Van’s Kitchen: Người Việt đi đâu cũng mang theo hương vị của mình

– Họ tên: Phạm Đăng Bích Vân

– Hiện định cư và sinh sống tại Mỹ.

– Chủ nhân trang blog Van’s Kitchen:

www.gocbep.com

http://www.vanskitchen.net

www.facebook.com/gocbep

www.youtube.com/vanskitchen

– Chào chị Vân, được biết hiện tại chị đang định cư tại Mỹ cùng gia đình, đây cũng là nơi chị bắt đầu niềm đam mê ẩm thực và viết blog. Vậy đam mê đó đã được hình thành từ sớm hay chỉ mới nhen nhóm từ khi chị bắt đầu sống trên xứ người?

– Chào bạn! Từ khi còn rất bé, mình đã được học những điều căn bản cũng như các mẹo vặt chế biến món ăn từ ba má, chị gái và mẹ đỡ đầu. Khi đi du học ở Nhật, mình được tiếp cận nhiều hơn về nền ẩm thực Nhật. Mình có chị gái sinh sống ở Pháp nên cũng học được từ chị rất nhiều bí quyết làm bánh Tây cực ngon. Ngoài ra thì mình cũng may mắn được sống cùng gia đình người Pháp và Ý trong thời gian đi du lịch nên cũng học được rất nhiều điều thú vị trong bữa ăn và cách chế biến món Âu.

– Vậy là niềm đam mê ẩm thực của chị đã được nhen nhóm từ rất lâu cùng những trải nghiệm thú vị của riêng chị trong cuộc sống. Chị có tự thấy mình là một người may mắn?

– Ồ, có lẽ vậy! Sinh ra và lớn lên ở miền cát biển Cam Ranh, sau khi tốt nghiệp đại học, mình tham dự một cuộc thi hùng biện tiếng Nhật và được cấp học bổng du học tại đất nước xinh đẹp này. Sau đó, khi đang trong thời gian làm luận án tiến sĩ về ngành Quốc tế học thì mình gặp và yêu một du học sinh Mỹ. Thời điểm đó, mình đã quyết định không ở lại Nhật để trình bày luận án nữa mà sẽ trở thành “cô bé Lọ Lem”. Mình đã kết hôn và định cư cùng chồng tại Mỹ.

– Vậy bước ngoặt đó có phải cùng thời điểm với sự ra đời của Van’s Kitchen?

– Bắt đầu từ việc viết blog về những vui buồn của một người con xa quê trên đất Mỹ, mình chuyển sang chia sẻ việc nội trợ từ lúc nào không hay. Ngày đó, trang blog của mình chưa phải là “Van’s Kitchen”  mà là blog “Nồi niêu” (noinieu.blogspot.com). Trang Van’s Kitchen chính thức ra đời khi mình quyết định quay phim thay vì chụp hình từng công đoạn chuẩn bị món ăn như trước đây.

– Sinh ra trong một gia đình Việt, từng du học tại Nhật, say mê các món bánh Âu và hiện đang kết hôn cùng một người Mỹ, vậy nền ẩm thực của đất nước nào được xem là sở trường của chị?

– Thật sự hơi khó trả lời! Vì mình sinh ra và lớn lên ở Việt Nam nên không thể thiếu các món ăn được nêm nếm cùng nước mắm. Nhưng anh xã thì chỉ mới bắt đầu làm quen với nước mắm từ khi gặp mình. Vì vậy, khi nấu ăn cho cả gia đình, mình thường xuyên thay đổi giữa món Á và Âu để không ai “biểu tình”. Nhưng có thể nói ẩm thực Việt Nam vẫn hấp dẫn và thôi miên mình hơn!

– Thường xuyên nấu các món Việt Nam cho gia đình thưởng thức, chị có gặp khó khăn khi phải tìm nguyên liệu đúng chất Việt tại các chợ Mỹ?

ads
ads

– Lúc ở Nhật, nguyên liệu Việt Nam cực kỳ khó tìm, đặc biệt là các loại rau thơm. Nhưng ở Mỹ nói chung và Phoenix là nơi mình đang sống nói riêng, cộng đồng Việt Nam rất đông. Hầu như tất cả nguyên liệu để chế biến các món ăn Việt Nam truyền thống đều có bán. Đặc biệt nhất là người Việt mình, đi đâu thì cũng phải mang hương vị riêng của mình gieo trồng đến đó. 

