Tội phạm ấu dâm có đáng được cảm thông? - Tạp chí Đẹp

Tội phạm ấu dâm có đáng được cảm thông?

Sống

“Đừng nói trẻ em không biết đấy là tình dục”

Từ góc nhìn chuyên môn, chị có thể chia sẻ về hậu quả của những trẻ em bị lạm dụng tình dục nói chung?

– Những hậu quả của trẻ em bị lạm dụng ở 3 khía cạnh: sinh lý, tâm lý và tình dục. Các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, những khuyết tật cơ thể đặc biệt ở cơ quan sinh dục và hậu môn. Những di hại liên quan đến giấc ngủ, chứng ăn vô độ, và cả ý định tự tử không phải là hiếm. Những nạn nhân có nguy cơ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, sụt giảm lòng tự tôn, có những rối nhiễu tâm lý, đặc biệt là đời sống tình dục nhiều cản trở khi ở tuổi trưởng thành: đời sống ham muốn (khả năng làm thỏa mãn một ai đó và được thỏa mãn bởi một người khác về mặt tình dục) không dễ dàng, không còn tin tưởng vào người khác, sợ sự ra đi của người mình yêu, sợ bị trừng phạt và bị phản bội – người phụ nữ cảm thấy mình không còn trong trắng và coi những thất bại như là quả báo cho phần tội lỗi của mình.

4
Ths. Ngô Thị Thu Hiền

Có nhiều hành vi lạm dụng tình dục trẻ em, có thể là vuốt ve, sờ mó hoặc nhìn ngắm mà chưa cụ thể hóa bằng hành động giao cấu, nhưng bất kỳ hành vi lạm dụng tình dục nào đều để lại tổn thương tinh thần ở nhiều mức độ, ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách và các mối liên hệ xã hội của trẻ.

– Thực tế, trẻ em nói riêng và con người nói chung hình thành các ham muốn và nhận thức về tình dục như thế nào?

– Đời sống giới tính (ham muốn, tính dục) là sự giáp nối giữa cơ thể và nhận thức, nó cùng tham gia với 2 yếu tố và ảnh hưởng tới cả 2 yếu tố. Bản năng giới tính có từ lúc con người còn là đứa trẻ, nó trải nghiệm qua mối quan hệ với người nuôi dưỡng đầu đời, thường là người mẹ, và tiếp theo là những người gần gũi xung quanh, đặc biệt là người bố. Từ sơ sinh, người ta nhấn mạnh rằng trẻ cần được vuốt ve như cần nguồn thực phẩm nuôi dưỡng chúng. Có những đứa trẻ thiếu những cử chỉ vuốt ve của bố mẹ thì chúng cũng không thể vuốt vẻ chính mình và khi trưởng thành chúng luôn khao khát cảm giác đụng chạm.

Người ta biết rằng, thái độ của người mẹ đối với cơ thể con cái và bản năng giới tính của bà quyết định chất lượng các quan hệ như vuốt ve, ôm hôn đứa con. Cảm giác mất hứng thú và cấm đoán hay sợ hãi có thể được truyền từ mẹ sang con. Chất lượng mối quan hệ đầu đời ảnh hưởng tới hành vi đụng chạm giới tính khi lớn lên của trẻ.

Để giúp trẻ vượt qua cú shock tâm lý bị xâm hại, người lớn cần:

  • Đảm bảo bí mật và an toàn cho trẻ: không nói chuyện này với những người không liên quan; tạo cho trẻ một môi trường thực sự an toàn, không cho kẻ lạm dụng tiếp cận với trẻ; những người trẻ tin cậy và yêu quý nhất sẽ là người chăm sóc trẻ trong giai đoạn này; cho trẻ thấy trẻ có quyền được bảo vệ và có quyền được giúp đỡ để an toàn.
  • Hỗ trợ tâm lý nhằm giúp trẻ vượt qua khó khăn: dành nhiều thời gian để trò chuyện với trẻ, lắng nghe, thể hiện sự thấu cảm và yêu thương trẻ. Cần giúp trẻ cảm thấy an toàn và bình yên khi ở bên người thân. Trẻ thường đổ lỗi cho bản thân về việc bị lạm dụng tình dục và cảm thấy rất đau khổ vì điều này. Do vậy, cần khẳng định với trẻ là trẻ không có lỗi khi bị lạm dụng tình dục. Nếu nhận thấy tình trạng tâm lý của trẻ rất bất ổn và nghiêm trọng, thì cần nhờ đến sự trợ giúp của các chuyên gia tâm lý và các nhà công tác xã hội.

