Dù dựa trên câu chuyện có thật hay hoàn toàn hư cấu, các bộ phim khai thác chủ đề vượt ngục vẫn chưa mất đi sức hút với khán giả đại chúng. Cùng điểm qua một vài đại diện tiêu biểu thuộc thể loại này.
Trong lúc hầu hết những người vượt ngục đều hướng tới cái đích “tự do”, thì bản thân Ray Breslin (Sylvester Stallone) lại coi đây là kế sinh nhai. Dày dặn kinh nghiệm ở lĩnh vực thiết kế trại giam, ông thường nhận nhiệm vụ đóng giả phạm nhân và lọt vào từng nhà ngục kiên cố, sau đó tìm cách thoát ra bên ngoài nhằm phát hiện mọi lỗ hổng nơi hệ thống an ninh.
Một ngày nọ, vị chuyên gia ấy bất ngờ bị bọn lạ mặt bắt cóc rồi đưa đến The Tomb – khu nhà ngục được trang bị công nghệ tối tân để kiểm soát tội phạm. Quyết tâm vạch mặt kẻ thủ ác lẫn đòi lại công lý cho chính mình, Breslin hợp tác cùng tù nhân Rottmayer (Arnold Schwarzenegger) và nhanh chóng thực hiện kế hoạch đào tẩu.
Đánh dấu lần bắt tay tiếp theo giữa Stallone và Schwarzenegger sau “The Expendables 1 & 2″ (2010, 2012), “Kế Hoạch Đào Tẩu” gây ấn tượng khi đem đến màn đấu trí gay cấn, bên cạnh các trường đoạn hành động, cháy nổ mãn nhãn. Đặc biệt, việc hai “già gân” sử dụng cái đầu, tiết chế phương thức “tay chân” để đối phó với phe phản diện sẽ khiến khán giả cực kì thích thú.
Chuyển thể từ tiểu thuyết hình ảnh “Le Transperceneige/The Escape”, “Chuyến Tàu Băng Giá” lấy bối cảnh năm 2031, khi nỗ lực ngăn chặn sự biến đổi khí hậu đã gây ra hậu quả thảm khốc: đưa trái đất trở về kỷ nguyên băng hà. Những người sống sót lúc này đều được đưa lên Snowpiercer, con tàu chạy vòng quanh thế giới bằng động cơ vĩnh cửu.
Không thể chịu nổi ách thống trị hà khắc của lão tỷ phú Wilford (Ed Harris) – kẻ sáng tạo và điều hành “nhà tù di động” Snowpiercer, chàng thanh niên trẻ Curtis (Chris Evans) liền kêu gọi tầng lớp dân nghèo nơi các toa cuối cùng nhau nổi dậy, lật đổ giới thượng lưu đang hưởng thụ giàu sang ở phía bên kia đầu tàu.
Là tác phẩm thứ 8 do Bong Joon Ho – đạo diễn người Hàn Quốc vừa giành tượng vàng Oscar 2020 tại hạng mục “Đạo diễn Xuất sắc Nhất” (“Parasite”, 2019) – cầm trịch, “Chuyến Tàu Băng Giá” thành công trong việc xây dựng bầu không khí kịch tính, khơi gợi trí tò mò của khán giả. Nhưng hơn hết, đằng sau câu chuyện giải thoát bản thân khỏi cuộc sống ngột ngạt, bế tắc chẳng kém gì tù đày, vị đạo diễn còn lồng ghép vào đứa con tinh thần nhiều thông điệp nhức nhối về phân biệt giai cấp và bất công xã hội.
Đối với các tín đồ điện ảnh thuộc thế hệ 8-9x tại Việt Nam, “Người Tù Khổ Sai” vốn là cái tên rất đỗi quen thuộc, thường được đài truyền hình thời bấy giờ phát sóng trên màn ảnh nhỏ. Hình ảnh nhân vật Henri Charriere (Steve McQueen) cưỡi lên những con sóng, tay giữ chặt chiếc “phao” kết từ mấy bao tải chứa dừa đã trở thành biểu tượng kinh điển ở dòng phim vượt ngục nói riêng, lẫn điện ảnh thế giới nói chung.
