Chăm trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản - Tạp chí Đẹp

Chăm trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản

Sống
Nhiều trẻ em bị suy dinh dưỡng, viêm họng, viêm tai… vì bị trào ngược dạ dày thực quản. Thế nhưng nhiều bà mẹ đã bỏ qua những dấu hiệu của hội chứng này vì nghĩ đó là sặc sữa bình thường.

Cho bé bú sai tư thế cũng là một nguyên nhân

Đối với trẻ sơ sinh, hệ tiêu hóa còn non nên cơ thắt trên của dạ dày còn yếu, khi co bóp dễ làm thức ăn bị trào ngược trở lên thực quan hay nôn ra mũi, miệng. Một số trẻ có đoạn thực quản phía dưới cơ hoành dài hơn bình thường cũng dễ gặp phải tình trạng này.

Trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản thường xảy ra nôn trớ khoảng 15 phút sau bữa ăn hay bú. Hiện tượng này sẽ làm đau cuống họng khiến trẻ khó nuốt dẫn đến bỏ ăn gây ảnh hướng đến sức khỏe và sự hấp thu dinh dưỡng. Nhưng người nhà cũng cần để ý, có thể bé bị ói do bú quá no hay do chất lượng sữa ngoài, thức ăn không hợp với trẻ.

Bé hay bị nôn, trớ cũng có thể do hiện tượng sinh lý. Nghĩa là né bị trớ khi bú nhưng vẫn ăn uống, vẫn lên cân đều đặn, không bị thở khò khè, không ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển thể chất và sinh hoạt của trẻ. Như vậy thì không đáng lo ngại. Khi lớn lên, dạ dày co thắt tốt hơn trẻ sẻ tự khỏi (thường là sau 3 tuổi). Chứng trào ngược dạ dày thực quản không có biến chứng, từ từ sẽ hết theo thời gian.

Nhưng nếu bị trào ngược dạ dày thực quản nhiều lần trong ngày, khiến trẻ chậm lên cân, gầy gò, biếng ăn, hay thở khò khè… thì nhiều khả năng trẻ bị trào ngược bệnh lý. Nếu không đi khám để chẩn đoán và điều trị kịp thời dễ ảnh hưởng đến hô hấp (viêm phổi), trẻ còn có thể bị khàn tiếng, hen suyễn hay bị viêm tai, viêm xoang, sụt cân, suy dinh dưỡng… Nặng nề hơn, có thể gây loét niêm mạc thực quản, dẫn đến hẹp thực quản khiến trẻ nôn càng nhiều hơn.

Nguyên nhân khiến trẻ bị trào ngược dạ dày còn có thể do người mẹ khi cho trẻ bú, đặt trẻ không đúng tư thế.

Cho trẻ ăn nhiều bữa nhỏ


Phần lớn trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ là hiện tượng trào ngược sinh lý, chỉ bị trong giai đoạn đầu bé mới sinh, sẽ khỏi sau 3 tuổi. Không cần điều trị bằng thuốc. Việc chăm sóc, điều chỉnh dinh dưỡng đúng cách sẽ giúp hạn chế được tình trạng nôn, trớ sau khi ăn hoặc bú mẹ.

Nếu trẻ còn bú mẹ thì nên tránh để bé bú quá no mà nên cho bú nhiều lần. Khi bế bé, không nên để ngửa đầu bé ra sau, tránh sặc sữa vào phổi dễ dẫn đến tử vong. Đối với trẻ đến tuổi ăn dặm, nên cho ăn thức ăn đặc, dễ tiêu hóa. Mẹ có thể nặn sữa ra bình và trộn thêm bột gạo để giúp sữa đặc hơn. Các lần ăn, uống được chia nhỏ nhiều bữa trong ngày, không ép bé ăn quá nhiều.

Không cho bé ăn lại ngay sau khi bị nôn do lúc này dạ dày đã bị mất hết dịch vị, bé có ăn cũng không tiêu hóa được. Nên đợi sau đó 2 tiếng hãy cho ăn lại. Cho bé uống thêm nước để bổ sung lại lượng nước lỏng đã mất khi trẻ nôn, trớ. Nên tráng miệng cho trẻ bằng nước ấm sau khi nôn để rửa sạch miệng và lưỡi. Nếu thức ăn bị sặc lên mũi, bạn nên hút mũi và vệ sinh mũi, miệng thường xuyên để tránh viêm đường hô hấp cho bé.

Ngoài ra, có thể sử dụng sữa công thức dành riêng cho trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản có bổ sung chất xơ tự nhiên không bị ảnh hưởng bởi dịch vị dạ dày, giúp duy trì độ sệt của sữa từ bình vào trong dạ dày, giúp trẻ ít bị nôn trớ hơn.

Nên bế thẳng trẻ sau khi ăn khoảng 30 phút. Khi bé ngủ nên điều chỉnh tư thế nằm, lật nghiêng đầu một bên để khi bé ói, thức ăn dễ chảy ra ngoài không chạy ngược vào họng, mũi. Nên bật đèn ngủ ban đêm và bố mẹ nằm bên cạnh để thường xuyên theo dõi khi trẻ ngủ. Bé bị trớ xảy ra trong lúc ngủ mà không được người nhà phát hiện kịp thời thỉ nguy cơ tử vong do tắc thở rất cao.

Bổ sung dinh dưỡng hợp lý

Để giúp trẻ tăng cân, khi bé ăn dặm thì trong bát bột ngoài thịt, cá, trứng… nên cho thêm 1 đến 2 thìa cà phê dầu ăn để tăng năng lượng trong khẩu phần ăn của bé.

Ngoài ra, nên cho trẻ ăn thêm hoa quả tươi để cung cấp các vitamin. Ngoài uống sữa bột, có thể cho bé ăn thêm sữa chua, pho-mát.

Nếu bé bị nôn trớ nhiều lần và kéo dài thì có thể dùng thuốc giảm co thắt dạ dày khi cần thiết nhưng phải có sự hướng dẫn và theo dõi của bác sĩ. Nếu tình trạng vẫn kéo dài, nên đưa bé đến bệnh viện để khám và điều trị sớm.

Hạn chế thực phẩm giàu chất béo, a-xít

Các mẹ khi có con bị nôn, trớ thì lo lắng trẻ bị thiếu chất dinh dưỡng, khát nước nên thường cho uống những nước ép trái cây chứa a-xít giàu vitamin C như: nước cam, quýt, bưởi… hay cho trẻ ăn thức ăn nhiều chất béo. Đây là điều sai lầm. Lý do là a-xít sẽ làm tăng tiết dịch của dạ dày, chất béo làm cho việc tiêu hóa thức ăn chậm và khó khăn  hơn, càng làm tăng nguy cơ trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ.

Tư vấn chuyên môn: BS. CKI. ĐÀO THỊ YẾN THỦY – Trung tâm Dinh dưỡng TP. HCM.

Theo Sức khỏe

Thực hiện: depweb

17/08/2012, 12:09