Xuân Quế "Bếp Nhà Tui": "Tôi là đầu bếp không lương" - Tạp chí Đẹp

Xuân Quế “Bếp Nhà Tui”: “Tôi là đầu bếp không lương”

Ẩm Thực

Những món ngon của chị Xuân Quế chia sẻ cùng bạn đọc Đẹp Online

Tên thật: Tạ Thị Xuân Quế
Facebook: Xuân Quế – với hơn 60 album các món ăn gia đình.
Hiện sống tại Tp.HCM
Chủ nhân blog Bếp Nhà Tui
Có hàng triệu những bà nội trợ Việt vẫn nấu ăn hàng ngày cho gia đình, chị Xuân Quế cũng vậy. Điểm khác biệt của chị không phải là ở những bữa ăn cầu kỳ hay đẹp mắt, mà sự khác biệt chính là, ở những gì chị chia sẻ, người ta luôn cảm nhận được sự chân thành, cảm nhận được tình yêu mà chị dồn vào mỗi món ăn. Chị chăm sóc gia đình mình bằng cách chăm chút những bữa cơm hàng ngày.

Chị Xuân Quế đã chia sẻ với Đẹp Online những tâm sự cũng rất đỗi giản dị của mình.

– Hàng ngày, chị vẫn post đều đặn hình ảnh bữa cơm gia đình lên facebook, chị có nhớ, mình bắt đầu nấu nướng, bày biện từ bao giờ không?

– Nấu nướng và trình bày món ăn sao cho ngon và đẹp mắt đối với tôi đã là thói quen từ lâu. Tôi thích món ăn vừa ngon lại vừa phải đẹp mắt, nhìn thôi là đã thấy đói bụng. Còn thói quen chụp ảnh món ăn thì có lẽ đã phát sinh từ khi tôi bắt đầu tham gia facebook. Việc chia sẻ lên cộng đồng này giúp tôi giao lưu được với rất nhiều bạn bè cùng sở thích.

Xuân Quế, bếp nhà tui, nấu ăn gia đình, người phụ nữ của gia đình, food blogger, bà nội trợ kiểu Việt

Chị Xuân Quế và hai con

– Niềm yêu thích nấu nướng của chị khởi nguồn từ đâu và bao giờ vậy? Tôi thấy món gì chị cũng có thể làm, từ bánh trái, các loại mứt, đồ uống, món ăn kiểu nhà hàng tới những món bình dân, chị học chúng từ đâu vậy?

– Niềm yêu thích nấu ăn của tôi có lẽ khởi nguồn từ nhu cầu thích ăn ngon của bản thân và các thành viên gia đình. Ngoài ra, cũng nhờ cộng đồng Internet có nhiều chia sẻ công thức, bí quyết nấu ăn nên nếu muốn ăn món nào tôi sẽ tự tìm và học nấu theo các công thức trên mạng, có thể biến tấu hoặc gia giảm gia vị theo khẩu vị gia đình. Đồng thời, tôi cũng chịu khó để ý cách chế biến nấu ăn của các “bậc tiền bối” tại nhà như mẹ ruột và mẹ chồng. Vì nhà tôi người miền Nam và nhà chồng người miền Bắc nên cách chế biến các món ăn có sự khác biệt, nhưng tôi vẫn học hỏi và thực hành theo cách nấu của cả hai miền để các món ăn trong bữa cơm thêm phần phong phú. Còn có một cách học hỏi khá hay là khi đi chợ mua nguyên liệu, tôi sẽ học hỏi chính những người bán hàng vì họ có nhiều kinh nghiệm khá là hay ho. 

– Ngoài niềm yêu thích nấu nướng, còn có lý do nào mà chị lại chăm chút bữa cơm gia đình đến thế không? 

– Câu nói đơn giản của các cụ là “muốn ăn thì phải lăn vào bếp”. Nếu có hôm tôi lười hoặc bận quá thì cả nhà sẽ đói meo và phải dẫn nhau ra hàng ăn cơm bụi hay “cơm Tây”. Thiệt thòi thứ nhất là sẽ tốn kém. Thứ hai, ăn ngoài hàng thường sẽ ít rau xanh, dầu mỡ và gia vị nhiều, nguồn gốc nguyên liệu không rõ ràng. Đó là lý do khiến tôi mỗi ngày dù bận đến mấy cũng phải ráng “lăn vào bếp”. Tôi nghĩ công việc nấu nướng cho gia đình là chuyện bình thường, không có gì quá lớn lao. Tuy ở Việt Nam vẫn còn theo cách sống Á Đông, chỉ có phụ nữ mới phải gia chánh nấu nướng, nhưng nếu cuối tuần sắp xếp được thời gian, tôi sẽ rủ cả con trai và con gái cùng vào bếp nấu những món ăn đơn giản để cho chúng trải nghiệm muốn có món ăn ngon thì phải trải qua các bước như thế nào. Qua đó, giúp các con có một vốn sống cơ bản. 
























