Sẽ rất khó để ta sống xanh khi không thực sự hiểu sống xanh là sống như thế nào. Sống xanh, cũng như bất cứ lối sống nào khác, sẽ luôn bắt đầu bằng khát khao thay đổi và sau đó được duy trì, tiến xa nhờ tri thức. Trong bài viết này, nhà hoạt động xã hội Helly Tống sẽ chia sẻ với bạn 6 đầu sách quan trọng cho người theo đuổi lối sống xanh.
Helly Tống được biết đến với vai trò một nhà hoạt động xã hội, một người phụ nữ trẻ có tầm ảnh hưởng với lối sống chậm, ăn chay trường, hài hòa với thiên nhiên và không ngừng nỗ lực cho những dự án phát triển xã hội. Cô từng nói: “Chúng ta có thể nhỏ bé, nhưng yêu thương và hành động của chúng ta thì không”. Hiện tại, cô vừa là một doanh nhân thành công với hai mô hình kinh doanh The Yên Concept và Lại Đây Refill Station, đồng thời là người ươm mầm cho nhiều dự án vì môi trường và cộng đồng với cương vị Giám đốc Truyền thông của Sống Foundation. Helly Tống và Sống Foundation đã gây dựng và phát triển nhiều chương trình hỗ trợ cộng đồng, củng cố sự hiện diện của những mảng xanh thiên nhiên tại Việt Nam, có thể kể đến như Hạnh Phúc Xanh (chương trình thúc đẩy việc trồng cây kéo dài 70 năm), Nhà Chống Lũ (thiết kế các mô hình nhà ứng phó với thiên tai, hỗ trợ tài chính để các hộ gia đình nghèo xây dựng nhà an toàn).
Tôi thường có cảm tình với những cuốn sách bắt đầu bằng một câu hỏi. “Is it really green?” của tác giả Georgina Wilson-Powell là một trong số đó. Cuốn sách bao hàm những nội dung như: 140 câu hỏi thường gặp về lối sống xanh, lời khuyên về việc làm xanh mọi khía cạnh trong ngôi nhà, cách mua sắm bền vững, các vấn đề lớn xung quanh cuộc khủng hoảng khí hậu và những việc bạn có thể làm.
Chỉ trong một cuốn sách, bạn vừa có thể tìm thấy ý nghĩa của việc sống xanh, định vị lại hành vi tiêu dùng của bản thân, vừa tìm ra tính liên kết của việc sống xanh với nền kinh tế vi mô và vĩ mô (chẳng hạn bạn sẽ hay bắt gặp một sản phẩm gắn mác chất liệu xanh nhưng quá trình sản xuất lại đi ngược hoàn toàn với những lời hứa hẹn về một sản phẩm xanh). Cách trình bày cũng là một điểm cộng của cuốn sách khi cho phép bạn dễ dàng lật tìm đúng những nội dung mà bạn cần.
Biến đổi khí hậu là một vấn nạn mang tính hủy diệt đối với môi trường, xã hội, kinh tế và chính trị toàn cầu. Đây là một trong những thách thức lớn nhất mà nhân loại đang phải đối mặt. Năm 2013, dự án Drawdown ra đời, với mục tiêu nhận dạng, đo lường và mô hình hóa 99 giải pháp độc lập để cắt giảm carbon dioxide và khí nhà kính cho đến năm 2050.
Paul Hawken, người sáng lập dự án có nói: “Chúng ta sẽ không còn coi sự nóng lên toàn cầu như một thứ không thể tránh khỏi, mà thay vào đó, ta sẽ coi đây là một lời mời để ta xây dựng, cải tiến và thay đổi, là con đường đánh thức trí sáng tạo, lòng trắc ẩn và tài năng. Đây không phải là một kế hoạch tự do mà cũng không phải là một kế hoạch bảo thủ. Đây là một kế hoạch mang tính nhân văn”.