– Trong suốt thời gian theo đuổi đam mê nấu nướng, hẳn chị phải có những kỉ niệm đáng nhớ cùng các món ăn của mình?

Kỉ niệm đáng nhớ có lẽ là khi thực hiện món bánh bột lọc trần do bạn xem kênh yêu cầu. Đây vốn là món bánh quen thuộc mà mình đã từng phụ làm rất nhiều lần lúc còn nhỏ. Bánh này phải nhồi bột bằng nước sôi rất nóng. Mình dùng đũa quấy thế nào gãy luôn cả đũa, đụng tay vào thì nóng quá đành bỏ luôn cả bột. Nhưng sau đó quyết định thử lại bằng cách dùng máy để nhồi bột và mình đã thành công. Cách làm bánh bột lọc trần nhờ vậy cũng trở nên nhẹ nhàng hơn đối với mình. 

– Trang Van’s Kitchen của chị được thực hiện ở cả hai ngôn ngữ là Việt Nam và tiếng Anh cùng rất nhiều hình ảnh, video clip hướng dẫn chi tiết cách nấu từng món. Có ai hỗ trợ chị trong việc thực hiện blog hay không?

– Từ khâu lựa chọn nguyên liệu, nghiên cứu công thức, quay phim, chụp ảnh, dựng phim, lồng tiếng, đưa lên mạng… đều do mình tự xoay sở. Nhưng trước khi xuất bản, mình luôn nhờ anh xã xem và góp ý, chỉnh sửa lại nếu cần thiết, nhất là phần phát âm tiếng Anh của mình. Được người nói tiếng bản xứ kiểm tra thì vẫn an tâm hơn mà!

– Những câu chuyện của chị thực sự rất thú vị và có lẽ đã truyền cảm hứng cho rất nhiều tâm hồn yêu bếp núc. Để chia sẻ thêm một điều gì đó với những người trẻ vẫn từng ngày theo dõi Van’s Kitchen, chị nói gì?

– Có một câu nói đùa nhưng lại rất đúng: Con đường tình yêu luôn đi ngang qua bao tử. Mình hy vọng Van’s Kitchen sẽ tiếp tục là chiếc cầu nối từ bao tử đến trái tim hướng về Việt Nam cho tất cả các bạn trẻ gốc Việt ở nước ngoài và cả bạn bè quốc tế muốn tiếp cận văn hóa ẩm thực Việt Nam. Nếu bạn có sở thích ẩm thực, hãy cứ “cháy hết mình” và có trách nhiệm với đam mê đó!

– Cảm ơn chị Vân và những chia sẻ rất chân thành của chị. Chúc gia đình chị luôn gặp nhiều may mắn trong cuộc sống và trang blog Van’s Kitchen của chị luôn được nhiều độc giả theo dõi và yêu mến!


Bài: Bình Minh

Ảnh: Nhân vật cung cấp

logo

Rất nhiều phụ nữ gốc Việt là chủ nhân của các kênh Youtube đình đám, có lượng người follow rất lớn. Thông qua đó, họ đã truyền bá tinh hoa ẩm thực Việt Nam, giúp phụ nữ Việt thế hệ @ có thêm nhiều cảm hứng trong nấu nướng. Họ góp phần không nhỏ giúp các bạn trẻ người Việt sinh sống tại rất nhiều nơi trên thế giới có thể tìm hiểu, tự mày mò nấu các món ăn quê hương thật ngon, giúp các mẹ bận rộn chỉ bằng vài click là tự tin mua đúng nguyên liệu, chọn lựa công thức và nấu ngon đúng điệu…
Foodblogger, Vlogger không đơn giản chỉ là một thú vui, một đam mê mà còn là một nghề thú vị. Tại nước ngoài, sở hữu một kênh youtube nhiều người theo dõi cũng là một công việc hái ra tiền. Tại Việt Nam, bạn có thể vừa nấu ăn cho gia đình, vừa tranh thủ “décor” món ăn, gửi cộng tác với các báo là cũng có thêm một nguồn thu nhập nho nhỏ để trang trải cuộc sống và tiếp tục hứng thú với những thú vui tao nhã.
Hãy tìm hiểu về những câu chuyện thú vị của mỗi đầu bếp gia đình mà ngọn lửa và hương vị của họ đã lan tỏa khỏi căn bếp riêng để đi rất xa.

Đón đọc chùm bài về những bà nội trợ kiểu Việt:


From the same category