Bữa cơm của gia đình do các con tự tay làm dưới sự hướng dẫn của chị Xuân Quế

– Khi nấu nướng cho gia đình, đâu là những yếu tố chị quan tâm và lưu ý nhất? Bữa ăn hàng ngày của chị thường rất khoa học và cân bằng dinh dưỡng, khi thực hiện chúng, chị có tính toán hay cân nhắc các món ăn hay không?

– Nấu gì, ăn gì là câu hỏi ngày nào cũng lặp lại, nhàm chán và nhức óc nên tôi cứ phân vai món chính thì phải luân phiên thịt– cá – hải sản, thịt thì thay đổi heo/bò/gà/ếch, cá thì cá biển/cá đồng, hải sản cũng thay đổi. Ngoài ra, tôi cũng đi chợ theo mùa, mùa nào món đó vừa hợp giá vừa chuẩn ngon. Món phụ thì các bé nhà tôi ít chịu ăn trái cây nhưng lại thích ăn rau nên lúc nào cũng phải có món canh và món luộc/xào. Bữa ăn sẽ đầy đủ các vitamin và khoáng chất nếu kết hợp rau/bông trên cành và củ quả dưới đất và các loại màu sắc xanh, đỏ, vàng của rau củ. Bữa ăn tôi nấu chung cho cả gia đình nhưng cũng để ý nhu cầu ăn uống của mỗi người, ví như trẻ em đang tuổi lớn nên ăn thịt, cá, cơm nhiều. Người lớn thì ăn ít cơm, giảm thịt và rau nhiều hơn. 

Nhà tôi ít người nhưng nấu món nào phải canh khẩu phần mỗi bữa ăn vừa đúng, không để đồ ăn thừa. Ví dụ như hôm nào mua bó cải to quá, thì tôi chia làm đôi hôm trước nấu canh, hôm sau xào hoặc luộc. Con gà mua về thì chia làm 2 hoặc 3 món ăn. 

 – Chồng và con chị thường “phản ứng” như thế nào với những bữa cơm chị nấu? Hỏi thật là đã có ai từng chê bữa ăn của chị chưa đấy? 

– Lời khen không cần nói ra thành lời nhưng hôm nào sạch nồi sạch đĩa là biết món ăn đạt điểm 10. Dĩ nhiên, thỉnh thoảng tôi vẫn mắc lỗi như nêm nhạt hay mặn quá, món ăn chưa mềm hay nguyên liệu chưa ngon. Khi đó, tôi sẽ nhận được ngay những phản hồi của các “thượng đế” và rút kinh nghiệm cho lần sau. Đôi khi tôi phải bật cười khi con gái thì bảo thích ăn cơm nhà mẹ nấu hơn ăn cơm bụi, còn con trai thì “mẹ siêu nhất, mẹ nấu ngon nhất trên đời”. Hễ các con muốn ăn món gì là đề nghị mẹ làm ngay và luôn, cứ như mẹ nó là “phù thủy” biến một cái có sẵn nguyên liệu trong bếp vậy.

– Bữa cơm gia đình chị thường xấp xỉ khoảng 100 nghìn nhưng vẫn rất tươm tất, chị cân đối thế nào mà giỏi thế?

– Như tôi đã nói ở trên, tôi định lượng theo khẩu phần nấu vừa đúng không dư thừa. Lúc đi chợ, tôi để ý khoản tiền là trung bình 100 nghìn rồi lựa thực phẩm. Ví dụ món cá kèo kho tiêu nhà tôi ăn một bữa nếu mua 2 lạng thì hơi thiếu, 3 lạng thì sẽ thừa nên tôi sẽ mua 2 lạng và kho kèm một ít thịt ba chỉ, vừa béo vừa đủ để ăn sạch veo. Món chính thường chiếm 40-60% số tiền cho bữa ăn. Tất nhiên, thỉnh thoảng, có hôm có món ngon lạ thì tôi cũng phải “cháy túi” để đãi cả nhà đấy.

Xuân Quế, bếp nhà tui, nấu ăn gia đình, người phụ nữ của gia đình, food blogger, bà nội trợ kiểu Việt

Chị Quế có hàng chục album về các món ăn hàng ngày

– Thời gian cho mỗi bữa ăn của chị là bao nhiêu? Chị có bí quyết gì để chia sẻ với các bà nội trợ trong cách nấu cũng như cách sắp xếp thời gian không? 

