Người mẫu Hà Anh: Trộm cắp mới đáng lên án, không phải chiếc váy! - Tạp chí Đẹp

Người mẫu Hà Anh: Trộm cắp mới đáng lên án, không phải chiếc váy!

Sao

Tại sao “Sao” lại để quần áo định nghĩa mình?

Tôi là một người ưa thích sự “mạo hiểm”!
Trong nghệ thuật, tôi cho rằng người nghệ sỹ luôn phải biết cách làm mới mình với nhiều phong cách để tạo được sự thu hút, thú vị đối với khán giả. Cũng chẳng có gì là lạ, ngay cả trong mỗi con người của phụ nữ chúng ta cũng mang đầy đủ những cá tính nổi loạn, những dịu dàng nền nã, những mít ướt uỷ mị, và rồi cả những đằm thắm nồng nàn.

Vậy tại sao khi là nghệ sỹ, chúng ta phải một màu? Tại sao chúng ta phải để quần áo định nghĩa mình, đặc biệt là những lần bước lên trên thảm đỏ?

Thảm đỏ là cái gì vậy, mà nó khiến nghệ sỹ, mỹ nhân chăm chăm sửa soạn, quần là áo lượt, đầu tư thậm chí tiền tỉ, chỉ để rồi cuối cùng xuất hiện trong giây lát? Nhưng thảm đỏ thực sự là nơi xảy ra “cuộc chiến” của các “loại” sao. Ai nổi bật rạng rỡ, ai được truyền thông o bế, ai sẽ được giật tít trang nhất vào sáng mai? 

Là một người ưa thích sự “mạo hiểm” nên trang phục Hà Anh lựa chọn khi xuất hiện ở mỗi sự kiện đều gây bất ngờ

Thảm đỏ thực sự là nơi xảy ra “cuộc chiến” của các “loại” sao. Ai nổi bật rạng rỡ, ai được truyền thông o bế, ai sẽ được giật tít trang nhất vào sáng mai?”

Còn công chúng chẳng mất gì, họ được ngắm, tùy ý khen chê. “Ném đá” vào những NTK thời trang hàng đầu, thậm chí tranh thủ đánh giá đạo đức nhân vật, như thể mình là nhà đạo đức học. Thậm chí, có người còn ngồi phân tích tâm lý, hơn cả một nhà tâm lý. Chê người khác như thể là phương pháp trị liệu giúp một cộng đồng người xả stress sau một ngày vất vả. Chưa kể, thậm chí qua đó một số người còn cảm thấy mình tinh tế, đạo đức và có giá trị hơn.

Năng khiếu của dân mình là “thầy bói xem voi”

Tôi là một con người, một con người bằng xương bằng thịt! Điều này có nghĩa là tôi có quyết định đúng, ắt sẽ có quyết định sai. Cơ thể tôi không phải là ma nơ canh. Không, nó chuyển động, nó đi lại, nó nhún nhảy, nó xoay trước xoay sau. Vậy nên chẳng may chiếc váy phản chủ bị kéo lên cao một chút, hay lớp lót bên trong nó hở ra một tí, cũng là lẽ bình thường.

Trong cuộc sống văn minh, người ta sẽ rỉ tai nhắc nhau nhỏ một câu, cho chủ nhân kéo nó xuống, kéo nó lên. Nhưng trong xã hội showbiz, người ta nhìn thấy nó sơ hở, là phải dí ống kính tê lê vào chụp lia lịa. Chụp sao cho nó không hở cũng phải thành hở mới tài!

Cái này là bộ môn năng khiếu của người dân ta. Từ một chiếc váy, người ta có thể “thầy bói xem voi” ra được chủ nhân nó là con người thế nào, đối nhân xử thế, hay tính cách, tư cách ra sao. Nếu ưa mắt, người ta cho rằng người mặc là thánh thiện, là mỹ nữ, là thiên thần của tất cả các loại thiên thần. Chưa vừa mắt người ta cho rằng chủ nhân của nó là thứ chẳng ra gì, già rồi mà còn đú, trẻ ranh mà tinh tướng, trung niên mà chả hiểu sự đời.

Hà Anh: “Trong nghệ thuật, tôi cho rằng người nghệ sỹ luôn phải biết cách làm mới mình với nhiều phong cách để tạo được sự thu hút, thú vị đối với khán giả.” 


