Một bữa tối nọ, khi Bụng Phệ nằm ôm mama nghe kể chuyện trước khi ngủ, Bụng Phệ đột nhiên thầm thì vào tai mama, hỏi: “Mama ơi, có phải con sắp bị ra rìa không?”. Mama giật mình trước suy nghĩ này của Bụng Phệ và gặng hỏi: “Ai nói con như vậy?”.
Mở to đôi mắt tròn đầy lo lắng, Bụng Phệ đáp: “Con nghe thấy trên tivi đó”. Sau khi gặng hỏi, té ra Bụng Phệ rất chăm chỉ xem các băng đĩa kể chuyện cho thiếu nhi mà mama mua tặng. Trong đó có một câu chuyện về việc một bạn nhỏ cũng lo lắng việc mình sắp bị ra rìa bởi mẹ sắp có em bé.
Nhiều khi trong cuộc sống, những lời đùa vô ý của ông bà, người thân đối với đứa trẻ khi mẹ chúng đang có bầu cũng rất dễ khiến những đứa trẻ nhạy cảm phải chạnh lòng, tổn thương, sợ hãi hoặc vô hình chung dần có ác cảm với đứa em vẫn còn trong bụng mẹ.
Câu nói “Sắp hết được làm nũng nha, má có em bé là mày ra rìa đó con!” là câu nói thường trực vui đùa mà chúng ta dễ dàng bắt gặp hàng ngày trong nhiều gia đình. Thêm vào đó là thái độ chăm sóc nhiệt tình của mọi người đối với đứa nhỏ trong bụng và sự vô tình hờ hững với đứa lớn khiến đứa lớn có nhận thức rõ rệt về mầm mống của việc chia sẻ quyền lợi. Từ đó trẻ ngấm ngầm nảy sinh tâm lý cạnh tranh, gắng giành giật sự chú ý của bố mẹ. Những hành động nghịch ngợm thái quá hoặc những động tác tự lập, sốt sắng muốn phụ giúp bố mẹ nhưng còn lóng ngóng của trẻ dẫn tới đổ vỡ lại bị người lớn mắng mỏ bắt đầu xuất hiện.Bất kỳ thái độ phản ứng tiêu cực nào của người lớn lúc này cũng sẽ khiến đứa trẻ có cảm giác bị tổn thương, bất mãn, đẩy tới việc chúng có hành động ngày càng cục cằn, thô lỗ, thậm chí cố tình phản kháng, chống đối, bất cần…
Những đứa trẻ vốn có thiên hướng nội tâm có thể sẽ bị trầm cảm do nén nhịn, không chịu thổ lộ tâm tư và nỗi lo lắng của mình. Chúng có thể suy nhược tinh thần dẫn tới suy nhược thể xác do kém ăn, kém ngủ, không thích vui chơi, không thích cười đùa, sống khép kín với nỗi lo thường trực dâng lên trong đôi mắt.
Giúp trẻ trở thành chị hai/anh hai – Thường xuyên trò chuyện cùng con về đứa em còn trong bụng. Chẳng hạn như đặt những câu hỏi khơi gợi ở trẻ về tinh thần trách nhiệm: Sau này có em thì con biết làm gì cho em? Nếu ai bắt nạt em thì con sẽ làm gì?… – Khuyến khích trẻ dành thời gian suy nghĩ về đứa em sắp chào đời để tăng cảm giác gần gũi cho trẻ và nỗi mong chờ chào đón đứa em sắp ra đời, như: Sau này nhà có hai chị em thì vui phải biết! Lúc đó Bụng Phệ nằm trong hay nằm ngoài ta…? – Chăm sóc con kỹ hơn và chịu khó trò chuyện với con, lắng nghe con nhiều hơn khi mang thai, tránh để trẻ có cảm giác mình bị bỏ rơi. – Cùng con đi mua sắm những vật dụng cho đứa em sắp chào đời, hoặc cùng con chuẩn bị những đồ dùng cho em bé. |
Theo Mẹ yêu bé