“Ngoại binh” thẳng tiến
Có mặt tại các siêu thị lớn như Lotte Mart, Parkson, Diamond Plaza, CitiMart, Maximark, Big C, CoopMart… cảm giác chạnh lòng trỗi dậy khi nhận ra rằng, so với năm ngoái thị phần hàng trong nước tại các kênh phân phối hiện đại năm nay giảm đáng kể.
Tại CitiMart, khu vực trưng bày thực phẩm công nghệ, bánh kẹo, nước giải khát… hàng ngoại chiếm đến hơn 70%; trong đó có nhiều mặt hàng được quảng bá là khuyến mãi “khủng”. Tại hệ thống Maximark, tình trạng này cũng tương tự. Thậm chí, tại Maximark 3-2, khu vực trưng bày hàng điện máy, điện gia dụng, bánh kẹo, nước giải khát, rượu, quần áo thời trang… hàng ngoại còn lấn lướt hơn hàng nội về số lượng và diện tích trưng bày.
Đặc biệt, khu vực trưng bày các sản phẩm sữa bột, sữa nước và các sản phẩm liên quan đến sữa có thêm rất nhiều loại mới, mà phần lớn xuất xứ từ nước ngoài. Chẳng hạn, nếu dòng sữa nước trước đây chủ yếu là hàng nội thì nay la liệt các sản phẩm mới nhập từ New Zealand, Đức, Hàn Quốc, Thái Lan…
Các hệ thống phân phối lý giải, sở dĩ hàng ngoại hiện trội hơn hàng nội là do họ phải nhập thêm để nguồn hàng phong phú, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Ngay cả hàng may mặc Việt Nam cũng bị hàng ngoại lấn lướt (ảnh minh họa – Bảo Hân) |
Không chỉ chiếm ưu thế tại các siêu thị, các kênh phân phối hiện đại mà gần đây, nhiều sản phẩm như bánh kẹo nhập từ Trung Quốc, Indonesiaa, Malaysia, Hàn Quốc… còn len lỏi vào tận các trường học, công viên và nhà thiếu nhi, chiếm hơn 90% thị phần ở những địa điểm này. Đơn cử, sản phẩm Nabati của Indonesia dù có mặt tại thị trường Việt Nam chưa đầy một năm nhưng đâu đâu cũng thấy con trẻ sử dụng.
Bất chấp giá hàng nội thấp hơn nhiều so với hàng ngoại, nhưng hàng nội vẫn lép vế. Đơn cử, bánh xốp Finery trọng lượng 120 gram của Kinh Đô giá chỉ có 14.000 đồng/hộp, nhưng sản phẩm bánh xốp xốp Gussen nhập của Thái Lan cũng cùng trọng lượng nhưng giá đến 19.000 đồng. Chưa hết, cùng là sữa nước triệt trùng có thể tích 220ml nhưng hàng ngoại nhập giá 10.000 đồng/hộp, còn các sản phẩm cùng loại của Nutifood hoặc Vinamilk giá chỉ 6.000 đồng/hộp. Với các chiến lược marketing bài bản, quảng bá rầm rộ trên các phương tiện truyền thông và “ăn theo” các bộ phim hoạt hình đồng thời giới thiệu trực tiếp đến khách hàng mục tiêu nên giới kinh doanh cho biết, khoảng 3 tháng lại đây, hàng ngoại – nhất là bánh kẹo – tiêu thụ tốt hơn hàng nội.
Hàng nội chông chênh tìm chỗ đứng
Đánh giá về lợi thế cạnh tranh của hàng Việt trên thương trường, ông Phan Nguyễn Minh Nhật, Giám đốc bán hàng miền Đông của Vinamilk, cho rằng, so với hàng ngoại, hàng Việt vẫn có nhiều lợi thế.
Lợi thế đầu tiên, theo ông Nhật, đó là thương hiệu gần gũi, giá cả hợp lý, có mùi vị và công thức pha chế sản xuất phù hợp với khẩu vị của người Việt. Thời hạn sử dụng dài hơn so với hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu thế trên thì ông Nhật cũng thừa nhận, đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước do kinh phí ít ỏi và chưa có chiến lược marketing bài bản nên hàng Việt vẫn gian nan trong việc tìm chỗ đứng và thường bị o ép.