– Thường tôi chỉ canh giờ nấu nướng trước 30 phút đến 1 tiếng trước giờ ăn vì nấu xong ăn ngay mới ngon. Thường thời gian sơ chế nguyên liệu sẽ lâu nên lúc nào rảnh rỗi thì tôi sẽ sơ chế trước rồi để sẵn ở ngăn mát. Khi nấu, trước tiên tôi sẽ xem món nào cần ướp gia vị cho thấm thì làm trước, rồi theo thứ tự cho món nào có thời gian nấu lâu trên bếp thì làm trước rồi tranh thủ lúc nấu món này thì sơ chế món kia chẳng hạn. Bếp gas nhà tôi có 3 lò nên tôi lúc nào cũng canh sao cho cả 3 món hoàn thành dọn lên mâm cơm cùng một lúc. 

– Thường chị lên thực đơn cho bữa ăn trước bao lâu vậy?

– Nhà tôi gần chợ và siêu thị nên sáng đưa con đi học thì tôi có thể tranh thủ tạt ngang chợ xem có gì tươi ngon rồi lên thực đơn. Khi có thời gian thì đi siêu thị mua ít thực phẩm trữ tủ lạnh để nếu có bận rộn thì cũng không lo không có gì ăn. 

– Ngoài sở thích nấu nướng, chị còn thích chụp ảnh. Người vừa thích nấu nướng, vừa thích chụp ảnh thường là rất duy mỹ, chị có thấy mình như thế?

– Tôi vô tình tham gia vào Hội Food Photography, hội này đã mang đến cho tôi rất nhiều cảm hứng và đam mê, giúp công việc nội trợ hơi buồn chán của tôi trở nên “có màu” hơn. Tôi rất biết ơn sự chia sẻ kiến thức của mọi người trong nhóm. Nhờ học hỏi mà tôi đã tự tiến bộ hơn rất nhiều. Cám ơn từ “duy mỹ” của bạn vì nó thật chính xác. Chụp ảnh food vui nhất là khi ai đó nhìn vào hình của bạn và kêu thèm, kêu đói.

– Rất nhiều những bạn bè chị đã chuyển sang kinh doanh ẩm thực nhưng chị hình như không có ý định ấy? Tại sao vậy?

– Có lẽ tôi chưa có duyên với ngành làm dâu trăm họ. Trước mắt tôi cảm thấy hài lòng với việc nấu ăn, chụp ảnh vừa thỏa mãn sở thích vừa chăm chút được cho gia đình mình.

– Đối với chị, bữa ăn hàng ngày của gia đình có ý nghĩa gì?

– Bữa ăn là giờ sum họp của cả nhà. Giờ ăn con cái và cha mẹ có sự giao lưu nói chuyện. Tôi chỉ mong nhà nào cũng ấm áp với những bữa cơm gia đình, dù đơn giản hay cầu kỳ nhưng chan chứa tình yêu của “đầu bếp không lương”. (Cười)

– Trân trọng cảm ơn chị, chúc gia đình chị luôn có những bữa cơm thật ấm cúng!


Thực hiện: Tiều Phu

Ảnh nhân vật cung cấp

logo
 

Rất nhiều phụ nữ gốc Việt là chủ nhân của các kênh Youtube đình đám, có lượng người follow rất lớn. Thông qua đó, họ đã truyền bá tinh hoa ẩm thực Việt Nam, giúp phụ nữ Việt thế hệ @ có thêm nhiều cảm hứng trong nấu nướng. Họ góp phần không nhỏ giúp các bạn trẻ người Việt sinh sống tại rất nhiều nơi trên thế giới có thể tìm hiểu, tự mày mò nấu các món ăn quê hương thật ngon, giúp các mẹ bận rộn chỉ bằng vài click là tự tin mua đúng nguyên liệu, chọn lựa công thức và nấu ngon đúng điệu…
Foodblogger, Vlogger không đơn giản chỉ là một thú vui, một đam mê mà còn là một nghề thú vị. Tại nước ngoài, sở hữu một kênh youtube nhiều người theo dõi cũng là một công việc hái ra tiền. Tại Việt Nam, bạn có thể vừa nấu ăn cho gia đình, vừa tranh thủ “décor” món ăn, gửi cộng tác với các báo là cũng có thêm một nguồn thu nhập nho nhỏ để trang trải cuộc sống và tiếp tục hứng thú với những thú vui tao nhã.
Hãy tìm hiểu về những câu chuyện thú vị của mỗi đầu bếp gia đình mà ngọn lửa và hương vị của họ đã lan tỏa khỏi căn bếp riêng để đi rất xa.

Đón đọc chùm bài về những bà nội trợ kiểu Việt:

Thực hiện: depweb

06/08/2015, 12:16