Thú cảnh đến lợn cảnh - Tạp chí Đẹp

Thú cảnh đến lợn cảnh

DELETED

Người xưa thuần hóa thú hoang trước hết để phục vụ cho cuộc sống của mình: Chó giữ nhà, mèo bắt chuột, ngựa kéo xe, đánh trận, gà báo sáng…

Trong những thế kỷ gần đây, khi khoa học kỹ thuật phát triển, những con thú đã thuần hóa thành gia súc ấy mất đi các “chức năng” nói trên. Chẳng ai cần ngựa kéo xe hay đánh Đông dẹp Bắc; bao thiết bị điện tử vượt xa chó trong việc canh cổng, giữ nhà; thiếu gì loại đồng hồ chính xác mà phải nhờ vả các gã gà trống lươn khươn và hoang đàng…

Một bộ phận trong chúng biến thành những con thú cảnh, được nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa trong các gia đình, đặc biệt ở phương Tây. Tất nhiên, để hoàn thành “nhiệm vụ mới”, chúng khác hẳn đồng loại xưa kia về hình dáng và tính cách.

Số lượng thú cảnh đông không ngờ

Xã hội càng “văn minh”, mức sống càng cao, thú cảnh càng được cưng chiều. Đội ngũ thú cảnh đông đúc hơn bao giờ hết.

Lấy Hoa Kỳ làm ví dụ. Không kể những con thú nuôi chuyên nghiệp trong Vườn Bách thú, Hoa Kỳ là một vườn thú khổng lồ vì dân nước này thích nuôi thú trong nhà một cách khủng khiếp.Theo thống kê mới nhất, thì cứ 10 gia đình, có 6,42 gia đình nuôi một con vật nào đó trong nhà.

Hiện sống chung với họ có 63 triệu các cô chú khuyển, 77 triệu con miu, 16 triệu chồn, nhím, koala, tinh tinh, gấu, đười ươi, 45 triệu chim cảnh, 9 triệu con bò sát như trăn, cá sâu, kỳ đà, rùa (không phải để kinh doanh như Thái Lan, Việt Nam), 7 triệu cá cảnh biển, 185 triệu cá cảnh nước ngọt, 7.000 thú dữ như hổ, báo, sư tử (hơn tổng số những con vật này tại chính quê hương chúng là châu Phi hay Ấn Độ), rồi rắn rết, nhện độc khổng lồ lôi cổ về từ rừng Amazone hoang vu và rậm rạp…

Vì sao người ta thích nuôi thú cảnh?

Các nhà xã hội học đã phân tích: Khi cuộc sống đi lên, chủ nghĩa cá nhân phát triển, kèm theo nhiều hậu quả, tình cảm gia đình trở nên lỏng lẻo, con cái trưởng thành không thích ở cùng bố mẹ. Rất nhiều người già muốn có một con vật nào đó luôn quấn quýt bên cạnh làm “bạn” để an ủi cho đỡ cô đơn.

Nuôi thú, nhất là những con thú lạ, còn là niềm đam mê của không ít người ưa lập dị, hoặc do sự căng thẳng của cuộc sống buộc người ta phải xả stress bằng những phút thư giãn với những con vật vô tư. Cuối cùng, nuôi thú còn là một mốt thời thượng của những người nổi tiếng…

Nếu các nữ diễn viên Hollywood yêu các chú cún chihuahua nhỏ xíu, có thể nằm gọn trong lòng bàn tay, được các nàng ưu ái nhét trong túi ngực, vừa êm ấm vừa thơm tho, thì Madonna lại mê chú chó Pittbull, hình dạng kỳ quái, lùn tịt, hàm bạnh quá cỡ, trông cực dữ dằn.

Lợn cảnh, tại sao không?

Trong số thú cảnh, chó và mèo được ưa chuộng nhất. Chúng dễ nuôi, khá thông minh, sạch sẽ, trung thành và tình cảm. Chim, cá yếu phần… trí tuệ. Các thú khác khó nuôi hơn, tốn thời giờ chăm sóc và đôi khi phải có những kiến thức chuyên môn nào đó. Thú dữ như hổ, báo, sư tử… nuôi rất tốn kém và bản tính hoang dã đôi lúc trỗi dậy, trở thành nguy hiểm khôn lường nên luôn luôn phải cảnh giác.

Tại sao không chọn lợn nhỉ? Phải chăng hình ảnh gã Trư Bát Giới ục ịch, đầy những tật xấu, thói hư đã làm con cháu gã bị mang tiếng lây? Hay vì những câu tục ngữ “bẩn như lợn”, “hôi như lợn”, “ngu như lợn”, “xấu như lợn”… nên lợn bị thành kiến Quan niệm như thế là bất công với lợn. Sự thật thì, chính cách chăn nuôi trong những chuồng chật hẹp đã “bắt buộc” lợn phải bẩn, trong khi bản chất lợn là ở sạch.

Cách đây khoảng 20 năm, rất nhiều nhà ở thành phố phải nuôi lợn ngay trong căn hộ khu tập thể, kể cả trên tầng 4, tầng 5 để cải thiện như kinh tế phụ gia đình. Lợn rất được “quý trọng”, âu yếm gọi là “thủ trưởng” vì “lợn nuôi tôi chứ có phải tôi nuôi lợn đâu?”. Nhiều người còn nhớ lúc ấy, lợn rất thích tắm rửa, biết đi đại tiểu tiện trong toilet, tối chễm chệ trong phòng khách xem tivi và đêm nằm ngủ rất trật tự ở một chỗ nhất định trong góc nhà.

Nói “hôi như lợn” là một sự… vu khống. Lợn không có tuyến mồ hôi, nên khác với chó chẳng hạn, lợn hoàn toàn không có mùi khó chịu của mồ hôi lên men chua lòm dưới tác dụng của vi khuẩn.

