Theo những dòng chảy - Tạp chí Đẹp

Theo những dòng chảy

DELETED

1. Markus, người Đức, đang học năm thứ ba, ngành "Phim và truyền hình". Anh đến Canada bằng chương trình trao đổi sinh viên giữa Đại học Curtin, Úc và đại học Ryerson, Canada.

Như vậy, anh sinh viên quốc tế này đã du hành một phần ba quả đất, từ Đức sang Úc, học hai năm, rồi tiếp tục bay thêm một phần ba chu vi quả đất nữa để dừng chân tại thành phố Toronto, Canada.

Điều gì khiến Markus quyết định tạm dừng lãnh hội nền giáo dục Đức – một trong những nền giáo dục nổi tiếng thế giới? Cần phải nói thêm, vào thời điểm Markus rời nước Đức, sinh viên đại học vẫn không phải đóng học phí như hiện giờ.

Thêm nữa, nước Đức tự hào có nền điện ảnh luôn chờ ẵm các giải thưởng cao quí, lại có liên hoan phim Berlin quy tụ nhân tài khắp thế giới.

Markus trả lời: "Đơn giản bởi tôi thích sự đa dạng về văn hóa. Trong chuyến du lịch đến Úc, ba lô trên vai, tôi đi từ thà nh phố này sang thành phố khác, được nói tiếng Anh, kết nhiều bạn bè, tôi quyết định ngay lập tức: mình phải đến Úc để học!". Sau đó, việc chuyển từ Úc sang Canada cũng như một cách "đổi gió" để kích thích học tập và sáng tạo.

Xu hướng đáp ứng sở thích hay ham muốn tức thời kiểu này trong trào lưu "dịch chuyển" thường xảy ra với những cá nhân đã được đáp ứng cơ bản đầy đủ về mặt vật chất và tinh thần và rồi họ tìm kiếm hay chợt nảy ra những đích nhắm khác.

Tuy nhiên, sau khi đạt được mục đích họ thường chưa rõ sẽ làm gì tiếp theo, bởi họ thường chỉ tính từng nước đi một.

Markus thổ lộ: anh chưa nghĩ nhiều đến tương lai. Chuyện du học nước ngoài đối với anh không phải là một tấm vé bắt buộc phải có để gia nhập guồng máy lao động.

Anh vẫn có thể tìm được việc làm có thu nhập ổn định, thậm chí còn cao hơn nhiều nơi khác, tại Đức, mà không cần tấm bằng này.

Markus là một người linh hoạt. Anh nói: "Nếu tìm được công việc tôi thích, thì ở Canada, Úc hay Đức đều không quan trọng".

Mỗi người sinh ra ở một nơi, được nuôi dạy trong những nền văn hóa khác nhau, giờ đây họ đang cùng ở một đất nước rất xa nơi chôn nhau cắt rốn của họ: Canada. Mỗi người vì những lý do khác nhau, đã chọn một con đường để cất bước.

2. Angelo, sinh ra và lớn lên ở đất nước Brazil, mong muốn có được tấm bằng thạc sĩ tại Canada.

Tuy nhiên giờ đây anh vẫn chưa bước chân vào ngưỡng cổng đại học được vì rào cản về ngôn ngữ. Cũng chính vì vấn đề ngôn ngữ mà việc làm thêm ngoài giờ học của anh thiên về lao động chân tay nhiều hơn.

Dù lao động vất vả nhưng Angelo vẫn cảm thấy vui vì anh đang sống bằng đôi tay của chính mình. Anh thổ lộ: "Gia đình tôi ở Brazil cũng thuộc loại có của ăn của để. Tôi từng làm việc trong công ty của gia đình.

Nhưng thật ra vẫn chịu sự quản lí của bố mẹ. Tôi đã tích lũy và quyết định rời khỏi Brazil để có cuộc sống cho riêng mình".

"Rõ là nền giáo dục ở Canada khác với ở Brazil rồi. Nhất là việc kích thích sinh viên tự khám phá và tìm hiểu. Ở Canada người ta còn dạy cả cách tiêu xài và hưởng thụ". Vậy Angelo có bị sốc khi đối mặt với sự thay đổi lớn về mặt văn hóa – xã hội như vậy?

"Có chứ! Tôi từng có cô bạn gái người Canada. Cô ấy thường có kiểu "tôi-anh vui vẻ" rồi "đường ai nấy đi", thật lạnh lùng! Nhưng dần tôi cũng quen, văn hóa người ta thế mà! Đôi khi họ chỉ muốn thỏa mãn bản thân mà không muốn có thêm trách nhiệm nào nữa".

Angelo dự tính, “Sau khi có được tấm bằng thạc sĩ, tôi sẽ có vị trí cao hơn so với những người cùng thế hệ ở Brazil”. Khi được hỏi, liệu anh có muố n trở lại quê nhà để sống và làm việc không, Angelo trả lời: "Tôi sẽ trở về Brazil chứ, nhưng chỉ để nghỉ ngơi thôi!"

3. Sina, người Iran, đích đến cuối cùng của anh không phải Canada mà là Mỹ. Tuy nhiên, Sina có tính đường xa hơn. "Nhiệm vụ của tôi bây giờ là học", Sina nói, "Tôi đang thực hiện luận án tiến sĩ của mình về công nghệ chẩn đoán hình ảnh".

Sau khi đã có tấm bằng tiến sĩ trong tay, anh cho rằng mình sẽ có nhiều cơ hội để làm việc rồi định cư tại Mỹ. Tuy nhiên, có bằng tiến sĩ trong tay đôi khi lại ít cơ hội tìm được việc hơn một người công nhân. Bởi vì "một công ty cần 1.000 thợ thì họ chỉ cần một “ông thầy”.

Hơn nữa, họ phải trả lương cho ông thầy này gấp mấy lần lương của một người thợ. Do đó, làm thợ dễ được nhận vào làm việc hơn", Sina giải thích. Tình trạng này được gọi là "over-qualify", tạm dịch là "quá tiêu chuẩn".

Người viết bài này cũng đã từng chứng kiến một người có tấm bằng cao học trong tay, đi xin việc tại Úc và bị nhiều công ty từ chối thẳng thừng vì nhà tuyển dụng chỉ muốn nhận người có trình độ đại học.

Bản thân Sina hiện giờ đang làm công tác trợ giả ng. "Cũng vui lắm, sinh viên ai cũng thích tôi hết. Có lẽ vì tôi cũng là sinh viên nên tôi hiểu họ muốn gì từ bài giảng của tôi". Sina cũng hứa hẹn. “Tôi sẽ về giảng dạy ở Iran chứ. Nhất định rồi! Nhưng chỉ khi có sự thay đổi lớn về cách quản lí”.

4. Canada có lẽ chỉ là điểm dừng tạm thời. Họ, Markus, Angelo, Sina và rất nhiều người khác sẽ còn theo dòng dịch chuyển về những chỗ trũng khác, âu cũng là quy luật của tự nhiên. Để rồi, đến một lúc nào đó, tình yêu tổ quốc và niềm tự hào dân tộc kéo họ ngược dòng về quê nhà./.

Thực hiện: depweb

10/11/2006, 09:38