LTS: Tuần vừa qua, buổi tọa đàm “Thoát Trung” do Quỹ văn hóa Phan Chu Trinh và NXB Tri Thức tổ chức đã quy tụ nhiều học giả, tri thức và người trẻ đến với vấn đề làm thế nào để thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.
Tọa đàm có lời giới thiệu: “Việc Trung Quốc đặt giàn khoan HD-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã bộc lộ rõ hơn nguy cơ về sự đe dọa từ Trung Quốc đến toàn vẹn chủ quyền của Việt Nam. Tuy nhiên, đó chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Thực tế, đe dọa của Trung Quốc đối với sự độc lập của Việt Nam không chỉ ở vấn đề chủ quyền, mà sâu xa và toàn diện hơn rất nhiều, ở mọi góc cạnh. Theo cách nhìn đó, Việt Nam đang dần trở thành một dạng thuộc địa mới của Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa và tư tưởng. Đây chính là chiếc cùm vô hình của Việt Nam trong suốt hàng nghìn năm qua, không cho Việt Nam bứt phá để phát triển nhanh hơn và hội nhập sâu rộng hơn với thế giới văn minh.
Vậy làm sao để thoát Trung? Làm sao để phát triển? Làm sao để tự giải phóng mình, hầu tự bảo vệ mình và kiến tạo một thời kỳ phát triển mới? Đâu là những trụ cột của một xã hội văn minh mà Việt Nam cần xây dựng? Mỗi cá nhân cần phải làm gì, các chính sách lớn cần phải điều chỉnh theo hướng nào trong bối cảnh mới này?”
Đẹp Online xin gửi tới độc giả các ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề này, tuy vậy, quan điểm chung của những ý kiến được lựa chọn là: Thoát Trung hay thoát ta? Thoát khỏi chính những thói xấu của ta mới khó và cần làm hơn cả.
Phạm Thị Phương Thảo: Buổi tọa đàm “Thoát Trung” chiều này đông chưa từng thấy trong các buổi của NXB Tri Thức. Tiến sĩ Giáp Văn Dương có nhắc đến một trong 7 trụ cột là tinh thần giáo dục khai phóng và các giá trị về đạo đức… Mình chả biết thoát Trung đến đâu, nhưng nhìn cái cảnh nhiều bác già phải đứng hoặc ngồi bệt dưới đất, còn đám trẻ thản nhiên ngồi nghe không nhường chỗ thì thấy là tiến trình thoát còn xa lắm. Mà đây còn là không gian trí thức nhé, thử tưởng tượng toàn xã hội…
Hà Thủy Nguyên: Đây là status đang được cư dân mạng truyền nhau những ngày này:
“Một công nhân làm cho một công ty Nhật ở Việt Nam kể lại, khi một kỹ sư Nhật về nước, ông ấy không ngại ngần nói với người công nhân Việt Nam: “Người Việt các anh sẽ muôn đời khổ. Đấy là vì các anh chỉ biết nghĩ đến những cái lợi lộc nhỏ của cá nhân mà không biết nghĩ đến cái lợi lớn của chung”. Rồi viên kỹ sư minh họa: “Một cái vít chúng tôi phải mang từ Nhật sang giá 40.000 đồng mà rơi xuống đất thì công nhân Việt Nam các anh thản nhiên dẫm lên hoặc đá lăn đi mất, vì nó không phải của các anh. Nhưng các anh đánh rơi điếu thuốc lá đang hút dở giá 1.000 đồng thì các anh sẵn sàng nhặt lên và hút tiếp, cho dù nó bị bẩn, chỉ vì nó là của các anh. Hay như cuộn cáp điện chúng tôi nhập về giá 5 triệu đồng một mét, nhưng các anh cắt trộm bán được có vài trăm nghìn đồng một mét. Tất cả những việc làm đó mang lại chút lợi lộc cho các anh, nhưng gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, vì chúng tôi phải nhập bổ sung hoặc nhập thừa so với cần thiết”.
Còn lái xe của viên kỹ sư đó thì được nghe ông ấy tặng quà có giá trị, và được nghe ông ấy “tâm sự” như sau: “Tôi rất cảm ơn anh lái xe an toàn cho tôi suốt 5 năm qua. Vì anh là người bảo đảm mạng sống của tôi nên anh làm gì tôi cũng chiều, nhưng anh đừng tưởng anh làm gì sai mà tôi không biết. Anh đưa đón tôi ra sân bay quãng đường chỉ hơn 30km, anh khai là hơn 100km tôi cũng ký, anh khai tăng việc mua xăng, thay dầu tôi cũng ký, là vì tôi cần anh vui vẻ lái xe để tôi được an toàn. Nhưng anh và các công nhân Việt Nam đừng tưởng là các anh “vặt” được người Nhật. Các anh nên biết rằng lẽ ra chúng tôi có thể trả lương cao hơn, hoặc tăng lương nhiều hơn cho các anh. Nhưng đáng phải tăng lương cho các anh 500.000 đồng thì chúng tôi chỉ tăng 200.000 đồng. Còn 300.000 đồng chúng tôi phải giữ lại, để chi trả bù đắp cho những trò vụn vặt hay phá hoại của các anh. Cuối cùng là tự các anh hại các anh thôi. Còn chúng tôi cũng chỉ là lấy của người Việt cho người Việt, chứ chúng tôi không mất gì cả”.
Tại sao một người ở nước Nhật lại có tư cách đánh giá một nước khác theo kiểu dạy đời nhỉ? Họ nói đúng nhưng phiến diện, và phiến diện kiểu đó là một dạng thuyết phục, rằng: Mày hãy thần phục tao đi! Mà tại sao mấy bạn nước ta lại tôn sùng như lời vàng thước ngọc?
Phan Hải: Nhớ hôm rồi đi trên đường Hồ Văn Huê, dừng xe đèn đỏ, thấy một anh lấy bao thuốc ra hút, xong quăng luôn cái bao giữa đường. Muốn chạy lên nhặt, nhưng rồi lý do chủ quan khách quan này nọ mà rồi chạy luôn. Thấy day dứt một tẹo. Thi thoảng sự dè dặt, ngại ngùng này nọ làm mình không đủ dũng cảm làm đúng theo điều mình nghĩ. Lần sau sẽ dũng cảm hơn.
Cuộc sống thì luôn nhiều khó khăn, mọi thứ chung quanh thì thay đổi vèo vèo đến chóng mặt, nhưng rõ ràng chính những gì chúng ta đang làm sẽ tác động đến cuộc sống này, đến mọi thứ, mọi người. Tác động thế nào thì tùy mình chọn lựa. Nhận thức được những thứ xấu xí để dũng cảm thay đổi chứ không phải chết chìm trong nó.
Anh chẳng mong mình cải tạo thế giới, anh chỉ mong mình sống vui và thay đổi được gì đó từ chính bản thân mình.
Trong một xã hội kết nối với quá nhiều thông tin, thông tin tràn ngập và phục vụ cho lợi ích tức thời của “một số” nhóm người, nếu như không đủ tỉnh táo để chọn lọc và nhận xét khách quan, đôi khi cách đơn giản nhất là tắt máy tính, ngắt kết nối để nhận ra quanh mình cuộc sống thật sự thế nào.
Bài: L.H (tổng hợp)