Các nhà khoa học đã chứng minh, bảo “ngu như lợn” là hoàn toàn sai lầm. Ngược lại, lợn thông minh nhất trong gia súc, trong các thử nghiệm của nhà chuyên môn, chúng “khôn ngoan” hơn chó và mèo đến 2 lần. Trong bảng sắp xếp trí thông minh, sau khỉ, cá heo, cá voi là đến lợn. Các nhà tâm lý học động vật chứng minh lợn có linh tính và trí nhớ.

Chú lợn con tên Bullet ở bang New Mexico bị bà chủ mang tặng cho bạn cách xa 40 km đã bỏ trốn và trở về nhà cũ với lợn mẹ Daisy của mình. Cuộc hành trình vất vả đã làm chú từ 10 kg, giảm xuống còn có 3kg.

Cũng theo các nhà khoa học nói trên, lợn thông minh giống như một đứa trẻ, chúng phát hiện ra điểm yếu của bạn và nếu bạn nhân nhượng, chúng biết cách “được đằng chân lân đằng đầu”.

Người ta đã huấn luyện lợn phát hiện ma tuý hoặc đồ quốc cấm buôn lậu qua sân bay, bến cảng. Lợn dẫn đường cho người mù. Lợn từng cứu một ông chủ bị nhồi máu cơ tim đến bệnh viện kịp thời. Chăíng thế mà chú lợn Babe đóng trong bộ phim Mỹ “Chú lợn biết bay” làm các em nhỏ say như… điếu đổ.

Người ta quan sát thấy ở lợn những trạng thái tâm lý rất rõ rệt. Chúng cũng biết vui vẻ, buồn chán. giận hờn, bực bội, tò mò, đùa nghịch, giả vờ…

Tóm lại, chẳng có lý do gì để từ chối một con vật đáp ứng đủ các “tiêu chuẩn cao” như vậy tham gia vào đội ngũ hùng hậu của sinh vật cảnh. Có chăng, chỉ vì lý do chúng thiếu những nét dễ thương của một con vật bé bỏng, xinh xinh mà thôi.

Điều phải đến đã đến

Người ta đã nghĩ đến việc đưa lợn thành con vật nuôi làm cảnh từ lâu, nhưng chưa tìm được cơ hội.

Từ năm 1985, chẳng biết ai là người đầu tiên đưa chú lợn ỉ Việt Nam sang Hoa Kỳ và lập tức dấy lên một phong trào nuôi lợn cảnh. Sở dĩ chúng được chọn chính là ở tầm vóc bé nhỏ của chúng, dưới 30kg trong khi người Mỹ thích tạo ra các con vật khổng lồ để tìm hiệu quả kinh tế ở năng suất cao.

Những nhà chọn giống đã dựa trên chú lợn ỉ Việt để lai tạo và cho ra đời khá nhiều dòng lợn mini, tên gọi khác nhau có gốc từ xứ sở hình chữ S. Rất nhiều người tò mò đã đón các chú “Vietnamese potbellied piglet” (chú lợn nhỏ bụng sệ Việt Nam) về gia đình mình chăm bẵm và tìm ra những niềm vui mới bởi cách sống tình cảm và tiếng kêu nũng nịu của lợn.

Trên mạng Internet, bạn có thể tìm ra hàng trăm địa chỉ mua bán, trao đổi lợn cảnh, các website của những người chơi lợn cảnh muốn học hỏi kinh nghiệm, các câu lạc bộ mà chú lợn mini gốc Việt là chiếc cầu nối thân thiết, gắn bó họ với nhau.

Có nhóm người còn ghi âm tiếng ủn ỉn dễ thương của những “mini-heo” này để thảo luận về việc giải mã “ngôn ngữ” của chúng nhằm “hiểu ý nhau tốt hơn”. Nhiều chủ nhân của lợn cảnh có địa chỉ tại Beverly Hills, khu biệt thự sang trọng của các diễn viên hàng đầu Hollywood. Một Hội những người chơi lợn cảnh quốc tế đã thành lập.

Chuyện một chàng Trư ở Hollywood

Ngày 6/12/2006, trên các phương tiện thông tin đại chúng của Mỹ thông báo chú lợn Việt thân thiết của diễn viên Georges Clooney, tên là Max… từ trần sau 18 năm cùng anh chung sống, chia bùi sẻ ngọt và nhận được không ít điện chia buồn. Hình như nó cũng là chú lợn có tuổi thọ cao nhất thì phải.

Clooney là ngôi sao đã từng được giải Oscar và đóng nhiều bộ phim có nổi tiếng như “Từ hoàng hôn đến bình minh”, “Người bạn của Robin”… Anh cho biết chú lợn yêu có vai trò lớn trong cuộc đời của anh và cái chết của Max làm anh bị sốc. Gần đây nó bị viêm khớp và mù một phần. Năm 2001, Max đã một lần bị thương do xe của một người bạn thân anh cán phải.

Song Max “nổi tiếng” từ năm 1997. Hôm ấy, hai người láng giềng của Clooney là Nicole Kidman và Sharon Stone sang chơi. Hai cô đào tinh nghịch buộc Max vào chiếc xe đẩy trẻ em, chất đồ lên, nặng tới 40kg, bắt Max kéo rồi cười ngặt nghẽo. Clooney về bắt gặp, đùng đùng nổi giận và kiện hai cô bạn tại Tòa án Los Angeles về tội hành hạ súc vật. Kết cục, Tòa xử mỗi cô phải bỏ ra 20.000 USD bồi thường cho “Trư công tử” và chính thức xin lỗi chú lợn đến từ Việt Nam.
 

Thực hiện: depweb

24/04/2007, 11:06