Khoảng cách, nhắc đến điều này tôi nghĩ đến nỗi sợ hãi thời mới chia tay mẹ Bảo Nam. Khi ấy, thương con nhưng không thể làm gì, vì Jennifer đưa con về Mỹ và tôi không cách nào gặp được. Phụ nữ lúc tổn thương sâu nhất thường rất khó. Khi ấy tôi chỉ biết lao vào hát như một người điên, phần để khỏa lấp nỗi trống vắng xa con, phần vì muốn khẳng định bản thân, như một cách khác, để đứng dậy sau cuộc hôn nhân tan vỡ ấy.
Mỗi ngày tôi nhận ra mình sai nhiều hơn và tìm cách hạ cái tôi của bản thân xuống cũng như dần dần có thể nói chuyện lại với Jennifer. Tất nhiên chúng tôi đều không phải người khéo léo đến mức coi như chưa từng có chuyện gì, nên sự hàn gắn để có lại mối quan hệ bình thường ấy cũng cần thời gian vừa đủ. Cùng với sự làm lành, tôi dần có nhiều thời gian bên Bảo Nam hơn.
Giờ đây con đã lên 9 tuổi, trầm tính, sống nội tâm và có sở thích ẩm thực không khác bố nhiều. Tôi dù làm gì đều cố gắng sắp xếp để chỉ xa con lâu nhất là một tháng. Giờ tôi sống ở Mỹ nhiều hơn, có thể gặp Bảo Nam khi nào muốn, và thằng bé luôn là khán giả mỗi khi tôi diễn ở đấy.
Bảo Nam trầm nhưng cộc tính, thỉnh thoảng ở trường báo về con đánh bạn. Chuyện không lớn nhưng tôi cùng bà ngoại của con cũng qua đó tìm hiểu hơn về con. Nam chưa bao giờ hỏi tôi và Jenni về việc không còn sống chung nhà. Có lẽ con có suy nghĩ của riêng mình nhưng chưa nói ra. Tuy vậy, tôi nghĩ mình đợi được con lớn lên để có thể trò chuyện với con như hai người đàn ông.
Bảo Nam rất tình cảm và có trách nhiệm. Mỗi lần bố rủ đi chơi, nếu nhà chỉ có bà ngoại thì dù rất thích nhưng thằng bé cũng sẽ từ chối. Chỉ khi bà và bố nài nỉ lắm, cu cậu mới chịu. Con cũng “lười” nói Tiếng Việt, nên mỗi lần ở bên con, tôi đều phải “bắt ép”. Để hiểu con hơn, tôi thường chủ động mở lời, hỏi chuyện học hành, những việc làm hàng ngày để Nam hứng thú kể.
Thực ra Bảo Nam là chàng trai nhạy cảm và tình cảm nên tôi rất hiểu, việc con nóng tính với bạn ở trường, ngại giao tiếp bằng tiếng Việt có thể là một phản ứng nào đó của con trong hoàn cảnh sống của mình. Không có điều gì rõ ràng, nhưng tôi luôn luôn thấy phần nào đó đơn côi trong trái tim bé nhỏ ấy. Tôi chỉ biết tự nhủ rằng, phải yêu thương con nhiều hơn, ở bên cạnh con nhiều hơn để dần dần lấp đầy những tổn thương nếu có trong trái tim con.
Trong cuộc đời, có những nỗi nhớ, nỗi buồn vẫn ở đó, được xếp cất ở một miền ký ức. Tôi tin vào định mệnh, nhưng cũng tin, không phải cái gì của định mệnh cũng là vĩnh cửu. Tình yêu thương lớn hơn ta tưởng, nên tôi vẫn chờ đợi và sẵn sàng trả lời con trai những câu hỏi con cần cho cuộc đời mình. Tôi tin đó là cách chúng tôi sẽ xóa nhòa khoảng cách.
Khoảng cách là một khái niệm mơ hồ nhưng đáng sợ, nó có thể ngăn trở người ta một cách hữu hình bằng hàng vạn hàng triệu km, bằng cánh cửa đóng, bằng bàn tay đưa ra không ai nắm lấy… hoặc vô hình như một cảm giác trống rỗng và bất lực không gì đo đếm nổi.
Dường như, khoảng cách giữa tất cả mọi người đang ngày càng rộng và dài hơn?
Và chúng ta sẽ để mặc nó, hay tìm cách chạm vào?
Chuyên đề “Chạm vào khoảng cách” của Đẹp Online được thực hiện nhân ngày gia đình Việt Nam 28/6, để truyền đi thông điệp: Hãy mạnh dạn bước qua và xóa nhòa tất cả các khoảng cách bằng chính sự cảm thông, thấu hiểu và yêu thương!