Xin đừng nghĩ làng nhạc chỉ có vậy! - Tạp chí Đẹp

Xin đừng nghĩ làng nhạc chỉ có vậy!

Review

Dân ta chuộng cái mới nên một gameshow bỗng trở nên “hót hòn họt”, cứ như là cả showbiz chỉ có mình “The Voice” vậy…

Việc ai nấy làm, nhưng…

Nhìn vào truyền hình là biết nhé! Sóng vàng tối thứ sáu là của “Vietnam Idols”, chủ nhật là của “Giọng hát Việt”… Một nhân viên văn phòng nghỉ thứ bảy, chủ nhật thì coi như là đã có quyền giải trí tại gia và đầu tuần lên webtretho phán như thánh: “Showbiz tẻ nhạt quá!”. Showbiz tẻ nhạt hay đời sống tinh thần của chúng ta đang tẻ nhạt? Chúng ta không còn thời gian và không còn biết khơi nguồn cho những nhu cầu giải trí khác của mình nữa. Thời gian công sở là thời gian vàng để… lướt web, check newfeed facebook cũng tràn ngập các tin giải trí nhất thời…

Kể ra, “The Voice” xuất hiện vài năm nay ở chính các thị trường âm nhạc lớn nhất là Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Trung Quốc… và cả “vùng trũng” là Việt Nam cũng có cái hay ho. Người ta bắt đầu thấy tôn trọng cái gọi là “giọng hát” hơn là “chiêu trò”. Có một sự khác biệt giữa nghe và xem đang lan tỏa… Nhiều bài báo đã sớm vui vì những “hát nhép”, “sexy” đã giảm nhiệt và thay thế vào đó là “giọng hát Việt”. Cũng tốt!

Nhưng xin đừng nghĩ làng nhạc chỉ có vậy! Mấy cuộc thi âm nhạc truyền hình không phải là tất cả… Nói rằng nó sẽ trở thành một phần không tách rời của công nghiệp giải trí cũng đúng, nhưng nói rằng nó là một phần “giá trị gia tăng” của truyền hình và showbiz cũng không sai. Các cuộc thi truyền hình không có trách nhiệm đi tìm những giọng ca xuất sắc như các cuộc thi đơn ca chuyên nghiệp, mà họ làm show. Show càng hấp dẫn, càng nhiều hỉ nộ ái ố càng thu hút truyền thông, quảng cáo. Đó mới là mục tiêu… Còn nếu như từ cuộc thi có những nhân tố biết coi cuộc chơi là một đòn bẩy bước vào nghề thì đó là phước phận của chính họ. Chính thí sinh là người phải biết tận dụng đòn bẩy này để bước vào làng giải trí…

Liên tiếp trong các “góc nhìn” kỳ trước, chúng tôi đã đưa ra các ý kiến chuyên môn về hiện tượng gameshow lấn lướt ngành giải trí. Thực ra cũng phải cần thêm vài năm nữa để khán giả quen với sự bành trướng của truyền hình và nghệ sĩ cũng cần có vắc xin để dửng dưng với sự thổi phồng của dư luận và sự cả tin của khán giả bình dân. Việc ai nấy làm, mọi thứ cùng tồn tại.

Nhưng, lại nhắc lại, xin mọi người đừng nghĩ làng nhạc chỉ có vậy!

Còn bao nhiêu cái đáng xem hơn trở lại mấy câu chuyện ồn ào. Thanh Lam bị fan “The Voice” đè bẹp trong chiến dịch cần phải quảng bá là hai chương trình biểu diễn “Điều còn mãi” (Hòa nhạc Quốc Khánh) và “Khởi nguồn” – cùng Quốc Ttrung – Nguyên Lê. Chính Quốc Trung cũng ngao ngán về sự lấn lướt này. Tùng Dương lên báo nói về show diễn mới “Hát tình ca” ngày 15/9 cũng phải đi kèm một loạt phát ngôn về “The Voice”… Ẩn chứa dưới lớp bọt nổi của truyền thông đấy, vẫn chứa đựng nhiều thứ đáng xem, đáng chờ đợi… Có ai đọc được không?