Bộ phim dựa trên câu chuyện có thật về hành trình phi thường của chính Henry Charriere, chàng thanh niên trẻ bị kết án oan vì trót làm phật ý một tên trùm máu mặt. Dẫu phải lãnh bản án chung thân tại trại khổ sai Guiana (Pháp), thế nhưng, anh vẫn quyết tâm giành lại công lý bằng mọi giá. Nhờ có sự trợ giúp đắc lực của cậu bạn tù Louis Dega (Dustin Hoffman), xuyên suốt 14 năm trời (1931-1945), Charriere đã kiên trì vượt ngục đến tận 8 lần.
Với ý chí bền bỉ hơn người, anh cuối cùng cũng đạt được mục tiêu và sống đời an nhiên ở đất nước Venezuela. Tường thuật chi tiết cuộc đời mình qua cuốn hồi kí Papillon, người tù khổ sai này đã truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ độc giả.
Năm 1994 là cột mốc đáng nhớ của bộ môn nghệ thuật thứ bảy, khi rất nhiều dự án trình làng vào thời điểm ấy đều sở hữu chất lượng thuộc hàng siêu phẩm. Đặc biệt, giải Oscar lần thứ 67 (1995) đã chứng kiến cuộc đua tam mã đầy kịch tính giữa “Forrest Gump”, “Pulp Fiction” và “Nhà Tù Shawshank” (“The Shawshank Redemption”). Mặc dù chịu cảnh ra về trắng tay, tuy nhiên theo thời gian, đứa con tinh thần từ đạo diễn Frank Darabont dần được giới phê bình đánh giá lại, công nhận là một trong những kiệt tác xuất sắc nhất lịch sử ngành điện ảnh.
Chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết Rita Hayworth and Shawshank Redemption do “ông hoàng” Stephen King chấp bút, “Nhà Tù Shawshank” mang tới cái nhìn thật khác về chốn nhà ngục tăm tối. Ở đó, không phải kẻ áo trắng sọc đen nào cũng độc ác, và không hẳn vị quản giáo nào cũng mẫu mực, tốt lành. Bên cạnh thông điệp đề cao sức mạnh của tình bạn cùng niềm hy vọng, bộ phim còn khiến người xem sững sờ trước kế hoạch đào tẩu tinh vi mà nhân vật chính – cựu phó giám đốc ngân hàng Andy Dufresne (Tim Robbins) – dày công chuẩn bị gần 2 thập kỷ.
Hồi thập niên 70, người da màu xứ Nam Phi từng bị đàn áp, phân biệt đối xử rất nặng nề bởi số ít “da trắng thượng đẳng”. Tương tự cư dân bản địa, số phận các nhà đấu tranh nhân quyền tại đây cũng chẳng khá khẩm hơn là bao. Họ phải liên tục chịu cảnh bắt bớ, tù đày vô lý từ phía nhà nước độc tài. Thế nhưng, vụ vượt ngục Pretoria năm 1979 do ba tù nhân chính trị thực hiện sớm gây rúng động truyền thông quốc tế, đồng thời tiếp thêm nghị lực giúp Đại hội Dân tộc Phi (ANC) giành lấy chiến thắng quyết định 15 năm sau đó.
Dựa theo lời kể nơi nhân chứng sống Tim Jenkin, bộ phim “Phi Vụ Đào Tẩu” sẽ tái hiện lại quá trình trốn chạy đầy li kì, nghẹt thở của nhóm “chiến binh” quả cảm gồm Jenkin (Daniel Radcliffe), Lee (Daniel Webber) và Fontaine (Mark Leonard Winter). Với cách thức khó tin là quan sát, chế tạo bản sao của từng chiếc chìa khóa phòng giam bằng gỗ, cả 3 đã làm nên kì tích ngoài sức tưởng tượng. Hiện tại, tác phẩm đang đón nhận đông đảo phản hồi tích cực từ giới phê bình (71% trên chuyên trang Rotten Tomatoes).