#LikeMotherLikeSon - Đạo diễn Hoàng Nhật Nam: "Mẹ là 'idol' khiến tôi hâm mộ suốt đời" - Tạp chí Đẹp

#LikeMotherLikeSon – Đạo diễn Hoàng Nhật Nam: “Mẹ là ‘idol’ khiến tôi hâm mộ suốt đời”

Giải Trí

Mẹ không chỉ là người yêu thương chăm sóc mà còn có ảnh hưởng lớn đến cảm quan nghệ thuật và cách đối nhân xử thế của đạo diễn Hoàng Nhật Nam. Nhân “Ngày của Mẹ”, anh đã trải lòng cùng Đẹp về mẹ – một người phụ nữ tài hoa, hết lòng chăm lo cho gia đình, và dành cho con cái tình yêu vô bờ.

Đạo diễn Hoàng Nhật Nam và mẹ

Cảm ơn đạo diễn Hoàng Nhật Nam vì đã dành thời gian trò chuyện cùng Đẹp nhân “Ngày của Mẹ”. Tôi tò mò không biết khi nhắc đến mẹ, anh sẽ nghĩ về điều gì đầu tiên?

Đó là 3 từ khóa – sự bình yên, an toàn, cảm giác được chở che. Với tôi, bên mẹ là hạnh phúc nhất, tôi có thể chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn với mẹ.

Mẹ tôi là người rất đa tài. Để mà kể ra chắc hết cả một ngày mất! (cười). Bà hài hước, khiêu vũ đẹp, hát hay, biết làm thơ, vẽ tranh… Bà có thể nấu ăn như một siêu đầu bếp, tự tay may quần áo cho các con như một thợ may lành nghề, dạy cho tôi những nét chữ đầu tiên như một giáo viên… Hơn thế, mẹ vừa là người bạn thân, vừa là “idol” (thần tượng) hội tụ rất nhiều phẩm chất khiến tôi có thể hâm mộ suốt đời.

Anh có thể chia sẻ một kỉ niệm đặc biệt đáng nhớ giữa anh và mẹ không?

Đó là vào ngày sinh nhật của mẹ khi chúng tôi còn nhỏ. Hồi đó, mọi người còn vất vả, không có nhiều người được tổ chức sinh nhật theo kiểu tặng quà cho nhau như bây giờ.

Do còn đi học nên chúng tôi đã nhịn ăn sáng để tích góp tiền mua quà cho mẹ. Hai anh em đã mua tặng mẹ những món quà rất giản dị – chiếc bút bi, bịch bột giặt, cùng chiếc bánh kem. Chỉ thế thôi nhưng quà được đặt trong giấy bóng kính thắt nơ, kèm theo một tấm thiệp ghi những lời chúc mừng rất dễ thương… Vào khoảnh khắc đem bánh ra rồi hát chúc mừng sinh nhật, tôi nhớ là mẹ vui đến chảy nước mắt vì có những con hiếu thảo, biết yêu thương mẹ.

Giữa vô vàn phẩm chất đáng quý ấy, điểm gì ở mẹ làm anh cảm thấy ngưỡng mộ và học hỏi được nhiều nhất?

Nhìn chung, những điều mẹ dạy đã hướng tôi trở thành một người sâu sắc, biết nghĩ cho người khác, biết cách cảm nhận nghệ thuật. Có những nỗi buồn hay tâm tư không biết tỏ cùng ai, mẹ sẽ chia sẻ với tôi, để động viên tôi cố gắng vì một cuộc sống tốt hơn.

Tuy có tâm hồn nghệ thuật nhưng những bài học mẹ dạy rất thực tế. Có lần tôi nuôi cá cảnh biển, dù rất cố gắng nhưng chỉ sau một ngày thì đàn cá mất hết do không đủ điều kiện sống. Lúc đó mẹ đã nói rằng, những điều mình mong muốn đôi khi sẽ không thành hiện thực, hãy tập làm quen để không bị thất vọng. Điều đó đúng với cuộc sống của tôi sau này, khi những nỗ lực của mình không phải lúc nào cũng đem lại trái ngọt. Khi đó, tôi cũng đã chuẩn bị tâm thế để có thể đứng dậy, thay vì bi luỵ hay chìm sâu vào nỗi buồn.

Đâu là một món quà đặc biệt từ mẹ mà anh luôn trân trọng?

Mẹ dành tặng rất nhiều món quà cho chúng tôi. Từ tấm bé, mỗi chiếc tất, găng tay, áo quần của anh em tôi đều do mẹ tự tay làm. Đối với tôi thì những món quà đó rất ý nghĩa, chúng là niềm tự hào về một người mẹ chịu thương, chịu khó, luôn vun vén cho gia đình trong những năm tháng khó khăn.