Tác giả Toshimi A. Kayaki lớn lên tại Nhật, trải qua tuổi thơ sống cùng bà và mẹ, cô đã học được cách sống khỏe mạnh mà không cần đến thuốc hay mỹ phẩm đắt tiền. Sau khi định cư ở Mỹ, cô bắt đầu áp dụng tinh thần “sống xanh như lá trà” vào việc chăm sóc – vệ sinh thân thể, vào chế độ ăn uống, tập luyện và quản lý nhà cửa…
Cuốn sách này tổng hợp các phương pháp sống thông thái của người Nhật, giúp người đọc cải thiện cách nhìn và cảm nhận thế giới bên cạnh việc tôn trọng thiên nhiên và môi trường. Trong cuốn sách nho nhỏ này, bạn sẽ được khám phá kho tàng ý tưởng về sự đơn giản, tiết kiệm và cả trí tuệ của người Nhật.
Tôi nhớ một đứa trẻ mắt híp, giọng nói líu lo kể về những hạt mầm đầu tiên mà em gieo. Tôi nhớ sự ngỡ ngàng của em trước cánh đồng lúa chín, đó là lúc em thật sự hiểu hai chữ “mênh mông” là gì. Tôi nhớ lúc em đung đưa theo gió, theo vũ điệu của những hàng cây, đó là lúc em học được về sự chuyển động của những tán lá.
Cô bé ấy là tôi ngày nhỏ. Khi tôi lớn lên, mọi thứ dần công nghiệp hóa, đời sống thể chất lẫn tinh thần đã có nhiều thay đổi, tôi bắt đầu quên đi những khoảnh khắc tận hưởng và ngưỡng mộ thiên nhiên. Ngày đọc cuốn sách này, tôi thật vui khi thấy dưới góc nhìn và nghiên cứu của tác giả Peter Wholleben, những va chạm của cây cối không chỉ là rung động vật lý mà còn là những tình cảm, những cử động mà chỉ riêng chúng mới ngầm hiểu với nhau.
“Khi bạn biết rằng cây cũng biết đau, cũng có ký ức, và cây ba mẹ sống cùng cây con cái, thì bạn không còn có thể chặt chúng và phá vỡ cuộc sống của chúng bằng những cỗ máy to lớn nữa”.
Findhorn là một cộng đồng sinh thái tại Scotland. Được thiết kế bởi hãng kiến trúc John Gilbert Architects, dự án xây dựng cộng đồng sinh thái này là một trong những tiến bộ đáng kể nhất của phát triển bền vững, một mô hình cho hôm nay và tương lai. Tại Findhorn, mọi người thực hành canh tác hữu cơ, không dùng bất cứ loại phân bón hóa học hay thuốc trừ sâu nào. Họ cũng thực hành khái niệm “thân thiện với mọi dạng thức sống”, kể cả với thế giới thực vật. Họ nói chuyện với cây cối và các linh hồn thiên nhiên. Họ tổ chức các buổi thiền và xây dựng các hội trường thiền giữa khung cảnh thiên nhiên thanh bình.
Tình yêu là nền tảng của sáng tạo và chất liệu của sự sống. Thông qua việc trồng cây, tình yêu của con người được truyền đến từng cây cối trong vườn, giúp chúng đâm rễ, mọc lá và trổ bông. Trồng cây với tình yêu thương là thông điệp mà “Câu chuyện khu vườn Findhorn” muốn truyền tải. Đọc cuốn sách, cụm từ “bắt nhịp với nội tâm” đã trở thành cụm từ yêu thích mới của tôi.
“Người trồng rừng” là câu chuyện cảm động về ý chí cao cả và bền bỉ của một người chăn cừu đã dành hết tâm sức để trồng thật nhiều cây trong một thung lũng hoang vắng, cằn cỗi ở vùng Alpes-Provence suốt nửa đầu thế kỷ 20. Câu chuyện này đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và gây được phong trào tái tạo rừng mạnh mẽ ở khắp nơi trên thế giới.
Ai trồng rừng, người đó có hạnh phúc. Đây là một cuốn sách mỏng, bạn có thể đọc xong nó chỉ trong 15 phút nhưng suy ngẫm về việc trở thành một người trồng rừng thì có thể sẽ theo bạn cả đời.
Ảnh: NVCC