Lựa chọn chủ đề luật pháp khó nhằn, “Law School” (Trường Luật) đã có hướng khai thác vô cùng sâu sắc về bối cảnh trường Luật tại Hàn Quốc. Tại đây, người xem sẽ phải dõi theo hành trình tìm ra sự thật cũng như để mình chứng cho triết lý của phim “Sự thật và công lý chỉ dựa trên luật pháp”. Bên cạnh những nút thắt với tình tiết bất ngờ, người hâm mộ chắc hẳn sẽ vô cùng háo hức về những câu chuyện thú vị xoay quanh bộ phim này.
“Law School” không phải một tác phẩm lãng mạn
Thoạt nhìn, những tưởng “Law School” (Trường Luật) là tác phẩm thanh xuân vườn trường giữa những cô cậu sinh viên khoa luật, thế nhưng, bộ phim đã cuốn khán giả vào một vụ án mạng giết người ngay giữa phiên tòa giả định tại trường. Vụ án này đã đẩy các sinh viên ưu tú cùng giáo viên vào vòng xoáy tội ác khi họ lần lượt là những bị cáo trong vụ án mạng bất thường này. “Law School” không chỉ là một bộ phim trinh thám phá án đơn thuần, mà còn đề cập nhiều khía cạnh về luật pháp và thực thi công lý, cũng như phản ánh nhiều mặt trái trên cả giảng đường lẫn xã hội.
Mặt khác, sự cạnh tranh về mặt điểm số cũng khiến những người vốn là bạn bè thân thiết lại vô tình trở thành đối thủ và biến họ trở thành những “cỗ máy” vô cảm lạnh lùng. Ngay cả khi có vụ án giết người, giáo sư và bạn học trở thành nghi phạm, điều đó cũng không thể làm bầu không khí ở trường Han Kook trở nên khác đi. Họ vẫn lao đầu vào học và đặt điểm số lên trên hết, thậm chí có những người còn mong điều tồi tệ sẽ đến với bạn mình, để bản thân bớt đi một đối thủ.
Được người xem ví von là “Conan” bản truyền hình
Dù “Law School” lấy đề tài luật sư làm chủ đạo, nhưng lại sở hữu góc tiếp cận mới mẻ hơn so với những tác phẩm tiền nhiệm. Phim xoay quanh cuộc sống của một nhóm sinh viên trường đại học Luật Hankook – một trong những trường đại học danh giá nhất Hàn Quốc. Tác phẩm mở ra một vụ án mạng mà bất kỳ ai cũng có thể trở thành hung thủ, bắt đầu từ giáo sư Yang triết gia (Kim Myung Min) rồi đến Han Joon Hwi (Kim Bum), và qua mỗi tập, nghi phạm của vụ án lại được đẩy qua người khác. Chính vì không biết ai mới là hung thủ thật sự đằng sau, nên “Law School” bỗng dưng trở thành bài toán đi tìm hung thủ giống như bộ truyện thám tử Conan đình đám.
Luôn nằm trong top 10 phim ăn khách
Theo Nielsen Korea, tập đầu tiên của bộ phim đã đạt tỷ suất người xem là 5.1% trên toàn quốc và 5.7% cho Seoul. Đến tập 13, rating tăng trưởng 6.8% trên toàn quốc và 7.7% cho Seoul, đây là một bước tiến mới và chắc chắn sẽ còn tăng dần trong những tập cuối phim. Bên cạnh đó, trên nền tảng xem phim Netflix, dự án của jTBC luôn nằm trong top 10 bộ phim được xem nhiều nhất dù có rất vô số dự án hấp dẫn nối tiếp ra mắt. Điều này cũng dễ hiểu khi phim không chỉ thể hiện trường học là nơi trang bị kiến thức cho sinh viên, mà còn là nơi sinh viên học cách trưởng thành, khi phải chiến đấu với những mâu thuẫn xảy ra bên ngoài cuộc sống lẫn bên trong bản thân mình.
Tuổi của các sinh viên “trẻ trung” đa số đã gần 30
Bên cạnh đó, dù lấy bối cảnh một trường đại học nhưng dàn diễn viên chính đa phần đều đã ngoài 30, trong đó phải kể đến Kim Bum (1989), Ryu Hye Young (1991), Hyun Woo (1985)… Có lẽ việc lựa chọn Ryu Hye Young và đặc biệt là Kim Bum cho hai vai chính là quyết định vô cùng đúng đắn. Với vẻ ngoài hack tuổi, cả hai không chỉ hóa thân xuất sắc vào nhân vật mà còn thể hiện sự tương tác vô cùng ăn ý.
Kim Bum đã tìm đến những lớp học về luật pháp để chuẩn bị cho vai diễn
Kim Bum vào vai Han Joon Hwi, một sinh viên luật năm nhất nổi trội với sự thông minh và những góc nhìn sắc sảo của mình trên giảng đường. Khác với những sinh viên chỉ đơn thuần chăm chỉ học để đạt được thành tích, nói về nhân vật Joon Hwi, Kim Bum chia sẻ: “Cậu ấy từng bị tổn thương trong quá khứ và luôn quan tâm đến những người bạn của mình. Ngoài ra, Han Joon Hwi còn có khả năng lãnh đạo để giúp mọi người giải quyết mâu thuẫn và vượt qua các xung đột khác nhau”. Để vào vai một cậu sinh viên trường luật chân chính, Kim Bum bật mí anh đã tìm đến các lớp học luật, các buổi học giả tòa án và diễn lại chúng với các bạn diễn của mình.