Đã có thời, người ta coi tất cả những gì tới từ phương Tây đều là số một, tất cả mọi giá trị phương Tây đều được coi là chuẩn mực. Giờ đây, thế giới phương Đông huyền bí với những bí quyết làm đẹp có hàng ngàn năm lịch sử đã trỗi dậy và lấy lại sức hút kỳ diệu của mình.
Khi đôi đũa trở thành mốt
Có một bức tranh vui ám chỉ rằng, nếu ở châu Á dao và dĩa là mốt thì ở châu Âu đũa và thìa mới được coi là thời thượng.
Trào lưu văn hóa phương Đông dấy lên tại phương Tây, những nhà hàng Nhật Bản, Trung Quốc trên các con phố lớn lúc nào cũng đông nghẹt khách da trắng tóc vàng, phương thức chữa bệnh kiểu phương Đông là hình thức chăm sóc sức khỏe phát triển nhanh nhất tại Mỹ.
Kéo theo đó là mối quan tâm tới thế giới này, với những câu chuyện đầy huyền bí về những mỹ nhân khuynh thành.
Lý giải về trào lưu trở lại phương Đông của thế giới mỹ phẩm, cũng không thể không kể tới mối sợ hãi ngày càng tăng về nguy cơ tồn đọng hóa chất trong các tế bào cơ thể, gây ra các căn bệnh nan y mà một trong số đó là các loại ung thư đến nay vẫn chưa có thuốc chữa hữu hiệu.
Trong điều kiện đó, các loại thảo dược phương Đông bộc lộ ưu điểm về cảm giác an toàn, thân thiện mà vẫn hiệu quả. Đặc biệt những hiệu quả này đã được kiểm chứng qua quá trình lịch sử hàng ngàn năm, từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Tôi ấn tượng mãi câu chuyện về việc tìm ra hoạt chất chiết xuất từ quả Emblica ở Ấn Độ cho sản phẩm trắng da mới của Elizabeth Arden.
Ông Tony Vagas, Phó Chủ tịch phụ trách nghiên cứu và phát triển tập đoàn trong quá trình tìm kiếm hoạt chất cho sản phẩm chống lão hóa, tình cờ gặp một người làm tại công ty chuyên về các loại hoạt chất.
Anh ta cho biết, khi tới một vùng đất thuộc Ấn Độ, anh đã rất ngạc nhiên vì làn da trắng mịn của những người phụ nữ nơi đây, và bí quyết mà họ tặng cho anh chính là Emblica.
Khi tôi hỏi Vagas, điều gì khiến ông tin tưởng vào tác dụng của Emblica đến vậy, ông trả lời: “Là hàng nghìn năm lịch sử”. Tony Vagas cũng khẳng định các hãng mỹ phẩm phương Tây đang có xu hướng tìm kiếm các nguồn hoạt chất mới xuất xứ từ phương Đông.
Sức hấp dẫn ánh kim
Tất nhiên, một lý do chính yếu nữa là sự phát triển nhanh chóng của thị trường châu Á đầy tiềm năng mà các nhà tài phiệt không thể không chú ý.
Từ khoảng đầu những năm 1990, sau khi hoàn thành quá trình bành trướng ở châu Âu và Mỹ, các tập đoàn mỹ phẩm danh tiếng bắt đầu chú ý tới thị trường châu Á đầy tiềm năng còn bỏ ngỏ.
Bắt đầu từ những dòng sản phẩm trắng da hướng tới thị trường này, một cuộc đổ bộ ồ ạt đã bắt đầu, và tới nay, hầu hết tất cả các nhãn hiệu mỹ phẩm nổi tiếng và lâu đời đã coi châu Á là thị trường chiến lược.
Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc đã trở thành ba trong năm thị trường mỹ phẩm lớn nhất thế giới.
Cuối năm 2007, trong chiến dịch thay đổi hình ảnh đại diện, ra mắt chương trình “Le massage”, giới thiệu hệ thống salon với thiết kế mới… của tập đoàn Clarins, nút nhấn refresh đầu tiên đã được chọn là Bắc Kinh chứ không phải bất cứ một cái tên quen thuộc nào khác như Paris hay New York.
Một chương trình kéo dài tới 4 ngày với sự có mặt của Tổng giám đốc cùng các vị lãnh đạo tập đoàn và nhà báo đến từ khoảng 10 quốc gia châu Á, đã cho thấy vị trí của thị trường châu Á được tập đoàn quốc tế này đánh gia cao như thế nào.
Hay như L’Oreal Paris đã tiến hành một chương trình nghiên cứu quy mô để xây dựng nên mô hình riêng về quá trình lão hóa da của phụ nữ châu Á.
Và để thích ứng cũng như được thị trường mới chấp nhận, không cách gì thích hợp hơn việc đưa ra những sản phẩm phù hợp với người dân bản địa.
Một điều chắc chắn rằng trong việc làm đẹp, thói quen, đặc điểm sinh lý và tâm lý của phụ nữ châu Á và châu Âu hoàn toàn khác nhau.