 

Nữ diva có mặt trong hai dự án lớn mang tên “Điều còn mãi” và “Khởi nguồn” 

Khi bài báo này tới tay bạn đọc, tài năng Việt thực sự – nhạc sĩ Nguyên Lê đã kết thúc buổi diễn duy nhất tại Nhà hát Lớn và trở lại Paris. Nhưng thực tế Nguyên Lê trở về cùng cặp đôi Quốc Trung – Thanh Lam không chỉ bởi riêng buổi hòa nhạc “Khởi nguồn” mà là cả một dự án âm nhạc lớn mang tên “Cội nguồn”. Một tuần lễ những người tài năng nhất của nhạc Việt đương đại giấu mình trong phòng thu để thu âm hai album “Khởi nguồn” (một sản phẩm worldmusic nối dài từ thành công của “Đường xa vạn dặm” và album riêng cho Thanh Lam). Hai sản phẩm này được Quốc Trung kỳ vọng sẽ tiếp tục vượt biên giới và phục hồi dự tính đưa Thanh Lam ra thị trường ngoại quốc (đã gián đoạn gần chục năm nay). Vẫn biết những dự án kiểu này sẽ mãi mãi bị lép vế với các chương trình giải trí nhưng rõ ràng, nó cần phải được báo chí nâng đỡ, được người đọc thông tin trân trọng coi là tiêu điểm, chứ không phải câu chuyện “vòng đối đầu” ồn ào.

Tháng 9-10-11, song hành với hai game âm nhạc nội địa hóa trên sóng VTV sẽ là một loạt các chương trình “tự sản xuất” của các nghệ sĩ chính thống nhất của làng nhạc. Thiết nghĩ, chắc chắn là còn nhiều nhiều người lặng lẽ và không thích sự ồn ào sẽ say mê. 15/9: liveshow Tùng Dương “Hát tình ca” với sự trợ lực của Thanh Lam, Nguyên Thảo, Lê Việt Anh và Thanh Tâm. Ngày 17/10 là liveshow của Lê Minh Sơn. Đáng chờ đợi không kém là tour diễn trở về lần đầu tiên của Bằng Kiều cũng dự kiến diễn ra vào tháng 10 tại ít nhất ba địa điểm Đà Nẵng, Tp.HCM và Hà Nội…

Tùng Dương trình làng show diễn “Hát tình ca” vào ngày 15/9 tại Nhà hát Lớn Hà Nội

Cũng trong những tháng cuối năm còn có một lần-đầu-tiên khác: Ngày 9-10/11 tại Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ diễn ra liveshow đầu tiên của nhạc sĩ Dương Thụ tự đứng ra đạo diễn: “Dương Thụ – những câu chuyện kể của tôi”. Chương trình do chính nhạc sĩ lên ý tưởng, viết kịch bản, biên tập và chọn lựa ê kíp thực hiện, pha trộn giữa phong cách thính phòng đương đại với nhạc nhẹ, hội tụ những nghệ sĩ đã từng gắn bó với Dương Thụ trong suốt quá trình hoạt động âm nhạc của ông: Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Nguyên Thảo cùng ba giọng nam tuyệt vời, đẳng cấp: Tùng Dương, Trọng Tấn, và có thể là cả Bằng Kiều… hỗ trợ các diva, divo là ban nhạc Anh Em và Dàn nhạc thính phòng của học viện Quốc gia Việt Nam và các solist xuất sắc Xuân Huy (violin) và Trần Thị Mơ (cello)…

Nhạc sĩ Dương Thụ tự viết kịch bản và biên tập cho “Dương Thụ – Những câu chuyện kể của tôi”

Cá nhân người viết thường xuyên trao đổi trên blog cá nhân với bạn bè về những thông tin chương trình tiêu điểm thế này, chẳng nhằm mục đích PR mà chỉ muốn mọi người lưu vào đầu những mốc thời gian để có thể thu xếp công việc, đặt vé sớm để đi xem… Đi xem đi, để thấy nghệ sĩ đẳng cấp cao họ lao động nghệ thuật khác với nghề làm giải trí. Đi xem đi, để thấy nghệ thuật chính thống nó không hời hợt và thoảng qua như nghệ thuật giải trí. Đi xem đi, để lẫn mình vào cảm xúc thăng hoa của những người nghệ sĩ, bản năng đã sẵn tài năng… Biết làm sao để góp thêm một tay vào việc khẳng định và phân loại nghệ thuật. Biết tìm đâu một kênh quảng bá chính thống và đủ sự tin cậy với người xem để chúng ta rước họ đến với các dự án nghệ thuật? Biết tìm đâu chỗ để Thanh Lam, Tùng Dương nói về nghệ thuật mà không cần phải có “từ khóa” “The Voice” và vẫn lên được trang nhất mặt báo…

Và biết đến bao giờ mới không có chuyện điện thoại xin vé (mà chẳng cần biết mức độ thân sơ) với người làm nghệ thuật. Biết đến bao giờ, nghệ thuật cao cấp đồng nghĩa với nghệ thuật đắt tiền? Biết đến bao giờ mới thôi “sốt sình sịch” vé đêm thứ hai, chỉ vì đêm thứ nhất quá thành công trên mặt báo ngày hôm sau???

Bài: Chu Minh Vũ
Ảnh: 361Studios

Thực hiện: depweb

05/09/2012, 15:38