Chia sẻ clip bé gái bị gã đàn ông sàm sỡ: bạn có đang tiếp tay cho ấu dâm? - Tạp chí Đẹp

Chia sẻ clip bé gái bị gã đàn ông sàm sỡ: bạn có đang tiếp tay cho ấu dâm?

Sống

Clip bé gái bị một gã đàn ông sàm sỡ trong thang máy ở Tp. HCM được chia sẻ tràn ngập trên mạng xã hội một lần nữa lại rung lên hồi chuông cảnh báo về nạn ấu dâm. Dù chưa có con, nhưng từng là nạn nhân của ấu dâm, beauty – lifestyle blogger Liên Anh Nguyễn đã lên tiếng kêu gọi: Không tiếp tay cho ấu dâm bằng cách ngừng share (chia sẻ) clip/mô tả chi tiết về hành vi bỉ ổi của gã đàn ông.

Ngoài ra Liên Anh cũng kêu gọi, mọi người cần có kiến thức về nạn ấu dâm, cũng như quan tâm giáo dục giới tính cho trẻ, dạy trẻ các biện pháp tự vệ đề phòng kẻ xấu sàm sỡ:

1. Ngừng chia sẻ clip/mô tả chi tiết

Liên tục chia sẻ hành vi thú tính đó khi chưa có thông tin cụ thể và biện pháp giải quyết là tiếp tay cho kẻ ấu dâm khác “học lại” một cách bài bản hơn nhằm tấn công nạn nhân khác. Có một luật bất thành văn trên toàn thế giới khi các bài viết đưa tin về tự tử, hiếp dâm, xâm hại – đó là không được mô tả cụ thể phương thức hành động bởi đó chính là con dao hai lưỡi.

Người bình thường đọc thì sẽ thấy tò mò, ghê sợ nhưng kẻ biến thái sẽ học theo! Thậm chí khi một người đang có ý định làm hại nạn nhân/bản thân, có thể lúc đó chưa kịp nghĩ sẽ hành động ra sao, thì họ sẽ lục tìm lại những “gợi ý” để làm, hoặc thậm chí tìm cách khắc phục những điểm yếu trong hành động của kẻ trước đó, nhằm không để ai phát hiện ra chúng.

bé gái bị sàm sỡ trong thang máy_Đẹp Online
Mô tả cụ thể phương thức hành động của kẻ ấu dâm chính là con dao hai lưỡi.

Các bạn bức xúc, nhưng các bạn có thể chụp lại một hình hoặc chia sẻ thông tin không đính kèm đoạn clip cụ thể. Hãy tẩy chay các bài báo viết quá chi tiết nhằm câu view chứ không có thông tin mới để phòng ngừa tối đa nguy cơ tiếp tay cho một mầm hại khác.

2. Ấu dâm là bệnh tâm lý, không phải là động cơ tự phát

Mọi người nghĩ rằng ấu dâm là tự dưng thấy thích quá không kiềm được, hay chỉ do học bậy ở nhau mà có? Đây không chỉ là hành vi bộc phát, mà đây là một chứng rối loạn tâm lý trong bảng phân loại Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders (Hướng dẫn chẩn đoán và thống kê rối loạn tâm thần). Mà đã là bệnh, thì cần được chữa trị và phòng ngừa

Phòng bệnh hơn chữa bệnh! Đương nhiên hành vi phải bị trừng phạt, thậm chí là phạt nặng, nhưng hình phạt chỉ giải quyết được phần ngọn, còn phần gốc, bản thân người bệnh và người nhà người bệnh luôn tìm cách che giấu/không chấp nhận cho đến khi người bệnh tìm được cách ra tay với trẻ nhỏ.

bé gái bị gã đàn ông sàm sỡ trong thang máy_Đẹp Online
Ấu dâm là một loại bệnh cần được chữa trị và phòng ngừa.

Đã đến lúc người Việt Nam cần phải học và quen với việc có bệnh tâm lý thì phải tìm thầy tìm thuốc chữa chứ không thể chỉ lơ đi là bệnh không có ở đó nữa, xong tới lúc kẻ thủ ác ra tay thì mới bào chữa: “Nó ở nhà/ở cơ quan là người hiền lành không va chạm với ai bao giờ”!

3. Ngừng dạy con gái phải “cute” mới có nhiều người yêu

“Acting cute” – tỏ ra dễ thương đã trở thành đặc trưng của con gái châu Á bởi quan niệm sự trong trắng áp lên chuẩn mực của một người phụ nữ. Thế nhưng chính quan niệm này tiếp tay không ít cho lạm dụng tình dục trẻ em (cả bé trai bởi bé trai châu Á thường có nét nữ tính). Lolita bị lên án ở phương Tây nhưng bộ đồng phục nữ sinh và phong trào “hentai” tại Nhật cũng gây họa không kém. Đừng quên vụ thảm án của em Nhật Linh hay bé gái Ikuta Mirei, học sinh lớp 1, bị bắt cóc và sát hại ở thành phố Kobe tại Nhật. Bạn có thể “cute” mà không nhất thiết phải tỏ ra/ăn mặc như một bé gái.

Phần quan trọng, các bố mẹ cần phải giáo dục giới tính cho con trẻ và hướng dẫn con cách tự vệ đề phòng hiểm họa.

Thực hiện: Lê Mỹ Hạnh

03/04/2019, 12:18