Trong buổi ra mắt sản phẩm trắng da L’Oreal RevitalLift White tổ chức tại Bangkok đầu năm 2007, một bác sĩ da liễu nổi tiếng tại Thái Lan đã kể rằng, trong quá trình làm việc của mình, bà đã được tiếp xúc với cả các bệnh nhân từ châu Âu cũng như châu Á.
Bà thấy rằng những phụ nữ châu Âu thường chỉ có khoảng 4 – 6 loại mỹ phẩm thường xuyên sử dụng, còn với phụ nữ châu Á thì trái ngược hoàn toàn.
Có lần, bà yêu cầu một bệnh nhân người châu Á mang đến những mỹ phẩm thường dùng của cô, và sau đó cô đã dốc trong túi ra khoảng 14 loại mỹ phẩm khác nhau.
Nhưng điều đó hoàn toàn không đáng ngạc nhiên đối với phụ nữ châu Á. Trong một chương trình giao lưu giữa các nhà báo châu Á do tập đoàn Clarins tổ chức, một biên tập viên đến từ Hàn Quốc đã tiết lộ rằng phụ nữ Hàn Quốc có phương pháp “7 bước”, nghĩa là trước khi ra khỏi nhà, có ít nhất 7 loại mỹ phẩm (dưỡng và lớp nền) đã được đắp lên da họ.
Theo điều tra của Amore Pacific – hãng mỹ phẩm lớn nhất Hàn Quốc – trên 1.800 phụ nữ tuổi 19 đến 55, dành 17 phút mỗi sáng để sử dụng trung bình 4,2 loại kem dưỡng da cơ bản và 5,6 loại mỹ phẩm trang điểm trước khi ra đường.
Về đặc điểm sinh lý, làn da phụ nữ châu Á mỏng hơn, dễ chịu tác động của môi trường bên ngoài hơn, nhiều hắc sắc tố hơn, và lượng tuyến dầu ít hơn nhưng hoạt động mạnh hơn so với làn da của phụ nữ phương Tây.
Bí mật phương Đông
Thế giới phương Đông có ba trung tâm cung cấp nguyên liệu cổ truyền được các hãng mỹ phẩm chú ý, đó là Trung Quốc, Ấn Độ và Úc.
Phổ biến và lan truyền rộng rãi nhất chính là các bài thuốc Trung Hoa với hơn 3.000 năm lịch sử. Người ta đã biết tới các phương thuốc bí truyền được sử dụng để chăm sóc làn da mái tóc của các phi tần, mỹ nhân nổi tiếng trong lịch sử. Các loại mỹ phẩm này hoàn toàn tự nhiên, tươi sạch, an toàn.
Trong y học Trung Hoa, có gần 1.100 vị thuốc chiết xuất từ các loại thực vật được sử dụng, và từ các vị thuốc này, có khoảng 100.000 loại thuốc được điều chế. Hầu hết chúng đều đã được sử dụng hàng nghìn năm nay.
Không như các loại thuốc hiện đại, trước khi sử dụng, chúng không cần quá trình thử nghiệm lâu dài để xem xét hiệu quả và độc tính.
Bởi thực tế là đã được đảm bảo một cách đáng tin cậy qua một cuộc thử nghiệm có thể coi là quy mô nhất, kéo dài nhất: qua nhiều thế hệ, nhiều thế kỷ.
Qua thời gian, những vị thuốc mang độc tố đã được ghi nhận, người ta đã biết cách sử dụng đúng để tăng hiệu quả và tránh tác động xấu của mỗi vị thuốc.
Phải nói rằng người phương Tây cũng sử dụng các loại thực vật để chiết xuất các hoạt chất cần thiết, nhưng cách sử dụng, chế biến ở phương Đông rõ ràng là hoàn toàn khác biệt.
Không chỉ đơn thuần là các bộ phận cây sấy khô hay các chiết xuất, hương vị, mà cả các nguyên liệu tươi, thô cũng được sử dụng với nhiều phương pháp chế biến đòi hỏi thực hiện vào những ngày nhất định, những mùa nhất định.
Quá trình thực hiện đều làm bằng tay và cách chế biến đã được truyền từ đời nọ sang đời kia.
Ngoài ra, việc sử dụng các nguyên liệu phương Đông, dù là làm thuốc hay mỹ phẩm, còn có mối liên hệ chặt chẽ với chu kỳ mặt trăng.
Theo lý thuyết phương Đông, mặt trăng tác động mạnh mẽ lên trái đất, ví dụ như nước triều lên xuống. Con người và sinh vật có cấu tạo 75% là nước, nên cũng chịu những tác động tương tự với chu kỳ trăng tròn trăng khuyết.
Người ta dựa theo lý thuyết đó trong việc chế biến và sử dụng các nguyên liệu để có tác động tối ưu.
Chính những kinh nghiệm lâu đời này đã được tận dụng để sản xuất nên các loại mỹ phẩm thiên nhiên an toàn và hiệu quả.
Ấn Độ cũng được coi là một vương quốc mỹ nhân với những cô gái có làn da mịn màng óng ả, mái tóc suôn mềm dày dặn và đặc biệt là đôi mắt hút hồn.
