Những chàng trai cô gái của thế hệ 10X sẽ không bao giờ có dịp hoài niệm về một thời đại không có Internet và điện thoại thông minh. Họ sinh ra và lớn lên trong giai đoạn xã hội đầy rẫy thông tin, không ít trong số đó là fake news – thông tin giả. Đó là một thế hệ mà những khái niệm như hòa bình, quyền bình đẳng giới, quyền phụ nữ được coi là điều tất yếu. Đó cũng là thế hệ chứng kiến sự trỗi dậy của chủ nghĩa hư vô, sự thiếu vắng những bộ phim hài lãng mạn. Một thế hệ có phần già trước tuổi, nhiều hoài nghi và thừa thãi vẻ bất cần.
Khi “Make me (cry)” ra mắt, Noah Cyrus mới chỉ 16 tuổi. Hồi cùng độ tuổi đó, chị gái của Noah là Miley Cyrus vẫn đang sống cuộc đời của Hannah Montana, dù là một cuộc đời phân thân trái khoáy nhưng vẫn đẹp như cổ tích. Thế mà ở chiều ngược lại, “Make me (cry)” mô tả thế giới của Noah nặng trĩu những vết thương, với những câu hát phô bày sự đau khổ nhưng nông nổi: “Em sẽ là cái chết của anh”, hay “Yêu anh có thể khiến Jesus phát khóc”. Và nếu như Miley tuổi 16 xinh xắn hồn nhiên như cô gái nhà bên thì Noah 16 tuổi tuềnh toàng, ánh mắt buồn chếnh choáng, có phần già hơn tuổi thật.
Tài tử Johnny Depp chính thức nổi tiếng vào giữa thập niên 80 khi series phim hình sự “21 jump street” được phát hành, anh vào vai một chàng cảnh sát có gương mặt trẻ thơ, mái tóc bồng bềnh lãng tử. Còn giờ đây, kém hơn cha ngày đó một vài tuổi, Lily-Rose Depp, hậu duệ của tài tử lừng danh, cũng bắt đầu giấc mộng xa hoa với điện ảnh. Nhưng thay vì hóa thân thành nàng công chúa viết nhật ký hay một siêu sao trường trung học, Lily-Rose lại chọn ngả đường ít người phiêu lãng: nghệ sĩ múa huyền thoại với cuộc đời bi ai (“The dancer”), người em gái với năng lực liên hệ cùng âm giới của Natalie Portman (“Planetarium”), tham gia tác phẩm chuyển thể từ những vở bi kịch của đại văn hào William Shakespeare (“The king”), xuất hiện trong thước phim tài liệu về những người phụ nữ Ấn Độ sống trong một xã hội nam trị khép kín, nơi ngay cả kinh nguyệt cũng là một điều cấm kị.
Vẫn là quá sớm để nói liệu Lily-Rose Depp có ngày nào vươn đến một biểu tượng màn ảnh như cha cô hiện tại, hay liệu Noah có thể nào bước vạn dặm xa trên con đường âm nhạc như người chị một thời, nhưng ít nhất, họ chưa từng phải đóng khung vào một hình mẫu không thật là mình.
Thế hệ thiếu vắng những bộ phim lãng mạn
Những tác phẩm cho lứa tuổi teen thời đại 2000 không còn là câu chuyện ngàn lẻ một đêm về những công chúa hoàng tử Disney hài hước, trong veo, với “mối tình đầu là hạt sương trăm năm” kiểu Troy Bolton và Gabriella Montez hay Mitchie Torres và Shane Gray. Ngay đến thói chảnh chọe, xấu tính của Sharpay (“Highscholl Musical”) và những cô cậu bé nhà giàu trong “Boys over flowers” đối với họ cũng đã lỗi thời, chẳng khác gì lũ trẻ ranh ngốc nghếch.
Nếu họ xem “You’ve got mail” của Meg Ryan và Tom Hanks, có lẽ họ sẽ review lại rằng: “Sally có kiểu tóc kinh khủng, viết email cho một người hoàn toàn xa lạ, yêu anh ta và trò chuyện với anh ta qua đường truyền wifi chậm nhất quả đất. Và thay vì bị sát hại bởi một tay giết người hàng loạt, cô và Forest Gump sống hạnh phúc suốt đời (không thể tin được!)”. Thế hệ của họ gắn liền với sự trỗi dậy của chủ nghĩa hư vô. Họ nhiều hoài nghi hơn, ít niềm tin hơn, lắm nỗi sợ hãi và thừa sự bất cần.