Người cha bước vào mối quan hệ mẹ – con để thực hiện vai trò chia tách, giúp đứa trẻ củng cố giới tính của mình và thiết lập trong trẻ cách thức, khuôn mẫu để thiết lập, duy trì mối quan hệ quyến rũ, yêu thương.

Do đó sự giáo dục về cơ thể và về nhận thức là một đòi hỏi cần thiết ngay từ khi trẻ cất tiếng khóc chào đời – để trẻ có một đời sống bản năng tình dục phát triển bình thường, bởi vì cách cư xử tình dục của trẻ và những biến đổi của nó phụ thuộc nhiều vào những điều kiện thuận lợi và môi trường sống của trẻ tạo ra cho nó để thử nghiệm các tiềm năng tình dục: đụng chạm, được đụng chạm, thực hành các giác quan trong sự đầy đủ của các cơ quan.

Vì thế, không có sự lẫn lộn giữa hành vi xâm hại với hành động thể hiện yêu thương trong một đứa trẻ. Vì thế đừng nói trẻ em không biết đấy là tình dục.

– Chị nhìn nhận và đánh giá thế nào về những kẻ xâm hại trẻ em?

– Những kẻ xâm hại trẻ em luôn được xem là những kẻ lệch lạc về đời sống tình dục, thể hiện ở đối tượng tình dục bất thường (là trẻ em) và mục đích tình dục (do họ có những cản trở thực hiện hành vi tình dục bình thường mà phải tìm kiếm những mục đích mới: như sờ mó và nhìn đối tượng, thích làm đau đối tượng…). Vì lý do đạo đức, người ta muốn đưa những người lệch lạc này về dạng mắc bệnh tâm thần, tuy nhiên không dễ dàng đổ lỗi cho nguyên nhân rối nhiễu tâm lý mà chạy trốn khỏi trách nhiệm với hành vi gây tổn hại người khác.

– Có hay không chuyện những kẻ đi xâm hại từng là những đứa trẻ bị xâm hại, kẻ lệch lạc về tình dục có nguyên nhân nào đó từ ấu thơ? Và họ có đáng được cảm thông hay không?

– Người ta ghi nhận rằng, vào độ tuổi trưởng thành, nhiều trẻ bị xâm hại có xu hướng phát huy những hành vi tàn bạo, từ chỗ là đứa trẻ bị xâm hại, nó trở thành người đi xâm hại và bắt người khác phải chịu đựng những gì mà chính bản thân nó cũng đã từng phải chịu đựng.

Những người lệch lạc về tình dục có thể có nguyên nhân từ thơ ấu, cũng có thể do những xung năng tình dục quá mãnh liệt mà trong những hoàn cảnh nhất định không kiểm soát nổi. Cho dù lý do nào, thì những tổn thương gây ra cho trẻ em là có thật và nặng nề, việc cảm thông ít nhiều phụ thuộc vào chế tài pháp lý và thái độ nhận trách nhiệm của kẻ xâm hại.

Hay gặp ở… trường học

– Ở thời điểm câu chuyện ấu dâm trở thành đề tài nóng, nhiều người ngạc nhiên khi biết việc này xảy ra ở khá nhiều người (bao gồm cả người nay đã trưởng). Chị đánh giá thế nào về điều này?

– Ấu dâm là ham muốn tình dục lâu dài và liên tục, phần nhiều hay toàn phần đối với trẻ em chưa đến tuổi thành niên, thông thường dưới 12 tuổi.

Chuyện ấu dâm có từ lâu, ở các quốc gia, không phân biệt tầng lớp trong xã hội. Việc lạm dụng trẻ em gặp nhiều hơn ở môi trường học, ở các chung cư, tập thể, do điều kiện dễ dàng đưa đến; hay tầng lớp nghèo khổ do nhận thức còn hạn chế; hiện tượng loạn luân cũng không ngoại trừ.

