"Huyền thoại Táo" Steve Jobs - phim là đời - Tạp chí Đẹp

“Huyền thoại Táo” Steve Jobs – phim là đời

Review

Thế nên, xem và viết về tác phẩm của đạo diễn Joshua Micheal Sturn, có lẽ hay nhất là khán giả thuộc trường hợp thứ ba. Đó là những người không phải “tín đồ nhà Táo” nhưng biết đến Steve Jobs – “huyền thoại đương đại” không chỉ của Apple và nước Mỹ.

 

Poster với dòng chữ “Một số người nhìn thấy điều có thể, những người khác lại thay đổi điều có thể” 

Là chính mình và thay đổi thế giới

Được gắn mác phim tiểu sử, điểm đầu tiên cần xét đến ở “Jobs” là khả năng khắc họa chân dung, đưa nguyên mẫu “từ đời lên phim”. Trước “Huyền thoại Táo” từng có “Pirates of Silicon Valley” (Những tên cướp ở thung lũng Silicon) – bộ phim sản xuất năm 1999 kể về quá trình phát triển của Apple và Microsoft. Ở đó, vai Jobs do diễn viên Noah Wyle đóng. Cả hai phim đều bám sát câu chuyện có thực. Nhưng ở “Jobs”, nhân vật trung tâm thực sự toát lên cá tính riêng khó lẫn.

Không chỉ là diễn viên có tài, là một người hâm mộ Steve Jobs, chàng diễn viên 35 tuổi Aston Kutcher còn là một nhà đầu tư công nghệ. Bởi vậy, ở “Jobs”, dễ dàng nhận thấy sự nhập tâm của Aston Kutcher trong việc khắc họa người đàn ông cực đoan, cầu toàn qua dáng đi chắp hai tay sau lưng, đầu chúi về phía trước, qua điệu bộ linh hoạt, ánh mắt sắc sảo và vóc dáng hao gầy.

Chuyên mục “Điện ảnh thứ Năm” của mục Giải trí, Đẹp Online sẽ gửi tới bạn đọc các bài bình luận phim vào mỗi thứ Năm hàng tuần. Chuyên mục rất mong nhận được bài vở đóng góp của độc giả. Hãy gửi bài viết và hình ảnh bạn có cho mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!
Chẳng còn xa lạ, nhưng quả thật không dễ dàng để có thể đảm nhiệm vai người đàn ông luôn nhìn con người, sự vật qua các sắc thái rõ ràng như Steve Jobs. Đó vừa là người thông minh, sắc sảo, giỏi chiêu hiền đãi sĩ, thu phục người tài để cùng mình dựng nghiệp; nhưng cũng là người mà trong những mối quan hệ đời sống khác, chỉ nhìn con người với màu ghi, nhìn sự vật với màu đen và trắng.

Với lối diễn khá tinh tế của diễn viên “No Strings Attached” (Yêu không ràng buộc), khán giả sẽ thấy một Steve Jobs lạnh lùng trước nỗi đau trên gương mặt người khác và sẵn sàng khiến bất kỳ ai tổn thương. Vậy mà chính con người đó không ít lần phải rơi nước mắt. Con người đó phải tự mình đứng dậy sau vết thương của đứa con bị bỏ rơi, vết thương bị đồng nghiệp hất cẳng… Riêng một phần không có trong phim, có thể coi là một vết thương khác của Jobs, đó là ám ảnh về căn bệnh ung thư tuyến tuỵ – thứ sau này đã cướp đi mạng sống của thiên tài.

Những gì đáng xem nhất ở “Jobs”, do vậy, chính là ở thế giới quan và thế giới tâm hồn của Steve Jobs, chứ không phải về những sự kiện, diễn biến mà ai cũng có thể biết trước kết thúc.

Steve Jobs (Aston Kutcher) và người bạn Steve Wozniak (Josh Gad) với chiếc máy tính Apple II

Cả với tính cách của Jobs mà nếu hiểu theo lời khuyên của ông – “Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ” – thì có thể thấy CEO của Apple trong phim luôn khát khao đến kiêu hãnh, dại khờ đến tinh quái. Người như vậy ôm mộng đổi thay thế giới là hợp lẽ. Chỉ có điều, chính con người Steve Jobs, cả trong phim và ngoài đời, thì dường như không bao giờ thay đổi: rất duy lý, duy mỹ, nhưng cố vùi sâu sự duy tình.

Với những điều này thì không có gì để chê trách đạo diễn và diễn viên của “Jobs”. Dẫu gì, bộ phim tóm tắt 30 năm quan trọng trong cuộc đời người đồng sáng lập Apple đã tới với nhiều LHP lớn và được chọn chiếu khai mạc LHP Sudance.

