Xu hướng bền vững ở thời trang Việt - Tạp chí Đẹp

Xu hướng bền vững ở thời trang Việt

Thời Trang

Khái niệm bền vững được thời trang Việt Nam tiếp cận chậm hơn so với thời trang quốc tế, nhưng không có nghĩa là ở đây nó không tồn tại. Chặng đường tuy chưa xa nhưng đầy kiên định của một số thương hiệu thời trang bền vững như TimTay, Kilomet109… đã tiếp lửa cho thị trường local brand trên hành trình chuyển đổi sang xu hướng tất yếu này.

Kilomet109

Những thương hiệu thời trang được sáng lập, thiết kế và sản xuất hoàn toàn trên lãnh thổ Việt Nam, chưa có báo cáo hay số liệu cụ thể nào để ta có thể hình dung được chiều kích thực sự của thị trường này. Tuy nhiên, cứ nhìn vào số lượng những thương hiệu hiện lên như nấm mỗi ngày trên khắp các nền tảng mạng xã hội là đủ hiểu nó nhộn nhịp tới đâu. Cái nhúng tay của các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada càng góp phần biến thời trang nội địa trở thành một sân chơi màu mỡ và cũng đầy tính cạnh tranh khốc liệt.

Sự phát triển luôn đi kèm với đánh đổi, và thời trang Việt Nam cũng mang những mối bận tâm chung với thời trang quốc tế. “Khái niệm thời trang bền vững được giới thiệu và quảng bá mạnh mẽ bởi những quốc gia phương Tây sau một thời gian họ thấm thía cái giá phải trả của sản xuất dư thừa và tình trạng ô nhiễm do quá trình sản xuất. Ở Việt Nam, chúng ta tiếp cận với khái niệm này chậm hơn nhưng không có nghĩa là nó không tồn tại” – chị Vũ Thảo, nhà thiết kế và nhà sáng lập của thương hiệu Kilomet109 cho biết.

More Than Blue

Sự minh bạch trong quy trình sản xuất, nguyên liệu đầu vào luôn là gạch đầu dòng đầu tiên phải có đối với những thương hiệu muốn đi theo hướng bền vững trên thế giới. Ở Việt Nam, một phần do mặt bằng chung các khái niệm còn nhập nhèm, một phần do người tiêu dùng chưa có nhận thức sâu rộng nên việc xác định tính minh bạch trong từng sản phẩm vẫn gặp nhiều khó khăn. Để tạo lập và duy trì một thương hiệu thời trang đã khó, vừa duy trì vừa kiểm soát chặt chẽ từng nguyên liệu, con người làm nên mỗi tấm áo chiếc quần còn khó hơn. Ấy vậy mà đây lại là con đường kiên định của những local brand như Kilomet109, More Than Blue, TimTay… Không dừng lại ở việc sử dụng những chất liệu thân thiện với môi trường như sợi lanh, cotton hữu cơ, bã cà phê, bã mía…, những thương hiệu kể trên còn tạo nên một hệ sinh thái bện chặt với lối sống, môi trường và con người địa phương.

More Than Blue

More Than Blue – thương hiệu thời trang thủ công của cô chủ Đoàn Minh Thuận (Christy Ty) tập trung vào chất liệu có nguồn gốc thiên nhiên như vải gai dầu dệt tay được những người phụ nữ Mông nhuộm màu thủ công từ cỏ cây hoa lá. Trang facebook của thương hiệu giống như cuốn nhật ký ghi lại những tâm tình của Thuận về quy trình nhuộm màu đằng sau từng sản phẩm. Từ những dòng chia sẻ chân phương ấy mà khách hàng trở nên yêu mến, đồng cảm và muốn chia sẻ cùng Thuận, hay nói cách khác là cùng More Than Blue, những kí ức về cánh đồng dâu nuôi tằm, những hàng cây mặc nưa hai bên hè phố hay màu hoa vạn thọ nhuộm vàng những ngày xuân…

