Chuyện Eva
Hồi “đâm đầu vào” lấy chàng đích thực là “phải duyên phải số thì vồ lấy nhau”, chứ chiểu theo tiêu chuẩn (mà sau này trong lúc bất mãn ngồi vạch ra) thì chàng chả được “gạch đầu dòng” nào. Đã thế lại còn sinh sau đẻ muộn hơn mình những 18 tháng, tính ra mình tuyển “phi công” trẻ hơn những hai tuổi.
Lúc yêu, cũng biết chàng ít tuổi hơn nhưng mình tảng lờ, chẳng buồn nghĩ đến “hậu quả”. Mẹ mình thì dọa, đàn bà phải lo toan, sinh đẻ nên nhanh già, sau này già xấu, nó bỏ đi theo gái trẻ thì tự chịu nhé! Mẹ khéo vẽ, con chả tự chịu thì bắt… hàng xóm sang chịu hộ à? Miệng thì nói thế, nhưng bụng bảo dạ, cưới rồi phải “dằn mặt” cho chàng nhớ, nếu có màn “bỏ nhà theo gái (giai) trẻ” ấy, chưa chắc đã đến lượt chàng đâu nhé!
Hồi mình cưới, hình như đang rộ mốt “phi công trẻ lái máy bay bà già”. Mình thì rõ là không theo mốt, nhưng cứ bị cho là “thức thời”. Trước ngày cưới giấu giấu giếm giếm, rồi vẫn cứ bị lộ ra lúc khai lý lịch. Cả cơ quan bàn tán rôm rả. Đám thanh niên trai tráng cười hì hì hỏi mình, bí quyết nào lấy đươc trai trẻ. Vài bà chị sồn sồn nửa đùa nửa thật, có phải dùng “bẫy” không em. Bực nhất là mấy đứa cùng tuổi ở cơ quan, xưa nay vẫn cá mè một lứa với nhau, giờ biết chồng mình ít hơn những hai tuổi, chúng ta không gọi bằng… em là may, mơ gì đến màn được “ngồi chiếu trên” như mấy ông rể “râu dài đến rốn” mỗi khi có cơ hội “giao lưu” với cơ quan vợ?
Hôm dọn nhà ra ở riêng mới phiền. Sau màn thăm hỏi xã giao, hàng xóm bắt đầu màn hỏi tuổi cho tiện xưng hô. Mình ngượng ngùng khai thật, cô hàng xóm cười rú lên (rõ vô duyên!), ối thế thì chồng chị ít hơn em một tuổi. Rồi chả hiểu cô “buôn bán” thế nào mà khi mấy nhà hàng xóm sang chơi, ai cũng lưu ý hỏi thăm chi tiết nhà mình có… “phi công trẻ”. Hai đứa trẻ con nhà hàng xóm được mẹ dạy rạch ròi, hễ gặp là chào “bác Hương, chú Hải”. Chồng mình ngượng đỏ mặt, mình thì “cay mũi”, sau này rình xem nhà hàng xóm có điểm yếu gì, “dìm hàng” trả đũa mới được.
Mà từ khi trót lấy phải phi công trẻ, mình chả dám ho he chê chồng. Lên facebook chém gió thì được, chứ lộ ra một câu bất mãn là đám bạn xâu xé “bình loạn”, kẻ thì ý tứ, cũng có người huỵch toẹt, thông điệp ngầm hiểu là “lấy chồng trẻ con thì … mơ gì?!”. Ngay cả mỗi khi về nhà mẹ, mình cũng tịnh không dám đem chồng ra làm ví dụ để phân tích, chứng minh cho mấy chủ đề được mẹ và chị gái ưa bàn về bố mình và anh rể. Lộ ra, chả được câu nào an ủi, thế nào cũng quy ngay trách nhiệm, tự làm, ráng chịu. Thôi thì về lo mà… tự dạy chồng cho yên cửa yên nhà!
