Trẻ tự ngược đãi bản thân - Tạp chí Đẹp

Trẻ tự ngược đãi bản thân

Sống

Những hành động nguy hiểm mà đứa trẻ cố tình thực hiện để tự làm đau chính mình được các nhà tâm lý gọi là “hành vi ngược đãi bản thân” hay “hành vi tự hoại”.

Cách trẻ “đối mặt” với khó khăn, bế tắc

Có rất nhiều lý do khiến trẻ em thực hiện các hành vi tự ngược đãi bản thân như:

– Giải tỏa cảm xúc tức giận và căng thẳng: Nhiều đứa trẻ sẽ cảm thấy việc tự hành hạ mình như cào cấu, rứt tóc, cắt tay… có thể tạo ra sự thoải mái nhất định trong tình huống các em phải đối mặt với căng thẳng và cảm thấy bế tắc.

– Mang lại cảm giác tự chủ: Khi đương đầu với các sự kiện như bị đe dọa, khiển trách… làm trẻ cảm thấy mất kiểm soát với mọi thứ xung quanh, chúng quyết định thu mình và tìm cách làm chủ chính mình theo một cách tiêu cực, nguy hiểm như tự nhốt mình trong nhà, không nói chuyện, lầm lì, khóc lóc, sợ hãi…

– Trừng phạt chính mình: Trong một số tình huống, khi có việc đáng tiếc xảy ra, trẻ cảm thấy có lỗi hoặc xấu hổ về chính bản thân mình, quy kết rằng tất cả những rắc rối này là do bản thân gây ra, vì thế chúng quyết định trừng phạt chính mình bằng cách đập đầu vào trường, uống thuốc quá liều, tự rạch tay…


 

– Trẻ có cảm giác “hòa nhập” và “đáng sống”: Bị coi thường, trêu chọc, ít được quan tâm khiến trẻ thấy mình như bị tách biệt với thế giới thực. Hành vi tự ngược đãi giúp trẻ cảm nhận rằng mình vẫn còn đang sống như tự đánh mình, cố tình làm gãy tay, gãy chân…

– Thiếu khả năng giải quyết các vấn đề: Nguyên nhân là do trẻ không được trang bị đủ kỹ năng như: tìm hỗ trợ từ người khác, bộc lộ và quản lý cảm xúc, đưa ra các quyết định phù hợp,… Trẻ dễ sợ hãi, trầm cảm, gào thét, cào cấu mình…

Nhìn thẳng sự thật

Nhiều phụ huynh sẽ cảm thấy căng thẳng và tức giận khi con có những hành vi nguy hiểm. Nhưng để giúp con thoát ra những điều này, nên theo những cách sau:

– Chấp nhận và chia sẻ: Thay vì la mắng hoặc tra hỏi nguyên nhân một cách gay gắt thì điều cần thiết là cha mẹ giữ được thái độ bình tĩnh và chấp nhận những gì đang xảy ra với con là thật. Cần nhấn mạnh rằng, đây không phải là một hành động do sự hư hỏng hay chống đối mà đứa trẻ đang gặp vấn đề, một khó khăn thực sự trong cuộc sống.

Cha mẹ không nên gay gắt với trẻ…

– Hãy tạo cơ hội để lắng nghe, an ủi và thấu hiểu những suy nghĩ, mong đợi của con, cho con thấy cha mẹ luôn ở bên cạnh và sẵn sàng giúp đỡ.

Hãy theo dõi thói quen của trẻ, nếu thấy bất thường như tự nhốt mình trong nhà quá lâu, hay cầm dao kéo, người có nhiều vết thương nhưng không phải do ngã hay tai nạn… thì nên hỏi rõ nguyên nhân.

Đặt ra các giới hạn hợp lý với những việc trẻ có thể làm: Trong trường hợp trẻ chưa thể từ bỏ ngay hành vi tự ngược đãi, cha mẹ hãy kiên nhẫn cho con thêm thời gian, động viên và cùng trao đổi về những dự định của con, chẳng hạn: tiếp theo con sẽ làm gì, bằng cách nào… Những trao đổi này có thể giúp con biết giới hạn và có thể giảm được hành vi tự ngược đãi. Trẻ cũng nhận thấy được một cách rõ ràng rằng mọi người vẫn đang thật sự quan tâm và chú ý đến mình.

… Mà hãy chia sẻ và tìm hiểu tâm tư của chúng

– Đảm bảo an toàn cho con. Hãy luôn để mắt đến con, đảm bảo rằng lúc nào cũng có người kịp thời can thiệp khi có sự cố xảy ra. Ngoài ra, nên chuẩn bị những dụng cụ sơ cứu (băng cá nhân, thuốc sát trùng,…) để xử lý khi con gặp nguy hiểm.

– Tìm sự hỗ trợ từ các chuyên gia: Để giúp đỡ trẻ ở mức tốt nhất, cha mẹ có thể tìm đến sự hỗ trợ từ các chuyên gia tâm lý. Điều này sẽ giúp phụ huynh hiểu những hành vi tự hoại và mức độ nguy hiểm đối với con. Chuyên gia sẽ tham vấn cho các em, giúp các em tự chủ hơn.

– Bố mẹ cũng nên trang bị cho con những kỹ năng sống và cách đối mặt với khó khăn. Tuy nhiên, đừng bắt trẻ tự giải quyết mọi vấn đề mà nên có sự tư vấn của bố mẹ.

Theo Sức khỏe

Thực hiện: depweb

15/12/2012, 21:47