Ví như, mặc dù nước mắm Liên Thành có bề dày lịch sử hơn 100 năm, sản phẩm nổi tiếng là thơm ngon đạt tiêu chuẩn VSATTP nhưng do không có kinh phí để PR quảng cáo nên tại nhiều siêu thị lớn ở TP.HCM – ngay chính quê hương của nước mắm này, lại không có bóng dáng của các sản phẩm mang tên Liên Thành.
Nhiều sản phẩm khác của doanh nghiệp trong nước, cũng do thiếu quảng cáo, tiếp thị và chỉ làm marketing kiểu “hữu xạ tự nhiên hương” nên dần mất chỗ đứng. Vị trí trưng bày sản phẩm của họ tại các siêu thị dần dần bị thu hẹp và mất hút.
Đại diện một doanh nghiệp may mặc nội cho hay: “Đối với các doanh nghiệp trong nước, các siêu thị đang đòi chiết khấu quá cao (tùy theo siêu thị, mức chiếc khấu này hiện dao động từ 15 đến 30% trên tổng doanh thu).
Không chỉ siêu thị, mà hàng ngoại cũng được bày bán đa số tại hầu hết các chợ truyền thống lớn tại TP.HCM. Với chiến lược mang hàng đến từng sạp, cho gối đầu thoải mái và mẫu mã muốn kiểu gì cũng có khiến hàng hóa của những nước này đang tràn ngập các chợ.
Bà Nguyễn Thị Xuân, tiểu thương bán hàng tạp hóa ở chợ Phạm Văn Hai, cho biết: “Bên cạnh các hoạt động khuyến mãi thường xuyên, chiết khấu cao, các nhãn hàng ngoại còn có chính sách trả phí trưng bày cho người bán rất rõ ràng và lâu dài. Cụ thể, chỉ cần tiểu thương đặt đúng số lượng hàng, vị trí sẽ được trả từ 300.000 – 500.000 đồng/tháng, tùy từng nhãn hàng; có nhãn trả lên tới cả 2,3 triệu đồng/tháng nên mặt tiền những gian hàng tại chợ truyền thống vẫn luôn là vị trí bất khả xâm phạm của nhãn hàng nhập khẩu”.
Hoặc, nhiều thương hiệu quốc tế tuy mới xuất hiện nhưng đã bám rễ vững chắc tại thị trường Việt Nam nhờ dịch vụ đẳng cấp, phong cách bán chuyên nghiệp nên dù giá gấp đôi hàng nội cùng loại nhưng vẫn bán chạy.
Đơn cử như trường hợp của Tous Les Jours và Break Talk, so với các thương hiệu nội như Kinh Đô, ABC, Hỹ Lâm Môn… thì giá cao gần gấp đôi nhưng họ vẫn tăng trưởng rất tốt. Tous Les Jours đã mở rộng tới 14 cửa hàng và Break Talk vào Việt Nam chưa đầy hai năm nhưng cũng có đến 5 cửa hàng tại TP.HCM.
Nhận thấy tiềm năng và cơ hội phát triển tại Việt Nam, những năm gần đây, nhiều thương hiệu lớn không ngại đầu tư mạnh để mở rộng phân phối và đẩy mạnh bán hàng. Ngược lại, ngay trên sân nhà, các thương hiệu lớn và từng là niềm tự hào của người Việt lại đang dần mai một và đứng trước nguy cơ bị xóa xổ trước làn sóng sáp nhập và thâu tóm diễn ra mạnh mẽ. Trong đó, không thể không kể đến việc tập đoàn Massan mua gọn Vina Cafe, Bibica đang dần về tay Lotte hay việc Kinh Đô đã chính thức ký hợp tác liên kết với một tập đoàn thực phẩm của Nhật Bản.
Theo Vietnamnet