Mức giảm trừ cho người phụ thuộc 3,6 triệu đồng.
Trong khi đó, thường trực Ủy ban Tài chính – ngân sách vẫn bảo lưu quan điểm 7 triệu và 2,8 triệu đồng.
Nâng mức tính thuế thu nhập cá nhân góp phần nâng chất lượng sống của người dân – Ảnh: THANH ĐẠM
Tranh luận gay gắt đã nổ ra sau ý kiến của người ủng hộ mạnh mẽ nhất quan điểm của Chính phủ là Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn.
Đại biểu có thương dân không?
“Tôi ủng hộ cao quan điểm của Chính phủ, không đồng ý quan điểm của Ủy ban Tài chính – ngân sách. Mình là người đại diện của dân, mình có thương dân không? Tại sao mình không đề nghị nâng mức khởi điểm lên nữa để bảo vệ người nộp thuế. Thường trực Ủy ban Tài chính – ngân sách phang một cái như gáo nước lạnh. Tôi tin rằng có đưa ra Quốc hội thì Quốc hội cũng ủng hộ Chính phủ thôi”.
Ông Sơn cũng bình luận rằng “không phải cứ yêu cầu đóng thuế nhiều là xây dựng đất nước, quan trọng là sử dụng thuế đó như thế nào để tránh tham nhũng, lãng phí”.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng gay gắt không kém: “Đề nghị của chúng tôi cũng là đề nghị vì nhân dân, khi tính toán phải lưu ý tất cả các vấn đề, trong đó có nguồn thu ngân sách”.
Theo ông Hiển, mức lương tối thiểu đang tính là 1.050.000 đồng. Tất nhiên với nhiều người thì mức này không sống được, nhưng nó vẫn là căn cứ mức giảm trừ gia cảnh. “Không thể so với Trung Quốc GDP đầu người hơn 4.000 USD, so với Mỹ trên 40.000 USD. Lương của một người tốt nghiệp đại học vào làm công chức (ở VN) hiện nay chỉ 2,7-2,8 triệu đồng/tháng thì mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc không thể 3,6 triệu đồng. Trước đây năm 1946 hoàn cảnh như thế, nhưng người dân vẫn phải bỏ hũ gạo một nắm trước khi nấu cơm” – ông Hiển bày tỏ.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện “phản pháo”: “Không thể lấy chuyện nắm cơm, hũ gạo trong chiến tranh để nói, mà phải lấy mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống nhân dân. Không nên lo chuyện mỗi năm ngân sách giảm thu mười mấy nghìn tỉ. Còn nhiều khoản có thể tiết kiệm được. Nếu phòng chống tham nhũng tốt thì mỗi năm chúng ta có thêm hàng mấy chục nghìn, hàng trăm nghìn tỉ”.
Chủ tịch Quốc hội: ủng hộ mức 9 triệu đồng
Phát biểu mềm mại hơn thuộc về Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai: “Chúng ta chưa tính được mức sống tối thiểu để làm căn cứ cho tiền lương tối thiểu. Như vậy căn cứ tính thuế TNCN sẽ như thế nào? Ở VN thu nhập tới mức nào gọi là cao? Những nhu cầu ăn, mặc, ở và giá dịch vụ công cũng đang tăng như y tế, học phí. Như vậy người dân phải đương đầu với rất nhiều thách thức trong cuộc sống. Các yếu tố trên cần được tính toán rõ. Tôi chưa thể bình luận mức 9 triệu hay 7 triệu là phù hợp”.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng bình luận: mức 9 triệu so với lương tối thiểu là cao. Số lượng người nộp thuế so với người có thu nhập thì chưa đến 10% cũng không phải là cao. Tuy nhiên, phải tính rằng chúng ta vừa thoát ra khỏi tình trạng nước có thu nhập thấp nhưng lại chưa bền vững. Trong khi đó, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu “ủng hộ mức giảm trừ gia cảnh 9 triệu của Chính phủ đề xuất nhưng lại ủng hộ mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc 2,8 triệu của Ủy ban Tài chính – ngân sách”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng “với điều kiện hiện nay thì theo tôi, tạm tính có lẽ mức 9 triệu mà Chính phủ đề xuất là phù hợp”.
Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng không nên quy định cứng số người phụ thuộc được giảm trừ gia cảnh, mà nên quy định người nộp thuế có bao nhiêu người phụ thuộc thì phải giảm trừ bấy nhiêu. Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề xuất nếu dự luật này được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 10 thì nên có hiệu lực từ 1-1-2013 để vừa tạo không khí phấn khởi trong xã hội, vừa động viên người dân.
“Hôm nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa chốt vấn đề, còn một phiên họp nữa để tiếp tục thảo luận rồi mới chốt ý kiến để trình Quốc hội” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.
Lý lẽ của Chính phủ và Ủy ban Tài chính – ngân sách
Thừa ủy quyền Chính phủ trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai khẳng định quy định hiện hành (giảm trừ gia cảnh 4 triệu đồng, giảm trừ cho người phụ thuộc 1,6 triệu đồng) không còn phù hợp với thực tiễn. Trong những năm gần đây giá cả tăng cao, ảnh hưởng đến đời sống của người nộp thuế và gia đình họ.
