Uyên Linh: “Tôi chẳng có gì ngoài dũng cảm” - Tạp chí Đẹp

Uyên Linh: “Tôi chẳng có gì ngoài dũng cảm”

Review

Bước ra từ Việt Nam Idol 2010, Uyên Linh là một trong những quán quân hiếm hoi của các cuộc thi âm nhạc giữ được sức hút của mình sau nhiều mùa đăng quang nối tiếp. Dẫu suốt chặng đường 5 năm đó, cô gái trẻ này gặp không ít khó khăn.

Có người bảo Uyên Linh cố chấp vì cứ khăng khăng hát ý mình, nghĩa là chọn dòng nhạc không mấy “đại chúng” lắm. Cô cũng thủng thẳng trong việc ra mắt album mới bởi cái tính cầu toàn, tỉ mỉ khó bỏ. Cho nên, chuyện cô ngoan cố trong việc bản quyền trong âm nhạc chẳng có gì là lạ. Nhất là khi cô là học trò của  nhạc sĩ Quốc Trung – người đi đầu trong phòng trào Nghe nhạc có ý thức.

Ảnh chụp màn hình status Uyên Linh đăng tải chia sẻ lí do vì sao cô không để tải nhạc miễn phí sản phẩm mới của mình.

Hai năm đầu tiên sau khi trở thần tượng âm nhạc, Uyên Linh thuộc sự quản lí của công ty Thanh Việt. Đó là khoảng thời gian cô tập trung cho việc học hát và biểu diễn. Dưới sự dìu dắt của nhạc sĩ Quốc Trung, cô dần tìm được một vị trí riêng cho mình giữa showbiz đầy những gương mặt mới. Đây cũng là nền tảng để Uyên Linh có thể tự tính toán để đi những bước dài trong sự nghiệp sau này và nhen nhóm ý định đổi thay nền nhạc Việt đã cũ.

Cô chia sẻ: “Đến năm 2013, khi ra tự lập, tôi ý thức được việc các sản phẩm của mình sẽ không xuất hiện tràn lan trên mạng mà sẽ có một bên công ty duy nhất khai thác ca khúc và giúp tôi thực hiện các vấn đề liên quan đến luật trên mạng”. Dẫu điều này khiến không ít khán giả “than thở” bởi họ đã quá quen với những cú click chuột và tải nhạc miễn phí. Nhưng đã đến lúc, Uyên Linh quyết tâm thực hiện những điều mà Quốc Trung dạy bảo.

Bước chân vào showbiz, ai cũng muốn mình được nhớ mặt gọi tên. Và so với các lĩnh vực khác, làng nhạc Việt là nơi diễn ra cuộc cạnh tranh khốc liệt nhất. Có quá nhiều ví dụ cho việc hôm nay vụt sáng thành một ngôi sao nhưng chẳng mấy chốc sau bị lãng quên như chưa từng tồn tại. Uyên Linh đã liều lĩnh khi chọn cho mình một con đường đi khó, và càng khó hơn khi muốn sản phẩm được trân trọng. Việc không dán mác “download free” cho các bản nhạc của mình như một rào chắn khiến việc khán giả tiếp cận cô một cách khó khăn hơn. “Nhưng tôi vẫn tin, tôi nên làm như tôi và ekip vẫn làm. Chúng ta không thể mãi mãi mất kiểm soát với những sở hữu trí tuệ của mình” – Linh nói.

Câu chuyện về nghe nhạc có ý thức được nhắc đến từ mấy năm trước, nhưng chừng ấy đoạn đường những người có tâm như nhạc sĩ Quốc Trung, Huy Tuấn vẫn chưa thể thay đổi thói quen của hàng triệu người nghe nhạc Việt. Họ vẫn bám đuổi mục tiêu của mình và truyền nó cho thế hệ trẻ hơn như Uyên Linh. Không phải ai cũng đủ dũng cảm để cầm đuốc dẫn đường như Linh, bởi người đầu tiên bao giờ cũng nhận nhiều thiệt thòi. Cô chấp nhận những bài hát cũng mình xa lạ với phần đông khán giả, tên tuổi không được rộng khắp để đổi thay một thói quen cố hữu. Đây là ván cờ mà nếu tính toán không khéo, rất nhiều khả năng cô không giữ được vị trí mà mình cố công gầy dựng.

Hành trình này cũng quá nhiều đơn độc, bởi không phải ca sĩ nào cũng chịu phần thiệt để trở thành một người bạn đồng hành cùng cô và không phải khán giả nào cũng nhanh chóng thấu hiểu. Trước những khó khăn phải đối mặt, Uyên Linh chỉ nhẹ nhàng nói rằng: “Thiệt thòi vài năm tôi chịu được, chứ làm những điều vô lý và không đúng nguyên tắc của mình thì tôi không còn cảm xúc gì nữa. Âm nhạc là điều quý giá nhất đối với tôi, chính tôi không bảo vệ những sản phẩm âm nhạc của mình ngay từ bây giờ, thì sẽ là ai và sẽ là bao giờ đây?”. 

Thành thật mà nói, tên tuổi Uyên Linh chưa quá sáng để hút khán giản làm theo ý mình nhưng lối tư duy mới và sự dũng cảm của Linh đủ để người ta ngẫm suy.Chặng đường phía trước có thể kéo dài 5 năm hay 10 năm tất cả đều phụ thuộc vào sự văn minh của người nghe nhạc. Khán giả phải đổi mới cách nghĩ, chấp nhận cái phí cần trả cho công sức và sự sáng tạo của những người nghệ sĩ để âm nhạc Việt thật sự có bước chuyển mình.

Nhà sản xuất/nhạc sĩ Dũng Đà Lạt: Tôi thấy việc trả tiền khi tải nhạc là một chuyện hiển nhiên, nhưng lại hiển nhiên ở những quốc gia khác ngoài Việt Nam. Thật sự, những người làm nghệ thuật như chúng tôi ngoài tiếng vỗ tay và sự yêu thương của khán giả vẫn cần nhiều điều để có thể sống với nghề. Và việc tính phí khi “sở hữu” bản nhạc như cách Linh đang làm là điều công bằng cả người nghe và nghệ sĩ. Đó cũng là động lực để chúng tôi phát huy hết khả năng của mình mà sáng tạo.

Bài: Mỹ Khánh

logo

Thực hiện: Đặng Trung Hiếu

27/11/2015, 09:59