#Onharatvui: Du học sinh Đài Loan kể chuyện cách ly tập trung tại ký túc xá - Tạp chí Đẹp

#Onharatvui: Du học sinh Đài Loan kể chuyện cách ly tập trung tại ký túc xá

Sống

Chiến dịch “Ở nhà rất vui” (#onharatvui) mùa Coronavirus/Covid-19

Bước vào một năm mới nhiều hứa hẹn, chúng ta đã mong đợi những điều tốt đẹp và tháng ngày ngập tràn hạnh phúc sẽ đến. Thế nhưng “cơn bão” Coronavirus/Covid-19 đột nhiên quét qua, làm đảo lộn nếp sống thường nhật của chúng ta, từ công việc đến nhu cầu giải trí. Tuy nhiên, một đồng xu luôn có hai mặt. Trong chuỗi ngày đầy biến động này, Đẹp khởi động chiến dịch “Ở nhà rất vui” (#onharatvui) nhằm lan tỏa nguồn năng lượng tích cực đến từ chính những người trong cuộc – người đang cách ly tập trung, cách ly tại gia, người làm việc tại nhà (work from home), du học sinh,… và gửi đến thông điệp: ngoài đường làm sao vui bằng ở nhà.

Có lẽ Hồng Diễm (Du học sinh Đài Loan, học chuyên ngành Quản lý du lịch trường Đại học Nam Hoa) là một trường hợp cách ly tập trung khá đặc biệt. Nhưng dù có phải thực hiện cách ly vỏn vẹn 1 tuần, cô vẫn đem về cho mình những trải nghiệm khó quên cùng với một thói quen tích cực không ngờ đến. 

“Tôi nghĩ mình là trường hợp cách ly tập trung khá buồn cười, có thể gọi là ‘nửa mùa’. Sau khi về Việt Nam thăm gia đình và bạn bè, tôi bay ngược trở về Đài Loan, Trung Quốc để tiếp tục việc học. Những ngày sau đó dịch bệnh ở các nước châu Âu bùng phát dữ dội, chính phủ nơi đây phát thông báo cách ly tập trung người nhập cảnh kể từ ngày 18/3. Vì để đảm bảo an toàn, dù đã về hơn 1 tuần, tôi vẫn bị buộc phải chuyển đến ký túc xá khác của trường để thực hiện cách ly tập trung… trong vòng 6 ngày (để đủ 14 ngày). Khác với Việt Nam, đồ ăn thức uống phải tự bỏ tiền ra mua, chỉ giống ở chỗ là có người mua giúp, đem lên tận phòng mà thôi.

Khu ký túc xá nơi Hồng Diễm đã được chuyển đến để cách ly trong 1 tuần.

Đây là khoảng thời gian tôi phải viết luận văn tốt nghiệp, nên việc không thể gặp các giáo sư để trao đổi bài vở đã gây ra vài khó khăn nhất định. Tôi đành dùng ứng dụng Google Meet để trao đổi với giáo sư, hơi bất tiện nhưng tạm ổn. Phần vì bất thình lình bị kéo đi cách ly nên tâm lý tôi cũng chưa thật sự sẵn sàng, cảm thấy rất tù túng và ngột ngạt. Tuy nhiên để dự phòng trường hợp buồn chán rũ rượi, tôi đã đem theo hai cây đàn – ukulele và kalimba – để giải khuây.

Vì ký túc xá rất rộng, với 6 lầu mà mỗi lầu tận 30 phòng nhưng chỉ có khoảng 10 người cách ly. Nên tôi làm cả một liveshow, hát mấy chục bài hát, khan cả cổ cũng không sợ phiền đến ai (cười). Nhưng nói đi cũng phải nói lại, nhờ những ngày cách ly này mà tôi viết bài luận rất chuyên tâm. Nếu bình thường thì sẽ khó tập trung cao độ vì bạn bè thường hay rủ rê đi tụ họp.

Chiếc nhiệt kế được đưa cho người tự đo độ tại khu cách ly và chiếc điện thoại với sticker được ghi lại ngày đến trường.

Tại Đài Loan thì công tác phòng tránh dịch vẫn chưa đến mức phải thực hiện cách ly xã hội như ở Việt Nam. Người đi làm vẫn đi làm, học sinh sinh viên vẫn đến trường miễn là luôn luôn đeo khẩu trang. Đây là quy định bắt buộc. Mỗi ngày đến trường, chúng tôi đều phải kiểm tra nhiệt độ, và được phát cho một sticker dán sau điện thoại (hoặc bất kỳ nơi nào tùy thích), để chứng minh đã đo nhiệt độ rồi. Mỗi khu vực từ ký túc xá, căng-tin đến tầng trệt,… đều có trạm đo nhiệt độ. Tôi chưa từng thấy bất kỳ ai không có sticker mà đặt chân được vào trường cả (cười).

Đây là một trải nghiệm đáng nhớ, vui buồn lẫn lộn với Hồng Diễm.

Tôi vốn là một người khá tùy hứng nhưng nhờ khoảng thời gian cách ly ít ỏi này đã rèn cho tôi tinh thần kỷ luật. Việc tuân theo lịch trình sinh hoạt trong khu cách ly dần dà cũng khiến tôi bắt đầu hình thành thói quen làm việc có trước có sau. Sau khi hết cách ly, tôi không chỉ vẫn giữ thói quen rửa tay thường xuyên mà còn đặc biệt ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ sức khỏe nói chung.”

Thực hiện: Huyền My Trương

07/04/2020, 07:00