Thời kỳ thoái trào của motif “phụ nữ đối đầu nhau” trên màn ảnh Hàn và sự thức thời của “The Glory” - Tạp chí Đẹp

Thời kỳ thoái trào của motif “phụ nữ đối đầu nhau” trên màn ảnh Hàn và sự thức thời của “The Glory”

Review

Sau các tựa phim “Penthouse” và “Eve”, khán giả đại chúng nay đã không còn mặn mà với dòng phim theo motif “phụ nữ đối đầu nhau” từ xứ sở kim chi, tuy nhiên siêu phẩm “The Glory” vẫn giữ được sức hút riêng và chiếm trọn cảm tình của khán giả toàn cầu nhờ một lý do thú vị.

“The Glory” xoay quanh hành trình phục thù của người phụ nữ Moon Dong Eun dành cho những kẻ từng bắt nạt, hành hạ cô vào thời trung học. Với tỷ suất người xem trên toàn cầu đạt mức 73% và số giờ xem tích lũy hàng tuần lên đến 82.48 triệu giờ, “The Glory” nghiễm nhiên trở thành tựa phim Hàn gây sốt nhất ở thời điểm hiện tại. Công chúng có thể dễ dàng nhận ra sự tương đồng về nội dung giữa “The Glory” và các tác phẩm đi trước như “Penthouse” và “Eve” dù thái độ của khán giả đối với mỗi tựa phim kể trên lại có sự khác biệt rõ rệt.

Thời kỳ thoái trào của motif “phụ nữ đối đầu nhau”

Giai đoạn 2022 – 2023 đánh dấu thời kỳ mà motif “phụ nữ ủng hộ nhau” ngày càng được công chúng ưa thích, bởi không chỉ mang lại tinh thần tích cực cho người xem, việc phái nữ tương trợ lẫn nhau còn góp phần làm đẹp thêm hình ảnh của phụ nữ hiện đại.

“Eve” là tựa phim minh chứng cho sự thoái trào của motif “phụ nữ đối đầu nhau” trên màn ảnh Hàn trong năm 2022. Vốn là tác phẩm được công chúng chú ý cũng như kỳ vọng nhiều trước khi phát sóng, nhưng về sau, phim phải đối mặt với tỷ suất người xem bấp bênh và không đạt được con số nào quá nổi bật. Sự tham gia của dàn diễn viên đình đám như Seo Ye Ji hay Park Byung Eun cũng không giúp “Eve” được đánh giá cao khi đặt lên bàn cân với các tựa phim cùng kỳ như “Our Blues” hay “Extraordinary Attorney Woo”, “Twenty-Five Twenty-One”… Đặc biệt hơn, chính các tựa phim này đã làm bùng nổ sức hút cho motif “phụ nữ ủng hộ nhau” trên sóng truyền hình trong năm vừa qua.

Ra mắt sớm hơn “Eve” 2 năm, thành tích của “Penthouse” đặc biệt rực rỡ hơn khi đạt tỷ suất người xem cao ấn tượng qua cả 3 phần phim. Khách quan mà nói, năm 2020 là giai đoạn mà vị thế của dòng phim theo motif “phụ nữ đối đầu nhau” vẫn chưa bị lung lay. Do đó, sự khác biệt về phản ứng của khán giả đối với “Eve” và “Penthouse” căn bản là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, “Penthouse” cũng không được đánh giá cao về nội dung khi cố xoáy sâu vào sự thù địch giữa những người phụ nữ, tập trung thao túng cảm xúc của khán giả bằng hàng loạt tình tiết giật gân bất ngờ nhưng phi logic, và kết phim bằng những sự ra đi “thanh toán” hời hợt của dàn nhân vật chủ chốt.

Sự thức thời của “The Glory”

Trong “The Glory”, Moon Dong Eun không trả thù những kẻ đã dày vò cô theo cách “sứt đầu mẻ trán” thường thấy trên màn ảnh Hàn. Cô làm mọi thứ với thái độ điềm tĩnh và bình lặng. Không hấp tấp, không khoan nhượng, không có sự bao dung, từng đường đi nước bước của cô được lên kế hoạch rất cụ thể và cẩn trọng. Thái độ này của Dong Eun được thể hiện rất rõ khi cô học cách chơi cờ vây – như một phần trong kế hoạch trả thù.

