đến với đại chúng đều ngoài mong muốn của ông. Như bài “Cô đơn” là một ví dụ. Bản thảo ca khúc ấy theo chân một người học trò ông đi sang tận Hoa Kỳ, khi bài bài được bao nhiêu danh ca biểu diễn và thu thanh, thì ông mới biết.
Hỏi ông có giận không? Nguyễn Ánh 9 vẫn cười hiền không thể hiền hơn “Có sao đâu? Nhạc viết ra là phải được biểu diễn, con à!”
Cũng chính vì tâm niệm, ca khúc được viết ra phải được cất lời, nên chẳng bao giờ thấy nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 đòi tiền tác quyền ca khúc của mình. Ca sỹ ai nhớ gửi tiền ông nhận, không thì cũng thôi.
Lúc sinh thời Nguyễn Ánh 9 là người say mê với âm nhạc. Dù tuổi cao sức yếu, nhưng ông rất nhiệt tình tham gia làm âm nhạc với người trẻ… (Ảnh: Gia đình cung cấp)
Thuở sinh thời, ông cũng chẳng kén chọn ai hát nhạc mình. Ai yêu nhạc của ông mà hát ông đều vui. Nhưng người nhạc sỹ hiền nhất nước mà tôi biết ấy cũng lại có những quy chuẩn “khuôn vàng thước ngọc” gương mẫu và đúng mực khi phê bình và nhận định âm nhạc. Không nói thì thôi, đã nói là tận cùng, không ngại đụng chạm cả “ông hoàng, bà chúa.”
Cốt cách đáng trọng ấy khiến
Nguyễn Ánh 9 chiếm được cảm tình hiếm ai có được trong giới nhạc.
Tận tụy bên những phím đàn và hết mực yêu thương mọi người. Ai đến với ông cũng thấy mình như một người bạn nhỏ bên người cha hiền hậu. Có lẽ vì thế mà nghệ sỹ hay gọi ông là “Bố” – Bố Nguyễn Ánh 9.
Nhưng điều mà chúng ta nhận lại được ở ông là lòng tôn trọng. Tôi còn nhớ một hôm, ông gọi tôi lúc nửa đêm để xin bằng được số điện thoại của nghệ sỹ ưu tú Đức Long. Giọng ông thỏ thẻ, rằng muốn gọi ra Hà Nội để cảm ơn Đức Long khi hát “Cô đơn” trên tivi hay quá.
Lại nhớ một hôm khác, tôi được các ca sỹ ngoài Hà Nội thông báo ông dùng Facebook. Tôi kết bạn ngay với ông và ngỏ ý muốn hát một bài của ông ở phòng trà. Mấy hôm sau, tôi bất ngờ nhận được comment: “Con nên hát bài này ở giọng này, sẽ hợp với con.”
Ôi, liệu tôi, một tiếng hát vô danh có xứng đáng được ông quan tâm như thế?
Nguyễn Hữu Chiến Thắng trò chuyện với nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 trên sân khấu ca nhạc. (Ảnh: Tác giả cung cấp)
Ca khúc của nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 có nhiều chuyện tình buồn. Ai không hiểu cứ suy xét kiểu chủ quan cảm tính sẽ tưởng người nhạc sỹ có cuộc sống “lãng mạn” lắm.
Âm nhạc Nguyễn Ánh 9 bay trên ranh giới giữa hai cõi hư – thực. Nỗi buồn đau rất thực, khi ta phải cưu mang, nhưng ông như một người tiên sống giữa nỗi buồn. Buồn nhưng không bi lụy, hờn ghen, phẫn uất …
Dường như tất cả những gì không đẹp, không nhân bản đều không có chỗ trong ca khúc của Nguyễn Ánh 9.
Ông ra đi, để đời nhớ! Một nét nhạc
“nhẹ nhàng như áng mây trôi.” Để bây giờ, nhớ
Nguyễn Ánh 9
“chỉ còn tiếc nuối, cô đơn, bơ vơ, tiếng hát lạc loài.”
Theo MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng
VietnamPlus