Cái chết của Hannah Baker trong “13 reasons why” tuyệt nhiên không giống như cái chết của Naoko trong “Norwegian wood”, dù cùng là tự tử. Nếu như Naoko là một vùng hoang hoải của tuổi trẻ cô đơn, là bài thơ thi vị hóa nỗi đau của sự tồn tại, lôi kéo người đọc vào một cõi mơ thay vì cố gắng thức tỉnh một điều gì đó, thì Hannah Baker, hết sức thẳng thắn, là nạn nhân của những trò bắt nạt, quấy rối, một lời kêu cứu muộn màng, một lời cảnh tỉnh, một cái nhìn không nhòe mờ hay biện bạch của thế hệ đương đại vào góc tối học đường.
Các tác phẩm làm mưa làm gió trong cộng đồng thiếu niên hiện đại phức tạp hơn nhiều, đó là những series Netflix không vòng vo về vấn đề giới tính (như “Sex education”), hay những hài kịch đen bóc trần một thế giới bị nhào nặn bởi truyền thông, công nghệ, trí tuệ nhân tạo (“Black mirror”). Chất lãng mạn thuần khiết của “Nhật ký tiểu thư Jones” hay “Notting hill” bị thải loại. Một mối tình muốn gây sốt, giờ phải gắn lớp lang với một đề tài có tính xã hội hơn, như tình yêu đồng tính trong “Love, Simon” hay như cuộc sống của tầng lớp siêu giàu châu Á trong “Crazy rich Asians”.
Không ngại đả phá những thành quách già nua
Những ngôi sao thế hệ Z không cần che đậy “con quái vật” gào rú bên trong mình. Họ vô tư thể hiện cái tôi, không ngại đả phá những thành quách già nua kiên cố về đạo đức và chuẩn mực. Họ không nhất thiết phải như Robert Pattinson và Kristen Stewart, tìm một con đường tắt để thành danh trước khi thực sự lột xác là chính mình. Nếu muốn, họ có thể ngay lập tức bập vào những nhân vật quái đản, bất toàn, từ chối những công thức có sẵn cho một ngôi sao thần tượng. Hãy nhìn Asa Butterfield hay Sophie Nélisse là biết!
Họ cũng không cần xuất phát điểm là một hình tượng ngôi sao nhạc pop chải chuốt, dễ mến hòng vuốt ve khán giả. Đùng một cái, họ quá độ đến tuổi nổi loạn. Bởi họ có quyền tự chủ, tự do phát hành nhạc và xây dựng đế chế riêng trên mạng xã hội cơ mà? Họ tận dụng tối đa YouTube, Instagram, không ngại những kẻ bảo thủ cho rằng mạng xã hội là công cụ không được chính chuyên như vô tuyến, báo đài.
Khi Billie Eilish – 17 tuổi – đầu tóc xõa xượi, quần áo lùng nhùng bước lên sân khấu Coachella, hát những ca từ u ám như “Bury a friend”, hát “All the good girls go to hell”, đột nhiên quên lời và khiến khán giả cuồng điên vì điều đó, thì chúng ta biết rằng một thời đại văn hóa mới đang đổ bộ, một thời đại mà như Eilish rên rỉ trong lời ca của mình: đến “Thượng đế, bà ấy cũng có kẻ thù”, và đến Thượng đế cũng khát khao “ác quỷ về đội của mình”.
Đọc thêm
– Thế hệ 10x – thế hệ không cần đánh đổi để được là chính mình
– Trà My – nữ chính phim “Vợ ba”: 12 tuổi và cái ngắt nhéo cho lần đầu đóng cảnh vợ chồng
– Dương Anh Thức: thế hệ 10X nói chung đang dư thừa kết nối nhưng cô đơn
– Thế hệ 10x: già trước tuổi, nhiều hoài nghi và thừa thãi vẻ bất cần