Hồi thi chuyển cấp từ cấp 2 lên cấp 3, tôi đỗ vào một trường điểm nổi tiếng. Mẹ mua về một cây hoa đại tướng quân rất to để ăn mừng. Bà bảo rằng đây là loài hoa luôn ngẩng cao đầu, giống như một vị tướng hiên ngang giữa trận mạc. “Mẹ nghĩ con cũng giống như một vị tướng quân đã thành công vượt vũ môn, bước vào một chặng đường mới”. Đó là món quà làm tôi nhớ mãi, vì nó rất đúng với công việc của tôi là một “đầu tàu”, tổng đạo diễn phải kiểm soát ê kíp của mình, giống như vị tướng quân điều binh khiển tướng vậy.

Gia đình đạo diễn Hoàng Nhật Nam

Khi nói đến người thân, chúng ta thường có rất nhiều nỗi sợ – như sợ họ buồn, sợ họ tủi thân, sợ họ thất vọng… Vậy khi nhắc đến mẹ, anh có nỗi sợ nào?

Bây giờ mẹ đã có cuộc sống đủ đầy, vui vẻ hơn, nhưng tôi luôn sợ bà sẽ cảm thấy cô đơn. Sau đổ vỡ hôn nhân, bà vẫn ở vậy, chọn cách khép lại lòng mình để vui vầy bên con cháu. Nhưng ai rồi cũng sẽ có cuộc sống riêng, nên đôi khi tôi vẫn thấy mẹ cô đơn, dù con cháu luôn yêu thương chăm sóc bà. Điều đó làm tôi buồn nhiều, nhưng cũng không có sự lựa chọn nào khác. Tôi chỉ biết thường xuyên gọi điện, sắp xếp thời gian về bên mẹ vào những dịp lễ Tết. Tuy không bao giờ là đủ, nhưng tôi luôn cố gắng dành thời gian ở bên mẹ nhiều nhất có thể.

Mẹ anh đã phản ứng như thế nào khi anh quyết định theo đuổi nghệ thuật – một lĩnh vực chưa hẳn được đón nhận như các ngành nghề khác?

Có một chuyện làm tôi nhớ mãi. Ba tôi rất giỏi chơi đàn guitar, hát hay, có khiếu văn nghệ. Vậy nên khi tôi tỏ ý muốn học đàn guitar, mẹ không cho phép và bảo rằng: “Thôi con đừng học đàn guitar. Con sẽ làm cho nhiều cô gái nhớ nhung, như ba con đã từng làm cho nhiều người đau khổ vì tiếng đàn ấy.” Bởi câu nói đó mà tôi quyết định không học đàn nữa.

Nhưng về sau, dù không định đi theo nghệ thuật, nhưng cái duyên vẫn đưa tôi vào con đường này. Giờ thì mẹ luôn ủng hộ và thường xuyên theo dõi những chương trình do tôi dàn dựng.

Với anh thì mẹ có phải là một “người bạn” ăn ý về quan điểm nghệ thuật không?

Mẹ tôi có trình độ cảm thụ nghệ thuật rất cao. Đôi khi mẹ đưa ra những bình luận, góp ý mà khiến tôi phải giật mình. Mẹ rất tinh tường khi phát hiện ra những nét thú vị trong những tác phẩm nghệ thuật.

Tôi nhớ nhất là mẹ khuyên tôi không nên thay đổi kiểu tóc quá nhiều, chỉ nên chọn vài kiểu tóc phản ánh chính xác con người mình. Với tư cách là một đạo diễn, tôi thấy góp ý đó hết sức đúng đắn: kiểu tóc hay trang phục mặc trên người đều nói lên tính cách của mình, nó phải là chính mình chứ không phải sự hóa thân của bất kì ai khác.

Ngoài người mẹ mà anh luôn tự hào, anh còn muốn nói lời biết ơn tới ai không?

Có lẽ là mẹ vợ. Bây giờ bà đã lớn tuổi nên nhớ trước quên sau. Khi dành thời gian chia sẻ với bà nhiều hơn, tôi nhận thấy rằng người già ai cũng cô đơn, dù cho họ đang sống cùng con cháu. Và chỉ có tình yêu thương, sự cảm thông mới giúp các con gần gũi với mẹ hơn.

Tôi biết ơn mẹ vì đã sinh ra và nuôi nấng người vợ mà tôi rất mực yêu thương. Bà là người mẹ thứ hai đã đem đến cho tôi một nửa của mình, để tôi có thể nối dài những yêu thương và có một gia đình hạnh phúc.