Ví dụ như nhan sắc phi thời gian mà cả thế giới ngưỡng mộ là Hoa hậu hoàn vũ Aishwarya Rai, mà tới nay phương thức giữ gìn tuổi trẻ và nhan sắc của cô vẫn là một bí ẩn đối với giới chuyên môn.
Một trong những “sản phẩm” đến từ Ấn Độ ngày nay được triệu triệu người bất kể màu da, sắc tộc ngưỡng mộ và tin dùng cho sức khỏe và sắc đẹp chính là hệ thống lý thuyết và thực hành Yoga.
Ngoài ra, còn có rất nhiều loại nguyên liệu thiên nhiên của Ấn Độ đã được phương Tây ghi nhận từ thời thuộc địa.
Cuộc đua từ bên trong và bên ngoài
Hơn ai hết, các nhãn hiệu mỹ phẩm châu Á hiểu được thế mạnh của mình, và họ bắt đầu dùng chính lợi thế đó để khẳng định vị thế. Điển hình là cuộc đua của các hãng mỹ phẩm Hàn Quốc.
Người ta nói rằng, trước khi có nước hoa hồng, phấn và son, người Hàn Quốc đã có nước dưa leo, bột gạo và son làm từ hoa rum.
Nhà sản xuất mỹ phẩm lớn nhất Hàn Quốc là Amore Pacific năm 2004 đã cho ra mắt kem thảo dược “Sulwhasoo” chiết xuất từ 5 dược liệu phương Đông, nhấn mạnh tuyên ngôn “vẻ đẹp châu Á”.
Đây là kết quả của quá trình nghiên cứu kếp hợp với Đại học Kyung Hee. Sau Hồng Kông, “Sulwhasoo” tiến bước chinh phục Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Nhật, Singapore, Đài Loan, Nga và các thị trường khác.
Tới cuối năm 2007, Amore Pacific đã đạt doanh thu khổng lồ từ dòng sản phẩm này: 400 tỷ won.
Tương tự các nhãn hàng khác của Amore Pacific cũng đi theo thành công đó.
Họ cũng tiến hành các nhóm nghiên cứu khác để phát triển các sản phẩm chiết xuất từ tre, nhân sâm đỏ và gần đây nhất là trà xanh. Công ty đã xây dựng cả một khu vườn và viện bảo tàng riêng giới thiệu về trà xanh.
Một nhãn hiệu khác là The Face Shop lại nắm bắt tác dụng kỳ diệu của gạo, loại ngũ cốc rất phổ biến và giàu vitamin B, E… để cho ra đời dòng sản phẩm đặc biệt.
Bên cạnh đó còn có dòng sản phẩm chiết xuất từ hoa quả, rau củ… Với “đặc sản” này, The Face Shop đã mở 160 cửa hàng tại 18 quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Canada, Úc…
Nhật Bản cũng là thị trường mà ở đó sản phẩm nội địa chiếm ưu thế, và các hãng danh tiếng như Menard, Kanebo, Shiseido… cùng đưa ra các dòng sản phẩm chiết xuất từ linh chi, nhân sâm, trà xanh…
Với các tập đoàn quốc tế, việc tìm kiếm hoạt chất phương Đông có khó khăn hơn, nhưng không vì thế mà không có những nghiên cứu đột phá.
Như ban đầu tôi đã kể, sau quá trình tìm kiếm nguyên liệu, Elizabeth Arden – một biểu tượng của ngành công nghiệp làm đẹp Mỹ – đã cho ra mắt dòng sản phẩm trắng da White Glove với con át chủ bài là tinh chất Emblica tới từ Ấn Độ.
Đây là lần đầu tiên Emblica được sử dụng trong một sản phẩm mỹ phẩm sản xuất công nghiệp.
Clarins, hãng mỹ phẩm thiên nhiên toàn cầu có quê hương là Pháp, cũng không bỏ lỡ cơ hội.
Khi giới thiệu các gói sản phẩm massage với những tên gọi biểu trưng cho địa danh xuất xứ của từng loại nguyên liệu chính, người ta thấy rất nhiều cái tên từ thế giới phương Đông:
Extreme Youth from Kyoto (Nhật Bản); Light from Maori (tên bộ tộc thổ dân của New Zealand); Truly Matter from Mogok (Myamar); New Balance from the Orient; Rising Sun Gentle Exfoliation (chiết xuất tre và cây Monringa kỳ diệu chủ yếu sống ở châu Phi, Ả rập và Nam Á); Youthfulness from Rajasthan (Ấn Độ); Vitality from the Yangtze river (sông Dương Tử ở Trung Quốc)…
Các nhà nghiên cứu trong ngành mỹ phẩm châu Á còn cho rằng, hiện nay xu hướng sản xuất mỹ phẩm từ nguyên liệu lên men đã nhen nhóm và dự báo sẽ gây sốt.
Bạn nghi ngờ ư? Hãy xem sữa chua, dưa muối, rượu… càng để lâu càng thơm ngon và hiệu quả ra sao. Dự kiến các loại mỹ phẩm từ quá trình lên men sẽ thay thế trào lưu mỹ phẩm thiên nhiên trong thời gian tới.
Vũ Thủy |