Khi trẻ em trở thành đối tượng của ham muốn, thông thường người tấn công là những đối tượng:

  • Cậu thiếu niên chậm phát triển hoặc quá nhút nhát để có thể tiếp cận với bạn gái cùng trang lứa;
  • Người trưởng thành chừng có đời sống tình dục không được thỏa mãn, thường thích những trò chơi tình dục.
  • Người trung niên hoặc người già, độc thân và có khó khăn tình dục (ví dụ: bệnh liệt dương).
  • Anh trai, chú, bố, ông nội cũng phạm tội với bé gái theo thứ tự tăng dần (loạn luân)

Và tình huống diễn là khi xung năng tình dục quá mãnh liệt mà không tìm được đối tượng để thỏa mãn cho mình.

au-dam-3

– Ấu dâm và sự im lặng ở những đứa trẻ bị xâm hại nói lên thực trạng gì của đời sống?

– Nạn nhân của ấu dấu thường im lặng, và ngay cả khi người thân của nạn nhân có biết, thì giải pháp im lặng là được lựa chọn nhiều hơn. Phản ứng này thể hiện hiểu biết về câu chuyện ấu dâm dừng ở mức độ thuần cảm xúc, việc biết đến và tin cậy vào những nguồn lực trợ giúp của xã hội gần như thiếu vắng.

Các cảm xúc chủ đạo của nạn nhân là tội lỗi, xấu hổ đến mức nhục nhã (cảm thấy mình nhiễm bẩn, ô uế), nên không thể tiết lộ cho ai biết. Gia đình cũng chịu đựng tổn thất như cảm giác mất danh dự, tự chăm sóc xoa dịu lẫn nhau để nhịp sống thường ngày không bị xáo trộn, cố gắng không để ai biết chuyện, vì cho rằng như vậy tương lai của đứa trẻ có thể vẫn bình thường – trong việc xây dựng đời sống tình cảm, đôi lứa.

Thực tế, nạn nhân và gia đình không thể nhận thức được hết những hậu quả nặng nề về mặt sinh lý và tâm lý – chấn thương tinh thần ảnh hưởng đến nhân cách cũng như việc thiết lập những mối quan hệ, đặc biệt là đời sống tình cảm của sau này của trẻ. Đáng tiếc hơn nữa, lợi dụng điểm yếu tâm lý đó, kẻ tấn công tình dục không thay đổi gì thái độ, thậm chí, nếu tình huống thuận lợi, lặp lại hành vi trên cùng nạn nhân, hoặc tiếp tục có những nạn nhân ấu dâm khác. Như vậy, đứa trẻ đồng thời chịu đựng nỗi bất công, càng thiếu niềm tin và ám ảnh sợ lớn hơn nữa, khó khăn tinh thần chồng chất hơn.

Xã hội cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tuyên truyền thông tin về xâm hại tình dục cho trẻ em, giúp mỗi đứa trẻ biết tự bảo vệ bản thân, đồng thời giúp mọi người hiểu cách thức chăm sóc, hỗ trợ nạn nhân của điều phi nhân tính này, đi kèm với xây dựng một hệ thống hỗ trợ bao gồm các yếu tố pháp lý, tâm lý, điều kiện vật chất, hoạt động công tác xã hội… để đảm bảo sự giúp đỡ cho nạn nhân và gia đình nạn nhân, trừng phạt kẻ xâm hại.

Khi buông được nỗi sợ mang tên quyền lực

– Theo chị tại sao ở thời điểm này, nhiều người từng là nạn nhân bị xâm hại đồng loạt lên tiếng, trong đó bao gồm cả những người nổi tiếng như Phan Anh, Hoàng Bách, hoa hậu Dương Thùy Linh… và số người tự kể câu chuyện của mình dường như chưa dừng lại?

– Chuyện nhiều nạn nhân ấu dâm đồng loạt lên tiếng trong thời gian gần đây có thể được xem là một hiệu ứng lây lan (hiệu ứng domino). Khi có một người vượt qua được nỗi sợ hãi về quyền lực, danh dự gia đình, hoặc họ ý thức được hậu quả nguy hiểm của hành vi này đối với con cái họ và quyết tâm lấy lại công bằng cho con em họ, đồng thời quyết tâm bài trừ những kẻ bệnh hoạn và cách ly họ khỏi cộng đồng nên đã xung phong lên tiếng. Những nạn nhân khác tuy cũng chịu uất ức song họ thụ động hơn. Và khi có người lên tiếng trước thì họ cũng mạnh dạn lên tiếng vì họ cảm thấy được họ không cô độc khi thấy thái độ ủng hộ của xã hội cho trường hợp tương tự.