Để thể hiện sự quan tâm chia sẻ của Nhà nước với người nộp thuế, Chính phủ đề nghị điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh từ 4 triệu lên 9 triệu đồng, giảm trừ cho người phụ thuộc từ 1,6 lên 3,6 triệu đồng. Chính phủ cũng đề xuất khi lạm phát tăng thêm 20% thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức thuế. Các quy định mới này dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2013.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết thường trực ủy ban đã phải tổ chức lấy phiếu kín đối với đề xuất của Chính phủ. Theo đó, 2/8 ý kiến đồng tình với phương án của Chính phủ, 6/8 ý kiến cho rằng mức Chính phủ đưa ra là cao, làm sai lệch bản chất thuế TNCN, đưa thuế TNCN thành thuế thu nhập cao, ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách.
Thường trực Ủy ban Tài chính – ngân sách đề nghị mức giảm trừ gia cảnh 7 triệu đồng, giảm trừ cho người phụ thuộc 2,8 triệu đồng. Có 4/8 ý kiến của thường trực Ủy ban Tài chính – ngân sách đề nghị chỉ quy định giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc là bố, mẹ, con của người nộp thuế; 4/8 ý kiến khác đề nghị khoán số lượng người phụ thuộc được giảm trừ gia cảnh là một, quy định cứng mức giảm trừ gia cảnh là 9,8 triệu đồng.
Phải sửa biểu thuế lũy tiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề: “Tại sao biểu thuế lũy tiến không sửa để bớt bảy bậc, để như thế nhiều bậc quá. Cần phải giãn khoảng cách giữa các bậc ra, khoảng đầu thì thu mức thuế suất thấp hơn, nhưng càng thu nhập cao thì càng phải nộp nhiều”. Bà Trương Thị Mai đề xuất: “Nên tính lại biểu thuế, trong đó có mức thuế suất 0%. Đang bảy bậc nên còn năm bậc thôi”. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng đồng tình: “Mức thuế và biểu thuế cần phải xem lại để nó phản ánh đúng bản chất Luật thuế TNCN. Có thể quy định mức thuế suất 1%, 3% chứ không nhất thiết là bậc đầu tiên cứ phải 5%”. |
Kiểm toán các tập đoàn “có vấn đề” Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 12-9, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Đinh Tiến Dũng khẳng định năm 2013 sẽ tập trung kiểm toán các tập đoàn kinh tế, ngân hàng thương mại nhà nước để phục vụ tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng. Ông Dũng cho biết sẽ tăng cường kiểm toán các đối tượng liên quan đến tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là các dự án, công trình phục vụ quản lý, điều hành tái cấu trúc đầu tư công; sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong xã hội để phục vụ đánh giá chất lượng các dự án, công trình được kiểm toán. Thẩm tra kế hoạch của KTNN, thường trực Ủy ban Tài chính – ngân sách nhấn mạnh: “Đề nghị KTNN cần thực hiện kiểm toán các đơn vị kinh doanh thua lỗ, có nguy cơ đổ vỡ và những tập đoàn, tổng công ty có hiệu quả kinh doanh giảm mạnh trong những năm gần đây, kể cả những đơn vị đã được kiểm toán trong thời gian trước, đánh giá về hoạt động tái cấu trúc đã thực hiện trong thời gian qua; đồng thời, cần bổ sung vào kế hoạch kiểm toán năm 2013 một số tập đoàn kinh tế đang có vấn đề nổi lên mà dư luận xã hội quan tâm như Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Xăng dầu. Cần tập trung đánh giá hiệu quả của việc điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng trong thời gian qua; tình hình mua bán ngoại tệ và quản lý, sử dụng ngoại hối, lãi suất; nợ xấu; tình hình sử dụng nguồn vốn mà Ngân hàng Nhà nước cấp cho các tổ chức tín dụng; tình hình luân chuyển vốn sau khi sáp nhập; việc thực hiện các quy định hiện hành về sử dụng vốn của các ngân hàng thương mại và các công ty tài chính cổ phần”. Góp ý cho hoạt động của KTNN, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nói: “Pháp luật quy định nếu phát hiện sai phạm, KTNN chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra. Nhưng những năm gần đây KTNN không chuyển vụ việc nào mặc dù phát hiện nhiều vụ việc sai phạm hàng chục, hàng trăm tỉ đồng. Ở các nước người ta phát hiện tham nhũng, sai phạm qua thanh tra, kiểm toán, nhưng ở ta phát hiện chủ yếu do nhân dân, báo chí. Đây là câu hỏi rất lớn”. Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề nghị trong báo cáo kiểm toán cần ghi rõ danh tánh, địa chỉ những địa phương, đơn vị không thực hiện nghiêm kết luận của KTNN, không xử lý thu hồi tiền, tài sản vi phạm. “Những người làm thất thoát lớn lượng tiền, tài sản nhà nước, lạm quyền thì phải đưa sang cơ quan điều tra” – bà Doan nói. Ông Đinh Tiến Dũng cho biết ông đã ký công văn chuyển cơ quan điều tra một vụ việc có dấu hiệu hình sự rõ ràng chứ chưa phải là không chuyển vụ nào. |
Theo Tuổi trẻ