Ngoài mẹ thì vợ cũng là người thường xuyên chung khung hình với anh. Đã bao giờ 2 “tình yêu lớn” này xung đột? Nếu có, anh thường làm gì để giải quyết mâu thuẫn giữa mẹ và vợ?

Chắc chắn là giữa mẹ chồng và nàng dâu, sẽ luôn có những xung đột. Tôi đã gặp tình huống như vậy vài lần, và khá là khó xử đấy! (cười). Tuy nhiên, tôi đã tìm được một công thức chung, đó là: mình phải thực sự tỉnh táo, chân thành và quyết đoán để có thể giữ hòa khí hai bên. Là người đứng giữa, tôi sẽ phải phân tích tình huống, rồi khéo léo khuyên nhủ để hai người hiểu nhau hơn. Đó là một việc cần nhiều thời gian và không hề đơn giản, chúng ta phải dùng tình thương để vượt qua cái tôi của mỗi người. Bây giờ, hai “tình yêu lớn” của tôi đã tìm được tiếng nói chung, có thể vui vẻ, thoải mái chia sẻ với nhau.

Có thể thấy anh là mẫu người đàn ông của gia đình khi thường xuyên thể hiện tình cảm và dành những lời có cánh cho vợ. Liệu điều này có ít nhiều được ảnh hưởng từ mẹ không?

Phải nói rằng tôi được ảnh hưởng từ mẹ rất nhiều. Mẹ yêu thích điện ảnh phương Tây, thích thời trang, âm nhạc, thích đọc tiểu thuyết… Có thể nói bà là một người rất lãng mạn, tân tiến. Nên bà cũng thích thể hiện tình cảm, thường xuyên nói lời yêu thương với chồng con, thậm chí là với con riêng của ba tôi cũng như vậy. Chính những điều đó đã giúp tôi cảm nhận được hơi ấm của gia đình, sự gần gũi thân thương và đặc biệt là tình mẫu tử.

Vợ tôi thì lại không quen với những điều đó. Tôi chính là người khuyến khích cô ấy thể hiện tình cảm nhiều hơn. Tôi tin rằng thay vì cứ giữ kín tâm tư, hãy chia sẻ đi, rồi nó sẽ mang đến nguồn năng lượng vô biên có thể xoa dịu, cũng như hàn gắn tâm hồn.

Anh đã học hỏi được gì từ mẹ trong việc nuôi dạy con cái, và áp dụng chúng cho các con mình?

Tôi học hỏi từ mẹ việc thường xuyên cho con mình trải nghiệm những bộ phim, ca khúc hay, tiếp xúc với thiên nhiên, những không gian vui vẻ đầy sắc màu,… để con có một tâm hồn rộng mở. Tôi nghĩ rằng nghệ thuật giúp tâm hồn con người không bị chai sạn, trở nên bay bổng, tươi mát, có thể tự chữa lành trước những tổn thương. Những yếu tố ngoại quan cũng góp phần không nhỏ, nhưng những yếu tố nội sinh về tinh thần sẽ mang tính quyết định nhiều hơn.

Đã bao giờ anh làm cho mẹ cực kỳ buồn chưa?

Chắc chắn là có, thậm chí nhiều lần là đằng khác. Đó là những bất đồng về quan điểm, cách hành xử… Ví dụ như tôi có cách thể hiện riêng mà mẹ không đồng tình, nhưng rồi tôi sẽ chủ động làm hòa. Tôi tin rằng sau khi nghe tôi giải thích, mẹ cũng sẽ nguôi ngoai và hiểu rằng tôi đã trưởng thành, có những quyết định với lý do riêng, và quan trọng là tự chịu trách nhiệm được với những hành động của mình. Đôi khi trong cơn nóng giận, tôi cũng có những lời lẽ quá quyết liệt làm cho mẹ tổn thương. Nhưng rồi mọi thứ đều được hóa giải bằng tình yêu thương!

Vậy qua cuộc phỏng vấn này, anh có lời chúc hay bất kỳ ước mong nào muốn gửi đến mẹ của mình không?

Tôi mong mẹ sẽ luôn mạnh khỏe, vui vẻ, lạc quan, để còn đồng hành cùng tôi trong nhiều năm nữa, đến những vùng miền xa xôi của đất nước vì mẹ tôi rất thích cảnh đẹp. Tôi cũng hy vọng mẹ gác sang một bên những buồn phiền trong quá khứ, để có thể cùng tôi chia sẻ mọi thành công trong cuộc sống, cũng như chứng kiến sự trưởng thành của các cháu. Cuối cùng, tôi cũng mong mình sẽ có nhiều thời gian hơn để chăm sóc mẹ!

Cảm ơn anh vì những chia sẻ thú vị!

Tác giả: Vũ Thảo

11/05/2024, 23:29