Mới làm “máy bay bà già” có vài năm, mà mình nhiều phen lên bổng xuống trầm vì “xì-trét”. Thầm bái phục chị bạn, lấy chồng ít hơn cả con giáp mà yên ổn cả chục năm nay, hôm nào phải sang bái kiến cao thủ đặng học thêm ít nội công hòng chiến đầu với chuỗi ngày dài bên cạnh “phi công trẻ”…
Chuyện Adam
Nếu biết lấy vợ hơn 18 tháng, tự nhiên biến thành “phi công trẻ”, chắc mình cũng phải băn khoăn vài phút khi quyết định cưới nàng.
Nhưng khi ấy, yêu là cưới, mình chả kịp nghĩ gì nhiều. Mẹ mình có lưu ý, sau này già thì tâm sinh lý… Mẹ chưa nói hết câu, mình đã phẩy tay, tính gì mà xa thế này, chuyện “sau này già” cứ để sau đi! Mẹ không nói gì nữa, thì đến lượt bố, lo mình chưa già mà vợ đã già rồi, lúc ấy mà chán nhau thì khổ bọn trẻ. Mình tặc lưỡi, hình như bố “suy bụng ta ra bụng người”.. Vợ con rõ ràng là… xinh hơn vợ bố, mà nàng xem ra cũng ý thức làm đẹp, nên bố chẳng phải “lo bò trắng răng”!
Hôm cưới, đám bạn cũ hồi học phổ thông ngồi nán lại chơi, mấy đứa con gái nhất loạt gọi vợ mình là… chị, trong khi đương nhiên vẫn “mày tao” với mình. Bọn con trai xem ra độc lập hơn. Thằng thì gọi là bạn, thằng gọi bằng tên, có thằng lại cẩn thận nói trống không cho ra vẻ … vô can. Vợ mình có vẻ bối rối trước mê hồn trận các đại từ nhân xưng, cuối cùng chọn cách xưng em với bạn chồng cho… lành. Ngay từ màn chào hỏi, nhà mình xem ra đã phức tạp rắc rối hơn nhà người.
Hồi về nhà mới, tự dưng vợ mình lên chức “bác”, còn mình chỉ là “chú”. Vợ đầu tiên có vẻ bực mình, sau chuyển sang… giật mình. Từ đó nàng chăm làm đẹp hẳn, sắm hết áo này váy kia, toàn thời trang… tuổi teen. Xanh, đỏ, tím, hường… nàng diện tất, miễn là được khen… trẻ. Trong đầu nàng rất dị ứng với từ “già”, hễ nghe ai chê để kiểu đầu này, mặc kiểu váy kia già là y như rằng nàng thanh lý ngay. Mỗi lần ra khỏi nhà, nhất là đi với chồng, là một lần nàng quyết gây chú ý với hàng xóm và thiên hạ. mặc gì để đám phụ nữ phải ghen tị đến mức ngấm ngầm dõi theo, còn các ông thì há hốc miệng, quay sang… lườm vợ.
Mỗi lần đi ra ngoài, phải ngồi chờ nàng quả là một màn tra tấn. Ngồi dài cổ hàng tiếng đồng hồ, chờ nàng trang điểm kỹ càng, thử hết bộ này sang bộ kia vẫn chưa ưng ý, rồi chuyển sang giày này, dép nọ, ưỡn ẹo đi lại tạo dáng. Trả lời nàng mỏi hết cả mồm, lần nào mình cũng chỉ độc một câu: “Đẹp rồi!”. Hỏi chừng như chỉ để tỏ ra mình không bị bỏ quên, chứ nàng chả đếm xỉa đến câu bình luận vô thưởng vô phạt kia. Cho đến khi nào nàng đồng lõa được với cái gương, thì mình mới mong… thoát.
Ở với nàng, sướng nhất là chả bao giờ bị nàng chê trước mặt thiên hạ. Mấy cái lỗi ở bẩn, lười làm việc nhà, vô tâm… mẹ hay rầy la, đến khi ở với nàng tự nhiên bay sạch. Nếu không lẳng lặng làm hộ, thì nàng nhẹ nhàng nhắc nhở, tuyệt nhiên không thấy diễn lại cái màn to tiếng của mẹ mình. Sánh bước bên nàng, mình tự dưng biến thành… trang quân tử. Thằng bạn thân ghen tị, biết thế này, tao cũng cưới “máy bay bà già”. Làm “phi công trẻ” sướng thật!
Theo Sành điệu