Đừng lên án chiếc váy, tội nó

Nhưng trước sau gì cũng do người ta quá đề cao “cái váy”!

Thảm đỏ có cần văn hoá? Điều đó chắc chắc có. Nhưng tôi cho rằng, cần có thêm chút nhân văn, chút thoáng đạt hơn trong cái nhìn.  Rút cuộc, nơi đó cũng chỉ là giải trí thôi mà, việc gì phải cuống cả lên.”

Ở nước ngoài, nghệ sỹ cũng có muôn vàn kiểu, thời trang cũng muôn vàn thể loại. Đấy, giả như ca sỹ Bjork khoách trên mình con thiên nga chết làm bộ váy. Kinh chết đi được! Cứ nghĩ đến cô ca sỹ này, người ta lại hình dung ra hình ảnh đó. Phong cách chẳng giống ai, quái quái vậy, nhưng nhạc là lạ, hay, đầy giá trị. Ít nhất là đối với những người coi trọng tầm giá trị của nó.

Thảm đỏ, tuỳ tính chất, thảm đỏ cho cái gì, ở đâu? Ở phòng khách sạn năm sao, hay nhà hát lớn, trong nhà trưng bày, hay rạp chiếu phim. Thảm đỏ càng lộng lẫy, những chiếc váy càng cần thướt tha. Nhưng đến với quán bar lại cần hiện đại và năng động. Đi xem triển lãm ảnh,  phải lịch thiệp sang trọng. Đi nghe nhạc rock thì phải te tua một tí, đi xem thời trang thì phải táo bạo một chút. Nếu ai đó suốt ngày an toàn với chiếc quần tây, chiếc váy ngang đầu gối thì chán chết! Mình còn chán mình, nói gì khán giả.

Mới đây khi xuất hiện trên thảm đỏ Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội, Hoa hậu đền Hùng Giáng My cũng gây tranh cãi khi diện bộ đầm gợi cảm của NTK Hoàng Hải


Tôi quan niệm, mỗi bộ cánh trên người nói lên cá tính, vai trò của người đó ở nơi họ xuất hiện.  Xem lại kho ảnh của mình, tôi chẳng thiếu những chiếc đầm dạ hội thướt tha, kín như bưng có, hiền dịu có. Cũng  chẳng thiếu những bộ cánh táo bạo khi đi xem fashion show, đến với những chương trình nghệ thuật phá cách…

Người ta khen tôi cũng có, chê cũng có. Có sao đâu, sống ắt có người yêu, kẻ ghét.  Tôi chẳng dám tự vỗ ngực là luôn đúng, bởi tôi sai đầy. Nhưng tôi là một con người.

Thảm đỏ có cần văn hoá? Điều đó chắc chắc có. Nhưng tôi cho rằng, cần có thêm chút nhân văn, chút thoáng đạt hơn trong cái nhìn.  Rút cuộc, nơi đó cũng chỉ là giải trí thôi mà, việc gì phải cuống cả lên! Hãy lo giữ chặt ví khi đi bộ ngoài đường kẻo bị giật. Trộm cắp mới đáng bị lên án. Còn lên án cái váy làm gì, tội cho nó, tội cả chủ nhân của nó!

Người mẫu Hà Anh
Ảnh: Nghệ sĩ cung cấp

logo

Tác giả “Thi nhân Việt Nam” từng nói: “Trong mỗi chúng ta đều có một người nhà quê”. Bạn có nghĩ, thời facebook, “trong mỗi chúng ta (cũng) đều có một… nhà báo”, một nhà “phản biện xã hội”? Nữa là, với một “người của công chúng”, mà ảnh hưởng của họ, trong mỗi phản biện, phát ngôn, nhiều khi còn có sức “công phá” hơn một bài báo “chính hiệu”?

Đẹp xin mời bạn đến với “SAO LÀM BÁO”, để được nhìn thấy những “nhà báo” trong mỗi “ngôi sao”, đồng thời xin mời những người của công chúng nói lên tiếng nói của mình, bằng trách nhiệm công dân của một người nghệ sỹ, trước những vấn đề không – của – riêng – ai.

Thực hiện: depweb

27/11/2014, 18:06