Joo Yeo Jeon (người dạy Moon Dong Eun chơi cờ) đã giải thích rằng: “Cờ vây là cuộc chiến mà người nào có nhiều lãnh thổ nhất sẽ thắng. Vì vậy, ta phải xây dựng tốt lãnh thổ của mình từ cuối đến trung tâm và từ từ thắt chặt nó khi phá hủy lãnh thổ của đối phương một cách khốc liệt trong im lặng.” Nghe vậy, nét mặt Moon Dong Eun thoáng cười, cô đáp: “Tôi thích nó.” Bởi lẽ, cách để giành chiến thắng trong cờ vây cũng hệt như cách Moon Dong Eun trả thù, “khốc liệt trong im lặng”.

Mối quan hệ giữa Moon Dong Eun và Kang Hyeon Nam cũng là một minh chứng lành mạnh cho việc phụ nữ ủng hộ nhau. Bị đày đọa bởi bạo lực gia đình, người nội trợ Hyeon Nam tuyệt vọng cầu cứu Dong Eun và cả hai trở thành đồng minh. Đôi khi, những câu thoại giữa hai người phụ nữ cũng sẽ khiến người xem ấm lòng. Ở một cảnh phim, Hyeon Nam tâm sự: “Nếu được sinh ra lần nữa, tôi muốn trở thành điệp viên. Rồi tôi sẽ tôi son đỏ và mặc áo khoác da thật ngầu.” và Dong Eun đáp rằng: “Trong kiếp này, cô cũng có thể tô son đỏ mà.”

Sinh sau đẻ muộn khi motif “phụ nữ đối đầu nhau” đã đi vào giai đoạn thoái trào, tuy nhiên, “The Glory” không hề bị lép vế so với các tựa phim ra mắt cùng thời như “Alchemy of Souls”, “Reborn Rich” hay “Red Balloon”. Nhà biên kịch vàng Kim Eun Sook đã thể hiện sự thức thời của chị với đứa con tinh thần “The Glory” khi đưa vào nội dung phim những vấn đề nhức nhối trong xã hội Hàn Quốc như bạo lực học đường, bạo lực gia đình một cách trực diện mà nhưng không hề khiên cưỡng, cũng không gây cảm giác “bội thực” cho khán giả.

Và hơn hết, “The Glory” là sự kết hợp vừa phải và chừng mực của cả hai motif “phụ nữ đối đầu nhau” và “phụ nữ ủng hộ nhau” trên màn ảnh. Phim không phải là nơi chất ngồn ngộn những cơn thịnh nộ, những xung đột nảy lửa và cuồng dại giữa những người phụ nữ, nhưng cũng không phải nơi mà nghĩa cử sống cao đẹp được tôn vinh đến mức tẻ nhạt và phi thực tế. “Biên kịch vàng” Kim Eun Sook điều chỉnh mọi yếu tố một cách tinh tế và tiết độ để nội dung phim luôn khách quan và gần gũi với người xem.

Đối chiếu lại với “Penthouse” và “Eve”, hướng khai thác của “The Glory” hoàn toàn phù hợp với thị hiếu phim ảnh của khán giả hiện nay. Trong khi “Penthouse” và “Eve” đều mang tính giải trí cao, thì “The Glory” lại đảm bảo được cả tính giải trí lẫn tính nhân văn ở mức độ vừa phải, không khoa trương mà cũng không hời hợt. Người ta có thể tìm đến “The Glory” vì những màn đối đầu kịch tính giữa những người phụ nữ, nhưng cũng có thể từ đó mà rút ra nhiều chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc sống. Đây cũng chính là lý do mà tựa phim này chiếm được cảm tình của đông đảo khán giả trên toàn cầu trong thời gian qua.

Tác giả: Hồng Tâm

19/01/2023, 17:59