Tuy nhiên, các “cánh cửa” mà mỗi tín đồ lựa chọn không phải lúc nào cũng thể hiện được giá trị và đẳng cấp. Điều đó còn phụ thuộc vào sự am hiểu và nhạy bén của họ.
Hàng fake – cứu cánh hay bẫy sập?
Những tín đồ đam mê hàng hiệu chân chính thà xài đồ “no name” chứ không bỏ tiền mua hàng “nhái” thương hiệu mình tôn sung. Tuy nhiên, có cầu ắt có cung, khi giá trị phong cách vẫn bị đánh đồng với “mác hàng hiệu” thì hàng nhái vẫn tràn ngập là thực tế khó tránh.
Sự chênh lệch về giá cả của hàng “fake” và “genuine” là quá lớn, trong khi ranh giới để phân biệt thì ngày càng mong manh. Không ít “con nghiện rởm đời” đã lợi dụng điểm này để khoe mẽ với hàng fake 1, “lập lờ đánh lận con đen” giữa những người có tiền, say hàng hiệu nhưng chưa đủ tỉnh tế để cảm nhận giá trị của các vật phẩm xa xỉ ấy. Nhưng dù thông minh (hay láu cá) và tỏ ra tự tin như thế nào thì những kẻ dùng hàng fake vẫn luôn “sống trong sợ hãi”. Bởi sâu trong thâm tâm, họ không có niềm hãnh diện khi sở hữu món đồ đẳng cấp cùng khoái cảm tận hưởng những dịch vụ tuyệt vời đi kèm với món hàng. Trái lại, cảm giác nơm nớp lo sợ sẽ tràn ngập khi họ bước vào không gian “đậm mùi vật chất”.
Một chị bạn tôi trong lần đi Hồng Kông đã mua một chiếc túi Burberry loại fake 1. Trong một lần đi club, chị bị phát hiện do kéo khóa mở túi trang điểm trong toilet nữ. Dù bên ngoài có giống y như nhau, nhưng chỉ cần tác phong sử dụng và để lộ bên trong túi là có thể bị phát hiện. Giữa chốn thị phi, chị bị coi như một kẻ a dua nửa mùa bởi ánh mắt sắc lẻm của các “con nghiện”. Lần đầu tiên, nữ thạc sĩ đi du học nước ngoài về cảm thấy mình ngu ngốc khi sử dụng một món hàng làm giảm “tầng văn hóa” cũng như phong thái bản thân. Từ đó, chị mới tìm hiểu sâu về các thương hiệu và rất cẩn trọng mỗi khi có ý định bỏ tiền mua hàng hiệu.
Sale off – cơ hội hay sự níu kéo vô vọng?
Với những tín đồ nghiện hàng hiệu thì mùa sale off là “thời khắc vàng” trong năm. Nhưng trớ trêu thay, không phải “thợ săn” nào cũng mang về con mồi béo ú. Săn hàng hiệu trong bão sale off không hề dễ dàng! Bởi thực chất các món hàng được giảm giá thường là của một (thậm chí là vài) mùa trước đó, với dân sành điệu thì đẳng cấp món hàng đã giảm đi ít nhiều. Thử tưởng tượng, bạn trở về sau chuyến “đi săn” ở Hilton Gallery (Singapore) với đôi flatform đan lưới độc đáo của Jimmy Choo, niềm kiêu hãnh chưa được vuốt ve thì cô bạn bên Paris đã kịp “up” chiến lợi phẩn mới là đôi Anita họa tiết da báo trong bộ sưu tập Icons mới nhất Xuân – Hè 2012 lên facebook. Niềm vui săn được hàng hiệu giá rẻ hóa ra cũng không ngọt ngào lắm, khi bạn chỉ là kẻ đến sau!
Những cánh cửa vẫn mở
Khi giấc mơ vẫn còn xa vời so với khả năng tài chính thì bạn không nên “cố đấm ăn xôi” mà mất đi phong thái của một tín đồ thông minh. Nếu bạn không quá dư dả thì việc chạy đua với những món hàng hiệu xa xỉ ấy là bất khả. Ngược lại, bạn hoàn toàn có thể tìm những sản phẩm “no brand” truyền tải được xu hướng của mùa, với một chút nhạy bén và tinh tế của tín đồ khi săn hàng. Bằng cách đó, bạn vẫn luôn đúng mốt và không trở thành nô dịch cho bất cứ thương hiệu nào. Nếu điều đó vẫn chưa thỏa mãn được cơn nghiện thì bạn hãy lấy đó làm động lực làm việc không ngừng nghỉ để có thể xài hàng hiệu đúng mùa.
Biết đâu, khi mang về món hàng mơ ước cũng là lúc bạn được đề bạt, thăng chức vì những cố gắng và thành quả đột biến trong công việc. Đừng dễ dàng buông bỏ giấc mơ hàng hiệu, cũng đừng chạy theo nó một cách mù quáng, mà hãy “yêu đúng cách” để đạt được khoái cảm thụ hưởng thật sự.
Theo Thế giới Gia đình