au-dam2

Việc các nghệ sĩ trong giới showbiz lên tiếng thì chúng ta có thể hiểu theo nhiều lý do. Hoặc là họ muốn góp phần gióng lên một tiếng chuông báo động về tệ nạn ấu dâm và kêu gọi cộng đồng chung tay đấu tranh chống lại tệ nạn này. Hoặc là họ muốn thu hút sự chú ý bằng cách tạo một scandal về đề tài này (nên thông tin có thể là thật hoặc nói dối). Hoặc họ muốn chia sẻ để thể hiện sự đồng cảm của chính bản thân mình với nạn nhân và ngược lại, nhận được sự đồng cảm của những người khác với mình.

– Việc lên tiếng đồng loạt của nhiều thành phần xã hội về câu chuyện ấu dâm ngoài sự bức xúc trước một tội ác, theo chị nó còn bao gồm những vấn đề gì?

– Thật đáng mừng khi cộng đồng thể hiện sự quan tâm chung tới những điều gây cản trở cho việc xây dựng một xã hội văn minh, bình đẳng, rằng tội ác thì phải bị trừng phạt, và nạn nhân đáng nhận được sự chăm sóc và yêu thương của cộng đồng. Ngoài ra thì tâm lý đám đông cũng góp phần tạo nên độ nóng của đề tài này. Nhiều người quan tâm tới xã hội và có những vấn đề mà họ chịu uất ức, bất bình thì nhân cơ hội này họ có dịp để thể hiện quan điểm, kỳ vọng về những điều công bằng, nhân văn. Cho dù có những lý do gì, thì việc mỗi người nói tiếng nói cá nhân thể hiện trách nhiệm xã hội và lĩnh hội những tri thức chung để nầng cao sự gắn kết con người vì một xã hội tốt đẹp.

– Cảm ơn những chia sẻ của chị!

NHỮNG CON SỐ GIẬT MÌNH VỀ NẠN ẤU DÂM

Vương quốc Anh

– Năm 2011, cứ 1/20 trẻ em tại Anh đã từng bị bạo hành tình dục.

– Có khoảng hơn 3.000 trẻ em tại Anh được xác định là cần được bảo vệ khỏi xâm hại tình dục vào năm 2013.

– 1/3 trẻ em bị lạm dụng tình dục không dám nói cho ai biết.

– Trên 90% số vụ lạm dụng tình dục trẻ em được gây ra bởi những người thân với gia đình.

– Những trẻ em khuyết tật có nguy cơ bị xâm hại tình dục cao gấp 3 lần các trẻ em khác.

(Theo Hiệp hội Quốc gia ngăn chặn tội ác với trẻ em (NSPSS của Vương Quốc Anh)

Hợp chủng quốc Hoa Kỳ

– Cứ 8 phút, các nhân viên xã hội lại tìm thấy bằng chứng hoặc khẳng định một trường hợp xâm hại tình dục tại Mỹ.

– Cứ 1/7 (13%) người trẻ dùng Internet cho biết họ từng nhận được những lời gạ gẫm tình dục trên mạng xã hội.

– 1/25 người trẻ bị gạ gẫm tình dục từ những đối tượng gặp trực tiếp bên ngoài. 34% nạn nhân bị xâm hại tình dục là dưới 12 tuổi.

– Khoảng 60% đối tượng xâm hại tình dục là người quen mà lũ trẻ biết.

– Khoảng 30% đối tượng xâm hại tình dục là các thành viên họ hàng trong gia đình và 10% còn lại là người lạ.

– 23% đối tượng xâm hại tình dục có độ tuổi dưới 18.

(Theo báo cáo của Trung tâm quốc gia các nạn nhân của tội phạm, trung tâm quản lý đối tượng tội phạm tình dục (CSOM) hay Bộ Tư pháp Mỹ từ năm 2012 – 2015 )

Việt Nam

Trong số trên 1.000 trẻ em bị xâm hại tình dục mỗi năm, có gần 60% các cháu 12-15 tuổi, 13% mới chỉ dưới 6 tuổi.

Hiện Việt Nam có 15 cơ quan bảo vệ và chăm sóc trẻ em.

(Theo: Tổng cục Cảnh sát – Bộ Công an)

Thực hiện: depweb

15/03/2017, 19:07