TimTay

Đối với TimTay, cam kết chặt chẽ với môi trường thể hiện ở khâu kiểm tra và xử lý kĩ lưỡng từng chất liệu trước khi đưa vào sản xuất. Vải linen được mang giặt sơ cho mềm, tránh co rút khi may. Các chất liệu mới luôn được giặt và mặc thử xem có đủ chất lượng để khách hàng sử dụng hàng ngày hay không. Quá trình có phần rườm rà, bày vẽ này chính là yếu tố bảo chứng chất lượng của TimTay trong hành trình 8 năm chinh phục trái tim khách hàng. Hoàng Anh, người đồng sáng lập của thương hiệu TimTay, cho biết: “Tôi xem đó là quy trình đảm bảo sự uy tín cho thương hiệu. Mỗi năm chúng tôi chỉ đủ thời gian để ra mắt đúng 2 bộ sưu tập, số lượng sản xuất dao động từ 100-200 sản phẩm cho mỗi mẫu thiết kế. Khách hàng sử dụng thời gian dài sẽ luôn nhận ra sự khác biệt về độ bền trong chất liệu của TimTay”.

Kilomet109

Chất liệu, quy trình sản xuất, sự thử nghiệm luôn nằm trong cốt lõi của việc phát triển thương hiệu Kilomet109. Nhà thiết kế Vũ Thảo cho biết: “Làm việc với chất liệu luôn là khâu ngốn nhiều nhân lực, thời gian và công sức nhất, đồng thời cũng là phần thú vị nhất trong chuỗi sáng tạo của chúng tôi. Chúng tôi hợp tác với các cộng đồng chế tác, nghệ nhân, qua đó học thêm được rất nhiều kiến thức về nông lâm nghiệp, văn hóa bản địa, nhân chủng học, xã hội học…”. Vũ Thảo cho biết, vì mô hình sản xuất nhỏ lẻ bao gồm nhiều quy trình thủ công nên thời gian sản xuất của Kilomet109 luôn kéo dài hơn bình thường. Nhưng chính tính minh bạch của sản phẩm là yếu tố thuyết phục các khách hàng sẵn sàng chờ đợi. Trong một số trường hợp, sự chậm rãi lại tạo ra cái duyên cho sản phẩm của cô.

Vũ Thảo luôn thiết kế với tâm thế không lãng phí. Các thiết kế của Kilomet109 đều có cấu trúc chặt chẽ, được gia công kỹ lưỡng, mang khả năng ứng dụng và tận dụng cao. Ví như những tấm cổ màn cũ của người Thái đen đã được Kilomet109 sử dụng làm chi tiết trang trí suốt từ BST “Fragments” (Những mảnh vụn) năm 2012 cho đến giờ. Những tiêu chí này được Vũ Thảo áp dụng với cả những mẫu thiết kế độc bản mang nặng tính thử nghiệm.

Có thể nói, thị trường thời trang nội địa tại Việt Nam đang là một phiên bản thu nhỏ phản ánh thị trường thời trang thế giới: có sự tăng trưởng thần kỳ, có phân tầng rõ rệt và có cả những nỗ lực không biết mệt mỏi của những thương hiệu vị môi trường.

GO GREEN IN STYLE
Thẳng thắn nhìn nhận thì thời trang là ngành công nghiệp gây ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp lên hệ sinh thái, nguồn nước sạch, khí quyển, nhân sinh… Sự giằng co giữa hai đối trọng môi trường và thời trang đã trở thành chủ đề nóng được quan tâm bởi truyền thông và nhân loại. Dù chưa thể có hướng giải quyết triệt để nhưng vấn đề này cũng đang dần được tháo gỡ bởi những nỗ lực không ngừng nghỉ, phần nào mang tới niềm hy vọng xanh cho trái đất.Đọc thêm:
– Nỗ lực xanh hóa của ngành công nghiệp tội lỗi
– Bài toán đau đầu về chất liệu
– Xu hướng bền vững ở thời trang Việt

Tác giả: Minh Minh

03/06/2022, 21:10