Chỉ có điều, “Jobs” chưa thoát khỏi những minh họa tiểu sử, không có chi tiết hoặc hình ảnh biểu tượng đủ mạnh để ghim vào trí nhớ khán giả và cũng chưa có giọng điệu riêng, dấu ấn sáng tạo rõ ràng của đạo diễn như “Social Network” (Mạng xã hội) – bộ phim về Mark Zuckerberg, người sáng lập Facebook – đã làm được.

Dốc hết trái tim

Trải qua 128 phút của “Jobs”, có thể khán giả không nghĩ nhiều đến sự hay, dở của phim mà suy ngẫm, ám ảnh nhiều hơn về nhân vật đã được khắc họa khá sinh động: Steve Paul Jobs.

Cả đời Steve Jobs theo đuổi sự hoàn hảo. Sự thực là chàng trai ở Moutain View ấy sớm bỏ dở trường Reed College, đam mê nghệ thuật viết chữ đẹp, tôn sùng yếu tố thẩm mỹ của sản phẩm và là bậc thầy về sự tối giản. Con người này muốn đưa ra đời sống những sản phẩm để khi người dùng tiếp nhận nó, họ không còn muốn nhớ những gì cùng chủng loại đã có.

Những nhà sáng chế đầu tiên của Apple

Và như vậy, sản phẩm thì không ngừng tiến đến những chuyển đổi mang tính “kế tiếp”, phiên bản sau tối ưu hơn phiên bản trước; nhưng con người góp phần quyết định cho những đột phá ấy thì giữ nguyên hạn chế, khiếm khuyết của mình. Ấy vậy mà cá tính ấy vẫn đầy hấp lực!

Xem “Jobs” hay đọc những cuốn sách viết về người đàn ông tài hoa này, không khỏi liên tưởng đến nhiều nhân vật tầm cỡ đương thời khác như Bill Gates, Howard Schultz… và cả Mã Vân (Jack Ma) từ Trung Hoa. Chợt nghĩ, giả sử loại bỏ đi những điểm bị cho là dở ở Steve Jobs và thay bằng những nét nổi trội ở ba người đàn ông này thì liệu có một con người, một cá tính hoàn hảo?

Nếu như nhà sáng lập Microsoft cam kết dành tới 95% của khối tài sản không dưới 50 tỷ đô la của mình để phục vụ cộng đồng thì nhà sáng lập Apple bị chỉ trích vì sở hữu hàng tỷ USD mà hiếm khi nói đến chuyện làm từ thiện.

Ở một khía cạnh khác, nếu như “Jobs không nổi tiếng nhiều về những việc làm từ thiện của ông” như tờ Business Week từng viết thì ông lại “nổi tiếng” vì sự khắc nghiệt. Ngay ở “Huyền thoại Táo”, khán giả được chứng kiến cảnh Jobs thẳng thừng đuổi việc nhân viên thân cận ngay tại cuộc hội ý. Giai thoại Jobs sa thải cộng sự ngay trong thang máy từng được nhiều người “truyền tụng”.

Aston Kutcher đã hoàn thành tốt vai diễn

Điều này khác hoàn toàn với Howard Schultz, ông chủ của chuỗi cửa hàng café toàn cầu Starbucks, với biệt tài níu chân người. Đọc cuốn tự truyện tuyệt vời có tên “Dốc hết trái tim” (Pour your heart into it) sẽ hiểu người mang đến định nghĩa về “nơi chốn thứ ba”, là quán café (cùng hai chốn đi về khác là gia đình và công sở) có tình yêu với nhân viên, cộng sự như thế nào.

Xa xôi hơn là Mã Vân, chủ nhân cổng thương mại điện tử đình đám Alibaba ở Trung Quốc. Cũng theo đuổi sự ưu tú và biết thu phục người tài như Jobs, nhưng Mã Vân lại cho rằng: “Người dại nói chuyện bằng mồm, người thông minh nói chuyện bằng đầu, người trí tuệ nói chuyện bằng trái tim”.

Nếu nhà sáng lập Apple cũng “dốc hết trái tim” thì liệu có một con người mà đạo diễn lừng danh Steven Spielberg nói là “nhà sáng chế lỗi lạc nhất từ sau Thomas Edison” và là người “đưa thế giới đến trên đầu ngón tay của chúng ta”? Sẽ thật khó để có câu trả lời thoả đáng…

Nhưng chắc chắn chỉ có một Steve Jobs duy nhất còn được nhắc tới dài lâu, sẽ còn xuất hiện trong những bộ phim có giá trị truyền cảm hứng khác tiếp sau “Huyền thoại Táo”. Và như vậy, Jobs vẫn luôn hiện diện trong đời sống, ngay cả khi ngày 5/10/2013 này là tròn hai năm người viết nên huyền thoại của công ty giá trị nhất toàn cầu không còn nữa trên đời.

Bài: Bùi Dũng

Ảnh: MSD





Thực hiện: depweb

03/10/2013, 09:04